Tuesday 4 July 2023

GIÁO DỤC VIỆT NAM TRONG NHÓM "TỐT NHẤT THẾ GIỚI", NGẠC NHIÊN CHƯA? (An Vui / Saigon Nhỏ)

 



Giáo dục Việt Nam trong nhóm “tốt nhất thế giới”, ngạc nhiên chưa?

An Vui  -  Saigon Nhỏ

4 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/giao-duc-viet-nam-trong-nhom-tot-nhat-the-gioi-ngac-nhien-chua/

 

The Economist, tạp chí kinh tế danh tiếng của Anh, đã đánh giá giáo dục Việt Nam thuộc nhóm những nền giáo dục tốt nhất thế giới.

 

Thông tin này làm nhóm phụ huynh đang có con là du học sinh hoặc đang ấp ủ kế hoạch cho con đi du học để “tỵ nạn giáo dục” choáng váng, bất ngờ và không thể tin nổi.

 

Trong khi đó, truyền thông trong nước hân hoan đưa thông tin này tràn ngập từ hôm 3 Tháng Bảy đến 4 Tháng Bảy.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/4.7.23_Anh-9.jpg

Học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phố thông 2023 – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Cụ thể, tạp chí này khen giáo dục Việt Nam ở điểm nào? Đoạn mở đầu, tạp chí này nhắc lại một câu nói của Hochiminh – “the founding father of Vietnam” (cách hành văn này gợi nhớ các bài văn mẫu của Việt Nam) và cho biết mặc dù GDP trung bình đầu người của Việt Nam chỉ ở mức $3,760, thấp hơn so với các nước cùng khu vực là Malaysia và Thái Lan, chỉ giúp một người đủ ăn ở mức độ bình thường, thì con cái của các gia đình Việt Nam được thụ hưởng hệ thống trường học tốt nhất thế giới (?!), căn cứ qua các đánh giá quốc tế về khả năng đọc, toán và khoa học của học sinh phổ thông Việt Nam.

 

Tạp chí này dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan mà còn vượt qua học sinh ở Anh, Canada, những quốc gia giàu hơn gấp sáu lần. Ngay trong nước, điểm số của học sinh không có sự bất bình đẳng giữa giới tính và vùng miền như ở những nơi khác (?!)

 

“Bí quyết”, theo The Economist là trẻ em Việt Nam được học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Trong một nghiên cứu năm 2020, phó giáo sư Abhijeet Singh của trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) đã đánh giá năng suất của các trường học ở Việt Nam bằng cách kiểm tra dữ liệu từ các bài kiểm tra giống hệt nhau của học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam. Ông thấy trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 5 đến 8 có kết quả vượt trội. Thêm một năm học ở Việt Nam giúp tăng khả năng giải một bài toán nhân đơn giản lên 21 điểm phần trăm; trong khi ở Ấn Độ, mức này là 6%.

 

Nghiên cứu của các chuyên gia ở Trung tâm Phát triển Toàn cầu tại Washington (Hoa Kỳ) cho thấy ở 56/87 quốc gia đang phát triển, phẩm chất giáo dục đã suy giảm từ những năm 1960, còn Việt Nam thì ngược lại (?!)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/4.7.23_Anh-8-800x450.jpg

Học sinh Việt Nam đá bóng trong giờ ra chơi – Ảnh: Alamy

 

Bí quyết thứ hai là đội ngũ giáo viên ở Việt Nam giảng dạy hiệu quả hơn, ví dụ như với môn toán, học sinh Việt Nam làm toán tốt hơn học sinh Ấn Độ là nhờ phẩm chất giảng dạy hiệu quả.

 

Phân tích chỉ ra rằng giáo viên Việt Nam làm tốt công việc của mình vì họ được quản lý tốt (?!), thầy cô được đào tạo thường xuyên (?!)  và tự do (?!) làm cho các lớp học trở nên hấp dẫn hơn (?!).

 

Để giải quyết sự bất bình đẳng, những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng khó khăn có thêm phụ cấp, nhận thu nhập cao hơn (?!) Quan trọng nhất, việc đánh giá giáo viên dựa trên kết quả học tập của học sinh (?!), vì những giáo viên có nhiều học sinh giỏi sẽ được khen thưởng danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” (?!)

 

The Economist cũng nhắc tới “sự quan tâm của đảng và chính phủ với giáo dục” khi các chính sách được điều chỉnh để đáp ứng chương trình và tiêu chuẩn giảng dạy. Ngân sách địa phương được yêu cầu phải chi 20% cho giáo dục (?!)

 

Ông Ngo Quang Vinh từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định việc các gia đình Việt Nam coi trọng giáo dục còn bắt nguồn từ truyền thống hiếu học: đó là dù không có nhiều điều kiện, phụ huynh vẫn cố gắng cho con học thêm, nhất là ở những thành phố lớn, nhiều người tìm mọi cách để con được học những trường chuyên, trường toàn học sinh giỏi, giáo viên giỏi!

 

Mặt khác, The Economist cũng chỉ ra, việc đào tạo sinh viên tại các trường đại học Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực của các công ty; việc tăng trưởng kinh tế cũng kéo theo những cuộc di cư đến thành phố, khiến trường học ở các đô thị luôn bị quá tải (học sinh quá đông so với quy mô trường lớp và số giáo viên); nhiều giáo viên đang bỏ nghề để làm việc khác có mức thu nhập cao hơn.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/4.7.23_Anh-10.jpg

Minh họa của học sĩ Khều: Không dưng mà ở Việt Nam có cụm chữ “tỵ nạn giáo dục”

 

Bạn đọc bình luận gì dưới thông tin này? “Rất bất ngờ” (hanoi.spareparts2010); “Quá bất ngờ!” (doanminhdang1976); “Ngạc nhiên nhỉ?” (Quang Nguyen); “Trời đất, choáng thiệt” (Vũ Lê).

 

Ngoài sự ngạc nhiên, có bạn đọc băn khoăn: “Đánh giá tốt là dựa vào điểm số?” (quangtran); “Dựa vào điểm số để đánh giá nền giáo dục thì lo thật” (Vũ Ngọc Khanh).

 

Có bạn đọc mỉa: “Cha mẹ xếp hàng từ ba giờ sáng mua hồ sơ – thì nhất định con phải giỏi rồi” (anhtuancpn1966). Có bạn đọc nêu thực trạng: “Nếu giáo dục Việt Nam nằm trong nhóm ‘tốt nhất thế giới’ thì tại sao các bậc cha mẹ lại đổ xô cho con em minh sang Mỹ, Âu, Úc, Canada… du học ?” (ca_ric33); “Tốt thế mà vẫn chuộng đi du học làm chi” (meodenxamac); “Nhiều nhà có tiền thì cấp 2 đã cho con sang Mỹ rồi” (quangtran);

 

“Tôi đang buồn đây, lớp tiểu học của con tôi hơn 80% có điểm 10 môn toán, môn tiếng Việt. Vì thành tích của cá nhân, của trường, của quận, của thành phố… nên trước khi kiểm tra, kiến thức được cho trong một rổ, các bạn nhỏ cứ học cho thuộc, rồi đến kiểm tra là điểm 10 đạt được rất nhiều, thực lực thật sự của các con không đánh giá được” (Kim).

 

Cuối cùng, một bà mẹ đặt câu hỏi: “Thế thể lực và sức khỏe của trẻ VN có nằm trong TOP không, và có hạnh phúc vui vẻ không?” (Mẹ Po)





No comments:

Post a Comment

View My Stats