Wednesday, 29 November 2023

ẤN ĐỘ PHÁ ĐÁ, TIẾP CẬN ĐƯỢC 41 CÔNG NHÂN MẮC KẸT TRONG ĐƯỜNG HẦM BỊ SẬP (Reuters)

 



Ấn Độ phá đá, tiếp cận được 41 công nhân mắc kẹt trong đường hầm bị sập

Reuters

28/11/2023

https://www.voatiengviet.com/a/an-do-pha-da-tiep-can-duoc-41-cong-nhan-mac-ket-trong-duong-ham-bi-sap/7373483.html

 

Các nhân viên cứu hộ Ấn Độ hôm 28/11 đã mở đường xuyên qua đá và đống đổ nát để tiếp cận 41 công nhân xây dựng bị mắc kẹt trong một đường hầm bị sập ở dãy Himalaya trong 17 ngày nay.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-c873-08dbf022c40a_w650_r1_s.jpg

Một trong các công nhân bị mắc kẹt được đưa ra ngoài ở bang miền bắc Uttarakhand, Ấn Độ

 

Quá trình đưa 41 công nhân này ra ngoài bằng cách đặt từng người một trên chiếc cáng có bánh xe đi qua đường ống nhỏ chỉ có bề rộng 90 cm sẽ sớm bắt đầu, các quan chức cho biết.

 

Ba đội cứu hộ, mỗi đội 4 nhân viên, trước tiên sẽ vào khu vực nơi các công nhân bị mắc kẹt để chuẩn bị cho họ được đưa ra, ông Syed Ata Hasnain, thành viên của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia giám sát các nỗ lực cứu hộ, cho hay.

 

“Chúng tôi tham gia vào công việc này đã hơn 400 giờ và đang thực hiện tất cả các biện pháp an toàn đề phòng cho đến khi kết thúc chiến dịch”, ông nói trước báo giới ở New Delhi và cho biết sẽ mất từ 3 đến 5 phút để đưa từng người trong số 41 công nhân bị mắc kẹt ra ngoài.

 

Những nam công nhân này, là lao động lương thấp từ bang nghèo nhất của Ấn Độ, đã bị mắc kẹt trong đường hầm dài 4,5 km ở bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ, kể từ khi nó bị sập hôm 12/11.

 

Họ đã được cung cấp thức ăn, nước, ánh sáng, oxy và thuốc men qua một đường ống nhưng nỗ lực dùng máy khoan công suất cao đào một đường hầm để giải cứu họ bị thất bại vì một loạt các trở ngại.

 

Các cơ quan chính phủ xử lý khủng hoảng chưa từng có này hôm 27/11 đã tìm đến các ‘thợ chuột chũi’ để nhờ họ dùng tay khoan xuyên qua đá và sỏi từ bên trong một đường ống sơ tán rộng 90 cm được đẩy chui qua đống đổ nát sau khi nỗ lực đào bằng máy thất bại.

 

Các thợ đào này là những chuyên gia của một phương pháp thô sơ, nguy hiểm và gây tranh cãi vốn chủ yếu được dùng để lấy than qua các lối đi hẹp, và họ được gọi là ‘thợ chuột chũi’ vì họ giống như những con chuột chũi đào hang.

 

Các thợ đào này, được đưa đến từ miền trung Ấn Độ, đã làm việc suốt đêm 27/11 và cuối cùng đã khai thông được khoảng 60 mét đá, đất và kim loại vào chiều ngày 28/11.

 

“Công việc đặt ống trong đường hầm để đưa công nhân ra ngoài đã hoàn thành,” Thủ hiến bang Uttarakhand, ông Pushkar Singh Dhami, viết trên X, và cảm ơn thần Baba Baukh Nag Ji trong đạo Hindu, cũng như hàng triệu người dân Ấn Độ đã cầu nguyện cho các nạn nhân và những công nhân cứu hộ đã làm việc không mệt mỏi.

 

“Chẳng bao lâu nữa, tất cả anh em công nhân sẽ được đưa ra ngoài”.

 

Hàng chục nhân viên cứu hộ với dây thừng, thang và cáng đã vào đường hầm và 41 xe cứu thương xếp hàng bên ngoài để đưa 41 công nhân đến bệnh viện cách đó khoảng 30 cây số.

 

Máy bay trực thăng đã tức trực sẵn để đưa công nhân đến một bệnh viện lớn hơn ở thành phố Rishikesh trong trường hợp có ai trong số họ cần điều trị đặc biệt.

 

Một cơ sở cứu chữa dã chiến với 10 giường bệnh và bình oxy cũng được thiết lập bên trong đường hầm cho những ai cần cấp cứu tại chỗ, các quan chức cho hay.

 

Một số nhân viên cứu hộ đội mũ bảo hiểm làm dấu hiệu chiến thắng và tạo dáng chụp ảnh. Những người khác mang vòng hoa cúc chào đón các công nhân bị kẹt ra ngoài theo phong cách truyền thống của Ấn Độ.

 

Thân nhân của những người bị kẹt, đã tá túc tạm trong lều trại gần đó, đã được đưa vào bên trong đường hầm cùng với hành lý – họ đã sẵn sàng đi cùng người thân của họ đến bệnh viện.

 

“Khi con bước ra, trái tim tôi sẽ sống lại một lần nữa”, cha của một công nhân mắc kẹt, cho biết tên là Chaudhary, nói về con trai ông, Manjeet Chaudhary.

 

Đường hầm này là một đoạn thuộc đường cao tốc Char Dham trị giá 1,5 tỷ đô la, một trong những dự án tham vọng nhất của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm kết nối bốn địa điểm hành hương của đạo Hindu thông qua mạng lưới đường bộ dài 890 cây số.

 

Nhà chức trách chưa cho biết nguyên nhân đường hầm bị sập nhưng khu vực này dễ bị lở đất, động đất và lũ lụt.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats