Monday 17 July 2023

KHẢO SÁT AP-NORC : NGƯỜI MỸ BI QUAN VỀ NỀN DÂN CHỦ (Người Việt)

 



Khảo sát AP-NORC: Người Mỹ bi quan về nền dân chủ 

Người Việt

July 16, 2023

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/khao-sat-ap-norc-nguoi-my-bi-quan-ve-nen-dan-chu/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Chỉ có khoảng 10% người Mỹ trưởng thành giữ quan điểm tích cực về hoạt động của nền dân chủ tại Mỹ cũng như khả năng đại diện cho lợi ích của đa số, trong khi đó phần lớn lại cho rằng luật pháp và chính sách Mỹ kém cỏi trong một loại vấn đề quan trọng, từ kinh tế, chi tiêu chính phủ cho đến các quy định về súng đạn, nhập cư và phá thai, theo AP hôm 13 Tháng Bảy, trích dẫn khảo sát được AP-NORC thực hiện gần đây.

 

Những kết quả này phơi bày sự thật rằng mọi người đang bị vỡ mộng chính trị, trong bối cảnh đất nước đang phục hồi sau đại dịch và phải vật lộn với lạm phát và bất ổn kinh tế. Những người tham gia khảo sát không chỉ bày tỏ lo ngại về cơ chế dân chủ, mà còn về kết quả và đầu ra của hệ thống chính trị.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/TS-capitol-hill-1536x1024.jpeg

(Hình minh hoạ: Samuel Corum/Getty Images)

 

Theo khảo sát, 53% người được hỏi tin rằng Quốc Hội đang không duy trì được các giá trị dân chủ, và chỉ 16% tin rằng Quốc Hội đang làm tốt. Có tới 49% người Mỹ cho rằng dân chủ không được phát huy tốt ở Hoa Kỳ. Chỉ 10% cho rằng nền dân chủ đang hoạt động cực kỳ tốt, và 40% cho rằng chỉ hiệu quả ở một phần nào đó. 

 

Về từng đảng chính trị, 47% bày tỏ sự thất vọng đối với đảng Dân Chủ, và 56% thất vọng với đảng Cộng Hòa vì không thực hiện tốt các cam kết duy trì nền dân chủ.

 

Ông Michael Brown, 45 tuổi, cư dân Connecticut, bày tỏ thái độ không hài lòng với cả hai đảng, nguyên nhân chính là vì lạm phát và các khó khăn kinh tế. Ông cảm nhận rằng Quốc Hội không quan tâm đến nhu cầu của người dân, chỉ đang tập trung vào những vấn đề chẳng mấy quan trọng như điều tra con trai Tổng Thống Joe Biden.

 

Cuộc khảo sát còn cho thấy 53% người Mỹ tin rằng chính phủ không hiệu quả trong việc đại diện cho cá nhân. Cứ 10 người thì có sáu người đảng Cộng Hòa hoặc phe độc lập nghĩ như vậy, còn đối với đảng Dân Chủ là bốn trên 10. 

 

Môi trường chính trị ngày càng gây tranh cãi và tinh thần đảng phái ngày càng cao khiến nhiều người ngần ngại tham gia vào các hoạt động dân chủ truyền thống, chẳng hạn tham dự các cuộc họp của chính quyền địa phương. 

 

Bà Karalyn Kiessling, nhà nghiên cứu tại đại học University of Michigan, một người theo đảng Dân Chủ, lo ngại rằng tình trạng các thuyết âm mưu lan tràn và sự cực đoan bao trùm đang ngăn cản mọi người tham gia vào các hoạt động của nền dân chủ.

 

Trong khi đó, các chính trị gia thường có xu hướng chỉ lắng nghe ý kiến từ người xông xáo nhất, dù rằng đó chưa chắc là ý kiến đa số.

 

Sự xói mòn nền dân chủ cũng được phản ánh trong tình trạng siêu phân cực ở một số tiểu bang, nơi có một đảng chính trị nắm thế thượng phong tuyệt đối, khiến nhiều cử tri không cảm thấy việc đi bầu là cần thiết, rồi khi kết quả bầu cử đưa ra trái ý lại càng làm họ thêm thất vọng.

 

Cuộc thăm dò cho thấy 71% người Mỹ cho rằng ý kiến của số đông nên đóng vai trò quan trọng trong việc định hình luật pháp và chính sách, và chỉ 48% nghĩ rằng điều này đang được thực hiện.

 

Trong các vấn đề cụ thể như nhập cư, chi tiêu chính phủ, phá thai, chính sách súng đạn, nền kinh tế, và LGBTQ+, khoảng 66% người trưởng thành cảm thấy rằng các chính sách đưa ra không phù hợp với quan điểm của đa số. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, môi trường, và các vấn đề quan trọng khác.

 

Những người tham gia khảo sát có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Chẳng hạn ông Joseph Derito, 81 tuổi ở New York, cho rằng chính sách nhập cư không theo quan điểm số đông.

Bà Sandra Wyatt, một nhân viên nhập liệu nghỉ hưu 68 tuổi ở Cincinnati, đổ lỗi cho cựu Tổng Thống Donald Trump về việc phá hoại nền dân chủ và quyền công dân. Còn ông Stanley Hobbs, một công nhân xe hơi nghỉ hưu ở Detroit, cho rằng tình trạng nền dân chủ bị xói mòn là do một số đảng viên Cộng Hòa bị các doanh nghiệp lớn ảnh hưởng. 

 

Nhìn chung, cuộc khảo sát phơi bày những lo ngại sâu sắc và sự bi quan lan rộng về tình trạng dân chủ của Mỹ, từ đó thôi thúc chính quyền cần suy ngẫm và hành động để thu hẹp khoảng cách giữa hệ thống chính trị và mong muốn của người dân Mỹ. (MPL) [đ.d.]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats