Monday, 18 September 2023

LẠI MỘT TỬ TÙ OAN SẮP BỊ HÀNH HÌNH (Đặng Đình Mạnh)

 



Lại một tử tù oan sắp bị hành hình

Đặng Đình Mạnh 

19/09/2023

https://baotiengdan.com/2023/09/19/lai-mot-tu-tu-oan-sap-bi-hanh-hinh/

 

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-31.jpeg

Ảnh chụp màn hình

.

Ngày 18/09/2023, Chánh Án Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã gởi văn bản cho gia đình em Lê Văn Mạnh để thông báo về việc thi hành bản án tử hình. Thật ra, đây không phải là một sự việc mới mẻ gì, 8 năm trước, tháng 10/2015, tỉnh Thanh Hóa đã từng có lần thông báo như vậy rồi đình hoãn cho đến nay. Xem ra, lần này số phận của bị án tử hình Lê Văn Mạnh đã bị các cơ quan tư pháp tỉnh Thanh Hóa quyết định.

 

Thủ tục thông báo này tương tự như vụ án em Nguyễn Văn Chưởng mà gia đình đã nhận vào thượng tuần tháng 09/2023 vừa qua.

 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/2-24.jpeg

Thông báo về việc thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh của TAND tỉnh Thanh Hoá. Ảnh trên mạng

 

Cùng với vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải thì vụ án Lê Văn Mạnh cũng là một trong những vụ án oan điển hình mà gia đình đã kêu oan cho em trong suốt 18 năm qua.

 

Hồ sơ vụ án cho thấy, các chứng cứ buộc tội đối với Lê Văn Mạnh rất sơ sài và hầu như không có gì đáng kể ngoài lời khai nhận tội của chính em ấy.

 

Điều này, chính trong quá trình xét xử, em ấy đã cho biết mình liên tục bị điều tra viên dùng nhục hình để ép cung, buộc nhận tội. Chưa kể, khi ở phòng giam, thì lại tiếp tục bị bạn tù đánh đập cũng chỉ với mục đích ép nhận tội.

 

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, thì chỉ lời khai nhận tội vẫn chưa đủ cơ sở để tòa án tuyên xử có tội nếu lời khai nhận tội ấy không phù hợp với các chứng cứ buộc tội khác.

 

Chưa kể rằng, để tham khảo, trong vụ án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn đã từng được minh oan, thì hồ sơ cũng từng có hàng loạt lời khai nhận tội của ông ấy, kể cả khi thực nghiệm điều tra, ông ấy cũng đã diễn án đúng như kết luận điều tra. Sau khi được minh oan, thì chúng ta đều biết chúng đều là “kịch bản” được cơ quan cảnh sát điều tra tạo dựng, trong đó, ông Nguyễn Thanh Chấn phải vào vai diễn viên bất đắc dĩ. Ông Chấn cho biết, ông được cán bộ cảnh sát điều tra buộc tập dượt rất nhiều lần trong suốt một tháng để chuẩn bị cho buổi thực nghiệm điều tra. Cho đến khi ông diễn thành thục, thì họ mới tổ chức mời các thành phần tiến hành tố tụng đến để chứng kiến và lập biên bản. Đương nhiên, sau đó ông Nguyễn Thanh Chấn bị tòa án tuyên có tội và phải chịu hình phạt chung thân. Sau khi thụ án oan ức đoạn trường 10 năm, thì hung thủ thật sự mới ra đầu thú, ông được minh oan.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/111.jpeg

Mẹ tử tù Lê Văn Mạnh (bìa phải) cùng mẹ tử tù Hồ Duy hải và Nguyễn Văn Chưởng cùng biểu ngữ kêu oan cho Nguyễn Văn Chưởng ở Hà Nội. Ảnh trên mạng

 

Cho thấy, về phương diện thực tế, những lời khai nhận tội trong quá trình điều tra không có nhiều giá trị lắm, vì chúng đã có thể chỉ là kịch bản của cơ quan cảnh sát điều tra tạo dựng lên mà thôi. Tuy vậy, về phương diện xét xử, nhiều tòa án đã dễ dàng căn cứ vào lời khai nhận tội của bị can như là chứng cứ chính yếu, mang tính chất quyết định để tuyên xử bị cáo có tội, kèm theo hình phạt chung thân, tử hình.

 

Nếu công chúng từng biết, ban đầu, Lê Văn Mạnh bị bắt giữ về một vụ án “Cướp tài sản” vốn không liên quan gì đến vụ án mạng giết người cả. Vụ án trở nên khó hiểu, khi đột nhiên Lê Văn Mạnh chợt viết thư cho cha mình để nhận tội giết người trong một vụ án mạng(?!)

 

Chỉ có thể giải thích sự khó hiểu như sau: Cơ quan Cảnh sát Điều tra không có khả năng phá án đối với vụ án mạng. Cho nên, nhân dịp bắt giữ Lê Văn Mạnh vì một vụ án khác thì đã quyết định dùng Lê Văn Mạnh vào vai thế thân cho thủ phạm… Điều này không chỉ giúp họ đóng lại hồ sơ vụ án mạng mà còn giúp họ đạt được thành tích phá án, làm tiền đề tiến thân.

 

 

ÁN MẠNG ĐÃ XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?

 

Cáo trạng của VSKND tỉnh Thanh Hóa đã quy kết Lê Văn Mạnh là hung thủ giết người với mô tả như sau: Vào lúc 17h00, ngày 21/03/2005, trong lúc cháu Hoàng Thị Loan, sinh năm 1991 (lúc ấy 14 tuổi) đi vệ sinh thì Lê Văn Mạnh, sinh năm 1982 (lúc ấy 23 tuổi), trú cùng thôn đang đi tìm trâu dọc bờ sông thấy nên nảy sinh ý định hiếp dâm cháu Loan.

 

Mạnh đã bịt miệng, vật cháu Loan xuống đất thực hiện hành vi hiếp dâm. Do Loan chống cự nên Mạnh đã hành hung cháu Loan đến bất tỉnh rồi đem giấu xác Loan vào bụi cây ở bờ sông. Tại đây, Mạnh đã xé quần áo của cháu Loan làm dây quấn thắt vào cổ nạn nhân nhằm để mọi người nghĩ rằng cháu tự buộc cổ mình tự sát…

 

Tối cùng ngày gia đình phát hiện Loan mất tích liền tổ chức đi tìm nhưng không thấy. Đến 13h00 ngày 22/03/2005, người dân phát hiện xác Loan tại bờ sông Cầu Chày, thuộc xã Xuân Minh.

 

Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu nhận được chiếc quần đùi được xác định là của Lê Văn Mạnh. Ngày 30/03/2005, kết quả giám định pháp y cho thấy cháu Loan “chết ngạt do thắt cổ, nạn nhân có bị ngạt nước, có bị hiếp dâm”.

 

Đến 20/4/2005, Lê Văn Mạnh bị bắt theo lệnh bắt tạm giam số 01 ngày 14/4/2005 của cơ quan CSĐT (CA tỉnh Đồng Nai) về hành vi cướp tài sản và bỏ trốn trong một vụ án khác không có liên quan. Ngày 23/4/2005, xuất hiện bức thư của Lê Văn Mạnh từ trong tù gửi cho bố với nội dung nhận tội giết người, cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ bức thư này làm bằng chứng kết tội.

 

Từ năm 2005 đến năm 2008, Lê Văn Mạnh đã phải trải qua 7 phiên tòa, gồm ba lần xét xử sơ thẩm, ba lần xét xử phúc thẩm và một lần xét xử giám đốc thẩm. Trong những lần xét xử đó, tòa án các cấp đều kết luận Lê Văn Mạnh có tội và xử y án tử hình. Tuy nhiên, trong tất cả các phiên tòa có mặt, Mạnh đều phản cung, tố cáo rằng mình bị đánh đập dã man bởi các phạm nhân cùng phòng giam và điều tra viên.

 

Suốt 18 năm qua, từ 2005 đến nay (năm 2023), gia đình của Lê Văn Mạnh vẫn kiên trì kêu oan cho con trai mình.

 

Để tìm cách buộc tội Lê Văn Mạnh vào vụ án mạng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã bày mưu cho bạn tù hành hung, trấn áp tinh thần để buộc em ấy viết lá thư nhận tội gởi cho cha mình. Dù nội dung lá thư thực hư như thế nào đi nữa. Nhưng bằng cách đó, một mặt cơ quan cảnh sát điều tra đã công nhiên thừa nhận sự vi phạm pháp luật khi xâm phạm vào quyền bí mật thư tín của Lê Văn Mạnh, tự tiện đọc thư của em ấy gởi cho cha mình. Mặt khác, dùng thủ đoạn gian dối để tạo dựng chứng cứ giả là lời thú nhận tội của em Lê Văn Mạnh thể hiện qua bức thư.

 

OAN SAI NHƯ THẾ NÀO?

 

Thời điểm tháng 10/2015, nhiều luật sư đã gởi đơn kiến nghị khẩn cấp đến các lãnh đạo cao cấp cho rằng vụ án Lê Văn Mạnh có dấu hiệu oan sai và vi phạm thủ tục tố tụng.

 

Trong văn bản, các luật sư phân tích, về các bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm không có chứng cứ buộc tội nào khác ngoài lời nhận tội của bị cáo, mà chính bị cáo phủ nhận toàn bộ tại phiên tòa. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự, vì: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị án làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Nhưng cả 6 lần xét xử, tòa án đều đã dùng lời khai nhận tội là chứng cứ duy nhất để buộc tội Lê Văn Mạnh.

 

Trong quá trình cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành lấy lời khai của trẻ chưa thành niên là cháu (Lê Thị L. – Em gái Lê Văn Mạnh) lúc đó mới 9 tuổi đã không có mặt bố mẹ của cháu, là những người giám hộ cũng là một vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng.

 

Đáng ngạc nhiên, là khi cơ quan pháp y đã kết luận có thu thập được tinh trùng trong người cháu Loan nạn nhân, nhưng dứt khoát, không thực hiện xét nghiệm DNA để đối chiếu, so sánh với DNA của em Lê Văn Mạnh, mặc dù luật sư và chính bị cáo nhiều lần yêu cầu.

 

Điều này không chỉ là hành xử rất khó hiểu của cơ quan cảnh sát điều tra, mà thật ra, nó đã là một thủ tục mang tính chất bó buộc đối với công tác điều tra hình sự.

 

Tương tự như vậy, nạn nhân là cháu Loan bị chết trong tình trạng bị hành hung, hiếp dâm và thắt cổ bằng chính chiếc áo của mình. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại không hề tiến hành thu thập mẫu vân tay hoặc mẫu DNA có trên người cháu để so sánh với mẫu DNA của em Lê Văn Mạnh.

 

Ngoài các tình tiết trên, trong hồ sơ vụ án, các luật sư cũng đã phát hiện ra hàng loạt mâu thuẫn, thiếu sót khác của cơ quan tố tụng tỉnh Thanh Hóa.

 

 

QUAN ĐIỂM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Trong bản kháng nghị giám đốc thẩm vào năm 2007, Viện Kiểm sát Tối cao cũng cho rằng “cơ quan điều tra mắc nhiều thiếu sót, mâu thuẫn và chưa có cơ sở vững chắc để kết luận Lê Văn Mạnh phạm tội Giết người, Hiếp dâm trẻ em”. Vẫn theo quan điểm của Viện Kiểm sát, vật chứng duy nhất là chiếc quần sooc rách được Mạnh thay ra vứt bỏ gần hiện trường khi đi mò xác Linh được xác định mất giá trị chứng cứ buộc tội với Lê Văn Mạnh. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng chưa xác định cụ thể hiện trường gây án ở đâu; nạn nhân chết do nguyên nhân trực tiếp (chết ngạt, đánh đập hay hiếp dâm)… Tình tiết ai đánh đập, ai ép cung bị cáo cũng chưa được làm rõ”.

 

                                                          ***

 

Thế nên, đối với vụ án của em Lê Văn Mạnh, sau khi xem xét qua quan điểm của chính Viện Kiểm sát Tối cao cũng như của luật sư, chúng ta có thể đánh giá một cách khách quan và thận trọng rằng: Cho dù chưa thể khẳng định là em ấy có bị oan hay không trong vụ án mạng? Thế nhưng, với hồ sơ vụ án thể hiện quá trình điều tra một cách đầy cẩu thả, tự tiện bỏ qua hàng loạt thủ tục điều tra để xác định Lê Văn Mạnh có phải là thủ phạm trong vụ án hay không một cách hết sức khó hiểu? Thế nên, quá trình điều tra ấy không chỉ xác định được ai là tội phạm mà còn có khả năng tạo ra một vụ án oan.

 

Do vậy, chúng ta có thể khẳng định vụ án của em Lê Văn Mạnh là một vụ án oan điển hình. Thế nên, thật dễ hiểu khi nhiều tổ chức quốc tế như Ân Xá Quốc Tế, Hội Luật Gia Quốc tế ICJ và Reprieve đã gởi văn bản chính thức đến chính quyền Việt Nam để yêu cầu xem xét lại vụ án này.

 

Công chúng đã từng lên tiếng một cách đầy mạnh mẽ để yêu cầu các lãnh đạo cao cấp can thiệp vào vụ án oan của em Hồ Duy Hải và mới đây là Nguyễn Văn Chưởng và tin rằng điều đó là chính đáng, thì cũng cần phải tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ như thế cho vụ án đối với em Lê Văn Mạnh. Điều đó là trách nhiệm lương tâm của tất cả chúng ta.

 

_____

 

* Ngoài số điện thoại của ông Võ Văn Thưởng – Chủ tịch nước, ai có các số điện thoại của các ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng, ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc Hội và ông Phạm Minh Chính – Thủ Tướng, thì xin thông tin để chúng ta cùng nhắn tin đề nghị hoãn thi hành bản án tử hình cho em Lê Văn Mạnh.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats