Wednesday, 5 July 2023

VỤ VIỆT NAM CẤM PHIM BARBIE : TRUNG QUỐC NÓI 'KHÔNG NÊN GẮN CHUYỆN BIỂN ĐÔNG VỚI TRAO ĐỔI VĂN HÓA (VOA Tiếng Việt)

 



Vụ Việt Nam cấm phim Barbie: Trung Quốc nói ‘không nên gắn chuyện Biển Đông với trao đổi văn hóa’

VOA Tiếng Việt

05/07/2023

https://www.voatiengviet.com/a/7168176.html

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự kiện Việt Nam cấm chiếu phim Barbie vì lý do có đường lưỡi bò, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm thứ Ba (4/7) nói các nước không nên gắn vấn đề Biển Đông với hoạt động trao đổi văn hóa bình thường.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-bfcf-08db1a7a1ec2_w1023_r1_s.jpg

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh.

 

“Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quản”, phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo ngày 4/7 khi được hỏi về sự kiện này.

 

“Chúng tôi cho rằng các nước liên quan không nên gắn vấn đề Biển Đông với các hoạt động trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân bình thường”, bà Mao nói thêm.

 

Trước đó, hôm 3/7, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin bộ phim Barbie đầy triển vọng của đạo diễn Greta Gerwig, do diễn viên Margot Robbie và Ryan Gosling thủ vai chính Barbie và Ken, dự kiến sẽ được trình chiếu ở các rạp phim tại Việt Nam kể từ ngày 21/7, đã bị gỡ ra khỏi lịch chiếu của các nhà phát hành phim lớn như CGV, Galaxy và các trang mạng.

 

Lý do bộ phim bị cấm chiếu là vì có “đường chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò” – yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông), nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

 

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết lệnh cấm được ban hành bởi Hội đồng Thẩm định Phim Quốc gia của Việt Nam.

Sự kiện Việt Nam cấm phim Barbie vì tranh chấp Biển Đông đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế trong hai ngày qua.

 

Hãng thông tấn AP cho rằng trong khi đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “không nên gắn chuyện Biển Đông với hoạt động trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân”, nhưng Trung Quốc lại vô cùng nhạy cảm khi đề cập đến việc hình ảnh quốc gia và các tuyên bố chủ quyền về biên giới của họ được thể hiện như thế nào trong lĩnh vực giải trí và doanh nghiệp.

Ví dụ, Trung Quốc thường xuyên có động tác trả đũa đối với các công ty, từ khách sạn cho đến hãng hàng không, mà họ cho rằng có quan điểm xem Đài Loan tự trị không phải là một phần của Trung Quốc. Và các công ty hầu như luôn phải tuân thủ theo các khiếu nại của Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ bị loại khỏi thị trường rộng lớn và béo bở này, trong đó có nhiều bộ phim Hollywood đã phải xóa hoặc thêm các cảnh dựa trên phản ứng của Đảng Cộng sản cầm quyền.

 

Tờ Washington Post dẫn lời một số chính trị gia ở các quốc gia Đông Nam Á khác (những quốc gia có lịch sử cấm các sản phẩm thể hiện các tuyên bố chủ quyền có tranh chấp) cũng ủng hộ lệnh cấm đối với bộ phim.

 

Trong khi đó, Hoa Kỳ — đối tác an ninh quan trọng nhất của Đài Loan và nhiều quốc gia Đông Nam Á — không thể hiện lập trường nào đối với các tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc đất liền ở Biển Đông, mặc dù Hoa Kỳ cho rằng các tranh chấp nên được giải quyết mà không có sự ép buộc và trên cơ sở luật pháp quốc tế .

 

Hoa Kỳ đã nhiều lần bác bỏ yêu sách hàng hải và tài nguyên do Trung Quốc đưa ra với đường chín đoạn và gọi chúng là “vô căn cứ, bất hợp pháp và vô lý”.

 

Trước phim Barbie, Việt Nam đã từng cấm một số bộ phim khác với lý do tương tự, trong đó có phim Abominable của DreamWorks Animation và Uncharted của Sony. Ngoài ra, Netflix cũng đã được yêu cầu phải gỡ bỏ bộ phim gián điệp của Úc Pine Gap khỏi dịch vụ của mình tại Việt Nam vào năm 2021.

 

 

VIDEO :

Vụ Việt Nam cấm phim Barbie: TQ nói ‘không nên gắn chuyện Biển Đông với trao đổi văn hóa’ | VOA

https://www.youtube.com/watch?v=JDQl2x8K3iU

 

----------------------

 

LIÊN QUAN


Vụ phim Barbie cho thấy 'Bắc Kinh tinh vi trong tuyên truyền về chủ quyền Biển Đông'

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats