Tuesday 4 July 2023

HÀNH LANG GIAO THÔNG BẮC NAM QUỐC TẾ (INSTC) : THỰC TẾ hay ẢO TƯỞNG? (Nima Khorrami   |  The Diplomat)

 



Hành lang Giao thông Bắc Nam Quốc tế (INSTC): Thực tế hay ảo tưởng?

Nima Khorrami   |  The Diplomat  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

05/07/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/07/05/hanh-lang-giao-thong-bac-nam-quoc-te-instc-thuc-te-hay-ao-tuong/

 

Cuộc thảo luận về Hành lang Giao thông Bắc Nam Quốc tế đã trở lại, nhưng liệu dự án này có thể vượt qua những khác biệt giữa Ấn Độ, Iran, và Nga hay không?

 

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/06/39.-INSTC.jpg

Bản Đồ Khu Vực

 

Đã có nhiều bài viết về tiềm năng của Hành lang Giao thông Bắc Nam Quốc tế (INSTC) như một yếu tố thay đổi cuộc chơi địa chính trị, và, chí ít là đối với một số nhà bình luận Ấn Độ, nó còn là giải pháp thay thế tốt hơn và công bằng hơn cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Trung Quốc dẫn đầu. INSTC sẽ chạy từ Nga qua Biển Caspi, có một trạm dừng ở Azerbaijan, sau đó đến Iran, và cuối cùng qua Biển Ả Rập để đến Ấn Độ. Dù INSTC khá tham vọng, nhưng tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt và đường bộ liên quan đến tuyến đường thương mại khổng lồ này hiện vẫn còn rất chậm.

 

Tuy nhiên, việc Ấn Độ từ chối tuân thủ đầy đủ các lệnh trừng phạt do phương Tây lãnh đạo nhằm chống lại Nga, sự hoài nghi của New Delhi đối với việc sử dụng các biện pháp trừng phạt như một công cụ chính sách, và thỏa thuận hợp tác đường sắt mới được ký kết gần đây giữa Iran và Nga, cũng như cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do đang diễn ra giữa Ấn Độ và Nga – khi kết hợp với nhau – chúng đã khơi dậy sự nhiệt tình của các nhà bình luận và nhà phân tích về triển vọng của INSTC, như một giải pháp thay thế khả thi cho các tuyến đường thương mại của cả Trung Quốc lẫn phương Tây, kết nối Á-Âu với các thị trường Nam và Đông Nam Á đang phát triển.

 

Chí ít thì đối với ba quốc gia giữ vai trò chính, cơ sở lý luận để vận hành INSTC là rất đơn giản. Khi trở thành phiên bản mở rộng của Hành lang Ba Tư, INSTC sẽ cung cấp cho Ấn Độ, Iran, và Nga một tuyến đường thương mại ngắn hơn, đồng thời trao cho họ nhiều lựa chọn hơn. Trong trường hợp Ấn Độ, nó sẽ cho phép New Delhi bỏ qua Pakistan và tiếp cận thẳng vào các thị trường Trung Á, nơi các tập đoàn Trung Quốc đang nhanh chóng củng cố sự hiện diện của họ. Mặt khác, đối với Iran và Nga, INSTC giúp họ được bảo vệ tốt hơn, nếu không muốn nói là bảo vệ hoàn toàn, khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh tiến trình phi đô la hóa của họ.

 

Dù vậy, nhận thức về mối đe dọa và lợi ích chiến lược và/hoặc ưu tiên khác biệt của ba quốc gia này, chưa kể đến nguồn lực tài chính hạn chế của họ, rất có thể sẽ cản trở sự hợp tác để hoàn thành INSTC.

 

Đầu tiên và quan trọng nhất là câu hỏi về Trung Quốc và những quan điểm khác nhau của ba nước về Bắc Kinh. Trong khi Ấn Độ coi INSTC là giải pháp thay thế cho BRI của Trung Quốc và coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược, thì Tehran và Moscow lại có nhận thức lạc quan hơn nhiều về Trung Quốc. Ngoài ra, Iran và Nga còn đang ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, nên cả hai đều không có khả năng ủng hộ, chứ chưa nói đến việc tham gia, một nỗ lực nhằm mục đích cắt bớt đôi cánh chiến lược đang phát triển của Trung Quốc.

 

Dù Nga chia sẻ một số lo lắng của Ấn Độ về ảnh hưởng đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc ở Trung Á, nhưng Moscow không, và quan trọng hơn là, không thể coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Xét đến tình trạng bị cô lập quốc tế và nền kinh tế đang gặp khó khăn, người Nga không ở trong vị trí có thể chống lại Trung Quốc, và do đó, nước này sẽ không tham gia vào các dự án nhằm hạn chế sự hiện diện chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc.

 

Tương tự, Iran có thể sẽ cảnh giác với việc biến INSTC thành một giải pháp thay thế cho BRI của Trung Quốc, nhất là vì nước này đã ký một thỏa thuận chiến lược dài hạn với Bắc Kinh. Việc Ấn Độ tuân thủ các biện pháp trừng phạt [nhắm vào Iran] do Mỹ lãnh đạo kể từ năm 2017, cam kết lỏng lẻo của nước này đối với Khu vực Thương mại Tự do Chabahar, và quan hệ đang phát triển nhanh chóng giữa họ với Israel, đã khiến Ấn Độ dần mất đi độ tin cậy trong mắt các nhà hoạch định chính sách Iran. Sự xói mòn niềm tin được thể hiện rõ qua việc các công ty Ấn Độ bị hủy hợp đồng xây đường sắt Chabahar-Zahedan, và bị loại khỏi quá trình đấu thầu phát triển khí đốt Farzad B. Trong lúc Bắc Kinh và Tehran mở rộng hợp tác ngoại giao để bao gồm các sáng kiến chung trong khu vực và tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh, Tehran sẽ ngần ngại tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào có thể gây nguy hiểm cho lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

 

Điều quan trọng không kém là định hướng chiến lược đang phát triển của chính Ấn Độ. Trong chừng mực nào đó, việc thúc đẩy vận hành INSTC có thể được coi là một nỗ lực chống phương Tây, nhằm trao quyền cho hai kẻ thù lớn của phương Tây là Iran và Nga. Khi lập luận về ảnh hưởng chiến lược ngày càng tăng của Ấn Độ dần nổi trội hơn, thì hơn bao giờ hết, Ấn Độ cần phải suy nghĩ thực tế về vị trí và sức nặng của mình trong nền chính trị quốc tế; nghĩa là tuy đang trên đà trở thành cường quốc, nhưng còn lâu Ấn Độ mới đạt được vị thế đó.

 

Về mặt chiến lược, việc khăng khăng triển khai INSTC và một hiệp định thương mại tự do với Nga có thể làm suy yếu vị thế của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và khiến nước này phải trả giá bằng tư cách thành viên Quad. Dù đúng là việc Mỹ mong muốn lôi kéo Ấn Độ đến gần quỹ đạo của mình đã trao cho Ấn Độ khả năng thương lượng, nhưng các quan chức Ấn Độ cần phải thận trọng để không quá tay. Về mặt kinh tế, tầm nhìn của Thủ tướng Narendra Modi về việc biến Ấn Độ thành một cường quốc công nghệ phụ thuộc chặt chẽ vào khả năng tiếp cận, thu hút, và giữ chân các công ty công nghệ phương Tây. Tuy nhiên, mọi hành động thúc đẩy các sáng kiến bị cho là gây tổn hạn đến lợi ích của phương Tây đều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây nguy hiểm cho việc hiện thực hóa tầm nhìn đó.  Lấy một ví dụ khác, chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Ấn Độ có thể được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ sự hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà thầu phương Tây, với điều kiện là chính phủ Ấn Độ có thể tận dụng mong muốn hiện tại ở các thủ đô phương Tây: lôi kéo New Delhi khỏi Moscow bằng cách mở rộng phạm vi quan hệ quốc phòng của họ với Ấn Độ

 

Để INSTC có thực sự có thể trở thành một tuyến đường thương mại chính thức, nó cần tích lũy lợi ích cho không chỉ ba quốc gia cốt lõi mà còn một số, nếu không muốn nói là tất cả, các đồng minh dân chủ của Ấn Độ. Để điều đó xảy ra, trước tiên, Ấn Độ cần tìm cách chấm dứt cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, và hy vọng vào một triển vọng chính trị trong nước tốt hơn ở Iran, mà trong đó, như lời Henry Kissinger, Tehran bắt đầu hành động như một quốc gia chứ không phải là một mối nguy hiểm.

 

--------------------

Nima Khorrami là nghiên cứu viên tại Viện OSCE ở Bishkek, Kyrgyzstan và Viện Bắc Cực ở Washington, D.C., Mỹ.

 

Nguồn:

 

Nima Khorrami, “INSTC: Pipeline Dream or a Counterweight to Western Sanctions and China’s BRI?,”The Diplomat, 21/06/2023






No comments:

Post a Comment

View My Stats