Sunday, 23 July 2023

ĐẠI ÁN ‘CHUYẾN BAY GIẢI CỨU’ MỚI CHỈ XỬ LÝ PHẦN NỔI CỦA TẢNG BĂNG CHÌM? (BBC News Tiếng Việt)

 



Đại án ‘Chuyến bay giải cứu’ mới chỉ xử lý phần nổi của tảng băng chìm?

BBC News Tiếng Việt

23 tháng 7 2023, 19:40 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw5rqz56rlzo

 

Tuần qua, vụ xét xử đại án 'Chuyến bay giải cứu' thu hút dư luận với những lời khai của các bị cáo, từ tố nhau trước tòa, làm thơ cho đến định nghĩa thế nào là người tử tế.

 

Trước vành móng ngựa, một số bị cáo nói về đạo đức làm người. Các bị cáo lập luận bản thân không biết là tiền hối lộ, chỉ nghĩ là "quà tết", "quà cảm ơn"... và những giọt nước mắt đã rơi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4f80/live/16994a40-293e-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.png

Sáu trong số 54 bị cáo trong đại án 'Chuyến bay giải cứu'

 

 

'Chỉ là phần nổi của tảng băng chìm'

 

David Hutt, nhà báo làm việc tại Á châu, chuyên viết trong mục 'Đông Nam Á' của The Diplomat, bình luận rằng vụ việc cho thấy chiến dịch 'đốt lò' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn nạn tham nhũng.

 

"Nó cho thấy sau bốn năm thực hiện chiến dịch 'đốt lò" chống tham nhũng, các quan chức cao cấp vẫn nghĩ rằng họ có thể an ổn khi tham nhũng một cách trắng trợn như thế," ông nói với BBC News Tiếng Việt.

 

"Điều này cho thấy bất kỳ chiến dịch chống tham nhũng nào do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng sẽ thất bại nếu không giải quyết một vấn đề thật sự - đó là tình trạng ở một quốc gia độc đảng, các quan chức chỉ bị quan chức cấp cao hơn sờ gáy," David Hutt nhận xét. "Chỉ có thay đổi về hệ thống chính trị mới giải quyết hiệu quả được nạn tham nhũng."

 

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất, hơn 42 tỷ đồng sau 253 lần nhận tiền, và là người duy nhất bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị án tử hình. Những người khác bị đề nghị mức án tới 20 năm tù giam.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu David Hutt thì "Đây chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm - và là phần nổi rõ rệt nhất", và cho rằng án tử là mức quá nặng. "Tôi nghĩ trong trường hợp của ông ấy thì mức án tù dài hạn là thỏa đáng."

 

Từ Ba Lan, nhà văn Trần Quốc Quân cũng cho rằng phiên tòa đang diễn ra "mới chỉ giải quyết phần nổi của tảng băng chìm".

 

"Phần nổi của tảng băng này là quan hệ giữa doanh nghiệp đưa hối lộ và quan chức nhận hối lộ có quyền cấp phép cho các 'chuyến bay giải cứu'," nhà văn Trần Quốc Quân nói với BBC News Tiếng Việt. "Phần chìm của tảng băng này là quan hệ giữa các quan chức có quyền duyệt danh sách công dân Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại nước ngoài được 'giải cứu' về nước trong đại dịch Covid-19."

 

"Không một ai trong các cấp chính quyền, trong cơ quan chống tham nhũng, trong số các công tố viên đang xét xử vụ án 'Chuyến bay giải cứu' đặt ra câu hỏi cho các bị cáo (nhất là với cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan), rằng tại sao Lãnh sự các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước là cơ quan quản lý trực tiếp nhân sự các công dân ở nước sở tại lại phải gửi danh sách người muốn bay 'giải cứu' về để Cục Lãnh sự Bộ Ngoại Giao duyệt cho bay?"

 

Việc xét xử đại án 'Chuyến bay giải cứu' có tính chính trị?

Vì sao có tiền nhưng Việt kiều vẫn chọn về VN qua ngả Campuchia?

 

 

Không phân biệt được cảm ơn và hối lộ?

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2ae3/live/4c1f4420-293f-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.png

Bị cáo Chử Xuân Dũng và bị cáo Tô Anh Dũng

 

Những lời trình bày trước tòa của một số bị cáo gây kinh ngạc, thậm chí gây phẫn nộ trong xã hội. BBC xin trích dẫn dưới dây một số câu nói được chú ý nhiều:

 

"Kể cả phạm tội rồi thì mình vẫn phải trung thực, phải là người tử tế, đàng hoàng, không nói xấu người khác…" (bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội)

"Khi tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi suy nghĩ đơn giản, không phân biệt được hành vi dân sự với hình sự." (bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giải thích việc mình không phân biệt được hành vi hối lộ và phạm tội)

 

"Tôi xác định dù đây là tiền mình vô tình nhận hối lộ nhưng cũng là tôi 'số đen', không may thì trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả. Khi bị bắt tạm giam thì việc đầu tiên tôi làm là gọi về cho vợ, bảo: Em chuẩn bị cho anh ba tỷ, anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian." (bị cáo Trần Văn Dự, cựu Cục phó Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an)

 

"Bị cáo nhận thức đây là tiền doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nên mới nhận." (bị cáo Trần Văn Tân cựu phó chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam)

 

Từ Ba Lan, nhà văn Trần Quốc Quân nói: "Tiến sĩ khoa học Chử Xuân Dũng cựu phó chủ tịch Hà Nội nhận thức hết sức lệch lạc về việc nhận hối lộ, coi hành vi này đơn giản như nhận một món quà tặng bình thường: "Dù hôm nay tôi là tội đồ, nhưng vẫn luôn là người tử tế." Vâng! Là người tử tế biết nhận hối lộ."

 

Luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC: "Nếu ông Tô Anh Dũng nói không phân biệt được giữa hành vi cảm ơn và phạm tội thì tôi cho rằng đây là phát biểu ngây ngô."

 

Nhà văn Trần Quốc Quân: "Ông Tô Anh Dũng làm đến thứ trưởng Bộ Ngoại giao mà cho rằng việc nhận 21,5 tỷ đồng là do "không nhận thức được việc nhận tiền là vi phạm pháp luật", và coi hành vi đó "như sự cảm ơn của doanh nghiệp". Quan điểm của một cán bộ cao cấp về hối lộ "ngây thơ" như thế thật lạ."

 

Việc xét xử đại án 'Chuyến bay giải cứu' có tính chính trị?

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1703/live/3abedf10-293f-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.png

Bị cáo Trần Văn Tân và bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan

 

Nhà văn Trần Quốc Quân: "Ông Trần Văn Tân cựu phó chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam hết sức đơn giản khi cho rằng, 5 tỷ đồng nhận hối lộ do "Bị cáo nhận thức đây là tiền doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nên mới nhận." Rất lạ! Trình độ này còn kém hơn cả học sinh trung học phổ thông, vậy mà ông vẫn được bổ nhiệm làm quan, cai quản một tỉnh có gần hai triệu dân".

 

Lời trình bày của bị cáo Trần Văn Dự nhận được 'bão bình luận' trên mạng xã hội, với nhiều người cho rằng lời khai 'quá trơ tráo', mà theo cách hiểu của bị cáo này thì có thể thấy rằng ông ta mang tâm lý "đen thôi, đỏ quên đi" về hành vi phạm tội của mình.

 

Lời biện hộ của một số luật sư cũng rơi vào tâm điểm chú ý.

 

Luật sư Trịnh Văn Tuyến nói việc đưa và nhận tiền giữa hai bị cáo liên quan với ông Chử Xuân Dũng hoàn toàn chỉ mang tính "được chăng hay chớ", "đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu".

Luật sư của cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Vũ Hồng Nam cho rằng thân chủ nhận hối lộ "có lỗi rất lớn từ sự chủ động áp sát, nài ép" của doanh nghiệp. Cụ thể Luật sư Trần Nam Long nói. "Như vậy, việc nhận tiền của bị cáo Nam có lỗi lớn từ sự chủ động áp sát, nài ép từ phía doanh nghiệp. Về phía mình, bị cáo Nam cũng có lỗi là không cưỡng lại sự cám dỗ", luật sư Long bào chữa và cho rằng nhận thức đơn giản của thân chủ là doanh nghiệp tổ chức chuyến bay xong, có lãi thì cảm ơn.

 

Việt Nam và đại án 'chuyến bay giải cứu': Hành khách có được bồi thường hay không?

 

Nhà văn Trần Quốc Quân nói về củi và chiếc lò 'đỏ lửa' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Thời xưa, khi tôi còn làm công chức, đi thăm nhau hoặc thăm lãnh đạo ốm đau, thường chỉ tặng cân đường, hộp sữa, quả cam. Thời nay, doanh nghiệp muốn được việc phải "cảm ơn" quan chức tiền tỷ, chục tỷ, trăm tỷ."

 

"Đúng là sống trong môi trường độc hại, lâu dần thành quen, người ta không cảm nhận được cơ thể mình đã bị nhiễm độc. Đó là điều hết sức nguy hại cho đất nước."

 

"Trong cái thể chế vận hành theo cơ chế xin-cho thì cả doanh nghiệp lẫn người dân là nạn nhân của tình trạng tham nhũng. Lò cụ Tổng không bao giờ đốt hết được củi được sinh ra từ chính khu rừng nuôi dưỡng nó."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/93df/live/62d44120-293f-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.png

Bị cáo Phạm Trung Kiên và bị cáo Trần Văn Dự

 

 

Đối chất về chiếc vali nghi chứa 450.000 USD

 

Phần đối chất về chiếc vali tình nghi chứa 450.000 USD hay bốn chai rượu vang giữa bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội và bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công ancũng thu hút dư luận trong tuần qua.

 

Bị cáo Hoàng Văn Hưng cho rằng chỉ với video clip nhận chiếc vali do bị cáo Nguyễn Anh Tuấn chuyển đến thì không thể nói bên trong chiếc cặp này chứa tiền chạy án từ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu phó giám đốc Công ty Blue Sky, và bị cáo Lê Hồng Sơn, giám đốc Công ty Blue Sky gửi đến.

 

Bị cáo Hoàng Văn Hưng khẳng định trong cặp chỉ có bốn chai rượu vang, đồng thời nhấn mạnh, "Cơ quan điều tra đang bỏ lọt tội đối với Nguyễn Anh Tuấn".

 

"Bảo bị cáo cầm 18 tỉ đồng rồi khởi tố tội lừa đảo, vậy anh Tuấn cầm 43 tỉ đồng sao không phải lừa đảo?" bị cáo Hưng đặt nghi vấn liệu cựu phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội không chiếm đoạt. "Vậy 43 tỉ đồng đó, anh Tuấn có đưa cho ai để môi giới hối lộ hay không?"

 

Viết trên Facebook cá nhân, Luật sư Trần Đình Dũng đánh giá: "Khi không làm sáng tỏ được trong vali có 450 ngàn USD hay chỉ có 04 chai rượu vang, thì buộc phải suy đoán bên trong có 04 chai rượu vang. Bởi suy đoán bên trong có 450 ngàn USD là suy đoán có tội, trái với qui định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Mặc dù khi suy đoán vali chứa 04 chai vang sẽ gây phẫn nộ dư luận, gây mất niềm tin vào cơ quan phòng chống tội phạm, gây ra điều dị nghị rằng cơ quan công tố yếu nghiệp vụ không làm rõ được tội phạm. Nhưng như thế, nó đúng luật."

 

Việt Nam và đại án 'chuyến bay giải cứu': Hành khách có được bồi thường hay không?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9e52/live/2571d680-293f-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.png

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn và bị cáo Hoàng Văn Hưng

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2ce5/live/84cf7150-293f-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.jpg

Phiên tòa 'Chuyến bay giải cứu' bắt đầu vào ngày 11/7, dự kiến kéo dài 30 ngày

 

 

'Nộp tiền khắc phục hậu quả'

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d5b6/live/b1e5d7a0-2940-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.jpg

Hành khách tại sân bay Nội Bài năm 2020

 

Báo chí Việt Nam đưa tin chi tiết về phiên xử án và những lời khai được của các bị cáo, đều là những cựu quan chức cấp cao.

 

Tuy nhiên, nhiều khía cạnh khác không được đề cập đến, trong đó có chủ đề được dư luận quan tâm nhiều, đó là liệu người dân có được bồi thường hay không, tiền khắc phục hậu quả là gì, ai sẽ được hưởng…

 

Việc xét xử đại án 'Chuyến bay giải cứu' có tính chính trị?

Việt Nam và đại án 'chuyến bay giải cứu': Hành khách có được bồi thường hay không?

 

Luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC: "Tôi không cho rằng nộp tiền khắc phục hậu quả là chạy án công khai. Tiền hối lộ là tiền bất hợp pháp và họ phải nộp lại cho nhà nước để sung công quỹ. Luật pháp có quy định rõ ràng khắc phục hậu quả để được giảm án theo Khoản 1, Điều 51 của Bộ luật Hình sự."

 

Trước đó đã có thắc mắc trong dư luận về khả năng các nạn nhân được giải cứu có thể nhận được khoản đền bù nào hay không, vì số tiền mà các bị cáo nhận được từ doanh nghiệp, phần lớn có thể nói là từ hành khách.

 

Luật sư Ngô Anh Tuấn đã đưa ra một đề xuất cho các nạn nhân 'được giải cứu' như sau:

 

"Theo tôi, số tiền này [hối lộ mà các bị cáo nộp lại] cần được giữ lại ở một tài khoản độc lập trong một thời hạn nhất định để những người bị thiệt hại có thể có yêu cầu chi trả lại quyền lợi cho họ. Sau thời hạn này, nếu người dân không có yêu cầu thì khoản tiền này sẽ được sung công quỹ. Nếu chúng ta vội vàng sung công quỹ thì sẽ không công bằng với người dân vì nếu họ kiện đòi tiền doanh nghiệp/cá nhân gây thiệt hại cho họ nhưng những người này không chi trả hoặc không đủ chi trả thì có thể trích khoản này ra trả cho người dân vì một khi đã bị trách nhiệm hình sự, bị tù tội thì họ chỉ chăm chăm lo khắc phục phần nhà nước yêu cầu, chứ chờ họ trả lại cho người dân thông qua một vụ án dân sự còn khó hơn tìm đường lên trời."

 

VN xử đại án 'Chuyến bay giải cứu': Chi 2,65 triệu USD 'chạy án' không thành

 

Báo quốc tế: Vụ bắt 52 cán bộ VN 'cho thấy hạn chế của chiến dịch Đốt lò'

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3b32/live/ac880600-2942-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.jpg

Một chuyến bay từ Đài Loan về Hà Nội vào tháng 03/2020

 

------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Việc xét xử đại án 'Chuyến bay giải cứu' có tính chính trị?

16 tháng 7 năm 2023

·         

Việt Nam: Những lý do gì khiến Zing News bị ngưng hoạt động ba tháng?

14 tháng 7 năm 2023

·         

Biệt phủ Hà Tĩnh: Khi giai cấp vô sản lại 'vô vàn sản'

9 tháng 7 năm 2023

·         

VN xử đại án 'Chuyến bay giải cứu': Chi 2,65 triệu USD 'chạy án' không thành

11 tháng 7 năm 2023

·         

Vì sao có tiền nhưng người Việt phải chọn về VN qua ngả Campuchia?

25 tháng 11 năm 2021

·         

Việt Nam và đại án 'chuyến bay giải cứu': Hành khách có được bồi thường hay không?

19 tháng 7 năm 2023





No comments:

Post a Comment

View My Stats