Friday, 14 July 2023

PHẦN LAN, THỤY ĐIỂN GIA NHẬP NATO TÁC ĐỘNG RA SAO ĐẾN CHIẾN LƯỢC AN NINH CỦA NGA? (Minh Anh / RFI)

 



Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO tác động ra sao đến chiến lược an ninh của Nga ?

Minh Anh   -  RFI

Đăng ngày: 12/07/2023 - 15:40 

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230712-ph%E1%BA%A7n-lan-th%E1%BB%A5y-%C4%91i%E1%BB%8....BB%A3c-an-ninh-c%E1%BB%A7a-nga

 

Việc Nga tiến hành chiến tranh xâm lược Ukraina đã thúc đẩy hai nước Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ thế trung lập. Nếu như Phần Lan đã là thành viên thứ 31 của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương – NATO, thì Thụy Điển, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh, cũng sắp là thành viên thứ 32 của khối. Việc hai nước Bắc Âu này chọn lựa mô hình gia nhập nào sẽ có tác động đáng kể đến chiến lược an ninh quốc phòng của Nga

 

https://s.rfi.fr/media/display/a60211f6-20b2-11ee-8385-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23191230386043.webp

Ảnh minh họa: Bên ngoài hội trường họp Thượng đỉnh NATO, tại Vilnius, Litva, ngày 09/07/2023. AP - Mindaugas Kulbis

 

Hệ quả trước mắt của việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự là đường biên giới trên bộ giữa Nga và NATO dài thêm gấp đôi và biển Baltic có nguy cơ trở thành « ao nhà » của khối. Nga phải tăng chi phí quân sự cho việc triển khai thêm binh sĩ ở biên giới, tăng cường các hạm đội tầu chiến, hiện đại hóa các cơ sở quân đội cũng như là bố trí thêm các lực lượng phòng không bổ sung tại Kaliningrad và Leningrad… 

 

Tuy nhiên, theo ông Andrei Kortunov, tổng giám đốc Hội Đồng Đối Ngoại Nga (RIAC), mối lo lớn nhất của Nga chính là đà bành trướng quân sự của NATO. Trong quá khứ, giữa Nga và NATO tồn tại một số cơ chế để kềm hãm NATO mở rộng các cơ sở quân sự, chẳng hạn như sơ đồ 2+4 được tiến hành trong cuộc đàm phán thống nhất nước Đức (bao gồm hai phần nước Đức và bốn cường quốc chiến thắng phát xít Đức). Hay như Hiệp ước về các lực lượng quy ước châu Âu (FCE), hạn chế bố trí xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng , chiến đấu cơ hay trực thăng chiến đấu…  

 

Liệu rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có sẽ tạo thuận lợi cho NATO mở rộng sức mạnh quân sự sát sườn tây của Nga hay không ? Điều này còn tùy thuộc vào triển vọng bang giao giữa Matxcơva với Helsinki và Stockholm, vốn dĩ được quyết định bởi những điều kiện gia nhập NATO đặc thù của hai nước Bắc Âu này. Vị chuyên gia người Nga, trên tạp chí Diplomatie số ra tháng 5-6/2023, cho rằng có hai mô hình tham gia liên minh quân sự khác nhau của các nước Bắc Âu.   

 

Thứ nhất là « mô hình Baltic » theo điều kiện (model baltic conditionnel), mà đại diện là các nước Estonia, Litva, Latvia, và Ba Lan. Mô hình này đặt các nước liên quan trong tư thế như là một « tiền đồn » quân sự - chính trị không thể hủy diệt của nền văn minh phương Tây trước hành động man rợ phương Đông, trước một nước Nga theo chủ nghĩa xét lại. Những nước này chủ trương đường lối cứng rắn đối với Nga, sẵn sàng đi xa nhất có thể trong việc tăng cường sườn phía đông của NATO, bố trí các cơ sở quân sự của khối trên lãnh thổ mình, thiết lập « quan hệ đặc biệt » với Washington… và luôn tỏ ra ngờ vực trước bất kỳ đề xuất đối thoại nào với Matxcơva, thậm chí xem đấy như là một nhượng bộ, khuyến khích các hành động của Nga.  

 

Thứ hai là « mô hình Bắc Âu » (model nordique), cũng có điều kiện, mà các nước Na Uy, Iceland và trong một chừng mực nào đó là Đan Mạch đã chọn. Đây là một giải pháp dung hòa, kết hợp chọn gia nhập NATO nhưng đồng thời vẫn duy trì một mối quan hệ song phương với Nga. Hạn chế các hoạt động quân sự của NATO trên lãnh thổ và ưu tiên tìm kiếm đồng thuận. Điều này giải thích vì sao trong nhiều thập niên, mối quan hệ giữa Nga với Na Uy, thành viên của NATO, còn hữu hảo hơn giữa Nga với Thụy Điển, quốc gia láng giềng trung lập.   

 

Chuyên gia Nga Kortunov nhìn nhận, việc Nga xâm lược Ukraina có nguy cơ thúc đẩy nhiều nước thành viên mới chọn « mô hình Baltic ». Trong thâm tâm Nga mong muốn Phần Lan và Thụy Điển chọn « mô hình Bắc Âu ». Nhưng chọn lựa này còn tùy thuộc vào nhiều quyết định khác của Nga.  « Chiến dịch quân sự đặc biệt » kéo dài có thể làm tăng khả năng Phần Lan và Thụy Điển chọn theo mô hình Baltic. Ngược lại, việc đúc kết nhanh chóng một thỏa thuận ngưng bắn và xử lý chính trị cuộc xung đột, có thể khuyến khích hai nước Bắc Âu này hướng đến một mô hình dung hòa hơn. 

 

Sự chọn lựa đó cũng phụ thuộc vào thái độ chừng mực mà Matxcơva muốn hay không muốn chứng tỏ trong cách đáp trả chính trị và quân sự - kỹ thuật trước sự thay đổi vị thế của Phần Lan và Thụy Điển. Điều này cũng có giá trị cả cho vùng biển Baltic, biên giới Nga - Phần Lan và cả vùng Bắc Cực. 

 

 ------------------------------

Các nội dung liên quan

NATO tuyên bố sẵn sàng bảo vệ các nước đồng minh trước mọi đe dọa từ Nga hay từ Belarus

 

Ba Lan tái khẳng định ủng hộ Ukraina gia nhập NATO

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats