Saturday, 15 July 2023

CHUYẾN BAY GIẢI CỨU : VỪA THU TIỀN, VỪA KỂ CHUYỆN (Khiết Văn / Saigon Nhỏ)

 



Chuyến bay giải cứu: Vừa thu tiền, vừa kể chuyện

Khiết Văn  -  Saigon Nhỏ

15 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/chuyen-bay-giai-cuu-vua-thu-tien-vua-ke-chuyen/

 

Phạm Sanh Châu là một mắc xích không nhỏ trong các vụ ăn bẩn đường dây chuyến bay giải cứu trong thời đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, thế nhưng bằng sự khôn khéo và các mối quan hệ của mình, ông Châu chỉ bị Ủy ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng khiển trách. Nói chung, khi 54 đồng phạm đang che mặt ra tòa, Châu thoát nạn.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/sFXiN46.png

Quyển Chiến dịch Hoa Kim Tước của Phạm Sanh Châu

 

(…) Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: (…) Khiển trách các đồng chí: Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Phạm Như Ý, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ” – trích Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 24 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ngày 22 Tháng Mười Hai 2022.

 

Khác với các quan chức khác, luôn che kín mặt và giấu kín tay trong các vụ ăn chia và nối kết, Phạm Sanh Châu, với tư cách Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, đã công khai khoe khoang việc dẫn mối cho giới quan chức ở Việt Nam, ăn tiền những đồng bào đang bị kẹt ở Ấn trong thời gian xảy ra đại dịch.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/anh2-1493310781214.jpg

Phạm Sanh Châu (ảnh: Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO)

 

Phạm Sanh Châu, sinh năm 1961, nguyên quán ở Hà Tĩnh, nổi tiếng là một nhà ngoại giao tinh ranh và rất láu cá. Ông ta kinh qua các chức vụ ngoại giao ở Bỉ, Pháp và Ấn Độ. Nhiều người còn nhớ năm 2017, khi Châu ứng cử chức Tổng giám đốc UNESCO, ông ta gây chú ý bằng cách để chai nước Number One của Dr. Thanh còn nguyên nhãn trước bàn của mình. Vào giai đoạn đó, công ty của Dr.Thanh đang rơi vào khủng hoảng sau sự kiện dựa lưng vào chính quyền, chèn ép người phát hiện sản phẩm lỗi, bị khui ra vụ nhập hóa chất Trung Quốc quá hạn làm nguyên liệu nước uống, cũng như tung tiền liên tục để giải cứu thương hiệu. Nhiều người tự hỏi Châu đã nhận bao nhiêu cho cú quảng bá độc nhất vô nhị đó?

 

Châu cũng là người mai mối sản phẩm “lừng danh” Nanocovax với công ty Ấn Độ Vekaria Healthcare LLP để vaccine này có thể được phân phối, trong bối cảnh việc sản xuất và nghiên cứu vaccine này bị đình trệ ở Việt Nam. Đây là một câu chuyện chưa được phanh phui, vì biên bản thỏa thuận giữ bí mật (Non-Disclosure Agreement) nhằm hiện thực hóa việc hợp tác này sau đó bị bỏ dở khi Hà Nội nỗ lực xin các nguồn vaccine từ phương Tây.

 

Trong thời gian làm đại sứ ở Ấn, Phạm Sanh Châu còn được cho là bí mật kết nối làm ăn với nhiều tỷ phú, doanh gia Ấn, đặc biệt với tập đoàn công nghệ hàng đầu Ấn Độ HCL Group… Kể qua những chuyện trên để biết rằng Châu sau nhiều năm tận dụng vị trí chính trị của mình, Châu có thể không cần đến các khoản chia từ phi vụ trục lợi chuyến bay giải cứu.

Vốn giỏi đánh bóng hình ảnh bản thân lâu nay, Phạm Sanh Châu đã gấp rút viết cuốn sách dài sáu chương, 268 trang, ca ngợi công sức mình “giúp” cho đồng bào bị kẹt tại Ấn – cụ thể là 339 người – về được quê nhà trong đại dịch. Thế nhưng liên quan chuyến bay giải cứu thì ít trong khi nội dung chủ yếu mô tả về đất nước Ấn, cảnh đẹp và sự lãng mạn hồn nhiên trong… con người của Châu.

 

Kể trong sách, Phạm Sanh Châu nói rằng khi được lệnh của chính phủ cho phép đưa người về nước, Châu chỉ có sáu ngày để chuẩn bị. Châu không quên nhấn mạnh việc mình quyết tâm thực hiện sứ mạng này, nhân “ngày sinh của bác”, và đặt tên là “Chiến dịch Hoa Kim Tước”. Thật ra có ba chiến dịch được Châu thực hiện: Chiến dịch Hoa Đỗ Quyên, bán vé cho 200 người Việt từ Nepal, Bhutan, Bangladesh, Sri Lanka và Maldives, và Chiến dịch Hoa Phượng Tím bán vé cho gần 200 người nhưng chủ yếu là đưa các nhà ngoại giao Ấn Độ và nhân viên Đại sứ quán về Việt Nam. Chỉ riêng chuyến bay “điểm tựa sinh nhật bác” là được Châu nói dài dòng.

 

“Ngày 14 Tháng năm, tôi nhận được tin Chính phủ cho phép tổ chức chuyến bay sơ tán công dân Việt Nam tại Ấn Độ… nhưng nhà nước chỉ duyệt cho 300 người…”, Phạm Sanh Châu viết. Nhân thân của những người được bay về Việt Nam không được nhắc tới. Ở trang 180, Châu kể là khi thấy giá vé dao động từ $12,000 đến $15,000, ông đã nói nhân viên gọi cho từng người để vận động và thuyết phục về giá vé.

 

Ông Châu kể, chỉ riêng chuyến ngày 19 Tháng Năm đã có hơn 600 người gọi để xin mua vé nhưng không đáp ứng được, và chỉ có những “đối tượng có đủ điều kiện mới được tham gia”. Sách không nói những người bị đẩy ra ngoài danh sách là ai, cuối cùng có về được quê nhà hay không, và làm thế nào để họ “có đủ điều kiện” để cầm chiếc vé bay về. Những số phận đó trở thành con số liệt kê vô hồn để làm bừng sáng gương mặt của Phạm Sanh Châu. Suốt cả trăm trang sách, Châu kể lể không ngừng về sự “đau đớn” của mình trước chuyện công dân Việt Nam kẹt ở Ấn Độ – những công dân “không đủ điều kiện”.

 

Quyển “Chiến dịch Hoa Kim Tước” dành hẳn chục trang thư cám ơn từ những người được đưa về nước. Lời lẽ xúc động khôn cùng, và trong đó, không quên kể đến sự bác ái và cao cả của Phạm Sanh Châu. Mỗi đoạn như một bài văn mẫu cấp quốc gia. Chẳng hạn bài của một người tên Đặng Thị Phương (trang 261), ghi rằng “Phút chia tay nhìn các bác, các cô trong Đại sứ quán và lòng dấy lên niềm hạnh phúc vô biên. Chia tay Bác Đại sứ (ý muốn nói Phạm Sanh Châu) để ra máy bay mà lòng mỗi người đầy xao xuyến, mong sớm ngày gặp Bác trong sự bình yên của đất nước”. Được thương mến đến mức đó, Phạm Sanh Châu được gọi bằng “Bác” với chữ viết hoa ắt cũng muốn giành chỗ của ông Hồ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/01-chuyen-bay-giai-cuu-7.jpg

Vụ án Chuyến bay giải cứu đang làm rúng động Việt Nam. Ảnh: Những bị cáo trước tòa trong phiên xử ngày 11 Tháng Bảy 2023 (Pháp Luật & Xã Hội)

 

Về phần “đốt pháo hoa” cho chính mình, ông Châu từng bị nhà báo Mai Bá Kiếm chỉ ra:

 

“Ông Châu viết: ‘Sáng 15 Tháng Sáu 2021, máy bay đã cất cánh theo giấy phép cũ thì lệnh “hủy phép cho hạ cánh” ở TP.HCM vừa đến. Suốt hai giờ sau đó, tôi gọi cháy cả hai máy điện thoại cho tất cả các mối quan hệ và người quen. Tất cả đều cố gắng giúp tìm địa điểm hạ cánh cho chuyến bay. Trong lúc chưa tìm được điểm đáp, tôi đành yêu cầu máy bay hạ cánh xuống thành phố Kolkata, Ấn Độ khi mới rời New Delhi được hai tiếng”.

 

Thánh thần thiên địa ơi! Điện thoại di động xài tần số UHF (từ 900 MHz đến 2.100 MHz) trong khi Đài Không lưu Tân Sơn Nhất xài tần số VHF (từ 30MHz – 300MHz) thì làm sao liên lạc hả cha nội? Cửa buồng lái có chốt trong để chống không tặc, phi công cho ông vào buồng lái là vi phạm an toàn bay. Vậy khi Đài Không lưu Tân Sơn Nhất báo phi công ‘hủy phép cho hạ cánh’ qua tần số VHF, tại sao ông ngồi ngoài buồng lái mà nghe được, để ông gọi can thiệp muốn cháy máy?” (trích).

 

Kết luận, nhà báo Mai Bá Kiếm viết, “Trên đời này cái gì cũng có thể giấu được, trừ giấu dốt!”. Từ chuyện này, chắc cũng cần phải xem lại mức độ sự thật trong cả trăm trang sách của Châu khi ông mô tả sự chỉ huy, quán xuyến xuất sắc việc “Bác Đại sứ” và Sứ quán Việt Nam ở Ấn đưa người về nước.

 

Trong lời cảm ơn các quan chức trong nước được ghi trang trọng trong sách, Châu liệt kê: “Tôi xin đặc biệt cảm ơn Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, Cục phó Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng và rất nhiều các bạn trong Cục Lãnh sự, Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ Hàng không Miền Nam, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài…”

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/20230715_131441.jpg

 

Đó chính là tên tuổi đen đúa đã bị cách chức hoặc đang đứng trước vành móng ngựa với tội hút máu đồng bào trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

 

Năm 2022, khi chuẩn bị rời khỏi chức vụ, Châu cho biết mình sẽ làm doanh nhân. Tự nhận định về mình, Châu nói, “cách thức của tôi khác mọi người mà thôi. Tôi chắc chắn tôi không vi phạm pháp luật, không làm sai đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng không làm trái lương tâm của một công dân, nên dù có ồn ào hay không trong mắt của mọi người cũng không làm giảm đi giá trị mà tôi có”.

 

Giải thích về cái tên Hoa Kim Tước, Châu nói đó là loài hoa đẹp tượng trưng cho sự từ bi. Nhưng hoa này, tên tiếng Anh là “laburnum”, là loại hoa đẹp có chứa độc tố. Một bó hoa kim tước khi được tặng thường đồng nghĩa với lời cảnh báo rằng người nhận có thể bị phụ bạc (a gift of Laburnum flowers may signify a warning that the receiver may soon be forsaken). Giới khoa học ghi nhận độc tố của hoa kim tước là cytisine. Các triệu chứng ngộ độc gồm buồn ngủ dữ dội, nôn mửa, co quắp, hôn mê, trào nước bọt, giãn đồng tử…

 

Giờ này, toàn dân Việt Nam đang nôn mửa “trào nước bọt” khi vụ án chuyến bay giải cứu ngày càng được phơi bày nhiều tình tiết tồi tệ, ai nấy cũng muốn mửa vào những kẻ hút máu đồng bào, ai nấy cũng muốn mửa vào bộ mặt đạo đức giả của bọn vô lương trơ trẽn, trong đó có Phạm Sanh Châu.






No comments:

Post a Comment

View My Stats