Sunday, 16 July 2023

VIỆC XÉT XỬ ĐẠI ÁN 'CHUYẾN BAY GIẢI CỨU' CÓ TÍNH CHÍNH TRỊ? (BBC News Tiếng Việt)

 



Việc xét xử đại án 'Chuyến bay giải cứu' có tính chính trị?

BBC News Tiếng Việt

16 tháng 7 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv2n4zxpz2eo

 

Trong đại án 'Chuyến bay giải cứu', nhiều quan chức cấp cao bị đưa ra xét xử, trong đó có ông Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a45b/live/0c5e8b80-23cb-11ee-8b27-b351ad48fb7c.jpg

Nhiều quan chức cao cấp bị đưa ra xét xử trong vụ 'Chuyến bay giải cứu'

 

"Đại án chuyến bay giải cứu có liên quan đến quan chức ngoại giao cấp cao, điều này đã làm xấu rất nhiều hình ảnh của Bộ Ngoại giao Việt Nam," Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt.

 

"Cấp dưới của ông [cựu Phó thủ tướng thường trực kiêm Bộ trưởng Ngoại giao] Phạm Bình Minh và [cựu Phó thủ tướng] Vũ Đức Đam đều bị đem ra xét xử," nhà nghiên cứu chính trị chuyên về Đông Nam Á nhận xét. "Tất cả chuyện này tạo nhiều áp lực sau hậu trường và có thể nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của họ trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14, dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2026."

 

Chủ trương thực hiện các chuyến bay giải cứu được chính phủ đưa ra vào tháng 4/2020.

Ban đầu, đây là các chuyến bay do hành khách trả tiền vé, còn các chi phí khác trong thời gian cách ly tại các cơ sở quân đội hoàn toàn do nhà nước đài thọ. Về sau bắt đầu có cả các chuyến bay 'combo', theo đó hành khách phải chi trả trọn gói toàn bộ các chi phí phát sinh.

Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, khoảng hơn 1.000 chuyến bay đã được cấp phép, đưa hơn 200.000 công dân về nước.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu372 chuyến bay combo.

 

Dư luận Việt Nam trong khoảng thời gian một năm này đã bàn luận rất nhiều về tình trạng bị "chặt', "chém" để được một suất trên chuyến bay về nước.

 

Đến tháng 1/2022, quá trình điều tra và truy tố được tiến hành, sau khi số tiền hàng trăm tỷ đồng đã chảy vào túi một số quan chức.

 

VN xử đại án 'Chuyến bay giải cứu': Chi 2,65 triệu USD 'chạy án' không thành

‘Chuyến bay giải cứu’: Truyền thông Việt Nam khai thác ‘rôm rả’

 

 

Trách nhiệm chính trị

 

Giáo sư Vũ Tường, chuyên ngành khoa học chính trị từ Đại học Oregon (Hoa Kỳ) đánh giá với BBC News Tiếng Việt:

 

"Chi phí một người Việt Nam phải nộp để được đi một "chuyến bay giải cứu" rất cao. và thông tin này được dân chúng bàn luận nhiều trên mạng, coi là vô lý và có tính 'chặt', 'chém'. Cũng như vụ kit test Việt Á, không khó để phát hiện."

 

"Tuy nhiên, chính ông [Tổng bí thư] Nguyễn Phú Trọng cấp giấy khen cho Việt Á, lẽ ra ông ấy phải nhận trách nhiệm chính trị và từ chức. Phó giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn nhận tiền chạy án trong vụ 'chuyến bay giải cứu', nhưng Bộ Công an chưa có ai nhận trách nhiệm chính trị và từ chức cả," Giáo sư Vũ Tường đánh giá.

 

Trong phiên họp bất thường của Trung ương Đảng Cộng sản cuối năm 2022, cơ quan này đã "đồng ý cho Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi nhiệm vụ". Hai ông xin rút lui với "lý do cá nhân", theo thông tin chính thức từ Đảng Cộng sản.

 

Trước đó, ông Vũ Đức Đam đảm nhận vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian từ 1/2020 đến 8/2021.

 

Theo quy định pháp luật, Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Nhận định về vai trò của ủy ban này, Giáo sư Zachary Abuza đánh giá: "Cơ quan điều tra hàng đầu là Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại không phải là cơ quan nhà nước. Với nguồn lực điều tra và truy tố có hạn, thì các đại biểu quốc hội phải chọn vụ án nào để đưa ra xét xử."

 

"Khi tham nhũng trở thành một đại dịch thì công cuộc điều tra chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ luôn luôn được biến thành một loại vũ khí, được dùng để chống lại đối thủ chính trị," Giáo sư Zachary Abuza nói thêm.

 

'Đại án chuyến bay giải cứu': Việt Nam liệu có 'mở rộng điều tra' các sứ quán?

Việt Nam có học từ Trung Quốc cách kiểm soát xã hội?

 

 

Chống tham nhũng

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b438/live/fcaf90b0-23ae-11ee-941e-23d1e9ab75fa.jpg

Giáo sư Vũ Tường nói theo khoa học chính trị thì quyền lực công phải được kiểm soát

 

Trong một bình luận với BBC News Tiếng Việt, nhà văn Trần Trung Đạo từ Pháp nhấn mạnh để chống tham nhũng, "xã hội Việt Nam cần phải được thay đổi phải bắt đầu từ gốc rễ, tức từ cơ chế".

 

"Vì nhận thức chính trị của đa số người dân Việt Nam còn thấp nên khi một lãnh đạo bị ra tòa, không ít dân chúng vỗ tay tán thưởng," ông nói.

 

Tuy nhiên, "Khi đất nước bị đặt trọn trong tay một nhóm người nắm mọi quyền hành mà không có những biện pháp kiểm soát và chế tài độc lập như tam quyền phân lập, tôn trọng quyền tự do phát biểu của người dân, tự do báo chí, tự do phản biện của các tổ chức xã hội dân sự nhóm người đó, thì chắc chắn đất nước đó sẽ còn xảy ra lạm quyền, tham nhũng," nhà văn Trần Trung Đạo nhận định.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam học gì từ các chính sách của 'người đồng chí' Trung Quốc?

Việt Nam: Những lý do gì khiến Zing News bị ngưng hoạt động ba tháng?

 

Từ khía cạnh khoa học chính trị, Giáo sư Vũ Tường nói rằng quyền lực công phải được kiểm soát.

 

"Nhân loại đã nghĩ ra nhiều cơ chế kiểm soát, bao gồm đảng đối lập, bầu cử công bằng và tự do, tam quyền phân lập hay ít nhất toà án, tư pháp độc lập, tự do ngôn luận, báo chí, và hội họp, và kiểm toán độc lập."

 

Và một trong những yếu tố then chốt giúp kiểm soát tốt chính là cần đạt được sự minh bạch, theo Giáo sư Vũ Tường.

 

Ông nói:

 

"Minh bạch nghĩa đơn giản là công khai tất cả việc bổ nhiệm, quyết định chính sách, và thu chi, chỉ trừ một phạm vi rất nhỏ chính sách, chi tiêu cho quốc phòng cần phải bí mật, nhưng các đại diện dân cử vẫn phải biết."

 

"Minh bạch nghĩa là làm theo luật pháp và có tư pháp độc lập để công tâm phán xét mỗi khi có mâu thuẫn."

 

"Minh bạch nghĩa là chính quyền không có quyền giới hạn thông tin một cách tuỳ tiện, mà phải tôn trọng quyền được thông tin của dân chúng."

 

Hiện chỉ số Corruption Perceptions Index (CPI) của Việt Nam là 42/100, xếp thứ 77/180 quốc gia. 100 điểm được xem là minh bạch nhất, theo Transparency International.

 

Giáo sư Zachary Abuza thì cho rằng nền báo chí độc lập cũng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề chống tham nhũng. "Không có báo chí hoặc tư pháp độc lập, thì các cuộc điều tra chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ luôn mang màu sắc chính trị, xét về bản chất," ông nói.

 

Năm 2023, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đánh giá Việt Nam tụt hạng, gần "đội sổ" tự do báo chí, đứng cuối bảng ở vị trí 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới, chỉ trên Trung Quốc (179/180) và Bắc Hàn (180/180).

 

----------------------------------

TIN LIÊN QUAN

·         

VN xử đại án 'Chuyến bay giải cứu': Chi 2,65 triệu USD 'chạy án' không thành

11 tháng 7 năm 2023

·         

Đảng Cộng sản Việt Nam học gì từ các chính sách của 'người đồng chí' Trung Quốc?

6 tháng 6 năm 2023

·         

Việt Nam: Những lý do gì khiến Zing News bị ngưng hoạt động ba tháng?

14 tháng 7 năm 2023

·         

Việt Nam: Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các phương án nhân sự cao cấp sắp tới

7 tháng 3 năm 2023





No comments:

Post a Comment

View My Stats