Tuesday, 23 November 2021

VÀI KỶ NIỆM VỚI ÔNG BÙI TÍN (Lê Học Lãnh Vân)

 


Vài kỷ niệm với ông Bùi Tín    

Lê Học Lãnh Vân 

23/11/2021 11:14

https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/vai-ky-niem-voi-ong-bui-tin

 

Một tối tháng chín mùa thu năm 1990, Vương nhận được tin gây xôn xao dư luận giới nghiên cứu sinh tại Pháp thời đó là việc nhà báo Thành Tín sang Pháp dự hội báo Nhân Đạo tung ra bản Kiến Nghị. Sau đó một thời gian ông chính thức tuyên bố không về nước.

 

Nhà báo Thành Tín chính là ông Bùi Tín. Khoảng năm 1982 hay 1983 gì đó Vương lần đầu tiên có dịp tình cờ gặp ông tại trụ sở hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Tp Hồ Chí Minh, đường Trần Quốc Thảo, khi ông đang nói chuyện với ông Sáu Thảo, tức ông Dương Đình Thảo, và một nhà thơ có tên tuổi. Chỉ là cuộc nói chuyện phiếm, bởi vì khi thấy Vương đi ngang hai bậc đàn anh lôi Vương vào giới thiệu với ông Bùi Tín, chứ không phải với nhà báo Thành Tín, một bút danh mà cho tới đêm tháng 9 năm 1990 đó anh mới biết là của ông. Ông Sáu Thảo giới thiệu về ông Bùi Tín đầy trân trọng, là “nhà báo cách mạng đàn anh, lão luyện”. Sau đó Vương có dịp gặp ông Bùi Tín một lần nữa tại trụ sở Hội Sân Khấu Thành Phố, số 5B Võ Văn Tần, khi ông đang nói chuyện với soạn giả Nguyễn Ngọc Bạch. Ấn tượng của anh về ông là một người tinh nhanh, lịch sự, nói chậm rãi mà khúc chiết, chịu khó lắng nghe và có nhiều nguồn tin đa chiều so với hoàn cảnh chung của xã hội những năm đầu thập niên 1980.

 

Bản Kiến Nghị được tung ra công chúng, là một sự kiện lớn lúc đó. Thực ra, từ góc nhìn tự do ngôn luận, bản chất sự việc không có gì đáng ầm ĩ như vậy. Sự việc được xem là lớn bởi vì trong một xã hội mà mọi thứ được ép một chiều, việc một nhân vật có địa vị đó, quá trình đó, tầm vóc đó công khai lên tiếng trái chiều trước dư luận quốc tế được cảm nhận là “phản nghịch” lớn! Trong cuộc họp tại sứ quán Việt Nam cuối tháng, sự việc không được thảo luận dù nhiều người đã biết tin, chỉ có lời dặn dò anh em du học sinh, nghiên cứu sinh không đọc Kiến Nghị, không phát tán Kiến Nghị và không nghe bình luận từ những kẻ phản động!

 

Trong vòng một năm sau đó Vương có dịp gặp ông Bùi Tín vài lần tại nhà các người quen. Đa số họ là các nhà trí thức sống kín tiếng ở Paris và có tình cảm thiên Hà Nội khi đất nước còn chia đôi. Lần đầu tiên gặp lại ông là tại nhà ông bà GS. Langlet - Quách Thanh Tâm, những người trong ngành khoa học địa lý và lịch sử mà các bậc cao niên trường Đại học Văn khoa Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam) chắc còn nhớ tên.

 

Vừa gặp lại nhau, ông nhận ra Vương ngay.

 

Anh đã qua đây rồi à?

 

Dạ! Em biết tin anh ở lại từ vài tháng nay

 

Việc ông ở lại Pháp không khiến Vương ngạc nhiên. Dù ông rất cẩn trọng, những lần gặp ông trong nước anh đã nhìn thấy nơi ông phong cách trí thức qua cách lắng nghe, học hỏi những thông tin đa chiều. Một con người có nhu cầu tự do học hỏi như ông tất phải có nhu cầu sống trong xã hội tự do!

 

Buổi cơm thân mật, ông bà chủ nhà, bà Tô Huệ Mỹ, cựu giáo sư trường Đại học Nha khoa Sài Gòn trước năm 1975, vợ chồng một cựu giáo sư tại Trường Đại học Khoa học Sài Gòn và ông Bùi Tín. Vương ngạc nhiên vì sự quen biết của ông Bùi Tín với những vị cố cựu của Miền Nam này. Mọi người chỉ nhắc lại những người quen cũ, chuyện cũ, không hề đề cập tới chính trị. Nếu có thì chỉ là GS. Langlet khuyên ông Bùi Tín cẩn thận khi tiếp xúc với giới Việt kiều quá quan tâm tới các đề tài chính trị, khuyên ông khoan tới dự những buổi thảo luận chính trị đông đảo, bởi vì người có nhiệt tâm sâu sắc với người môi miếng ồn ào ngồi cạnh nhau, khó phân biệt. Ông Bùi Tín cám ơn lời khuyên chân tình. Xin mở ngoặc cho một chi tiết: trước năm 1975, bà Tô Huệ Mỹ là người quen với các ông Dương Quang Trung (bác sĩ bên Pháp, sau là Giám đốc Sở Y tế Tp HCM), Tạ Bá Tòng... và thỉnh thoảng gặp các vị này khi họ vào Sài Gòn công tác thành!

 

Khi làm việc tại Vancouver năm 1992, 1993, một hôm Vương nhận điện thoại từ Paris. Đầu kia, ngạc nhiên thay, là Bùi Tín. Ông cho biết sẽ đi Hoa Kỳ làm việc, sẵn dịp ghé Vancouver thăm con trai và con dâu. Ông đã xin địa chỉ và số điện thoại của anh từ GS. Langlet.

 

Buổi cơm chiều thân mật tại nhà có ông cùng với con trai và con dâu, anh Vinh, chị Hà. Ông Bùi Tín sắp có cháu nội. Lần này ông nói chuyện chính trị xã hội cởi mở hơn. Đề cập tới ông Vũ Quốc Thúc, nhà chính trị, nhà kinh tế và luật gia, người nổi tiếng với Kế hoạch Kinh tế Hậu chiến Việt Nam Cộng Hòa, ông Bùi Tín tỏ rõ quan điểm khi nói về giới trí thức Miền Nam nói chung: “Miền Nam có nhiều người được đào tạo bài bản và sâu sắc, có thể điều hành quốc gia. Những người tài giỏi và có tâm như vậy mà chính quyền [Miền Bắc] nói họ bán nước cho Mỹ, rồi khi thắng trận bắt họ học tập hay không dùng họ. Tôi nghĩ người Miền Nam không câu nệ thắng thua, chính quyền biết trân trọng họ để họ góp sức xây dựng nước là họ hết lòng hết sức”. Và, rõ hơn, ông nói “rất tíếc cho đất nước, dân tộc, bao nhiêu con người tài giỏi như thế bị đẩy vào trại học tập sáu bẩy năm trời! Đâu chỉ Miền Nam đau, Miền Bắc cũng đau lắm, tiếc lắm chứ anh!”.

 

Lần đó Vương biết con trai ông là thuyền nhân, từng tạm trú tại Hồng-Kông từ trước khi ông tị nạn tại Pháp. Anh thầm nghĩ, mầm mống bất đồng chính kiến của Bùi Tín với chính quyền Việt Nam đã bắt đầu từ lâu, chắc từ khi ông vào Miền Nam và thấy thực tế cuộc sống nơi này, thấy cách hành xử của chính quyền trong những sự việc thí dụ như việc 16 tấn vàng đã lấy dùng lại đổ riệt cho ông Nguyễn Văn Thiệu đem ra nước ngoài, một hành động mà Bùi Tín rất không đồng tình. Hay có thể bắt đầu từ xa hơn, khi ông còn theo học dưới mái trường thời Pháp thuộc với các giá trị Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Trung thực... mà tới giờ ông vẫn còn quí trọng.

 

Năm 2004, Vương ghé thăm Bùi Tín tại Paris. Một ông già, một căn phòng với những bài viết trên bàn giấy. Ông đi đứng mệt nhọc hơn trước. Lần này ông nói với Vương nhiều hơn về những ngày đi học thời Pháp, về những năm kháng chiến, về những người ông quen ở Hà Nội như ông bà Trịnh Văn Bô, Nguyễn Kiến Giang... “Tôi nhớ Hà Nội, nhớ bát phở nóng, nhớ bánh cuốn...”,

 

Nhưng mà, nếu bảo tôi về cộng tác với họ, tôi không về đâu!”. Chữ họ đây ông muốn nói chính quyền Việt Nam. Vương không hỏi đã có lời mời hay lời kêu gọi riêng tư nào gởi ông chưa, Chỉ nhìn ông, qua dáng lụm cụm, mà thương cả một thế hệ. Thương nhiều thế hệ!

Dư luận về Bùi Tín có nhiều hướng, nói chung là phức tạp. Vương đọc và nghe để học hỏi. Qua những lần tiếp xúc và quan sát tác phong của ông, anh cảm nhận Bùi Tín là một con người trung thực, cố gắng thu thập thông tin mới và suy nghĩ về chúng một cách cẩn trọng. Tinh thần học hỏi luôn là bài học hay! Đời Bùi Tín đã hai lần tự vượt qua chính mình. Lần thứ nhất dứt áo theo kháng chiến, bỏ qua quyền lợi và vị trí rất lớn xã hội giành cho gia đình ông đang thời danh gia vọng tộc. Lần đó có thể nói ông chịu ảnh hưởng gia đình. Lần thứ hai là khi ông xin tị nạn ở lại Pháp, lần này chính từ quyết định của cá nhân ông, dứt bỏ vị trí Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, một vị trí mà nếu thuận đường tiến có thể ông vào Trung ương Đảng hay Bộ Chính trị.

 

Phải chăng hai lần tự vượt đó cũng là một mặt khác của tinh thần dấn thân và ham học hỏi, của triết lý “hoài nghi khoa học”?

 

ngày 12 tháng 8 năm 1918

Lê Học Lãnh Vân

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats