Sunday 2 July 2023

THƯỢNG ĐỈNH BRUXELLES : LIÊN ÂU CAM KẾT GIẢM LỆ THUỘC VÀO TRUNG QUỐC (Thùy Dương / RFI)

 


Thượng đỉnh Bruxelles : Liên Âu cam kết giảm lệ thuộc vào Trung Quốc

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 01/07/2023 - 13:16

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230701-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C....BB%99c-v%C3%A0o-trung-qu%E1%BB%91c

 

Trong ngày họp thứ hai thượng đỉnh Liên Âu tại Bruxelles, các lãnh đạo của khối hôm qua 30/06/2023 cam kết là Liên Hiệp Châu Âu sẽ giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/8f6f5c58-17f9-11ee-9874-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23181468780673.webp

Từ trái sang phải : Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 30/06/2023. AP - Geert Vanden Wijngaert

 

Reuters nhắc lại là từ năm 2019, Liên Âu đã xem Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh của khối 27 nước. Thái độ thận trọng của Liên Hiệp Châu Âu đối với Bắc Kinh càng tăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraina mà Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ mật thiết với Matxcơva.

 

Kết luận tại thượng đỉnh Bruxelles chỉ ra rằng Liên Âu sẽ giảm những sự lệ thuộc được xem là quan trọng, giảm thiểu các nguy cơ và đa dạng hóa các đối tác nếu cần. Các lãnh đạo châu Âu đã nỗ lực thể hiện sự đoàn kết, bất chấp khác biệt về quan điểm, đặc biệt giữa một bên là Pháp - Đức, hai nước có những lợi ích thương mại quan trọng với Trung Quốc, và bên kia là Litva, đang phải chịu các đòn trừng phạt kinh tế của Bắc Kinh liên quan tới hồ sơ Đài Loan.

 

Sau thượng đỉnh, thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu là Liên Âu « phải tránh sự lệ thuộc trong các lĩnh vực chiến lược », « sẽ cần một vài năm » để các công ty đa dạng hóa đối tác, nhưng Liên Âu - Trung Quốc sẽ vẫn duy trì « một quan hệ hợp tác kinh tế », « rất cần thiết về chính sách chống biến đổi khí hậu và an ninh lương thực ». Về phần mình, thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, tuyên bố : « Tôi là một người theo đường lối tự do, nên tôi ủng hộ việc mở cửa thị trường, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải nhìn nhận những gì đang xảy ra khi có mối liên hệ với các đối tác không chia sẻ cùng các giá trị với chúng ta ».

 

Một lần nữa, Liên Âu kêu gọi Trung Quốc gây áp lực để Nga chấm dứt cuộc chiến xâm lược Ukraina. Đồng thời, Bruxelles bày tỏ quan ngại về việc căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

Chính sách với Trung Quốc: 27 nước Liên Âu tìm tiếng nói chung

 

EU hướng đến một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc

 

Bắc Kinh chỉ trích chiến lược bảo hộ kinh tế của Liên Âu nhằm vào Trung Quốc

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats