Sunday, 17 September 2023

ĐIỀU GÌ CÒN LẠI SAU TẤT CẢ NHỮNG SAI LẦM MÀ CON NGƯỜI GÂY RA? ( Quốc Toàn / Luật Khoa)

 



ĐỌC SÁCH CÙNG ĐOAN TRANG

Điều gì còn lại sau tất cả những sai lầm mà con người gây ra?

QUỐC TOÀN   -   LUẬT KHOA

SEP 12, 2023   6:51 PM

https://www.luatkhoa.com/2023/09/hien-dang-su/

 

Phải bước tiếp về tương lai nhưng đừng lầm lỡ và vô trách nhiệm.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2023/09/Hi-n---ng-s-.jpg

Ảnh bài sách: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Đồ họa: Luật Khoa.

 

Ngày 11 tháng 3 năm 2011, một trận động đất dữ dội xảy ra kéo theo một cơn sóng thần cao đến 15 mét đã san bằng một vùng rộng lớn phía Đông của Nhật Bản, làm gần 20.000 người thiệt mạng. Động đất hay sóng thần không phải chuyện hiếm gì tại Nhật Bản, tuy nhiên lần này chúng gây ra một thứ đáng sợ hơn cả, đó là thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima.

 

Sự cố nổ lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã làm khu vực trong bán kính 20km quanh đó trở thành vùng đất chết suốt thời gian dài. Lấy cảm hứng từ sự kiện trên, Yoko Tawada đã viết nên Hiến đăng sứ, cuốn sách bao gồm năm truyện ngắn (một truyện được viết dưới dạng kịch), mà thông qua tác giả muốn cùng người đọc không chỉ tại Nhật Bản mà trên toàn thế giới nhìn về hậu quả do chính mình gây ra.

 

Hiến đăng sứ là một cuốn sách phản địa đàng, điều này không thể chối cãi. Tuy nhiên, khác với nhiều cuốn sách cùng thể loại – như serie The Giver Quartet của Lois Lowry, loạt The Hunger Games của Suzanne Collins, hay nhiều tác phẩm nổi bật khác như Chuyện người tùy nữ của Margaret Atwood, 451 độ F của Ray Bradbury – Hiến đăng sứ không xây dựng một thế giới quá tiêu cực đến tuyệt vọng, mà cũng chẳng quá tích cực để rồi bàng hoàng khi sự thật vỡ lẽ. Mạch văn cứ bình thản, vô tư lự, đôi khi lại rất hài hước.

 

Như trong truyện ngắn cùng tên với tác phẩm lớn - Hiến đăng sứ, nhân vật Mumei là người sinh ra sau sự cố, được mô tả rất yếu ớt đến độ chỉ đi được vài bước đã cạn kiệt năng lượng, ăn uống khó khăn khi chỉ ăn mọi thứ ở dạng lỏng, luôn cần được theo dõi sức khỏe sát sao. Trái ngược hoàn toàn với Mumei, Yoshida - ông cố của Mumei, người đã gần 100 tuổi nhưng vẫn chạy bộ mỗi sáng, làm đủ loại công việc lao động tay chân mà chẳng cảm thấy mệt mỏi.

 

Có điều, Mumei không sầu thảm hay buồn bã khi biết số phận của cậu và hàng hàng triệu đứa trẻ như cậu phải chịu đựng, thế hệ của cậu đã quen với mọi thứ, coi đó như một chuyện rất thường tình. Không oán hận người đi trước đã làm gì. Giống như thông điệp mà Svetlana Alexievich muốn truyền tải trong cuốn Những nhân chứng cuối cùng, rằng trong mắt trẻ thơ mọi thứ thật tinh khôi kể cả những thứ thật kinh khủng, tinh khôi đến mức ta phải đau lòng.

Tuy nhiên, điểm khiến cuốn sách này trở nên kích thích trí óc, phần nhiều nằm trong việc Yoko nói về chính quyền Nhật Bản giải quyết vấn đề đó. Họ trốn tránh trách nhiệm, họ đổ lỗi, họ quản lý xã hội một cách độc đoán, họ giấu nhẹm mọi thứ, họ chỉ nghĩ cho lợi ích cá nhân, và họ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. 

 

Trong truyện ngắn Đảo bất tử, cách mà người nước ngoài mù tịt và dường như không được biết về những gì đang xảy ra trong Nhật Bản sau sự cố, cả cách nước Nhật đóng cửa giao thương và quản lý gắt gao bất kỳ thông tin nào có thể truyền vào-ra Nhật Bản như thời Edo. Tất cả đủ cho thấy, dẫu sử dụng giọng văn rất bình thường, ta vẫn nhận ra Yoko đang chỉ trích nặng nề cách mà nước này đối mặt với sự cố, thông qua đó là ám chỉ nhiều quốc gia khác cũng áp dụng điều tương tự để giữ gìn hình ảnh của mình trong mắt quốc tế.

 

Trong truyện ngắn Bên kia bờ hạnh phúc, Yoko lại đem đến một khía cạnh khác mang tính nhức nhối chẳng kém. Đó là cách ứng xử của những nước xung quanh khi thấy người dân của một quốc gia gặp sự cố đang chạy trốn và mong muốn sẽ có một tương lai tốt đẹp tại vùng đất mới, một hy vọng để họ bám víu. Nhưng sự thật phũ phàng, họ chỉ là những con cá béo bở mang tên “lao động rẻ mạt”.

 

Điều hoành tráng nhất mà Hiến đăng sứ sở hữu chắc chắn nằm trong việc Yoko kết thúc cả cuốn sách bằng một truyện ngắn được viết dưới dạng kịch mang tên Tháp Babel của các loài vật. Vở kịch được chia thành ba màn, với sự tham gia của sáu con vật gồm chó, mèo, thỏ, sóc, cáo, và gấu.

 

Sao lại là hoành tráng? Nếu đặt cạnh các truyện ngắn khác trước đó, Tháp Babel của các loài vật dễ dàng khiến người đọc cảm thấy nó vô cùng khác biệt từ nội dung đến cả hình thức, thậm chí là một sự lạc quẻ.

 

Cái hay ở chỗ, Yoko mượn góc nhìn của các loài vật gần gũi với con người như chó, mèo; ít gắn bó với con người hơn như thỏ, sóc; và gần như không thân thiện với con người như cáo, gấu để bàn luận về sự tồn tại của con người trên trái đất. 

 

Điều tạo nên thành công của Yoko trong tác phẩm này là rất nhiều câu hỏi đọng lại trong lòng người đọc khi đọc xong bất kỳ truyện ngắn nào.

 

Đó là câu hỏi về sự kìm hãm theo hệ thống hay sự tự do vượt ra cả những định nghĩa, là sự tàn phá trên những bước chân hay sự yêu thương giúp vạn vật phát triển, là gì mà người yêu kẻ ghét?

 

Tương lai luôn mơ hồ và rất ít dữ kiện. Đó là phần tương lai mà Yoko có thể vẽ nên được trong tác phẩm, nhưng sau đó sẽ còn một chặng đường rất dài mà con người phải bước tiếp, và khi ấy, đừng thất bại, đừng lầm lỡ, đừng vô trách nhiệm.

 

=============================================

 

Một bức phác thảo sơ lược về sự phát triển của Hàn Quốc

Tiến trình dân chủ hóa gian nan với nhiều cột mốc đáng nhớ.

Luật Khoa tạp chí   |    Hồng Hoa

 

.

Như thế nào là một nhà nước tốt?

 Và cách xây dựng, tổ chức, duy trì một nhà nước tốt.

Luật Khoa tạp chí   |   Ken Nguyễn

 

.

Tìm hiểu về Việt Nam qua các góc nhìn lịch sử mới

 Nhìn Việt Nam không qua chiều dọc của thời gian, mà bằng chiều ngang của nhiều mặt trong đời sống.

Luật Khoa tạp chí    |   Ái Thư

 

=================

TÁC GIẢ

 

Quốc Toàn

 

CÁC BÀI VIẾT

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats