Monday, 3 July 2023

CHUYỆN THỜI SỰ VỀ ĐẠI HỌC MỸ : TỐI CAO PHÁP VIỆN v. TỔNG THỐNG (Huỳnh Hoa / Saigon Nhỏ)

 



Chuyện thời sự về đại học Mỹ: Tối cao Pháp viện v. Tổng thống

Huỳnh Hoa  -   Saigon Nhỏ
2 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/chuyen-thoi-su-ve-dai-hoc-my-toi-cao-phap-vien-v-tong-thong/

 

Ngay trước khi kết thúc mùa làm việc nửa đầu năm, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (TCPV) đã đưa ra hai phán quyết có ảnh hưởng sâu sắc tới chuyện học hành của người dân Mỹ và gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến. Hôm 29 tháng Sáu, TCPV quyết định bãi bỏ chính sách affirmative action, sang ngày hôm sau 30 tháng Sáu, TCPV lại quyết định ngăn chặn kế hoạch của Tổng thống Joe Biden, xóa nợ mà sinh viên đã vay để đi học đại học.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1504468742.jpg

Những người ủng hộ chính sách AA biểu tình gần trụ sở Tối cao Pháp viện hôm 29 tháng Sáu. Với số phiếu 6-3, TCPV đã quyết định chính sách xem xét yếu tố sắc tộc trong tuyển sinh đại học của ĐH Harvard và North Carolina – và các đại học Mỹ nói chung – là vi hiến. Ảnh Anna Moneymaker/Getty Images

 

Bãi bỏ Affirmative Action trong tuyển sinh

 

Chính sách gọi là affirmative action (AA) trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hiểu nôm na xem xét yếu tố sắc tộc/chủng tộc khi tuyển sinh, ưu tiên cho các sắc tộc thiểu số như người da đen, người da đỏ bản địa, người gốc Mỹ Latin (Hispanic); nó hao hao giống chính sách ưu tiên cho “gia đình có công cách mạng” (!) ở nước Việt Nam cộng sản. Chính sách AA được ban hành đầu thập niên 1960, dưới thời Tổng thống John F. Kennedy, với mục đích nâng đỡ những tộc người thiểu số thường bị phân biệt đối xử, giúp họ có thêm cơ hội được hưởng nền giáo dục bậc cao và phát triển sự nghiệp. Các trường đại học, nhất là các trường danh tiếng, khó vào như Đại học Harvard, coi chính sách AA là yếu tố quan trọng để xây dựng tính đa dạng của môi trường đại học, phản ánh tính đa dạng về sắc tộc của xã hội Mỹ nói chung. Theo tài liệu trình tòa của Đại học Harvard, hiện có 40% số trường đại học, và 60% số trường khó vào (selective) xem xét yếu tố sắc tộc trong việc tuyển sinh. 

 

Nhưng như lời nhà văn Nam Cao, “hạnh phúc ở đời là một chiếc chăn quá hẹp”, nâng đỡ cho nhóm này thì thiệt thòi cho các nhóm khác. Nhiều trường hợp sinh viên da trắng, sinh viên gốc Á giỏi mà không trúng tuyển vì phải nhường chỗ cho các sinh viên thuộc diện ưu tiên, nhất là ở các trường hàng đầu, khó xin vào như Harvard, nơi chỉ có 3.2% số hồ sơ dự tuyển được chấp nhận. Thế là kiện tụng liên miên suốt hàng chục năm qua, đỉnh điểm là vụ kiện của một tổ chức có tên nhóm Sinh viên Tuyển sinh Công bằng (Students for Fair Admissions) kiện chính sách tuyển sinh có xem xét yếu tố sắc tộc của Đại học Harvard và Đại học North Carolina, dẫn tới kết quả là phán quyết nói trên của TCPV.

 

Khi công bố phán quyết, Chánh án TCPV John Roberts nói,“Nhiều trường đại học đã kết luận sai lầm rằng nền tảng của bản sắc cá nhân không phải là những thách thức [người đó] đã vượt qua, những kỹ năng đã xây dựng được hoặc những bài học đã học được mà là màu da của họ. Lịch sử hợp hiến của chúng ta không dung nạp một lựa chọn như vậy.” Ông cũng nói thẳng ra rằng việc các trường đại học trao cho người da đen, người Hispanic quyền ưu đãi hơn, nhân danh tính đa dạng, là vi phạm quyền được bảo vệ công bằng tại Tu Chính Án số 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ.

 

Ba thẩm phán cấp tiến trong TCPV không đồng ý với ông Chánh án. Họ cho rằng, thực tế nước Mỹ vẫn còn nạn kỳ thị chủng tộc và chính sách AA bù đắp phần nào những thiệt thòi mà các cộng đồng thiểu số phải gánh chịu. Việc bãi bỏ chính sách này là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực gia tăng số lượng sinh viên sắc tộc thiểu số ở các đại học Mỹ. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1378975949.jpg

Sinh viên Đại học Harvard tuần hành trong khuôn viên của trường để phản đối phán quyết của TCPV hôm 29 tháng Sáu 2023 bãi bỏ chính sách xem xét yếu tố sắc tộc trong tuyển sinh mà DH Harvard là bên bị kiện. Ảnh Scott Eisen/Getty Images

 

Tổng thống Joe Biden cho biết ông cực lực không đồng ý với phán quyết của TCPV nhưng khó có thể làm khác được. “Nạn kỳ thị vẫn còn ở Mỹ. Phán quyết hôm nay không làm thay đổi điều đó,” ông nói.

 

Nhưng nhìn rộng ra, đa số người Mỹ tán thành quan điểm bảo thủ của TCPV. Hiện ở chín tiểu bang, cử tri đã bỏ phiếu cấm “phân biệt đối xử” dựa trên màu da và sắc tộc trong tuyển sinh đại học, gồm Arizona, California, Florida, Idaho, Michigan, Nebraska, New Hampshire, Oklahoma và Washington. Tiểu bang California đã bãi bỏ chính sách này từ năm 1996 vì cho rằng nó vừa không công bằng, vừa làm giảm sút phẩm chất của sinh viên đại học.   

 

Hồi tháng Tư 2023, trước khi TCPV quyết định số phận của chính sách AA, một cuộc thăm dò ý kiến do tổ chức nghiên cứu uy tín Pew Research thực hiện ghi nhận 51% số người được hỏi phản đối nó, 33% ủng hộ và 16% không có ý kiến. Về mặt ý thức hệ, có 54% những người theo đảng Dân chủ ủng hộ chính sách AA, 29% phản đối và 17% không có ý kiến; trong khi ở phía đảng Cộng hòa có 74% phản đối, chỉ 14% ủng hộ và 12% không có ý kiến. 

 

Hôm Chủ Nhật 2 tháng Bảy, hai ngày sau phán quyết của TCPV, một cuộc khảo sát ý kiến của Reuters/Ipsos cũng cho thấy kết quả tương tự: 52% tán thành phán quyết, 32% phản đối và 16% không có ý kiến. Chỉ có 26% người Dân chủ ủng hộ phán quyết trong khi con số này ở đảng Cộng hòa là 75% và 58% ở những người độc lập

.

Tuy vậy, theo ý kiến nhiều nhà quan sát, việc duy trì hay bãi bỏ chính sách AA không có nhiều tác động thực tế, bởi vì cho dù được ưu tiên, sinh viên các sắc dân thiểu số vẫn khó chen chân vào các trường đại học hàng đầu vì nhiều tiêu chuẩn khác như thành tích học tập hoặc tố chất lãnh đạo. Đa số sinh viên sắc tộc thiểu số, không kể người gốc Á, chọn các trường đại học cộng đồng, đại học cấp tiểu bang… vốn dễ dãi hơn trong việc tuyển sinh và thường không xem xét yếu tố sắc tộc.

 

Không xóa nợ của sinh viên

 

Tình hình cũng tương tự ở một phán quyết khác mà TCPV ban hành hôm 30 tháng Sáu: Ngăn chặn kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của Tổng thống Joe Biden. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1373729114.jpg

Những người ủng hộ kế hoạch xóa nợ sinh viên biểu tình tuần hành từ trụ sở Tối cao Pháp viện tới Tòa Bạch Ốc hôm 30 tháng Sáu 2023 để phản đối phán quyết của TCPV ngăn chặn kế hoạch xóa nợ của Tổng thống Joe Biden. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images

 

Mùa hè năm ngoái, chính quyền Biden đưa ra kế hoạch xóa bớt $10,000 tiền nợ cho những người đã vay tiền từ chính quyền liên bang để đi học đại học mà hiện có mức thu nhập hằng năm ít hơn $125,000, hoặc ít hơn $250,000 cho một gia đình. Những người mà khi đi học có hoàn cảnh tài chính quá khó khăn, được nhận học bổng Pell Grant, thì được xóa thêm $10,000 nữa, tức là được xóa tối đa $20,000. 

 

Kế hoạch xóa nợ lập tức gây tranh cãi dữ dội. Những người cấp tiến trong đảng Dân chủ như bà Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Massachusetts) nói mức xóa nợ $10,000 là quá ít, còn những người Cộng hòa thì phản đối xóa nợ, dù chỉ một đồng. Nhóm dân biểu Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ Viện đăng tweet: “Đã vay thì phải trả. Chấm hết”, hàm ý xóa nợ là chuyện không chấp nhận được.

 

Theo tính toán của các cơ quan hữu quan, hiện có hơn 43 triệu người Mỹ nợ tiền vay thời đi học, bình quân mỗi người trong số họ nợ $25,000; tổng số nợ lên tới $1,600 tỷ, tương đương với tổng sản lượng kinh tế hằng năm của nước Úc hoặc Brazil. Nếu kế hoạch của ông Biden được thực thi như lời hứa của ông khi tranh cử tổng thống, chính phủ liên bang Mỹ sẽ thất thu khoảng $430 tỷ.

 

Những người ủng hộ kế hoạch xóa nợ, phần lớn thuộc đảng Dân chủ, nói rằng, nợ tiền học không ngẫu nhiên mà có mà do sự thay đổi chính sách đầu tư cho giáo dục của các chính phủ tiền nhiệm: Giảm trợ cấp giáo dục đại học đồng thời mở rộng các chương trình cho vay. Nếu như niên khóa 1975-76 một sinh viên đại học công lập phải đóng trung bình khoảng $8,000 mỗi năm học thì đến niên khóa 2020-21, con số đó đã lên tới $22,700; sinh viên nghèo không có cách nào khác hơn là phải vay tiền của chính phủ để đi học. Thống kê của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy vào năm 2019 có 30% số gia đình người da đen nợ tiền học; 24% số gia đình gốc châu Á; 20% gia đình da trắng và 14% người Hispanic. “Gánh nặng [nợ tiền học] nặng tới mức ngay cả sau khi tốt nghiệp bạn vẫn không thể bước vào cuộc sống trung lưu mà có thời tấm bằng đại học cung cấp cho bạn,” Tổng thống Biden nói. Xóa một phần nợ là giải pháp nhân đạo mà chính phủ Biden quyết thực thi để làm nhẹ gánh nặng trên vai hàng triệu gia đình nghèo, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các sắc tộc.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/abc-news-graphic-7.1.23-jpeg.jpg

 Dư luận Mỹ chia rẽ sâu sắc về các phán quyết mới đây của TCPV về tuyển sinh đại học và xóa nợ sinh viên. Ảnh ABC News

 

Nhưng những người phản đối, phần lớn thuộc đảng Cộng hòa, thì cho rằng, xóa nợ không phải là giải pháp, chẳng những không giải quyết được vấn nạn học phí cao chót vót của hệ thống đại học Mỹ mà còn bất công với những người đi học bằng đồng tiền của chính họ hoặc vay mượn của gia đình, thân nhân. Sáu tiểu bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo, gồm Arkansas, Iowa, Kansas, Missouri, Nebraska và South Carolina đã đệ đơn lên TCPV kiện chính phủ Biden ra tòa để ngăn chặn và hủy bỏ kế hoạch này với lý do chính quyền liên bang đã vượt quá quyền hạn.  

 

Nhiều nhà kinh tế học cảnh báo việc xóa nợ cũng có thể tạo ra một tiền lệ xấu, nó sẽ khuyến khích các trường đại học tăng học phí, khuyến khích sinh viên vay mượn nhiều vì tin rằng cuối cùng chính phủ sẽ ra tay xóa nợ. Suy cho cùng, việc chính phủ sử dụng tiền đóng thuế của toàn xã hội để xóa nợ cho một số người có gì đó không thật hợp lý. 

 

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, thay vì xóa nợ, chính quyền cần có biện pháp chặn đứng đà tăng học phí vô tội vạ của hệ thống đại học công, kéo học phí công lập xuống mức phù hợp với thu nhập bình quân của xã hội để giáo dục đại học trở thành cơ hội cho mọi thanh niên có năng lực thay vì chỉ dành cho một thiểu số có tiền như hiện nay. Nước Mỹ cần một cơ chế miễn học phí giáo dục công lập từ mẫu giáo đến đại học như nhiều nước châu Âu thì mới có thể mang lại cơ hội bình đẳng về giáo dục và xóa bỏ tận gốc chuyện đi học phải vay tiền.

 

Ủng hộ hay phản đối, mỗi bên đều có lý lẽ riêng và điều đó phản ánh trong kết quả thăm do dư luận của ABC News/Ipsos công bố hôm 2 tháng Bảy: Có 45% số người Mỹ ủng hộ phán quyết của TCPV ngăn chặn kế hoạch xóa nợ của chính phủ, đồng thời có 40% phản đối và 14% không có ý kiến.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1509916577.jpg

Người biểu tình mang biểu ngữ “Chúng ta là Nhân dân” – tuyên bố mở đầu Hiến pháp Hoa Kỳ – tuần hành trên đường phố Los Angeles hôm 2 tháng Bảy 2023 để phản đối những phán quyết mang tính bảo thủ của TCPV, theo đó lợi ích của những cộng đồng sắc tộc thiểu số bị thu hẹp. Ảnh Mario Tama/Getty Images

 

Đảng Dân chủ có truyền thống thân thiện với những tầng lớp yếu thế, muốn đại diện cho tiếng nói của các cộng đồng thiểu số, có khát vọng tái lập sự công bằng và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang rất rộng trong xã hội Mỹ, nhưng việc ủng hộ chính sách sắc tộc trong tuyển sinh đại học, xóa nợ cho sinh viên… có thể là những lựa chọn không thật sự đúng đắn. Có một điều đáng để ý là trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và bầu Quốc hội giữa kỳ năm 2022, đảng Dân chủ đã giành được thắng lợi lớn nhờ lá phiếu của các cử tri trẻ và các cộng đồng sắc tộc thiểu số. Hơn 55% số cử tri trẻ đã bỏ phiếu cho ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 là một minh chứng.

 

Nay thì với hai phán quyết vừa ban hành của TCPV; nhiều người thất vọng khi thấy ông Biden không làm tròn những điều đã hứa và do đó sự ủng hộ của họ cho đảng Dân chủ chắc chắn sẽ giảm sút. Và đó là dấu hiệu đáng báo động cho đảng Dân chủ và Tổng thống Biden khi cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2024 đã chính thức khởi động.

 

------------

Đọc thêm:

·        Chính quyền Biden làm gì nếu kế hoạch xoá nợ sinh viên bị chặn?

·        Xoá nợ sinh viên lại làm nóng chính trường Mỹ

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats