Wednesday, 10 November 2021

SO VỚI 100 NĂM TRƯỚC, CHÚNG TA CÓ TỰ DO HƠN? (Hứa Y Định - Luật Khoa)

 


So với 100 năm trước, chúng ta có tự do hơn?

Hứa Y Định  -  Luật Khoa

09/11/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/11/so-voi-100-nam-truoc-chung-ta-co-tu-do-hon/

 

Và 100 năm sau, con cháu chúng ta sẽ ra sao?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/11/Da-1024x536.jpg

Ảnh: Avery Evans/ Unsplash.

 

Trừ phi công luận cảnh giác và tích cực để bảo vệ hai thứ tự do này, nếu không, 100 năm nữa, thế hệ tương lai sẽ nhận được ít hơn những gì mà ta đang có.

 

Hai thứ tự do được nói đến là tự do tư tưởng và tự do của cá nhân.

 

Bertrand Russell đưa ra cảnh báo trên trong phần đầu bài diễn văn tưởng niệm Monroe Conway, một tác giả nổi tiếng của phong trào tự do tư tưởng (freethinker) và là một nhà hoạt động chống lại chế độ nô lệ (abolitionist).

 

Bertrand Russell là một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. [1] Ông có một cuộc đời sôi động với các công trình nghiên cứu nổi bật trong lĩnh vực logic học, nhận thức luận và triết học cho toán học. Tuy vậy, ông lại được trao giải Nobel trong lĩnh vực… văn học vào năm 1950. Nhiều người trẻ thời bấy giờ quen thuộc với Bertrand Russell cũng không phải từ các công trình nghiên cứu. Họ biết đến Russell thông qua các phong trào vận động xã hội mà ông tích cực tham gia cho đến tận cuối đời. Năm 1961, khi đã 89 tuổi, Bertrand Russell vẫn ra đường biểu tình phản chiến và bị chính quyền Anh bắt giam sau đó.

 

Bài diễn văn của Russell vào năm 1922 về sau được xuất bản thành một quyển sách nhỏ với tựa đề “Free thought and official propaganda” (Tự do tư tưởng và sự tuyên truyền của nhà nước). [2]

 

Trong bài giảng của mình, Bertrand Russell phân tích nhiều nguyên nhân để lý giải vì sao quyền tự do trong suy nghĩ và biểu đạt vẫn còn là một thứ xa xỉ bị ngăn trở, không dành cho đa số người dân vào thời điểm đó.

 

Một trăm năm sau, khi đọc lại những nhận định của ông, chúng ta hoàn toàn có thể tưởng lầm rằng Russell nói về thời đại mình đang sống.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/11/bertrand-russell-1024x624.jpg

Bertrand Russell. Ảnh: Hulton Archive/ Getty Images.

 

Tất nhiên, trong một thế kỷ qua, nhiều thay đổi tiến bộ đã diễn ra, những rào cản về tự do mà ông đề cập đã ít nhiều bị gỡ bỏ. Tuy vậy, vẫn còn đó những nơi, đặc biệt là tại các chính thể phi dân chủ, tình trạng Russell mô tả lại không có vẻ gì cải thiện mà còn tồi tệ hơn.

 

Tự do tư tưởng là điều kiện của hòa bình

 

Những năm 1920 là giai đoạn nửa tỉnh nửa mơ trong lịch sử hiện đại. Các nước vừa trải qua cơn ác mộng tồi tệ nhất tính đến thời bấy giờ, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đại khủng hoảng kinh tế xảy đến không lâu sau đó, diễn ra từ cuối thập niên 1920. Và chưa đến một thập niên sau, nhân loại mộng du bước vào cơn ác mộng còn tồi tệ hơn mang tên Thế chiến thứ hai.

 

Trong bối cảnh khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, tự do tư tưởng (freedom of thought) không phải là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo các quốc gia. Sự thuần phục mới là thứ họ tìm kiếm.

 

Đó là điều đáng buồn, vì như Bertrand Russell nhận định, tự do tư tưởng là lối thoát cho những cuộc khủng hoảng tồi tệ của thế giới.

 

Nhân loại có thể tránh khỏi các thảm họa như chiến tranh nếu mỗi người được tự do suy nghĩ và quyết định cho chính mình, thay vì bị buộc phải tuân theo một khuôn khổ chung.

Ông đưa ra ví dụ ở những nơi như nước Nga, các học thuyết về vô thần và cộng sản được truyền bá và xem như kim chỉ nam cho mọi thứ, từ đó, sản sinh ra “những kẻ tâm thần tin tưởng tuyệt đối vào những lý thuyết có vấn đề”.

 

Ở chiều ngược lại, tại những nơi khác, nơi bất kỳ cuộc thảo luận nào về chủ nghĩa cộng sản hay các ý kiến thách thức quyền lực của tôn giáo đều bị đàn áp, lại sản sinh ra “những kẻ tâm thần khác cũng tin tưởng tuyệt đối y như vậy vào những lý thuyết hoàn toàn trái ngược nhưng cũng đầy vấn đề y chang”.

 

Khi tồn tại những nhóm người tâm thần đối lập như thế, chiến tranh là một trong những hệ quả tất yếu.

 

“Những kẻ tâm thần” trong ngữ cảnh trên là những người tin tưởng tuyệt đối một cách vô điều kiện vào những gì họ được tiếp nhận. Đó là một dạng thức cực đoan của niềm tin vô điều kiện (will to believe). Russell, cùng với những nhà tư tưởng tự do cùng thời, đề xuất một thứ khác: tinh thần dám nghi ngờ (will to doubt).

 

Theo đó, khi nào con người biết nghi ngờ mọi thông tin mình tiếp nhận, chỉ chấp nhận nếu chúng được chứng minh trên thực tế, và sẵn lòng sửa đổi cập nhật một khi có bằng chứng mới xuất hiện, chỉ khi đó con người mới có tự do tư tưởng và làm chủ cuộc sống của chính mình.

 

Một con người như vậy cho dù ở hai phe đối lập cũng sẽ nhận ra rằng cả hai phe đều có vấn đề. Họ sẽ không có nhu cầu dùng bạo lực để trừng phạt nhau. Và họ sẽ tìm cách học hỏi để mở mang đầu óc, thay vì ngày càng bó buộc nó.

 

Ích lợi của con người tự do là vậy, nhưng vì sao họ vẫn là của hiếm?

 

Ba cái thòng lọng thắt cổ tự do

 

Bertrand Russell chỉ ra ba rào cản khiến một con người tự do khó có thể tồn tại trong xã hội đương thời: nền giáo dục định hướng, hệ thống tuyên truyền một chiều, và các áp lực trừng phạt kinh tế lên những nhóm thiểu số.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/11/Per.jpg

Ảnh minh họa: EUvsdisinfo.

 

Nền giáo dục định hướng là rào cản đầu tiên triệt tiêu những mầm mống tự do. Theo Russell, giáo dục có hai mục tiêu chính: cung cấp thông tin và tạo ra con người thông minh.

 

Thông tin (information) là những dữ liệu thô, các kiến thức thực tế về thế giới như ngôn ngữ hay toán học. Trí thông minh (intelligence) là cách con người tự tìm kiếm tri thức và tự đưa ra nhận định cho chính mình.

 

Russell cho rằng các nền giáo dục thời bấy giờ đều thất bại trong việc tạo ra con người thông minh, và đó là sự thất bại một cách có chủ ý, khi các hệ thống đều muốn có những con người không có thói quen tự tư duy – vốn dễ dàng kiểm soát hơn là những người luôn nghi ngờ chất vấn chính quyền.

 

Các cuộc khủng hoảng và chủ nghĩa dân tộc lên ngôi vào lúc bấy giờ càng không cho phép sự tồn tại của phương thức giáo dục sản sinh ra những sản phẩm không đúng đường lối chủ trương.

 

Điều đó càng thể hiện rõ hơn qua chiếc thòng lọng thứ hai: hệ thống tuyên truyền của nhà nước.

 

Chiếc thòng lọng này không chỉ treo trong môi trường học đường. Nó được phủ rộng khắp mọi ngóc ngách trong xã hội.

 

Russell chỉ ra hai vấn đề của tuyên truyền (propaganda). Một là chúng luôn đánh vào cảm xúc thay vì lý trí, khiến người tiếp nhận không đưa ra được quyết định hợp lý nhất. Điều thứ hai quan trọng hơn, nó bóp méo thực tế (distort the evidence), khi những thông tin và con người được chính quyền ưu ái xuất hiện với tần suất vượt trội, tạo ảo giác rằng đó là thực tế đang tồn tại.

 

Chân lý thuộc về chúng ta. Kẻ thù cực kỳ tàn ác. Chúng luôn muốn thôn tính ta. Ta phải tiêu diệt chúng để tự vệ. Những thông điệp tuyên truyền như vậy xuất hiện liên tục khi các quốc gia ở trong thế đối địch, vẽ ra một viễn cảnh như mong muốn của những nhà lãnh đạo và không cho phép sự tồn tại của một thực tế nào khác.

 

Chiếc thòng lọng thứ ba, áp lực trừng phạt về kinh tế, triệt tiêu nốt những mầm mống thách thức chân lý chung.

 

Khác với hai công cụ ở trên, vốn phần lớn nằm trong tay nhà nước, chiếc thòng lọng kinh tế lại được cả nhà nước lẫn tư nhân sử dụng.

 

Nhà nước thì đã rõ, còn tư nhân ở đây là các ông chủ của những tập đoàn độc quyền hùng mạnh. Khi có quyền lực lũng đoạn thị trường, họ cũng đồng thời có quyền lực kiểm soát suy nghĩ của những người mà nguồn sống phụ thuộc vào thị trường đó.

 

Ở điểm này, Russell đặt hy vọng vào việc áp dụng chủ nghĩa xã hội (socialism), với nhận định rằng nó sẽ giúp hạn chế tình trạng độc quyền kinh tế, giúp cá nhân không còn bị các ông chủ đầy quyền lực thao túng.

 

Russell không mơ tưởng về một hệ thống chủ nghĩa xã hội toàn diện, khi ông biết sự tồn tại của nó ở Nga đã triệt tiêu tự do như thế nào.

 

Theo ông, xét về mặt tự do, việc bị nhà nước trừng phạt kinh tế hay bị ông chủ sa thải vì có tư tưởng trái nghịch đều không có gì khác biệt.

 

Trăm năm sau, điều gì đã thay đổi?

 

Câu trả lời tùy thuộc vào việc bạn ở đâu.

 

Tại Vương quốc Anh, nơi Bertrand Russell được sinh ra, những rào cản tư tưởng hầu như đã bị gỡ bỏ. Người dân không còn lo ngại phạm luật hay bị trừng phạt kinh tế khi bày tỏ quan điểm trái ý tôn giáo lẫn chính quyền. Điều tương tự cũng diễn ra ở hầu hết các quốc gia dân chủ khác.

 

Những thay đổi tích cực là có thể nhận ra.

 

Tuy vậy, vẫn còn những nơi mà mức độ tiến bộ về tư tưởng không chỉ thua kém các nước cùng thời mà còn không hơn bao nhiêu so với chính họ 100 năm trước.

 

Việt Nam là một trong những trường hợp như vậy.

 

Một trăm năm trước đây, nước Việt Nam dù bị thực dân Pháp cai trị vẫn có một nền báo chí độc lập sôi động với những tên tuổi đã trở thành huyền thoại như Nguyễn Văn Vĩnh. [3]

 

Một trăm năm sau, báo chí độc lập bị chính quyền tìm mọi cách dìm nát bằng hết án tù này tới án tù khác. [4] [5] Không chỉ có nhà báo, bất kỳ ai lên tiếng đối nghịch với chính quyền đều có thể bị trừng phạt.

 

Không có viên kẹo bọc đường nào có thể khiến thực tế đáng buồn này bớt nghẹn đắng, nhưng ngày nào vẫn còn những con người dám lên tiếng theo lương tâm của mình, dám đưa ra những viên thuốc đắng để giã những cố tật của đất nước, ngày đó Việt Nam vẫn còn có hy vọng được chữa lành.

 


Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


 

Chú thích :

 

1.  Bertrand Russell | Biography, Essays, Philosophy, & Facts. (2021). Encyclopedia Britannica. Retrieved 2021, from

https://www.britannica.com/biography/Bertrand-Russell

 

2.  Free Thought and Official Propaganda, by Bertrand Russell – The Project Gutenberg eBook. (2021). The Project Gutenberg EBook. Retrieved 2021, from https://www.gutenberg.org/files/44932/44932-h/44932-h.htm

 

3.  Trọng, Đ. (2021, June 21). Nguyễn Văn Vĩnh – một nhà báo dấn thân. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from

https://www.luatkhoa.org/2019/06/nguyen-van-vinh-mot-nha-bao-dan-than/

 

4.  Chính, Y. K. (2021, January 11). 37 năm tù cho ba nhà báo tự do. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from

https://www.luatkhoa.org/2021/01/37-nam-tu-cho-ba-nha-bao-tu-do/

 

5.  Ngọc, T. (2021, October 28). Chính quyền có thể bỏ tù Báo Sạch, nhưng không thể ngăn người dân biểu đạt lương tâm. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from https://www.luatkhoa.org/2021/10/chinh-quyen-co-the-bo-tu-bao-sach-nhung-khong-the-ngan-nguoi-dan-bieu-dat-luong-tam/





No comments:

Post a Comment

View My Stats