Tuesday, 4 July 2023

KHI NƯỚC MỸ GIÀ DẦN (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Khi nước Mỹ già dần

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
4 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/khi-nuoc-my-gia-dan/

 

Dân số Mỹ già dần đang định hình lại lực lượng lao động, với những hệ quả kinh tế không thể xem nhẹ. Theo ước tính, hiện tỷ lệ về hưu trên số công nhân đang làm việc đã đạt mức 1/6.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/pexels-andrea-piacquadio-3823542-1024x683.jpg

Minh họa: Andrea Piacquadio, Pexels

 

Tỷ lệ được giữ ổn định trong nhiều thập niên nhưng đã giảm mạnh khi những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (baby-boomer, sinh từ năm 1946 đến 1964) bắt đầu nghỉ hưu và sẽ tiếp tục nghỉ nữa. Ngày nay, số người về hưu tăng nhanh hơn nhiều so với số người mới gia nhập lực lượng lao động, khiến tương lai của lực lượng lao động và nền kinh tế bị phủ một gam màu xám chưa từng thấy!

 

50 năm qua, thế hệ baby-boomer đã làm việc cật lực và năng nổ. Khi họ già đi, lực lượng lao động cũng già hơn bao giờ hết. Khi họ nghỉ hưu, họ sẽ đẩy tỷ lệ người làm việc và người về hưu xuống mức thấp báo động đe dọa tương lai của các chương trình An sinh Xã hội (Social Security) và Medicare, dùng hỗ trợ người Mỹ lớn tuổi bằng cách đánh thuế những người đang làm việc.

 

Tỷ lệ người Mỹ đang làm việc bị thu hẹp có nghĩa là nguồn tiền họ kiếm được cũng giảm theo. Hệ quả là nước Mỹ thiếu hụt ngân sách trong thập niên tới nếu không đánh thuế cao hơn hoặc cắt giảm phúc lợi, trợ cấp xã hội. Không phải những người trẻ tuổi lười làm việc mà vì họ chỉ chiếm một phần dân số nhỏ hơn so với những người thuộc thế hệ bùng nổ khi ở cùng độ tuổi. Những người thuộc thế hệ bùng nổ có xu hướng sinh ít con hơn cha mẹ họ và các thế hệ theo sau cũng tiếp nối xu hướng này. Hệ quả là không có đủ thế hệ X (Gen X) và thế hệ thiên niên kỷ (millennial) để cân bằng với số người về hưu tăng dần.

 

Nghiên cứu cho thấy sự thay đổi nhân khẩu học đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc những người thuộc thế hệ boomer rời lực lượng lao động được bù trừ bằng những người nghỉ hưu muộn hơn, tức là làm việc lâu năm hơn. Nhiều người Mỹ vẫn làm việc ở độ tuổi 60, 70 khi tuổi thọ được đẩy lên, động lực tài chính hoặc nhu cầu kiếm sống hàng ngày. Xu hướng này đã bị đảo ngược trong thời gian đại dịch covid-19, nhưng hết đại dịch, phần lớn người về hưu sớm trong thời gian này đã quay trở lại làm việc. Kết quả là, lực lượng lao động hiện nay già hơn bao giờ hết.

 

Năm 1984, những người dưới 40 tuổi chiếm hơn 60% lực lượng lao động, nay giảm xuống còn 45%. Trong cùng khoảng thời gian đó, số lao động trên 60 tuổi đã đông gấp đôi. Số người về hưu tăng và họ trở thành người cần chăm sóc có ảnh hưởng đặc biệt đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngành này dự kiến cần thêm nhiều nhân lực hơn bất kỳ ngành nào khác trong thập niên này. Nhưng tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc hiện nay sẽ trở nên tồi tệ hơn khi số người cần được chăm sóc tăng lên trong khi số người chăm sóc không tăng, thậm chí giảm.

 

Nhà kinh tế Gopi Shah Goda tại Đại học Stanford ví von: “Chi phí chăm sóc dài hạn trong một xã hội già hóa khiến tôi mất ngủ cả đêm. Chăm sóc dài hạn là một trong những rủi ro chi tiêu lớn nhất mà người cao tuổi phải đối mặt. Các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe dài hạn tại nhà thường không được Medicare hoặc bảo hiểm y tế khác chi trả, nên người già phải tự làm nghèo mình bằng các chi trả chăm sóc dài hạn cho đến ngày họ đủ điều kiện nhận Medicaid”.

 

Khi thái độ đối với công việc thay đổi mạnh mẽ, sự thay đổi đó cũng tác động lên mọi thứ, từ môi trường làm việc đến vai trò của công việc trong cuộc sống. Nếu những người Mỹ lớn tuổi không đủ khả năng chi trả hoặc không tìm được tài trợ chăm sóc, người thân phải lo việc này.

 

Theo một cuộc thăm dò năm 2021 của KFF, cứ năm người trưởng thành ở Mỹ thì có một người phải chăm sóc người sống chung hoặc thành viên gia đình. Trong khi nhiều người tìm thấy mục đích và ý nghĩa của việc chăm sóc người thân, thì công việc không chính thức và không được trả lương này có thể gây căng thẳng tài chính, sức khỏe và tệ nhất là không còn đi làm được.

 

Trước một tương lai ảm đạm hơn nữa cho lực lượng lao động và nền kinh tế, các nhà lập pháp cần sớm đạt được thỏa thuận về các vấn đề gây tranh cãi như các chương trình nhập cư và phúc lợi bị bế tắc tại Quốc hội suốt nhiều năm. Nhà kinh tế học Kathryn Anne Edwards nhận định: “Hầu như chúng ta chưa cố gắng xử lý căn cơ bất kỳ vấn đề nào”.

 

Một tia sáng le lói cuối đường hầm là tận dụng lực lượng lao động nhập cư. Người nhập cư đông đảo sẽ lấp đầy khoảng trống trong độ tuổi lao động và làm chậm quá trình lão hóa của quốc gia. Theo thống kê, người nhập cư trung bình trẻ hơn người Mỹ và là yếu tố chính cho sự gia tăng dân số.

 

Theo nghiên cứu từ Viện Cato và Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (National Bureau of Economic Research), lượng người nhập cư nhiều hơn cũng có lợi cho những người cần chăm sóc dài hạn. Dự luật nhập cư lớn cuối cùng được thông qua vào năm 1986, và những ý đồ cải cách đều bị phân chia chính trị làm tê liệt. Bắt đầu từ năm 2033, An sinh Xã hội sẽ không thể thanh toán đầy đủ tiền hưu trí trừ khi Quốc hội thông đạo luật đã không được cập nhật pháp lý trong 40 năm qua. Để chống lại nguy cơ ngân sách mất khả năng thanh toán, các nhà lập pháp phải chọn giải pháp ba trong một: giảm các khoản thanh toán trợ cấp, tăng tuổi nghỉ hưu hoặc tăng thuế – The Washington Post cho biết.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats