Monday, 24 July 2023

'CHUYẾN BAY GIẢI CỨU', CUỘC MẶC CẢ TRƯỚC CÔNG ĐƯỜNG (Hoàng Trường)

 



‘Chuyến bay giải cứu’, cuộc mặc cả trước công đường

Hoàng Trường

21/07/2023

https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-bay-giai-cuu-cuoc-mac-ca-truoc-cong-duong/7189204.html

 

Hình : https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-2ffd-08db87e048d5_w650_r1_s.png

Xét xử hơn 50 bị cáo về các tội liên quan đến hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, nhưng không có mặt nạn nhân là những người dân và vấn đề đền bù cho họ không hề được nêu ra.

 

Tiếc là Lưu Quang Vũ đã về cõi vĩnh hằng, nếu không, giờ này chắc ông vẫn ngồi gõ bàn phím để cho chào đời một “Macbeth thời Covid-19”, để dẫn dắt độc giả các lối đi zic zac của quyền và tiền, các biến thái của tham lam và tội phạm…

 

Ai là người Việt Nam yêu dân tộc và đất nước khốn khó này lại không quặn đau từng khúc ruột khi theo dõi một vụ đại án như thế! Sáng 17/7/2023, Chủ tọa phiên tòa bỗng nhiên tuyên bố tạm dừng phiên xử để các luật sư cung cấp chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả. Cuộc mặc cả diễn ra công khai trước công đường? Đang xử mà tạm dừng chẳng qua là để “họp án” (Họp để bàn cách đối phó với các phản cung trong quá trình xử). Theo báo chí nước ngoài, tòa án của Việt Nam xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” như “mua bán”, như “đổi chác”, về mức độ nghiêm minh kém xa so với thời phong kiến. Chỉ có những cây bút viết nhân danh chính quyền mới có thể nói rằng đây là một phiên tòa “đề cao dân chủ, thượng tôn pháp luật”. Dân chủ nào ở đây? Pháp luật nào ở đây? Khiến chúng ta nhớ đến nhà thơ nhân dân Nguyễn Duy. Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, ông cũng đã từng quặn đau và phẫn uất khi hạ bút viết về một Tổ quốc trong lòng mà “cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”:

 

 

Luật pháp như đùa, như có như không…

 

Hôm 17/7, trong phần thẩm vấn tại tòa, một số bị cáo ‘thành khẩn” cho rằng hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn sau khi thực hiện thành công “các chuyến bay giải cứu”. Viện Kiểm sát xác định đây là việc đánh tráo các khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu. Cần phải nhận thức đúng để loại bỏ “văn hóa phong bì” ra khỏi đời sống xã hội (!?) Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, hành vi nhận tiền của các bị cáo trong vụ án này là hành vi nhận hối lộ. Cử tọa trong phòng nhiều người cúi mặt. Bởi vì, nếu loại bỏ “văn hóa phong bì” thì ngay đến cả nhân viên quèn ở cấp phường, cấp xã cũng khó tuyển dụng, chưa nói chi lấy đâu ra đội quân “mũ cao áo dài” như quý vị! “Văn hóa phong bì” lâu nay là con đẻ của chế độ, là “nhóm máu THAM” trong huyết quản của cán bộ ở mọi cấp mọi ngành trong chính quyền. Viện Kiểm sát mà không biết câu đồng giao này thì thật lạ: “Thanh cha (thanh tra) thanh mẹ thanh gì/ Phải có phong bì thì mới Thank You”. Đòi xóa phong bì là quá coi thường “văn hóa tham nhũng” do thể chế này sinh hạ và dày công nuôi dưỡng. Chỉ ngừng tham nhũng một buổi thì cả hệ thống Đảng/Nhà nước này “bị treo” (như khi cái máy tính bị hacker), không có cách gì vận hành tiếp được. Một loại bôi trơn đa chiều, trên – dưới – ngang – dọc đều “thấm đượm” và vượt trội trên cả Mobil, Shell và Castrol Industrial.

 

Một nghịch lý lớn của phiên tòa hiện nay là, xử một đại án, với rất rất nhiều bị can, thiệt hại vật chất lên hàng ngàn tỷ VND, lưu lượng tiền tham nhũng và “đút lót” để chạy án cũng trên cả triệu USD, nhưng tuyệt nhiên, không thấy bóng dáng một người bị hại nào. Bản tin VOA ngày 18/7 chỉ rõ, phiên tòa kéo dài tới 30 ngày, bắt đầu từ 11/7, xét xử hơn 50 bị cáo về các tội liên quan đến hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, nhưng không có mặt nạn nhân là những người dân và vấn đề đền bù cho họ không hề được nêu ra. Vụ án bung bét đến mức không dấu được thì phải xử. Xử để còn làm những đại án tiếp theo, cho dù trên đã cho “khoanh vùng” đâu ra đó! Ngay từ những ngày đầu, nhiều người bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội rằng, họ quan tâm đến việc nhà nước Việt Nam có biện pháp nào để những nạn nhân của các “chuyến bay giải cứu” được đền bù hay không (Vì trong số này có cả ngoại kiều)? Điều này đủ nói lên tính chất giả nhân giả nghĩa của phiên tòa. Một số luật sư nói rằng người dân bị thiệt hại cần kiện dân sự hoặc tố cáo hình sự để đòi bồi thường. Lại đúng câu chuyện “con kiến đi kiện củ khoai”!

 

Ngay sau mấy ngày xử sơ thẩm, FB Nguyên Tống đã nhận xét rất chính xác khi cho rằng, cái gọi là “chuyến bay giải cứu” đã bị sai ngay từ gốc, như bao việc theo kiểu nửa dơi nửa chuột, nhập nhèm, đầu Ngô mình Sở đã xảy ra trên đất nước này. Nếu rạch ròi thì không được gọi là “bay giải cứu” để gây nhầm lẫn với những gì chính phủ các nước khác đã và đang làm với công dân của họ trong các thảm hoạ dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai… Nếu có “chuyến bay giải cứu” thì phải là một chủ trương được ban hành từ cấp cao nhất của chính phủ để giải cứu công dân của nước mình, giao cho Vietnam Airlines chủ trì thực hiện rồi về thanh toán với chính phủ. Phải hoàn toàn miễn phí và vô điều kiện, miễn là có hộ chiếu Việt Nam. Đằng này, đây là một việc tự phát, do các doanh nghiệp tự bỏ tiền ra thuê máy bay và còn phải “xin” nhà nước cho bay mới được làm. Và họ làm việc này không hẳn là vì lòng nhân đạo, mà phần lớn là do “ngửi” thấy cơ hội kiếm lợi nhuận, có lãi mới làm. Chính vì thế mà không thể khoác cho nó cái áo “chủ trương của Đảng và Nhà nước” để lập lờ đánh lận con đen.

 

 

Hưng phản cung là “trâu lấm vẩy càn”?

 

Tranh luận tại tòa, bị cáo Hoàng Văn Hưng nêu câu hỏi ngoài số tiền 800.000 USD Hưng bị buộc tội lừa đảo, số tiền 1,8 triệu USD mà Hằng khai đã đưa cho Tuấn, hiện nay ai cầm và Hưng kiến nghị cơ quan tố tụng phải làm rõ điều này để tránh bị bỏ lọt tội phạm. Qua thần thái và điệu bộ của Hoàng Văn Hương, những cử tọa trong và ngoài phòng xử đều ngầm thán phục, thấy cựu Trưởng phòng Bộ Công an này không hổ danh với cương vị từng có. Nhưng cũng thật mỉa mai và ngược đời! Trước và cả sau khi bị thuyên chuyển công tác,   Hưng vẫn tiếp tục hướng dẫn Hằng cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên. Thế mà ông tướng an ninh Nguyễn Anh Tuấn vẫn tin “sái cổ”. Hưng nói dối về vai trò của mình và khẳng định vẫn “kiểm soát được tình hình”, “vẫn trực tiếp báo cáo đề xuất chủ trương xử lý vụ án...” để moi tiếp tiền từ Tuấn và Hằng. Thế mà trước công đường, Hưng còn “dạy khôn” cơ quan tố tụng đừng để bỏ lọt tội phạm (!?) Hài hết chỗ nói… Cách phản cung của Hưng không phải là “trâu lấm vẩy quanh”. Sự tự tin của Hưng “trên mức bình thường” và việc tố ngược lại Tuấn có nghĩa là thế lực đứng sau Hưng khá mạnh, dẫu rằng, “người chống lưng cho Hưng” từ đầu câu chuyện, nay cũng đang “toát mồ hôi hột!”

 

Xử vụ án lớn như thế này, nhất là trong đó có màn đấu tố và phản cung của mấy ông công an loại “bự” bao giờ cũng hứa hẹn nhiều kịch tính. Kịch loại này mà vào tay Lưu Quang Vũ thì thật là “cười ra nước mắt”. Vụ án này có cả một “tập thể Macbeth” hẳn hoi, chứ không phải chỉ duy nhất một cá nhân Macbeth như trong kịch của Shakespeare. “Tập thể Macbeth” này bao gồm cả Tòa, Công an và Viện kiểm soát. Phải “thông đồng bén giọt” mới nắm được các lối di chuyển zic zac của quyền và tiền. Từ trước đến nay, những phiên tòa xử Công an bao giờ cũng kịch tính. Trung tá dám tố ngược Thiếu tướng là chuyện giật gân. Nói như FB Dương Quốc Chính, anh em, đồng chí, ngày thường đầu gối tay ấp, chén chú chén anh, ăn nhậu chơi bời đủ các kiểu. Nay đùng một cái, rơi vào hai chiến tuyến đối kháng. Ở Việt Nam thì Tòa, Viện kiểm sát và Công an đều là chỗ “thân thiết”, nếu có số má thì biết nhau cả, vì phải “chạm trán” qua các buổi “họp án”. Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên của Cục An ninh điều tra là dạng đó. Hưng nói khá chuẩn, trên 2000 chuyến “giải cứu” mà chỉ điều tra có 700 chuyến, thì lọt khối tội phạm là cái chắc.

 

Công luận vẫn tin là Hưng có tham gia chạy án. Khúc nhôi là Hằng (người đưa tiền) đã báo tổng số tiền là 2,8 triệu USD, vậy Hưng “kiếm” bao nhiêu, Tuấn “thịt” bao nhiêu và còn đưa cho ai nữa? Hưng đe sẽ khai tiếp về việc bỏ lọt tội phạm, khả năng là các đồng chí khác cùng tham gia đường dây. Hồi hộp phết! Vấn đề bây giờ là “bộ ba Macbeth” phải khoanh vụ án tới đâu, liệu khi nào sẽ cho cúp điện tại Tòa? Cách đây mấy năm, hồi Dương Chí Dũng nhắc đến tên Trần Đại Quang thì bỗng nhiên toàn bộ khán phòng “mất điện” (!?) Vụ Việt Á tới đây sẽ còn “nặng đô” hơn “chuyến bay giải cứu” rất nhiều. “Xấu chàng hổ ai?” Không khéo hổ cả ba ta (Tòa, Viện và Công an) thì rất dở, cho nên “đóng cửa bảo nhau” có phải là thượng sách? Hơn nữa, nếu lần này “Bay giải cứu” được gọn nhẹ, thì bên “Việt Á” nay mai cũng sẽ thể tình. Đôi ba bên cùng có lợi, nhất là sau khi đã thống nhất nhau “rút” được số tiền ban đầu nhỡ công bố với báo chí! Rút được tổng số tiền là “nhất cử lưỡng tiện”. Các cơ quan tố tụng vừa đút túi được khoản kha khá, mà các bị can, automatically, cũng được giảm nhẹ tội, vì đưa và nhận đều ít hơn trên thực tế sẽ không gây choáng!

 

Một vấn đề giật gân khác vẫn còn “treo” đó, sau ngày 17/7. Hoàng Văn Hưng dọa tung chứng cứ mới, khi tòa bắt đầu phần tranh luận. Vì sao bị cáo Hưng phản cung trong lúc 53/54 bị cáo khác nhận tội một cách dễ dàng đến đáng ngờ? Thật dễ hiểu, thuật ngữ hình sự gọi là thỏa thuận nhận tội. Có ít nhất 3 yếu tố kịch tính cho thấy hậu trường vụ án này không chút đơn giản: Thứ nhất, bằng kinh nghiệm của một cựu Trưởng phòng an ninh, Hoàng Văn Hưng tự tin về chứng cứ chạy án “mỏng”. Thứ hai, cũng từ chuyện do điều tra viên để lộ, công luận linh cảm về những nhân vật giấu mặt trong vụ án của Hoàng Văn Hưng khi muốn có những ai làm “ma chết thay”. Thứ ba, thời gian “hòa đàm” cho những thỏa thuận trong thời gian tòa tạm nghỉ, để sang giai đoạn tranh tụng. Giả sử, Hoàng Văn Hưng tung chứng cứ mới và được cho là “có căn cứ”, các phiên xét xử tiếp sẽ ra sao? Hãy chờ màn sau sẽ rõ!

 

=============================

 

BLOG THIÊN HẠ LUẬN

Từ vụ chuyến bay giải cứu: Đảng không phải là giải pháp, mà chính là vấn đề

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats