Tuesday 19 September 2023

QUAN HỆ MỸ – VIỆT NÂNG CẤP CÓ CẢI THIỆN LỢI ÍCH NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM HAY KHÔNG? (T.K. Tran / BBC News)

 



Quan hệ Mỹ-Việt nâng cấp có cải thiện lợi ích người lao động Việt Nam hay không?

T.K. Tran

Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ Stuttgart, Đức

19 tháng 9 2023, 17:24 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c04jl2ynlzgo

 

Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam đã được nâng lên hàng "đối tác chiến lược toàn diện" trong dịp Tổng thống Mỹ Biden đến thăm Việt Nam trong thời gian qua.

 

Trong các tuyên bố chung sau đó liên quan tới lãnh vực kinh tế, phía Mỹ đã cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực công nghệ cao, điện toán, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

 

Nền kinh tế Việt Nam có cơ hội khởi sắc do dịch chuyển việc xuất khẩu hàng hóa đơn giản và các sản phẩm công nghiệp lao động nặng sang việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao.

 

Nếu chính phủ biết tận dụng cơ hội thì theo nhiều nhà phân tích thời sự, Việt Nam có cơ may trở thành cường quốc kinh tế khu vực, một trung tâm bán dẫn mới và thành mắt xích sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Người lao động Việt Nam sẽ nhờ đó có thêm việc làm, có thu nhập xứng đáng.

 

Nhưng theo tôi, đó là chuyện tương lai xa vời. Và liệu kỳ vọng đó có trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, ngoài lời hứa "hỗ trợ về mọi mặt…" của Tổng thống Mỹ.

 

Hiện tại, hàng chục triệu người lao động Việt Nam đang phải cam go còng lưng gánh những khó khăn chồng chất của vấn đề "cơm-áo-gạo-tiền".

 

Nhà nước không bàn chuyện tăng lương tối thiểu

 

Một thực tế hiện nay mà không ai chối cãi là người lao động hiện rất cực khổ. Vì lạm phát họ phải chi tiêu nhiều hơn cho sinh hoạt hàng ngày, đồng thời lương tháng lại giảm sút do bị giảm giờ làm, mất tăng ca, mất phụ cấp…

 

Một khảo sát của Viện Công nhân-Công đoàn và Ban Chính sách-Pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào đầu tháng 8 vừa qua cho thấy thu nhập trung bình của người lao động hiện nay (kể cả tiền tăng ca) là hơn 7,8 triệu/tháng nhưng thực tế nói chung, mỗi gia đình họ phải chi tiêu 11,7 triệu VND, tương đương 450 euro/tháng, so với mức ở EU.

 

Chỉ có 24,5% người lao động kiếm đủ tiền cho chi tiêu. Số còn lại phải vay nợ, dẫn đến tệ nạn “tín dụng đen“ hay phải tìm thêm việc khác, ngoài giờ làm cho xí nghiệp hay phải tiết kiệm tối đa.

 

Cũng chỉ có 26,2% người lao động có điều kiện ăn thịt cá hàng ngày. Đa số phải ăn uống kham khổ, ăn chay bất đắc dĩ. Từ đó có nhận xét chua chát “người lao động ăn thịt của chính mình“ để nói tới việc họ tiêu hao sức lực để làm việc, nhưng kiếm không đủ tiền để ăn uống tái tạo lại năng lượng cho cơ thể của mình.

 

Từ thực tế kể trên, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động là cấp thiết. Theo thông tin từ báo chính thống, các công đoàn cơ sở (cấp tổ chức thấp nhất của Công đoàn), gần gũi người lao động nhất, kiến nghị tăng lương 11,34%.

 

Lên tới Trung ương (Tổng Liên đoàn LĐVN), thì một cán bộ Công đoàn cao cấp, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách-Pháp luật, một thành viên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng vì phải tính đến khó khăn của chủ doanh nghiệp hiện nay, đòi hỏi tăng 6% là vừa phải, mặc dù trong một cuộc phỏng vấn ông nói rằng mục tiêu đòi hỏi là mức tăng lương phải cao đủ để cân bằng mức vật giá lên cao.

 

Mức chi tiêu của người lao động Việt Nam năm nay đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước lên cao. Đó là thông tin chính thức, thực tế có thể cao hơn 19% rất nhiều. Khi Công đoàn chỉ dự kiến đề nghị tăng lương 6% thay vì 19% có nghĩa là Công đoàn không đáp ứng được đòi hỏi chính đáng của NLĐ.

 

Ngày 9/08 vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên họp đầu tiên để điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2024. Kết quả đạt được không phải là tăng 19% để cân bằng vật giá leo thang, hay 11,34% như kiến nghị của các công đoàn cơ sở hay 6% như đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà ông Quảng làm đại diện. Kết quả cụ thể đạt được lại chỉ là: thỏa thuận ngưng họp, không bàn chuyện tăng lương lúc này và hoãn việc quyết định tới cuối năm nay.

 

Theo chúng tôi biết, việc trì hoãn quyết định tăng lương đã làm người lao động thất vọng, bởi vì như vậy là thời điểm tăng lương sẽ muộn màng, không phải là đầu năm 2024 mà sẽ là tháng 4 hay tháng 7/2024. Lại nữa, ta có thể dự đoán là mức tăng sẽ thấp hơn 6%, quá ít để có thể tồn tại, nói chi tới việc cải thiện đời sống người lao động.

 

Người lao động ở phương Tây được tăng lương như thế nào?

 

Vấn đề tăng lương không chỉ có ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới.

 

Ở Việt Nam giới chủ doanh nghiệp thường đưa lý do dịch Covid, chiến tranh Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu để né tránh đòi hỏi tăng lương có thực chất cho người lao động.

 

Ở Đức, nơi tôi đang sống, hay ở phương Tây nói chung, tình trạng kinh tế cũng có vô vàn khó khăn với những lý do không khác gì VN. Vật giá leo thang, lạm phát đã có lúc ở mức kỷ lục, tiền dầu, xăng, điện trở thành gánh nặng không những cho người tiêu dùng mà cả cho chủ doanh nghiệp vì phí tổn sản xuất gia tăng. Tình trạng này khiến đồng tiền do người lao động kiếm được không còn đủ để trang trải nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, khiến họ đòi hỏi phải được tăng lương.

 

Họ đã được đáp ứng như thế nào? Sau đây là vài thí dụ:

 

Ngành hỏa xa: Ngày 28/08/2023 vừa qua, chừng 180.000 nhân công hỏa xa Đức đạt được thỏa thuận với chủ doanh nghiệp tăng lương đồng đều hàng tháng cho mỗi người 410 euro, bằng 10,6 triệu VND, chi trả làm hai kỳ. Ngoài ra họ nhận thêm một lần khoản 2850 euro, bằng 73,6 triệu VND để cân bằng lạm phát. Số tiền này không phải đóng thuế.

 

Điểm đặc biệt ở đây là tăng lương không lũy tiến theo phần trăm như thường lệ. Tuy nhiên, nếu hoán chuyển sang cách tính theo phần trăm, thì người lao động lãnh lương thấp, quãng 2400€ /tháng (như bảo vệ, thợ phụ việc…) thì tăng 410 euro tương đương với hơn 17%, người lao động trong nhóm lương trung bình (như tài xế tàu hỏa) 4100 euro/tháng, tăng 410 euro tương đương với tăng 10%, người lao động trong nhóm lương cao như kỹ sư lãnh 6100 €/tháng được tăng 6,7%.

 

Ngành công nhân viên nhà nước Đức (öffentlicher Dienst): Họ cũng được lãnh một lần 3000 euro, bằng 78 triệu VND không đóng thuế để cân bằng lạm phát. Từ tháng 3/2024 mỗi công nhân viên được tăng hàng tháng 200 euro = 5,2 triệu VND cộng thêm 5,5% tiền lương. Quy ra cách tính phần trăm thông thường thì nhóm người lao động nhận lương thấp được tăng 13-16%, nhóm lương cao được tăng 8-9%.

 

Nhìn sang nước Mỹ, nơi công nhân sản xuất xe ô tô GM, Ford, Chrysler đang đình công để đòi hỏi tăng lương thì một chủ doanh nghiệp, tổ hợp Stellantis, sở hữu thương hiệu Chrysler, đồng ý tăng ngay 10% cho công nhân của họ và trong 4 năm rưỡi sau đó thêm 21%. Tuy nhiên, phía đại diện công nhân từ chối đế nghị này bởi họ đòi hỏi 40% trong 4 năm rưỡi. Hiện các cuộc thương lượng đôi bên vẫn tiếp diễn…

 

Trông người lại ngẫm tới ta

 

Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến đời sống người lao động khắp nơi lao đao và nhu cầu tăng lương của người lao động là chính đáng.

 

Ở Đức, người lao động có đồng lương thấp được tăng lương tới mức 16%-17%/tháng và thêm vào đó là khoản trợ cấp nhiều hơn một tháng lương, đủ để họ bù đắp cho lạm phát, đời sống đắt đỏ ngày nay.

 

Đây không phải là món quà biếu không của chủ doanh nghiệp mà là thành quả của một cuộc đấu tranh dài hơi của các tổ chức đại diện người lao động như EVG hay Verdi. Cuộc đấu tranh tăng lương cho năm 2024 của nghiệp đoàn EVG của ngành xe lửa Đức đã kéo dài 6 tháng với hàng chục vòng đàm phán với chủ doanh nghiệp cộng thêm một vài cuộc đình công giới hạn và ngắn ngày để gây áp lực (Warnstreik).

 

Ở Việt Nam thì Công đoàn không "mạnh" như vậy và do đó sẽ không có chuyện tăng lương 17%. Được thêm một món tiền tương đương với một tháng lương chỉ là chuyện trong mơ. Người lao động ở Việt Nam không được bảo vệ và đãi ngộ xứng đáng như đồng nghiệp của họ ở phương Tây.

 

Theo tôi, tình trạng này chỉ có thể thay đổi khi người lao động Việt Nam được đại diện bởi những tổ chức độc lập, không phải là cánh tay nối dài của nhà cầm quyền hay đảng phái chính trị với những bó buộc về chính sách, không phải là bù nhìn của giới chủ xí nghiệp. Bảo vệ quyền lợi của người lao động là mục tiêu duy nhất của các tổ chức này.

 

Cho tới nay, những tổ chức độc lập như vậy vẫn bị cản trở, chưa được phép hoạt động hợp pháp, dù đã được Bộ luật Lao động 2019 "bật đèn xanh" từ lâu.

 

Điều khẩn thiết nhất phải làm là chấm dứt thảm trạng khai thác sức lao động của người Việt Nam càng sớm càng tốt. Thiết nghĩ, việc tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024 phải ở mức 19% để ít nhất cân bằng được việc vật giá leo thang. Được như thế thì đời sống người lao động mới dễ thở đôi chút và họ còn có sức mà làm việc tiếp.

 

------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông T.K. Tran, một người quan sát các hoạt động nghiệp đoàn ở Stuttgart, Đức.





No comments:

Post a Comment

View My Stats