Monday 18 September 2023

NÓI GÌ và NGHĨ GÌ? (Phạm Quang Long)

 



Nói gì và nghĩ gì?

Phạm Quang Long

18/09/2023

https://baotiengdan.com/2023/09/18/noi-gi-va-nghi-gi/

 

Sáng nay, các công sở, trường học ở Hà Nội dành một phút tưởng niệm các nạn nhân trong vụ cháy thảm khốc. Mấy hôm nay Hà Nội đã cho tạm ngừng các hoạt động vui chơi giải trí công cộng. Vì muốn chia sẻ nỗi đau với người gặp nạn. Không ít thông báo của các gia đình hảo tâm mời gia đình những người trong vụ cháy chưa có chỗ ở đến ở tạm nhà mình – một sự chia sẻ vô cùng cần thiết, kịp thời, đáng trọng. Bao nhiêu người đã đến đặt hoa, đóng góp vào quỹ giúp đỡ người bị nạn không cần ai kêu gọi. Thủ tướng, Bí thư Hà Nội đã đến tận nơi chỉ đạo giải quyết hậu quả, thăm hỏi người bị nạn…

 

Người ta phê phán gay gắt màn múa hát trong lễ trao giải báo chí do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức và lấy làm tiếc vì hôm ấy Ban tổ chức không dành một phút tưởng nhớ người đã khuất và cắt màn hát múa đi. Dù việc đã định rồi nhưng vẫn có cách vừa được việc, vừa hợp đạo lý chứ để thế thì thờ ơ và vô tâm quá. Người ta phẫn nộ khi các nhà hát vẫn biểu diễn như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Đó là sự phê phán và phẫn nộ theo lẽ phải thông thường.

 

Đọc cái công văn của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch gửi cho Bộ Thông tin và Truyền thông về việc “xử lý” những trang mạng phê phán chuyện này rò rỉ ra ngoài mà ngán ngẩm. Ngán tư duy của quan chức, ngán cách ứng xử thiếu nhạy cảm đạo lý, thiếu chuyên nghiệp khi gặp tình huống không như ý. Đó là cách hành xử có nguồn gốc từ tâm lý luôn nghĩ mình đúng, cho rằng mình có quyền thì làm gì là việc của mình không ai được can thiệp, rằng mạng xã hội là thứ “vớ vẩn”, rằng muốn bịt miệng ai thì cứ dùng quyền lực mà làm, bất chấp tâm trạng xã hội…

 

Cái tâm lý “ cha mẹ dân” từ ngày xửa ngày xưa tưởng đã tiệt nọc rồi giờ đang trở thành nếp nghĩ của không ít quan chức, trong khi họ cứ leo lẻo nhận mình là “công bộc”.

 

Người xưa dạy “nó lú có chú nó khôn”, “ học ăn học nói, học gói, học mở” không phải chỉ dành cho trẻ con đâu. Sai thì sửa, có lỗi thì sửa lỗi mới khá lên được. Đằng này đã sai lại còn dở, càng làm càng sai, cái sai sau dở hơn cái trước.

 

Các vị đang làm phận sự được giao, khi sai không biết nhận lỗi, không chịu sửa lại còn dọa dân thì hết thuốc chữa thật. Nên chọn cách về làm dân thường là tốt nhất. Chả biết có ích gì cho xã hội không nhưng ít nhất không gây ức chế cho nhiều người. Cũng là cực chẳng đã thôi nhưng đó là cách “coi được” nhất.

 

______

Tác giả:

 

Ông Phạm Quang Long là cựu giám đốc Sở Văn hoá thành phố Hà Nội (2003-2005).

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats