Saturday, 15 July 2023

KHI TRUNG QUỐC TRỞ THÀNH "BÃI MÌN" ĐỐI VỚI GIỚI ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Khi Trung Quốc trở thành “bãi mìn” đối với giới đầu tư nước ngoài

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
14 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/trung-quoc/khi-trung-quoc-tro-thanh-bai-min-doi-voi-gioi-dau-tu-nuoc-ngoai/

 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc (TQ) đã giảm xuống chỉ còn $20 tỷ trong Quý I/2023 so với $100 tỷ của năm trước đó, gây tổn hại cho nền kinh tế đang gặp khó khăn sau đại dịch.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1529802503.jpg

Hàn Chính (Han Zheng), Phó Chủ tịch nước, trong buổi tiếp phái đoàn doanh nghiệp Mỹ tại Bắc Kinh ngày 11 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Rao Aimin/Xinhua via Getty Images)

 

 

Nhân danh chống gián điệp

 

Tuyệt vọng về vốn khi nền kinh tế rơi vào tình thế khó khăn và giảm thu ngân sách, các thành phố của TQ đang tìm cách thu hút các doanh nghiệp phương Tây bằng những món quà mà trước đây không hề có. Khi chính phủ TQ gọi 2023 là “Năm đầu tư vào TQ”, các quan chức địa phương đã bắt tay hiện thực hóa khẩu hiệu này bằng các chuyến công du để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là tại các nước phương Tây. Nhưng nỗ lực của địa phương đang vấp phải lực cản của trung ương. Đó là chính sách an ninh quốc gia mới của Chủ tịch Tập Cận Bình mà trọng tâm là chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.

 

Hậu quả là bất kỳ khoản đầu tư nào vào TQ của các công ty nước ngoài cũng trở thành một bãi mìn tiềm năng, may rủi khó lường. Năm nay, một chiến dịch củng cố an ninh do ông Tập lãnh đạo đã tấn công trực tiếp các nhà tư vấn quản lý, kiểm toán viên và các công ty của phương Tây. Mặc định họ có thể là điệp viên đã dẫn đến làn sóng khám xét, điều tra và giam giữ. Luật chống gián điệp mở rộng cũng làm tăng thêm lo lắng cho các giám đốc điều hành nước ngoài, vì họ có thể bị quy chụp là hoạt động gián điệp khi đang tiến hành hoạt động nghiên cứu thị trường.

 

Kinh doanh ở TQ trở nên rủi ro hơn có nghĩa là dòng vốn chảy vào một nền kinh tế đang phải chật vật với đầu tư, tiêu dùng yếu và tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tăng cao sẽ giảm mạnh.

 

Số liệu mới nhất cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TQ chỉ còn $20 tỷ trong Quí I năm nay, so với $100 tỷ cùng kỳ năm ngoái (theo phân tích của Mark Witzke thuộc công ty nghiên cứu Rhodium Group).

 

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán dòng tiền chảy khỏi TQ trong năm nay là đòn “đánh bồi” vào đầu tư nước ngoài giảm. Đây là sự đảo chiều đáng kinh ngạc đối với một quốc gia mà bốn thập niên qua luôn nhận được nhiều tiền chảy vào hơn là tiền chảy ra. Tăng trưởng của TQ chủ yếu là nhờ mở cửa với phương Tây, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài và chuyên môn để đẩy mạnh đổi mới và năng suất. Nay, việc tăng cường kiểm tra an ninh đối với các công ty nước ngoài đi song song với việc kêu gọi họ đầu tư đã trở thành lực cản đe dọa tước đi nguồn vốn, công nghệ, ý tưởng và kỹ năng quản lý từng giúp tạo nên sức mạnh cho sự trỗi dậy của TQ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1261728430.jpg

Chính sách an ninh quốc gia ngày càng siết chặt của Tập Cận Bình khiến giới đầu tư nước ngoài ngày càng hoang mang (ảnh: Ju Peng/Xinhua via Getty Images)

 

 

Mời và… đuổi

 

Cuộc chiến giằng co giữa “mời” và “đuổi” khiến các thành phố và thị trấn gặp khó khăn về vốn trên khắp TQ càng khó khăn hơn nữa khi có nhiều người thất nghiệp sau ba năm phong tỏa vì Covid-19. Theo thống kê chính thức, các chính quyền địa phương hiện phải chi ngân sách nhiều hơn trong khi nguồn thu hạn chế. Thu ngân sách giảm, chủ yếu là do thuế đất đánh trên các công ty giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái (đây là nguồn vốn mà chính quyền địa phương lệ thuộc vào từ lâu). Lý do, nhiều mặt bằng bị trả lại.

 

Hiện các địa phương đang vay quá khả năng chi trả và các khoản nợ phải gánh chiếm đến 120% ngân sách. Nhiều quan chức cho biết các chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài truyền thống của TQ không còn hiệu quả nữa. Một quan chức thương mại ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, cho biết chuyến đi xúc tiến đầu tư của ông tới châu Âu đã trở về với hai bàn tay trắng. “Trong 20 năm cố gắng thu hút đầu tư từ châu Âu, đây là lần đầu tiên chúng tôi không ký được một biên bản ghi nhớ nào” – quan chức này nói.

 

Một quan chức cấp cao khác ở một quận phía Nam tỉnh Quảng Đông, nơi đặt mục tiêu thu hút gần $300 tỷ đầu tư trong năm năm tới, nói với một đoàn thương mại Mỹ rằng họ sẽ “thối lại” cho “người ra quyết định” đầu tư một khoản tiền bằng 10% giá trị của hợp đồng! Nhưng đoàn thương mại từ chối lời đề nghị vì theo luật Mỹ làm như thế là nhận hối lộ. Một cuộc khảo sát gần đây của các nhóm kinh doanh ở TQ cho thấy hầu hết công ty Mỹ, Đức và châu Âu đã tạm dừng mở rộng hoặc giảm đầu tư vào TQ.

 

Crane, nhà sản xuất máy bán hàng tự động và các sản phẩm công nghiệp khác có trụ sở tại Stamford, Connecticut đã sản xuất tại TQ từ thập niên 1990, nay giảm mạnh đầu tư một phần do bất an về các chính sách an ninh mới. Sean Stein, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải và là cựu Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố, nhận định, áp lực gần đây đối với các công ty tư vấn Hoa Kỳ được xem là che chắn tai mắt các doanh nghiệp nước ngoài” khiến họ không biết điều gì đang xảy ra tại TQ trước khi quyết định đầu tư.

 

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã phản đối cách TQ đối xử với các công ty Mỹ khi bà đến Bắc Kinh vào tuần trước. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cũng dự kiến sẽ nêu vấn đề này trong chuyến công du TQ sắp tới của bà. Tại thành phố cảng biển Ningbo thuộc tỉnh Chiết Giang, các quan chức địa phương đã tổ chức diễn đàn “Đầu tư vào Chiết Giang”, nơi họ giới thiệu một “danh sách các sáng kiến” để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, từ việc xây dựng đường sá, đường ống tốt hơn đến việc có các ưu đãi về thuế và trợ cấp mua thiết bị cao cấp. Tuy nhiên, các chính sách không rõ ràng từ Bắc Kinh đã làm tê liệt trong các cuộc họp bàn việc đầu tư vào Trung Quốc. Chẳng ai biết trọng tâm thực sự của chính phủ TQ là gì.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1520783986.jpg

Chủ trương của địa phương khác với chính sách của trung ương khiến Trung Quốc chẳng khác gì một bãi mìn nhiều rủi ro đối với giới đầu tư nước ngoài (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

 

 

Câu chuyện của Pixelworks

 

Wall Street Journal thuật, Pixelworks, công ty có trụ sở tại Portland, Oregon chuyên thiết kế và sản xuất chip sử dụng trong các thiết bị hiển thị điện tử, đã được các quan chức địa phương ở Thượng Hải, nơi công ty đặt trụ sở, chào đón với vòng tay rộng mở. Họ đặc biệt ủng hộ việc Todd DeBonis, Giám đốc điều hành Pixelworks đưa công ty con tại TQ lên sàn chứng khoán STAR (tương đương Nasdaq của Mỹ) Thượng Hải.

 

DeBonis cho biết sẽ tập trung toàn lực vào TQ vì hầu hết các tài năng nghiên cứu và phát triển của Pixelworks đều có mặt tại TQ và TQ chiếm phần lớn doanh thu của công ty. Nhưng bất chấp sự hỗ trợ của địa phương, Pixelworks đang phải đối mặt với áp lực từ chính quyền trung ương trong việc cấu trúc lại công ty con ở TQ để đảm bảo nó độc lập với công ty mẹ ở Mỹ.

 

Các chuyên gia tư vấn kinh doanh và luật sư tư vấn cho các công ty đa quốc gia xem chương trình nghị sự về an ninh quốc gia của Bắc Kinh mở rộng sang các công ty nước ngoài là lực cản lớn. Đối với Pixelworks, điều đó có nghĩa là công ty về cơ bản phải tự chia đôi, và hoạt động tại TQ phải được tách ra khỏi công ty mẹ ở Hoa Kỳ, nếu muốn được cơ quan quản lý chứng khoán TQ chấp thuận cho phát hành cổ phiếu ra công chúng.

 

Hai năm rưỡi qua, Pixelworks đã trải qua một quá trình khó khăn để tách công ty con ở TQ độc lập khỏi công ty mẹ. Để làm việc này, Pixelworks phải chuyển quyền sở hữu trí tuệ cho hoạt động tại TQ từ công ty mẹ ở Hoa Kỳ sang công ty con ở TQ. Để tuân thủ những lo ngại về an ninh của chính quyền TQ, gần đây Pixelworks phải chuyển 15 nhân viên làm việc trong các dự án cho công ty mẹ ở Hoa Kỳ đến một tầng riêng trong tòa tháp văn phòng. Số nhân viên này có văn phòng riêng, hoàn toàn tách biệt với công ty con, và chỉ phục vụ cho các dự án ở Hoa Kỳ.

 

Vào cuối Tháng Sáu, một số quan chức của Bộ Thương mại TQ đã đến thăm văn phòng của Pixelworks để “hiểu rõ hơn” về hoạt động kinh doanh của công ty con và tiến độ tách hai công ty. DeBonis cho biết cuối năm nay sẽ nộp đơn đăng ký IPO lên các cơ quan quản lý TQ. Để được chấp thuận, công ty con cần thuyết phục Bắc Kinh là quyền sở hữu cổ phiếu của nó tại TQ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ lệnh trừng phạt tiềm tàng nào của Hoa Kỳ. “Họ sẽ không chấp thuận đơn đăng ký lên sàn của chúng tôi trừ khi chúng tôi loại bỏ hoàn toàn rủi ro cho các cổ đông TQ” – ông cho biết.







No comments:

Post a Comment

View My Stats