Sunday, 16 July 2023

VŨ KHÍ CHO UKRAINA : PHƯƠNG TÂY CẦN CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN (Thụy My / RFI)

 



Vũ khí cho Ukraina : Phương Tây cần chạy đua với thời gian

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 16/07/2023 - 00:13Sửa đổi ngày: 16/07/2023 - 00:15

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230715-v%C5%A9-kh%C3%AD-cho-ukraina-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A....BB%9Di-gian

 

L’Express và L’Obs cho rằng thời gian không còn nhiều đối với phương Tây, mười sáu tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể tước đi nhà cung cấp vũ khí chính của Kiev. Cung cấp cho người lính Ukraine những gì họ cần, mới hy vọng kết thúc được cuộc chiến bẩn thỉu này. Về phía Nga, tổng số tướng lãnh thiệt mạng cho đến nay cao chưa từng thấy, theo Nikkei Asia đã lên đến 20 người. Kremlin cũng chưa thể tống khứ được Yevgeny Prigozhin sau vụ binh biến bất thành.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ad699a3e-235c-11ee-815e-005056a90284/w:980/p:16x9/bakhmut_42.webp

Một quân nhân Ukraina dùng súng phóng lựu đạn chống tăng tấn công vị trí quân Nga ở tiền tuyến gần Bakhmut, ngày 13/07/2023. REUTERS - STRINGER

 

Đã vào mùa hè, như mọi năm, các tuần báo đưa những chủ đề ít mang tính chính trị. L'Express chạy tựa « Địa ốc : Cuộc chiến vùng duyên hải », Courrier International giải thích làm thế nào các thành phố thích ứng với những đợt nóng lặp đi lặp lại L'Obs nói về những nghịch lý của cuộc cách mạng xe hơi chạy bằng điện. Tuy nhiên chiến tranh Ukraina là đề tài không thể thiếu.

 

 

Viện trợ vũ khí cho Kiev : Sự chậm trễ đáng trách

 

L'Express nhận định « Chuyển giao vũ khí : Sự chậm chạp đáng trách ». Đối mặt với những phòng tuyến kiên cố do quân Nga xây dựng, quân đội Ukraina cần nhiều vũ khí hơn, và nhanh chóng hơn. Kể từ đầu cuộc xâm lăng ngày 24/02/2022, cách biệt ngày càng tăng giữa các đồng minh của Ukraina. Các quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ chỉ cung cấp 50% vũ khí hạng nặng đã hứa, còn các nước vùng Baltic và Đông Âu nói ít hơn, nhưng đã thực hiện 80% các cam kết của họ.

 

Trả lời L'Obs, chuyên gia Bỉ Joseph Henrotin, tổng biên tập tạp chí « DSI » (Quốc phòng & An ninh Quốc tế) cũng nhận thấy phương Tây quá chậm trễ. Cần phải mất nhiều tháng quý giá từ khi những quả đạn đầu tiên được giao cho Kiev cho đến quyết định lập những dây chuyền sản xuất mới. Cũng phải nhiều tháng Luân Đôn, Berlin hay Washington mới gởi xe tăng, trong khi Vacxava, Praha đã chi viện ngay từ tháng 4/2022.

 

Từ tháng 10/2022 đến tháng 3/ 2023, Ukraina phải đối mặt với một chiến dịch không kích quy mô nhắm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng. Các giàn phòng không được viện trợ rất muộn và nhỏ giọt: hai giàn Patriot và một giàn Mamba của Pháp-Ý đã đến sau trận chiến, cùng với hàng chục giàn hỏa tiễn tầm ngắn hơn.

 

Mệt mỏi vì sự trì hoãn của các đối tác, các quan chức Ukraine liên tục yêu cầu được giao nhanh và nhiều vũ khí hơn, để có thể tái chiếm lãnh thổ của họ. « Ở một số hướng, chúng tôi thậm chí không thể nghĩ đến việc bắt đầu phản công, vì không có những vũ khí cần thiết » - tổng thống Volodymyr Zelensky than thở trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 05/07.

 

 

Lời hứa mơ hồ của NATO không làm an tâm

 

Về hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva, chuyên gia Joseph Henrotin nhận định tổng thống Volodymyr Zelensky Zelensky không ra về tay trắng; nhưng viễn cảnh đề ra còn mơ hồ. NATO sẽ quyết định khi nào Ukraina được gia nhập, tuy nhiên thừa nhận rằng một khi đã khởi động, quá trình này nhanh chóng hơn so với các ứng cử viên khác. Theo ông Henrotin, sẽ đơn giản hơn nhiều nếu ấn định một mục tiêu mang tính biểu tượng, chẳng hạn như giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, đồng thời cung cấp các phương tiện hiệu quả để giành chiến thắng.

 

Mọi người đều biết vào tháng 11 năm 2024, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể tước đi nhà cung cấp vũ khí chính của Kiev. Do đó, Zelensky có lý do để thất vọng, vì ngoài thông báo chuyển giao hỏa tiễn tầm xa Scalp của Pháp và viện trợ của Na Uy, những lời hứa mới về quân viện không có gì đặc biệt. L’Express cũng cho rằng thời gian không còn nhiều đối với phương Tây, mười sáu tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể làm đảo lộn tình hình nếu đảng Cộng hòa lên nắm quyền. Ngày càng có nhiều người Cộng hòa tin rằng đất nước mình đã tặng cho Ukraina quá nhiều.

 

Nhật báo Gazeta của Ukraina tỏ ra thực tế, kêu gọi người dân hãy chấp nhận một vài sự thật không dễ chịu. Tờ báo viết : « NATO không buộc phải nhận lấy rủi ro một cuộc chiến tranh nguyên tử vì Ukraina (…). Mới cách đây vài năm, đối lập Syria đã bị tàn sát mà không ai giúp đỡ, họ phải chiến đấu với máy bay Nga chỉ bằng những khẩu Kalachnikov ».

 

Theo L’Express, đối mặt với một nước Nga đã bước vào nền kinh tế chiến tranh, các đồng minh của Kiev không còn cách nào khác ngoài việc đẩy mạnh tốc độ sản xuất. Các nhà máy chờ đợi cam kết dài hạn từ chính phủ, bảo đảm rằng những dây chuyền sản xuất mới của họ sẽ không bị ngưng sau vài năm. Cung cấp cho người lính Ukraine những gì họ cần, sẽ hy vọng kết thúc được cuộc chiến bẩn thỉu này.

 

 

Cuộc phản công của Ukraina đang đúng hướng

 

Khi tấn công theo nhiều hướng từ Bakhmut đến Kherson, Ukraina buộc Nga phải rải quân khắp nơi. Kiev có hơn 90 lữ đoàn tác chiến (bộ binh, thủy quân lục chiến, lính dù, kỵ binh), chưa kể các đơn vị hỗ trợ (công binh, pháo binh, không quân, v. v ...). Hơn một chục lữ đoàn đang chiến đấu, số khác được tái cơ cấu và số còn lại cố định ở biên giới Nga và Belarus. Ukraine vẫn chưa tung ra toàn lực. Kiev đang nỗ lực làm tiêu hao lực lượng Nga về hậu cần hoặc năng lực chỉ huy, bên cạnh đó tạo ra những kẽ nứt trong hệ thống phòng thủ của địch.

 

Theo Joseiph Henrotin, cần được đánh giá sự thành công qua tác động lâu dài, thay vì số diện tích tái chiếm lập tức. Quân Nga đã tạo ra phòng tuyến kiên cố chưa từng thấy trong lịch sử quân sự, và vẫn chiếm ưu thế về không quân và pháo binh. Tuy nhiên, Ukraina có lợi thế về nhân lực, tinh thần chiến đấu, thông thạo địa hình, được hỗ trợ về mặt tình báo. Cuộc phản công năm nay của Ukraina bắt đầu sớm hơn nhiều (ngày 04/06) so với năm ngoái (ngày 29/08). Do đó, vẫn còn quá sớm để nói về thành công hay thất bại, nhưng chừng như cuộc phản công đang đi đúng hướng.

 

 

Kreminna, chiến trường ác liệt

 

Trên chiến trường, Courrier International dịch bài phóng sự của báo UnHerd, tại « khu rừng của những bất ngờ » ở mặt trận miền đông. Phóng viên tờ báo Anh theo chân lữ đoàn tình nguyện Dnipro 1 ở tiền tuyến Kreminna, nơi những trận đánh diễn ra gần như là xáp lá cà. Nhà báo đi cùng một người lính chạy theo kiểu zig zag để mang một drone đến cho các đồng đội, dưới tiếng gầm rú, tiếng rít của các loại đạn pháo và các drone của địch đang quan sát. « Bất ngờ » có nghĩa là xe tăng, mìn, pháo, máy bay không người lái… Chiến hào đôi bên chỉ cách nhau có vài mét.

 

Khi Ukraina đánh bật được quân Nga ra khỏi thành phố Lyman bên cạnh ngày 01/10/2022, Kreminna trở thành trung tâm hậu cần thiết yếu cho lính Nga. Thống đốc Luhansk nhận xét, quân Nga biết rằng nếu mất Kreminna, toàn tuyến phòng vệ sẽ sụp đổ. Nga tấn công với tất cả những gì họ có : pháo, drone, chiến xa, phi cơ. Trên 90 % người lính của Dnipro đều đã bị thương một lần, 70 % bị thương hai lần và gần phân nửa ba lần bị thương. Họ chỉ có trong tay những chiếc xe cũ và vũ khí từ thời Liên Xô, trong khi chỉ cần moọc-chê và pháo là có thể giải phóng thành phố trong hai tuần lễ. Đơn vị luôn chờ đợi các vũ khí được hứa như thiết giáp Bradley và súng máy Browning nhưng đến nay vẫn chưa thấy, bỏ lỡ nhiều cơ hội đẩy lùi quân Nga.

 

 

Số tướng lãnh Nga thiệt mạng cao ngất ngưởng

 

Trong khi đó, Courrier International cho biết « Báo chí Ukraina đặt câu hỏi về cái chết của nhiều sĩ quan cao cấp Nga ». Trung tướng Oleg Tsokov đã thiệt mạng ngày 11/07 do hỏa tiễn tấn công vào Berdiansk thuộc Zaporijia. Trước đó một hôm, sĩ quan thủy quân lục chiến Stanislav Rzhytsky bị bắn hạ ở Krasnodar của Nga. Phải chăng là một cuộc trả thù có tổ chức của Ukraina ?

 

Từ một tháng qua, liên tục có những sĩ quan Nga mất mạng. Trang web NV.ua nhắc lại, đêm 13/06 Nga loan báo thiếu tướng Sergei Goryachev, tham mưu trưởng quân đoàn 35 đã tử trận vì hỏa tiễn. Được bộ máy tuyên truyền Nga ca ngợi là « một trong những người chỉ huy tài giỏi và hiệu quả nhất », ông Goryachev từng lãnh đạo lực lượng Nga tại Transnistria rồi một lữ đoàn xe tăng. Theo NV.ua, nhiều sĩ quan cao cấp khác cũng chết trong tình huống tương tự, như đại tá Sergei Posotovalov, tử nạn khi hỏa tiễn đánh vào một khách sạn ở Henitchesk.

 

Nikkei Asia dẫn lời tướng về hưu Nhật Bản Kiyofumi Iwata nói rằng số tướng lãnh Nga thiệt mạng « cao quá sức tưởng tượng », lên đến khoảng 20 người. Một viên chức tình báo cấp cao của Nhật Bản nêu nghi vấn « Có thể có những người cung cấp thông tin ở Donetsk và Luhansk ». Riêng trường hợp Stanislav Rzhytsky, cựu chỉ huy tàu ngầm Krasnodar thì bị một người lạ mặt bắn chết khi đang chạy bộ. Chiếc tàu ngầm này hôm 12/07/2022 đã bắn hỏa tiễn Kalibr vào Vinnytsia, cướp đi mạng sống của 27 người, trong đó có 3 trẻ em. Theo Kyiv Post, rất có thể Rzhytsky nằm trong danh sách các mục tiêu cần trừ khử.

 

 

Wagner nổi loạn : Vì sao Putin không tống khứ được Prigozhin ?

 

Trên danh nghĩa là lưu vong ở Belarus, nhưng chỉ năm ngày sau vụ binh biến bất thành, Matxcơva nhìn nhận ông chủ Wagner đã có cuộc trao đổi với tổng thống Nga ở Kremlin. Nhà nghiên cứu Maxime Audinet của IRSEM nhận xét trên L’Express, Yevgeny Prigozhin không bị đối xử thẳng tay như các tài phiệt bị thất sủng trước đây. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là ông ta còn được trả lại 10 tỉ rúp (101 triệu euro) đã bị tịch thu.

 

Nhắc lại trường hợp tỉ phú Mikhail Khodorkovski, chủ tập đoàn dầu lửa Yukos, chuyên gia Raphael Parens cho biết điểm khác biệt là đế chế của Prigozhin rất đa dạng, có sự tham gia của những người thân thiết với Putin, FSB và các cơ quan an ninh khác khiến việc xử trí thêm phức tạp. Hiện thời Kremlin phải làm tắt tiếng mạng lưới truyền thông hùng mạnh của Prigozhin, tung ra chiến dịch bôi bác đời tư ông ta. Gai góc nhất là vấn đề đội quân lính đánh thuê Wagner, cánh tay nối dài của Matxcơva tại Syria và hơn một chục nước châu Phi.

Hệ thống này đã bắt rễ sâu vào cơ cấu địa phương, không dễ thay thế trong ngày một ngày hai. Ông Parens nhấn mạnh, nếu đế chế Prigozhin biến mất hoàn toàn, Nga có thể nhanh chóng mất đi ảnh hưởng quốc tế, đặc biệt ở châu Phi. Những công ty lính đánh thuê tư nhân khác không có đủ kinh nghiệm và mối quan hệ để thay thế. Bên cạnh đó, sáp nhập lính Wagner vào bộ Quốc Phòng không đơn giản. Marat Gabidullin, một cựu chỉ huy Wagner dự báo, đa số sẽ từ chối ký hợp đồng, và kết luận : « Tôi không nghĩ là thời kỳ hoàng hôn của Prigozhin đã đến ».

 

 

Thế kỷ 21 là của Ấn Độ ?

 

Về châu Á, Ấn Độ liên tục được báo chí chú ý, đặc biệt thủ tướng Ấn lại là khách mời danh dự trong dịp Quốc khánh Pháp. Le Point chạy tựa lớn trên trang bìa « Siêu cường thách thức Trung Quốc : Thế kỷ Ấn Độ ». Bên cạnh cuộc đối đầu Mỹ-Trung, nổi lên một người khổng lồ thứ ba. Đất nước này đã thay đổi tầm vóc, năm ngoái vừa kỷ niệm 75 năm độc lập. Ấn Độ trở thành nền kinh tế thứ năm thế giới sau Anh quốc – quốc gia lần đầu tiên được một thủ tướng gốc Ấn lãnh đạo là ông Rishi Sunak.

 

Trong bối cảnh chiến tranh quay trở lại châu Âu, Ấn Độ với vai trò chủ tịch luân phiên G20 tháng Chín tới muốn xây dựng một trật tự thế giới có lợi cho các nước phương Nam. New Delhi cũng đồng thời đứng đầu Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, với lịch trình tập trung cho toàn vẹn lãnh thổ để đáp trả những vụ đụng độ với Trung Quốc ở Himalaya.

 

Tương quan lực lượng với Bắc Kinh dần được rút ngắn, do tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn 3 % một năm vì dân số giảm, khủng hoảng địa ốc, đảng kiểm soát chặt kinh tế xã hội, xử trí tệ hại đại dịch Covid. Trong khi đó Ấn Độ có hy vọng trở thành cường quốc kinh tế thứ ba thế giới vào năm 2030. Trước hết nhờ dân số đã vượt qua Trung Quốc, tiền lương chỉ bằng 1/3, được hưởng lợi trước làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Hoa lục theo chiến lược China Plus One. Cộng đồng Ấn kiều 28 triệu người hàng năm gởi về 90 tỉ đô la góp phần làm thăng bằng cán cân thanh toán.

 

 

Xích gần với phương Tây, Ấn Độ thách thức Trung Quốc

 

Ấn Độ đang xích gần lại với phương Tây để ngăn chận Trung Quốc : tham gia Bộ Tứ, siết chặt hơn quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Về quân sự, New Delhi tăng ngân sách quốc phòng từ 49 tỉ lên 77 tỉ đô la trong 10 năm, và đa dạng hóa nguồn cung : mua drone Reaper của Mỹ, chiến đấu cơ Rafale và tàu ngầm của Pháp trong khi lâu nay mua đến 86 % vũ khí từ Nga. Dù Ấn Độ nhiều lần tỏ thiện chí, Bắc Kinh không ngừng khiêu khích ở vùng biên giới Himalaya, yêu sách toàn bộ bang Arunachal Pradesh của Ấn với lý do liên hệ lịch sử và văn hóa với Tây Tạng – vùng đất đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm năm 1950. Tâm trạng thù địch với Bắc Kinh nay phổ biến nơi người Ấn.

 

Sự cất cánh của Ấn Độ tiếp tục vấp phải nhiều trở ngại : 68 % dân chúng sống ở nông thôn, nạn nghèo đói và bất bình đẳng - hơn phân nửa dân số thu nhập dưới 650 đô la/năm và 1 % người Ấn sở hữu 33 % tài sản quốc gia, thâm hụt ngân sách, tham nhũng, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Gót chân Achille cuối cùng : Ấn Độ đứng thứ 7 trong số các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Về xã hội, điểm bị chỉ trích nhiều nhất là cách cai trị độc tài của chính quyền dân túy Narendra Modi.

 

Là cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương, trung tâm mới của toàn cầu, Ấn Độ có lực lượng lao động giỏi tiếng Anh, có nền kinh tế kỹ thuật số, hàng năm đào tạo ra 500.000 kỹ sư. Le Point cho rằng Hoa Kỳ và châu Âu cần đặt quốc gia này vào trung tâm chiến lược của mình. Cuối tháng Sáu, ông Narendra Modi được tổng thống Joe Biden tiếp đón trọng thể ở Nhà Trắng, cho thấy sức mạnh của các ông chủ gốc Ấn. Từ Sundar Pichai (Google) đến Satya Nadella (Microsoft), hay Shantanu Narayen (Adobe Systems) và Arvind Krishna (IBM), họ lãnh đạo những tập đoàn công nghệ đa quốc gia sừng sỏ.

 

Ấn Độ có thể là nền kinh tế thứ ba thế giới trong thế kỷ 21, nhưng liệu có còn là nền dân chủ lớn nhất thế giới ? Le Point cho rằng New Delhi không nên từ bỏ việc bảo vệ các giá trị phổ quát, như Mahatma Gandhi đã khẳng định : « Lòng yêu nước không phải là độc quyền: nó cũng giống như lòng nhân đạo. Tôi là một người yêu nước vì tôi là con người và mang tính nhân bản. »

 

 

Hun Sen chuẩn bị cho con trai kế vị

 

Cũng liên quan đến châu Á, The Economist nói về Hun Sen, nhà độc tài Cam Bốt đã chuẩn bị người kế nhiệm là con trai ông.Tuy xuất thân khiêm tốn từ một gia đình nông dân, thủ tướng Cam Bốt vẫn ngự trị suốt 38 năm qua. Dù đang vận động tái tranh cử, thủ tướng tại vị lâu nhất châu Á đã chỉ định con trai lớn Hun Manet lên kế vị.

 

Tốt nghiệp trường võ bị West Point, có bằng tiến sĩ kinh tế đại học Bristol, Hun Manet, 45 tuổi, cũng có vị trí trong đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP) cầm quyền vốn đang nắm giữ tất cả 125 ghế trong quốc hội. Hệ thống tuyên truyền sùng bái cá nhân của chế độ luôn gieo rắc ý tưởng rằng một mình ông Hun Sen đã cứu Cam Bốt thoát khỏi Khmer Đỏ.

 

Nhà độc tài 70 tuổi cho xây dựng một công trình bằng cẩm thạch và bê-tông ở ngoại ô Phnom Penh để tự vinh danh mình. Tại khu tượng đài này có một bức phù điêu mô tả hai cha con bên cạnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo tuần báo, đưa ông Tập vào là phù hợp : Hun Sen đã mang lại cho Trung Quốc ảnh hưởng kinh tế, quân sự và chính trị to lớn ở Cam Bốt, trên thực tế đã biến nước này thành một quốc gia chư hầu của Trung Quốc.

Hun Sen chắc chắn sẽ thắng cử. Ông ta đã cấm đảng đối lập lớn nhất tham gia, đóng cửa đài Tiếng nói Dân chủ, một trong những cơ quan báo chí độc lập cuối cùng. Trong suốt nhiệm kỳ rất dài của ông, khoảng 6.000 nhà đối lập đã bị ép buộc hoặc thúc giục gia nhập đảng cầm quyền, số còn lại đang sống trong sợ hãi. Tuy tăng trưởng ấn tượng, nhưng đất nước này còn nhiều vấn đề trầm trọng như hủy hoại môi trường, tội phạm và tham nhũng : xếp hạng thứ 150/180 trong danh sách của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats