Tuesday, 4 July 2023

ẢO TƯỞNG và THÁNH HÓA MÔN VĂN (Thái Hạo)

 



Ảo tưởng và thánh hóa môn Văn  

Thái Hạo

3-7-2023  22:55   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0H81zEenPzWyeGTPczBp1zdgKWyJJgbTJ8iZV87RTf4534Xu2bqqLokQFu88zCvyLl&id=100059910855657

 

Môn Văn có lẽ là môn học được đại chúng quan tâm nhiều nhất, như vừa qua – sau kỳ thi THPTQG, sự bàn tán rất rộn ràng. Nhiều ý kiến còn cho thấy cả sứ mệnh rất cao cả của nó, như là ngầm ẩn hay hiển ngôn khẳng định vai trò tiên quyết của môn Văn đối với tương lai của một xã hội. Tôi không nghĩ thế.

 

Với tôi, môn văn trước hết là một môn học trang bị công cụ: sử dụng ngôn từ trong giao tiếp – giao tiếp hiểu theo nghĩa rộng. Toán cũng cần văn để diễn đạt, Sử cũng cần văn để tái hiện, GDCD cũng cần văn để truyền tải, viết báo cũng cần văn để tạo sức mạnh... Môn văn, vì thế, là một phương tiện không thể/không nên tự lấy mình làm cứu cánh.

 

Một người giỏi văn thì khi dạy Sử sẽ hấp dẫn hơn, bán hàng giỏi hơn, tán gái cũng dễ đổ hơn!

 

Một xã hội tiến bộ trước hết phải làm ra tiền, sản xuất ra các loại hàng hóa có giá trị, xây dựng được các thiết chế hiện đại, nhân văn, v.v., chứ không phải giỏi viết văn. Fukuzawa Yukichi phản đối lối “hư học”: “Học vấn là gì? Đó không phải là học chỉ cốt để hiểu câu khó, chữ khó; càng không phải là việc học chỉ để giải nghĩa văn cổ, đọc thơ, vịnh thơ. Học như vậy không có ích gì cho cuộc sống cả”.

 

Và ông chủ trương: “Trước hết phải học những môn thực dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: phải thuộc lòng bảng bốn mươi chữ cái Kana; học cách soạn thảo thư từ, ghi chép trương mục kế toán; sử dụng thành thạo bàn tính; nhớ cách cân, đong, đo, đếm; tiếp đến là phải học các môn như Địa lý để biết được phong thổ Nhật Bản và các nước trên địa cầu; Vật lý là môn học giúp ta phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua đó tìm ra tác dụng của nó; học Lịch sử vì đây là môn học giúp ta hiểu biết cặn kẽ mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó chúng ta có thể nghiên cứu quá khứ, hiện tại của quốc gia; học Kinh tế là môn giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của cả quốc gia; học môn Đạo đức giúp ta hiểu về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người” (Trích “Khuyến học”). Đây gọi là thực học.

 

Người ta đang yêu cầu ở môn Văn nhiều hơn sức vóc của nó, hay ít ra là cũng nhiều hơn những gì mà một con người có thể mang vác hoặc cần đến, mà quên mất tính chất công cụ của nó: giao tiếp. Người ta cũng sẽ biện minh rằng, môn Văn giúp nâng cao mỹ cảm, bồi đắp tâm hồn, v.v.. Nhưng âm nhạc, hội họa, phim ảnh..., thậm chí cả tôn giáo nữa, không có tư cách ấy sao?

 

Học văn trước hết là học tiếng Việt để sử dụng công cụ ấy một cách hiệu quả bằng các phẩm chất như dùng từ chính xác, viết câu chặt chẽ, cấu trúc văn bản hợp lý; rồi cao hơn nữa là viết/nói cho hay, cho đẹp, cho có “sức mạnh như mười vạn tinh binh”. Đọc báo bây giờ phải cười ra nước mắt, vì nhà báo nhiều người không biết dùng tiếng Việt, viết câu bất thành cú, ngô nghê ngọng nghịu. Đó chính là sản phẩm què quặt và sinh động nhất của môn Văn trong nhà trường sau mấy chục năm chủ trương những điều to tát - cao siêu mà xem nhẹ tính chất công cụ của nó.

 

Nếu nói học văn để biết quan tâm và “phản biện” xã hội thì môn Sử, môn Sinh học, môn GDCD, môn Kinh tế, môn Pháp luật, môn Triết học..., tóm lại là tri thức về mọi mặt của thế giới tự nhiên và xã hội sẽ xếp vào đâu? Theo tôi, chính các môn vừa liệt kê ra đó mới là quan trọng về mặt kiến thức, còn môn văn sẽ làm công việc khác, tuy vẫn cực kỳ quan trọng: là chiếc bè chuyên chở tri thức chuyên môn.

 

Thần thánh hóa môn Văn bằng việc đòi hỏi ở nó quá nhiều cũng như cao ngạo về “dân văn” ở những người “làm văn” chỉ tổ khiến cho xã hội này ngày càng bị giam hãm trong các tín điều hủ lậu.

 

Hãy thử nhìn vào đề thi Tú tài trong cuốn "Bài Việt văn kỳ thi tú tài" (1967) của nhà giáo Phạm Thế Ngũ mà xem, bàn về đủ mọi thứ trên đời, từ nghệ thuật, văn chương, nhân sinh quan, tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, thể thao, thời đại kim khí, cho đến các vấn đề thường nhật. Xin hỏi, kiến thức để làm các đề thi này có phải từ môn Văn? Không, hay ít nhất là cũng không đáng kể. Nó thuộc về sinh học, triết học, sử học, báo chí cho đến các khoa học về vệ sinh. Vậy văn đứng ở đâu? Ở chỗ diễn đạt sao cho hay, cho đẹp, cho thuyết phục về các tri thức ấy, chứ không phải bản thân tri thức.

 

Việc nhầm lẫn mục tiêu của một môn học mang tính công cụ thành cứu cánh đã dẫn đến một nhận thức hết sức tai hại: theo thời gian tiếng Việt bị hoại tử trong khi các tri thức chuyên môn thì nham nhở. Thành ra, công cụ không có mà kiến thức cũng lõm bõm. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, cứ thế ù ù cạc cạc trong hiểu biết và ú ớ trong biểu đạt. Như thế thì phát triển làm sao được!

 

Cho nên thay vì thổi phồng sứ mạng của môn Văn thì cần tập trung vào thực học: thực học từ ngay chính môn văn cho đến các tri thức chuyên môn khác để biết sử dụng công cụ giao tiếp một cách hiệu quả, phát triển trí óc, hoàn thiện nhân cách. Chỉ có khoa học mới đưa xã hội thoát khỏi vũng lầy trì trệ này, chứ không phải “văn hay chữ tốt”.

 

TB: Học văn, dạy văn và có viết văn làm thơ, tôi cũng luôn ý thức được vị trí quan trọng của môn Văn nhưng là quan trọng theo một cách khác và cũng không bao giờ thấy nó có thể thay thế được các tri thức chuyên môn thuộc về rất nhiều ngành khác nhau. Cũng xin lưu ý, ở đây tôi đang nói về môn Văn – tức một môn học về sử dụng tiếng Việt – chứ không phải sáng tạo văn chương như là một sản phẩm của loại hình nghệ thuật ngôn từ - chuyện này có thể bàn sau.

 

Thái Hạo

 

.

163 BÌNH LUẬN   

 

Tác giả

Thái Hạo

Bài "Môn Văn, bình thường thôi!" tôi viết cách đây 2 năm: "Cả một thời gian có lẽ là quá dài chúng ta đã sống trong truyền thống “trọng văn” của Á Đông, nhất là khi chế độ khoa cử chính quy từ thế kỷ X kéo dài đến ít nhất là hết thế kỷ XIX đã dùng văn chương để tuyển chọn nhân tài cho bộ máy nhà nước. Văn chương ngâm ngợi, thù tạc, rồi trở thành phương tiện mưu cầu công danh cho mỗi cuộc đời xuất thế cứu đời; cứ thế, văn được gán vào mình cả những thứ hết sức nặng nhọc. Nào là kỹ sư tâm hồn, nào là cứu rỗi, nào là nâng đỡ, là cứu cánh, là thiêng liêng, là cao cả, thậm chí đồng nhất “văn là người”! Cho đến nay, khi khoa học đã đưa nhân loại đi rất xa thì chúng ta cần dứt khoát từ bỏ cách quan niệm về văn chương nặng tính ve vuốt ấy". 

https://viettimes.vn/mon-van-binh-thuong-thoi-post151410...

VIETTIMES.VN

Dạy văn chương là dạy tiếng mẹ đẻ

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats