Tuesday, 19 September 2023

MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH QUANH HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH VIỆT - MỸ Ở HÀ NỘI (DCVOnline)

 



Một số nhận định quanh hội nghị thượng đỉnh Việt-Mỹ ở Hà Nội   

DCVOnline

POSTED ON SEPTEMBER 18, 2023

https://dcvonline.net/2023/09/18/mot-so-nhan-dinh-quanh-hoi-nghi-thuong-dinh-viet-my-o-ha-noi/

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện”. Quyết định này này được coi là hành động chống lại Trung Hoa gây lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở Đông Nam Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Hoa Mao Ning khuyên Washington nên từ bỏ “tâm lý bá quyền và Chiến tranh Lạnh” khi được hỏi về việc Trọng và Biden nâng quan hệ đối tác Việt-Mỹ ngang với quan hệ của chính Bắc Kinh với Việt Nam. Mao nói rằng Washington nên “tuân thủ các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế” khi đối xử với các quốc gia châu Á.”

 

 

Ngôn ngữ ngoại giao

 

https://cdn.i-scmp.com/sites/default/files/d8/images/canvas/2023/09/15/826a6cea-dcce-4c08-ba3f-61b228c7bb0a_f41da2c6.jpg

Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 3 từ trái) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (thứ 3 từ phải sang) trong cuộc hội đàm tại Hà Nội. Ảnh: Kyodo

 

Giới chức chính phủ Mỹ nhanh chóng bác bỏ cáo buộc của Trung Hoa cho rằng đó là một nước cờ trong cuộc đối đầu mới với Trung Hoa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quan hệ đối tác với Việt Nam “là hình ảnh thu nhỏ của quan hệ đối tác hiện đại từ góc nhìn của Hoa Kỳ” và nó không buộc Việt Nam phải lựa chọn giữa Washington hay Bắc Kinh. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E Knapper cho biết mối quan hệ mới với Việt Nam “không phải của ai khác” mà là về sự thịnh vượng, an ninh và lợi ích chung của họ trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Biển Đông tự do và rộng mở.

 

Thực tế là giới lãnh đạo CHXHCN Việt Nam có quan điểm gần với Bắc Kinh nhiều hơn là với Washington. Hơn nữa sự độc quyền nắm giữ quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cũng là lợi ích của Bắc Kinh và Việt Nam đã đầu tư nhiều thời gian và sức lực để xây dựng quan hệ với Trung Hoa cộng sản. Trọng  là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đem một phái đoàn gồm các đảng viên cao cấp đi gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh sau Đại hội 20 của Trung Hoa vào năm ngoái;  Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã gặpTập vào tháng 4 năm nay; Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp người đồng cấp Trung Hoa Lý Cường vào tháng 6. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Việt Nam tới Trung Quốc sau 7 năm.

 

 

Quan hệ quân sự

 

Một số trong giới bình luận cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội cùng lúc nâng cấp quan hệ quân sự giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng đây là suy nghĩ sai lầm. Quân đội Nhân dân Việt Nam (PAVN) là một tổ chức bảo thủ có trách nhiệm chính là bảo vệ ĐCSVN và đối phó với những mối đe dọa đã xác định trong sách trắng quốc phòng năm 2019 của Việt Nam xoay quanh cái gọi là cách mạng màu và các mối đe dọa khác đối với chế độ. Dù QĐNDVN phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí của Nga, cũng đã có một phần đa dạng hóa, khiến Israel, Ấn Độ và Cộng hòa Czech trở thành những nước hưởng lợi chính. Ngoài ra Việt Nam cộng sản còn có thể có những sản xuất và bán vũ khí với Nam Hàn.

 

Tuy nhiên, sẽ không có nước nào thay thế được Nga để có thể bán cho Việt Nam những hệ thống vũ khí chính của Việt Nam, đặc biệt là chiến hạm và chiến đấu cơ. Hà Nội hài lòng với giá cả, độ tin cậy và sự quen thuộc với vũ khí của Moscow và đã sản xuất đạn dược cho nhiều hệ thống vũ khí của Việt Nam. Moscow cũng cho phép Việt Nam được phép sản xuất một số đã được cấp giấy phép; Đây là việc rất quan trọng đối với Hà Nội vì họ muốn nâng cao tiềm năng sản xuất vũ khí. Mặt khác, ngôn ngữ là một yếu tố có lợi cho Nga, vì tất cả hệ thống điện tử trên những phản lực cơ hiện tại của Việt Nam đều dùng chữ Cyrillic, hệ thống chữ viết sử dụng bằng tiếng Nga.

 

https://cdn.i-scmp.com/sites/default/files/d8/images/canvas/2023/09/15/fdfff87e-f63e-40b5-a8e3-f80338224f00_5c7a8d9c.jpg

Trẻ em đứng nhìn những chiếc xe tăng Nga bị phá hủy được trưng bày tại thành phố Kryvyi Rig của Ukraine hôm thứ Sáu. Ảnh: AFP

 

Trong ngắn hạn, Nga có vẻ không phải là một nguồn cung cấp đáng tin cậy vì nước này đang đốt hết kho vũ khí và đạn dược của họ ở Ukraine. Cùng lúc Việt Nam đang cố gắng tìm cách luồn lách bằng những mánh khoé về mặt tài chánh để tránh vi phạm những lệnh trừng phạt của Mỹ đối với đợt nâng cấp vũ khí lớn tiếp theo. Mỹ muốn bán thêm vũ khí cho Việt Nam nhưng ở những khu vực đặc biệt được Hà Nội chấp nhận.

 

Năm 2019, Hoa Kỳ đã đồng ý cấp 6 máy bay không người lái để nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải của Việt Nam như một phần của chương trình trị giá 47,9 triệu USD cũng cấp máy bay không người lái cho Malaysia, Indonesia và Philippines. Một công ty của Mỹ cũng chế tạo khoang cứu cấp tàu ngầm cho 6 tàu ngầm của Việt Nam và sắp được bàn giao. Mỹ đang đàm phán để bán các loại vũ khí phi động lực khác (không bắn đạn, không nổ bom) cho Việt Nam, nhưng những công ty Mỹ khó có thể cấp phép sản xuất vũ khí cho Việt Nam vì lo ngại việc trộm cắp tài sản trí tuệ sẽ hạn chế doanh số bán hàng quốc phòng. Những cam kết quân sự Việt-Mỹ khác có thể sẽ tiếp tục, nhưng ở mức độ không đe dọa được Trung Hoa.

 

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những chuyến thăm hải cảng của Việt Nam, kể cả với những hàng không mẫu hạm, và mối quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ nhìn chung sẽ tiếp tục với tốc độ và phạm vi hiện tại. Việt Nam với Bắc Kinh phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều và Trung Hoa là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam với 26 tỷ USD trong 4.000 dự án, trong đó riêng 2,7 tỷ USD vào năm 2023.

 

https://cdn.i-scmp.com/sites/default/files/d8/images/canvas/2023/09/15/b1e5f77a-8d5b-419b-ae3f-8ce7ea5657fd_3835b02c.jpg

Một lính TQLC Mỹ khoe chiếc máy bay không người lái. Ảnh: Reuters

 

Ảnh hưởng kinh tế và chính trị

 

Bất chấp cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên đến 22 tỷ USD vào năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đang chậm lại, với GDP năm 2023 chỉ bằng một nửa mục tiêu đề ra và xuất cảng sụt giảm. Mỹ là chìa khóa giúp nước này thoát khỏi ‘bẫy thu nhập trung bình’ và đảm bảo thêm thị trường FDI và xuất cảng.

 

Về mặt chính trị, có rất nhiều chuyện diễn ra trong các cuộc công du của Biden, trong đó Chủ tịch Võ Văn Thưởng là người bù nhìn, nắm rất ít quyền lực dù là một trong “tứ trụ” trong tập thể lãnh đạo đất nước. Trong khi Tổng thống Mỹ Biden có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Quốc hội CHXHCNVN Vương Đình Huệ, nó mang tính biểu tượng hơn là thực chất dù Huệ có thể sẽ thay Trọng trong tại Đại hội 14, dự định xẩy ra vào tháng 1 năm 2026, và có thể sớm hơn tuỳ vào sức khỏe của Trọng. Có lẽ Trọng đã giữ Huệ ở bên lề sự kiện, để ngăn chặn người thừa kế hiển nhiên của mình hành động quá táo bạo.

 

 

Phản ứng của dân chúng

 

Dân Việt Nam, nói chung nhìn vấn đề ở một mặt khác. Họ tin rằng Việt Nam có thể duy trì quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Mỹ. Mỹ Linh, một  sinh viên luật 22 tuổi ở TP.HCM, tin rằng Việt Nam có thể giữ thái độ trung lập trước sự quyết đoán của Trung Hoa trên Biển Đông. Cô tin rằng quan hệ đối tác của Hoa Kỳ với Việt Nam cho thấy sự khôn ngoan trong ngoại giao của Việt Nam — vẫn là một nước xã hội chủ nghĩ — và hy vọng Việt Nam cơ hội phát triển  về kinh tế và giáo dục ngày càng tăng sẽ đến từ những công ty lớn của Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

 

Bất chấp cáo buộc của Trung Hoa là Mỹ muốn kéo Việt Nam vào phạm vi ảnh hưởng, Linh tin rằng Việt Nam có thể giữ thái độ trung lập. Cô tin rằng bất kỳ cường quốc thế giới nào cũng muốn kéo các quốc gia khác lại gần mình, đặc biệt là Mỹ và Trung Hoa, những quốc gia đều nỗ lực đạt được quyền bá chủ toàn cầu.

 

Chỉ trích Biden leo thang chiến tranh ở Ukraine, Nguyễn Hiền, chủ một hãng sản xuất phụ phẩm cao su nhỏ ở Hà Nội, cho rằng đa số người dân Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Mỹ. Ông tin rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, ông cảnh cáo rằng Việt Nam không được để mất quyền tự quyết trong mối quan hệ như vậy và không được bị lôi kéo hoàn toàn vào bất kỳ bên nào trong tình trạng căng thẳng địa chính trị hiện nay.

 

Lê Nam, một chuyên gia tài chính ở Đà Nẵng, kỳ vọng rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ tạo ra động lực đẩy nền kinh tế đang tụt hậu của Việt Nam. Ông tin rằng quan hệ đối tác mới sẽ là cơ hội để Mỹ thể hiện rõ hơn ảnh hưởng của họ đối với Việt Nam trong những năm tới.

 

Nói chung dân Việt Nam tin rằng họ sẽ có nhiều cơ hội hơn ở mặt giáo dục bằng những chương trình trao đổi sinh viên và nghiên cứu chung với các tổ chức của Hoa Kỳ cũng được tin là sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

 

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: 

– How will Vietnam’s upgraded US partnership impact its China, Russia ties? | Zachary Abuza | SCMP | 17 Sep, 2023.

– China sees ‘Cold War mentality’ in US-Vietnam pact, Vietnamese disagree | Xuan-Tung Le | Aljazeera | September 16, 2023.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats