Đọc
‘Kết Luận Điều Tra’ vụ Vạn Thịnh Phát : Chết và hóa giải trách nhiệm
29/11/2023
Vấn đề đầu tiên là hàng loạt những trường hợp đột tử
có liên quan đến việc khởi tố vụ án song Kết luận điều tra (KLĐT) chỉ xác định
gọn lỏn “đã chết”.
https://gdb.voanews.com/80470000-c0a8-0242-f29f-08daac6feba4_w650_r1_s.jpeg
Tuy nhiên sau đó chỉ hai ngày, một
trong năm bị can đầu tiên là bà Nguyễn Phương Hồng đột tử trong trại tạm
giam.
Phần 1
Nếu có và chịu khó dành thời gian đọc hết 300 trang “Kết luận điều
tra vụ án Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân
hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động của ngân hàng, Đưa hối
lộ, Nhận hối lộ, Tham ô tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy
ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên
quan” mà ông Nguyễn Ngọc Lâm – Thiếu tướng Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh
sát điều tra (CSĐT) của Bộ Công an - ký ngày 12/11/2023, hẳn sẽ nhận ra nơi soạn
và phát hành văn bản này chưa “xác định sự thật của vụ án một cách khách
quan, toàn diện và đầy đủ” như quy định tại Điều 15 của Bộ Luật Tố tụng
hình sự (TTHS) (1).
***
Vấn đề đầu tiên là hàng loạt những trường hợp đột tử
có liên quan đến việc khởi tố vụ án song Kết luận điều tra (KLĐT) chỉ xác định
gọn lỏn “đã chết”.
Theo trang 1 của KLĐT thì vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được
khởi tố vào ngày 7/10/2022, năm người đầu tiên bị khởi tố là để điều tra về
hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên sau đó chỉ hai
ngày, một trong năm bị can đầu tiên là bà Nguyễn Phương Hồng đột tử trong trại
tạm giam. Vào thời điểm thực hiện quyết định khởi tố và lệnh tạm giam, qua báo
giới, công an xác định bà Hồng là “Trợ lý của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”
nhưng một số cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam, trong đó có VOA Việt ngữ
tìm thấy những dữ liệu cho thấy thông tin về nghề nghiệp và nơi làm việc của bà
Hồng không chính xác.
Chẳng hạn ngày 11/10/2023, Infonet – cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin
Truyền thông Việt Nam – tố cáo “SCB bất ngờ gỡ bỏ toàn bộ thông tin giới thiệu
các thành viên Hội đồng quản trị” và theo Infonet thì bà Hồng “có hơn 11
năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại SCB như:
Trưởng phòng Tín dụng, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh,
Phó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc chi nhánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối
Tái thẩm định kiêm Giám đốc chi nhánh, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc
phụ trách khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB”.
Tố cáo vừa kể vô tình xác định công an cố tình vi phạm Khoản 2, Điều
179 của Bộ Luật TTHS (chủ động khiến công chúng nhận biết sai về nhân thân bị
can) nên đó có thể là lý do khiến Infonet... tự ý đục bỏ tố giác của chính
mình (2). Ở trang 15 của KLĐT mới công bố, công an chính thức xác định
bà Nguyễn Phương Hồng là một trong những “lãnh đạo chủ chốt của SCB”
và “chết vào ngày 9/10/2023, khi đã khởi tố bị can”. Điều tra các vi phạm
pháp luật nhưng chủ động vi phạm pháp luật khiến công chúng hiểu sai về thực trạng
SCB và thản nhiên bỏ qua vi phạm này của chính mình thì có đáng tin về mức độ “khách
quan, vô tư” chăng?
Cần lưu ý, việc bịa đặt chức vụ và nơi làm việc của bà Hồng nhằm giữ
cho SCB không sụp đổ. Sự gian trá của công an và các viên chức cao cấp của Ngân
hàng Nhà nước đã tạo ra một vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khác. Đây là
tin báo chí Việt Nam từng loan và đó chính là bằng chứng: Cuối ngày
13/10/2022, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết,
nhiều khách hàng, người dân sau khi nhận được thông tin tư vấn, giải thích từ
đường dây nóng của NHNN chi nhánh TPHCM đã yên tâm và gửi tiền lại Ngân hàng
TMCP Sài Gòn (SCB). Cuối ngày hôm nay lượng tiền gửi trở lại ngân hàng SCB đạt
gần 12.000 tỉ, tăng gấp đôi so với hôm qua là 6.000 tỉ đồng (3).
Nếu đặt những thông tin vừa đề cập bên cạnh nhận định của công an tại
trang 5 KLĐT: Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng
rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỉ đồng -
tự nhiên sẽ thấy việc ngụy tạo chức vụ và nơi làm việc của bà Hồng nghiêm trọng,
tàn tệ đến mức nào. Chưa kể, nhà nước pháp quyền XHCN còn cho phép công an càn
rỡ đến mức “khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ,
phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang
mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự” và từ tháng 10 đến
tháng 12/2022 đã xử lý hàng chục người bình luận về SCB để răn đe dân
chúng (4).
***
Ở Cộng hòa XHCN Việt Nam, con người chẳng là gì cả,
bị can chết trong khi tạm giam được xem là chuyện bình thường, cũng vì vậy,
không có bất kỳ cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc bà Nguyễn Phương Hồng
đột tử, cũng không có bất kỳ cá nhân hữu trách nào yêu cầu báo cáo – xác định để
bà Hồng đột tử, những ai phải chịu trách nhiệm, dân chúng cũng không được phép
biết vì sao lại thế và vu án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB,
các đơn vị, tổ chức có liên quan không chỉ có một trường hợp bất đắc kỳ tử. Nếu
chịu khó nhìn lại những trường hợp đột tử có thể tự nhận định KLĐT chỉ nhằm kết
thúc một vụ án hay nhằm xác định sự thật của vụ án...
(còn tiếp)
-------------
Chú thích
*****
Đọc
‘Kết Luận Điều Tra’ vụ Vạn Thịnh Phát : Chết và hóa giải trách nhiệm (tiếp
theo)
29/11/2023
Vụ tự tử của ông Nguyễn Ngọc Dương, 49 tuổi, xảy ra
đúng một tuần sau khi năm bị can đầu tiên trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn
Thịnh Phát bị bắt. Vào thời điểm đó...
https://gdb.voanews.com/80470000-c0a8-0242-5035-08dab2b0de9f_w650_r1_s.png
Tòa nhà Times Square ở trung tâm Sài
Gòn thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Quyết định khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng với quyết định khởi tố và tạm giam năm bị can đầu
tiên được ký và thực hiện ngày 7/10/2022 nhưng trước đó một ngày – hôm
6/10/2023 – ông Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc
Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt) đột tử tại tư gia (1). Vào thời
điểm đó, dựa vào các thông tin trên mạng xã hội, tờ Người Việt cho biết, ông
Thành “té lầu” (2). Việc ông Thành “bất đắc kỳ tử” chỉ
trước khi những cá nhân dính líu sâu đến hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
bị khởi tố và tạm giam một ngày có phải là ngẫu nhiên không?
Không thể khẳng định là có hay không nhưng đây là nhận định của công an
trong Kết Luận Điều Tra (KLĐT) vừa được công bố: "Hệ sinh thái Vạn Thịnh
Phát" được chia làm bốn nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau”.
Trong bốn nhóm này, tại trang 5 và 6, KLĐT xác định nhóm thứ nhất là “nhóm định
chế tài chính” và nguyên văn như sau: “Nhóm định chế tài chính Việt Nam
gồm SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Việt
Vĩnh Phú”! Không chỉ có ông Thành, lãnh đạo của một doanh nghiệp quan trọng
trọng nhóm thứ hai mà KLĐT xác định là “Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh
tại Việt Nam” là ông Nguyễn Ngọc Dương (Tổng Giám đốc Saigon Peninsula)
cũng đột tử.
Tại trang 8, KLĐT chỉ xác định ông Dương – người đứng đầu Công ty cổ phần
Tập đoàn Saigon Peninsula, pháp nhân đứng hàng thứ ba trong số “các pháp
nhân có liên quan đến vụ án” (chỉ sau Công ty cổ phần Tập đoàn Van Thịnh
Phát do bà Trương Mỹ Lam là Chủ tịch HĐQT và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Vạn
Thịnh Phát do em dâu bà Lan là bà Ngô Thanh Nhã làm Tổng Giám đốc) – “đã chết”
nhưng ông Dương chết hoàn toàn khác thường. Tờ Người Việt dẫn các thông tin
trên mạng xã hội cho biết, ông Dương tự tử bằng cách nhảy từ một căn hộ ở tầng
12 thuộc chung cư Grand Riverside, tọa lạc ở 278 – 283 đường Bến Vân Đồn, quận
4, TP.HCM xuống đất vào sáng 14/10/2023.
Vụ tự tử của ông Nguyễn Ngọc Dương, 49 tuổi, xảy ra đúng một tuần sau
khi năm bị can đầu tiên trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt.
Vào thời điểm đó, người sử dụng mạng xã hội chuyển cho nhau xem “Lời dặn
gia đình” được cho là đã tìm thấy trong người ông Dương. Qua lá thư
tuyệt mạng chỉ có sáu dòng, ông Dương căn dặn vợ “nghỉ việc, lo cho hai
con em nhé”, căn dặn con trai “giá nào cũng phải học thành tài, lo
cho gia đình và đất nước”, con gái “mạnh mẽ và học nhé!” Rồi kết
thúc bằng: “Ba đã phải trả giá bằng cả cuộc đời, nên gia đình phải hạnh
phúc!”. Tuy nhiên chỉ có mạng xã hội và các cơ quan truyền thông bên ngoài
Việt Nam công bố những thông tin này.
***
Từ khi báo giới Việt Nam khai thác các KLĐT, chẳng mấy người tin vụ án “Tham
ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và hoạt động
khác liên quan đến hoạt động của ngân hàng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Tham ô tài
sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh
Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan” chỉ vì “100%
thành viên Đoàn thanh tra nhận tiền để dung túng SCB” (3). Chẳng
lẽ những người nếu không hỗ trợ thì cũng làm ngơ để bà Lan thâu tóm vô số bất động
sản thuộc loại đắc địa trong vài thập niên, rồi thâu tóm SCB và tiếp tục “chọc
trời, khuấy nước” thêm một thập niên nữa hoàn toàn vô tư nên vô can?
Nếu ông Thành không “đột tử” tại tư gia trước
khi quyết định khởi tố vụ án được công bố, lệnh khởi tố và tạm giam bị can được
thực thi, bà Hồng không “đột tử” trong trại tạm giam, ông Dương không tự
tử,... công an có thể khoanh lại rồi trút toàn bộ trách nhiệm quản trị - điều
hành của hệ thống công quyền lên các viên chức tham gia thanh tra SCB không? Hai tháng
trước khi bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, một vài cơ quan truyền thông tại Việt
Nam từng đề cập đến những trục trặc trong việc thực hiện Dự án Khu công viên
Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị tọa lạc tại phường Phú Tân, quận 7, TP.HCM mà Công
ty cổ phần Tập đoàn Saigon Peninsula đang làm chủ đầu tư.
Năm 2007, chính quyền TP.HCM đã giao khoảng 110 héc ta đất cho liên
doanh có Vạn Thịnh Phát. Dự án không được thực hiện nên chính quyền TP.HCM phải
gia hạn lần một vào năm 2009 và lần hai vào năm 2011. Bởi dự án còn khoảng 8
héc ta nữa cần thương lượng với dân sở tại để trả tiền bồi thường, nhận chuyển
nhượng nhưng không thực hiện đúng thỏa thuận nên cuối năm 2022, có 29 gia đình
kiện Saigon Peninsula – đại diện của Vạn Thịnh Phát ở Tòa án quận 7 đòi phải
thanh toán khoảng 2.100 tỉ đồng tiền đền bù đất và lãi suất do chậm thanh toán.
Dù Saigon Peninsula không xuất trình được chứng cứ đã thanh toán cho người được
ủy quyền nhưng tòa án vẫn bác đơn kiện của dân (4)...
Những lùm xùm kiểu đó cho thấy, dính dáng đến bà Lan và Vạn Thịnh Phát
không chỉ có thanh tra ngân hàng... Ngày 19/11/2022 – hai tháng rưỡi sau khi bà
Trương Mỹ Lan bị tạm giam – báo chí Việt Nam loan tin ông Hứa Ngọc Thuận (cựu
Phó Chủ tịch TP.HCM từ 2009 đến 2016) “qua đời sau một tai nạn tại nhà
riêng trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM” (5), nhiều
người sử dụng mạng xã hội không tin đó là “tai nạn”, họ cho rằng ông Thuận
tự tử, cũng như họ không tin rằng ông Nguyễn Văn Hùng (Ủy viên BCH TƯ đảng đảm
nhiệm vai trò Phó Chủ nhiệm UBKT của BCH TƯ đảng CSVN) “đột ngột từ trần”
hai ngày sau khi ông Thuận bị “tai nạn” (6) là “bình
thường” (7)...
***
Cố tình cung cấp thông tin sai lạc, vừa hăm dọa vừa trừng phạt để răn
đe - ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, nhận định và lập lờ trong việc xác nhận
sự kiện là lý do chính khiến KLĐT vụ án có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và Vạn
Thịnh Phát trở thành hết sức đáng ngờ khi thiên hạ chịu khó so sánh, đối chiếu
với những gì họ đã biết. Trong bối cảnh như hiện nay và từ chính nội dung được
thể hiện trong KLĐT, liệu sự mệnh một của những nhân vật liên quan đến Vạn Thịnh
Phát có phải là những sự kiện ngẫu nhiên mà nhờ vậy hóa giải trách nhiệm cho
nhiều nơi, nhiều người?
------------------
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/chu-tich-chung-khoan-tan-viet-nguyen-tien-thanh-dot-ngot-qua-doi-2067746.html
(3) https://vnexpress.net/100-thanh-vien-doan-thanh-tra-nhan-tien-de-dung-tung-cho-scb-4679130.html
(4) https://vietnambiz.vn/dien-bien-moi-tai-du-an-mui-den-do-2022831143136379.htm
(7) https://baotiengdan.com/2023/11/22/dang-va-nha-nuoc-phai-chiu-trach-nhiem-ve-qua-bom-van-thinh-phat/
No comments:
Post a Comment