Wednesday, 5 July 2023

NỖI HOANG TƯỞNG CỦA TẬP CẬN BÌNH (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Nỗi hoang tưởng của Tập Cận Bình

Hiếu Chân/Người Việt

July 4, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/noi-hoang-tuong-cua-tap-can-binh/

 

Những ngày này, đa số tin tức về Trung Quốc đều gây lo ngại; dường như đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình càng ngày càng hoang tưởng, càng lo sợ cho quyền thống trị tuyệt đối của họ – nỗi lo sợ được che giấu dưới bộ áo khoác “an ninh quốc gia.” Những chính sách và biện pháp đàn áp của họ ngày càng khắc nghiệt, bất chấp hình ảnh của Trung Quốc trong mắt của nhân dân thế giới đang xấu đi đáng kể.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/A1-Tap-Can-Binh-hoang-tuong-1536x1024.jpg

Hôm 3 Tháng Bảy, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), đặc khu trưởng Hồng Kông, còn phát lệnh “truy nã cho tới chết” tám nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông đã tị nạn chính trị ở các nước Tây phương. (Hình minh họa: Billy H.C. Kwok/Getty Images)

 

Ngày 1 Tháng Bảy là thời điểm luật chống phản gián mở rộng (China Anti-Espionage Law) của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực thi hành. Giới quan sát chính trị đặt cho đạo luật này cái biệt danh “Vạn Lý Trường Thành Pháp Lý” (Legal Great Wall), tồn tại song song với bức tường lửa khổng lồ Great Firewall ngăn cách người dân Trung Quốc với mạng Internet của thế giới bên ngoài, và bức Vạn Lý Trường Thành (Great Wall) mà các triều đại phong kiến Trung Quốc xây dựng qua hàng ngàn năm để chặn bước chân các đoàn quân xâm lược từ phương Bắc.

 

Đây là đạo luật mới nhất trong chuỗi 15 đạo luật về an ninh quốc gia mà Trung Quốc ban hành gần đây để củng cố an ninh quốc gia, đối phó với những hành vi bị coi là gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.

 

Giống như tất cả các đạo luật về an ninh của thể chế Cộng Sản, luật mới của Trung Quốc có lời lẽ mơ hồ, có thể được hiểu và diễn giải theo nhiều cách sao cho các cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước có thể vận dụng một cách dễ dàng và tùy tiện nhằm trừng phạt những tổ chức, cá nhân mà Trung Quốc không chấp nhận. Luật phản gián bản cũ chỉ xử phạt các hành vi đánh cắp thông tin “an ninh quốc gia và tình báo;” luật mới được mở rộng để bao hàm cả “mọi tài liệu, văn bản, dữ kiện, vật liệu và bài viết liên quan đến bảo vệ an ninh và lợi ích của quốc gia,” không phân biệt giữa “an ninh” và “lợi ích.” Luật cũng định nghĩa hành vi gián điệp và hoạt động gián điệp là “cộng tác với các tổ chức gián điệp và điệp viên [nước ngoài], thực hiện các cuộc tấn công điện toán vào các cơ quan chính phủ, các đơn vị cơ mật hoặc các cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia.”

 

Với nội dung mơ hồ và rộng rãi như vậy, ai cũng có thể trở thành tội phạm, có thể bị bắt giữ và xử tù một cách tùy tiện. Bằng việc đặt mọi người, cả người Trung Quốc và người nước ngoài, trong nỗi lo sợ thường trực về một nguy cơ “vi phạm an ninh quốc gia” lủng lẳng trên đầu, ông Tập và đảng CSTQ hy vọng sẽ dập tắt mọi ý tưởng phản kháng của họ từ trong trứng nước.

 

Một khuyến cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ liệt kê một loạt các hành vi có thể bị xem là phạm tội, từ tham gia biểu tình đến gửi tin nhắn chỉ trích chính sách của Trung Quốc hoặc thậm chí chỉ đơn giản là tiến hành nghiên cứu về các lĩnh vực được coi là nhạy cảm. Việc phát biểu với báo chí về các đề tài bị coi là nhạy cảm như nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, số người tử vong trong đại dịch, tình trạng thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc và ngay cả việc thu thập, bàn luận về số liệu kinh tế của nước này cũng có thể bị coi là hoạt động gián điệp theo đạo luật mới. Tương tự như vậy, một lời bình luận trên mạng, phê phán đảng Cộng Sản hoặc quân đội Trung Quốc cũng có thể bị ghép vào tội gián điệp.

 

Ngay sau khi đạo luật này có hiệu lực, chính phủ Hoa Kỳ đã lập tức khuyến cáo người dân Mỹ cân nhắc việc đi tới Trung Quốc để du lịch, làm ăn, học hành vì nguy cơ bị bắt giam và xử tội một cách bất ngờ và phi lý. Bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh, chính quyền Trung Quốc “dường như có toàn quyền coi nhiều loại tài liệu, dữ liệu, số liệu thống kê là bí mật nhà nước và bắt giữ cũng như truy tố các công dân nước ngoài với cáo buộc hoạt động gián điệp.” Hiện có ít nhất ba công dân Mỹ bị giam giữ một cách sai trái ở Trung Quốc, theo tin từ Ngoại Trưởng Antony Blinken.

 

Các công ty nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc là những nạn nhân đầu tiên của chính sách đàn áp. Gần đây, công an Trung Quốc đã lục soát trụ sở hai công ty tư vấn kinh doanh của Mỹ tại Thượng Hải và Bắc Kinh, tịch thu nhiều tài liệu và bắt giam năm nhân viên người bản xứ, bắt giam một người Nhật là quản lý công ty dược Astellas Pharma Inc. – người Nhật thứ 16 bị bắt ở Trung Quốc với cáo buộc tội gián điệp. Hành động trấn áp đó của Bắc Kinh làm rúng động cộng đồng các nhà kinh doanh và đầu tư nước ngoài. Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) – cơ quan tuyên truyền của đảng CSTQ, còn dọa rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc thực thi luật chống gián điệp mới đối với các công ty nước ngoài.

 

Hậu quả là trong cuộc khảo sát ý kiến mới đây của Phòng Thương Mại Châu Âu, hai phần ba số giám đốc được hỏi nói rằng làm ăn ở Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều, ba phần năm cho biết từ năm ngoái đến nay việc kinh doanh bình thường đã bị chính trị hóa dưới cái mũ an ninh quốc gia. Dù vậy, nhiều nhà kinh doanh Tây phương vẫn tin tưởng một cách ngây thơ rằng Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực mời gọi các tập đoàn nước ngoài, vẫn dựa vào nguồn vốn và công nghệ nước ngoài để phục hồi nền kinh tế đang bị trì trệ vì chính sách phòng dịch cực đoan mấy năm qua.

 

Ông Tập và đảng CSTQ thừa hiểu chính sách đàn áp khắc nghiệt sẽ gây hại rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội Trung Quốc nhưng nỗi lo sợ bị mất quyền lực đã khiến ông ta đặt an ninh lên trên kinh tế, ưu tiên cho sự củng cố vị trí thống trị của đảng lên trước sự thịnh vượng của quốc gia.

 

Trường hợp Hồng Kông là minh chứng rõ nhất cho nỗi hoang tưởng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ngày 1 Tháng Bảy năm nay – kỷ niệm ngày lãnh thổ Hồng Kông được Vương Quốc Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1977 – không khí đặc khu này nặng nề, khó thở một cách bất thường sau hàng loạt chiến dịch đàn áp theo cái gọi là luật an ninh quốc gia. Cuộc thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1986, lẽ ra được tổ chức ngày 4 Tháng Sáu như thông lệ hằng năm, đã bị dẹp bỏ. Hơn 1,500 tù nhân chính trị – là những người hoạt động cho tự do và dân chủ của Hồng Kông trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ” – vẫn còn bị giam sau song sắt nhà tù với các bản án hết sức nặng nề. Tất cả các phương tiện truyền thông độc lập đều bị đóng cửa, tư pháp độc lập bị vô hiệu hóa, xã hội dân sự bị triệt tiêu và mọi hình thức phản kháng chính trị đều bị đàn áp, bị cáo buộc “câu kết với thế lực thù địch nước ngoài.”

 

Không chỉ như vậy, hôm Thứ Hai, 3 Tháng Bảy, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), đặc khu trưởng Hồng Kông, còn phát lệnh “truy nã cho tới chết” tám nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông đã tị nạn chính trị ở các nước Tây phương. Tuyên bố của ông Lý là bước chuẩn bị cho những chiến dịch bí mật của công an Trung Quốc theo dõi, ám sát hoặc bắt cóc tám người này đưa về Trung Quốc xử phạt tội “vi phạm an ninh quốc gia” – một cách hành xử phi pháp quen thuộc của các chế độ cộng sản.

 

Hậu quả là Hồng Kông đã không còn là địa điểm ưa chuộng của giới tài chính và kinh doanh quốc tế. Trong nửa đầu năm nay, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông, cùng với chỉ số CSI-300 của thị trường chứng khoán Thượng Hải, đã giảm gần 10% trong khi chỉ số Nasdaq của thị trường Mỹ tăng tới 30% và các chỉ số thị trường khác từ Nikkei 225 của Nhật, Taiex của Đài Loan đều tăng rất ấn tượng từ 20% đến 30%. Người Hồng Kông chẳng những mất tự do mà còn nghèo hơn trước do luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đặt lên cuộc sống của họ.

 

Từ ngày Trung Quốc “đổi mới và mở cửa” sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976, giữa người dân Trung Hoa và đảng CSTQ đã có một thứ khế ước bất thành văn, theo đó người dân chấp nhận sự cai trị của đảng đổi lấy sự yên ổn làm ăn, phát triển kinh tế và trở nên giàu có. Hơn bốn thập niên qua, khế ước đó được thực thi một cách nghiêm chỉnh, mang lại bước tiến rực rỡ của xã hội Trung Quốc. Bây giờ, kinh tế Trung Quốc đang gặp khó, thất nghiệp tràn lan, sản xuất kinh doanh đình đốn, nhất là sau gần ba năm đóng cửa thực hiện “zero-Covid” theo chỉ đạo của Tập, nỗi bất mãn của dân tăng lên nên đảng CSTQ chuyển sang chính sách đàn áp để buộc người dân phải tuân phục.

 

Nhưng với 1.4 tỷ dân can trường và thông minh của Trung Quốc, đàn áp bằng bạo lực chỉ là hạ sách, áp bức chỉ nuôi lớn chí khí đấu tranh, và sẽ có ngày nhà cầm quyền Bắc Kinh phải trả giá. [qd]

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats