Friday, 12 November 2021

SỐ PHẬN THĂNG TRẦM của KHÁCH SẠN NỔI SÀI GÒN (Bình Phương - Saigon Nhỏ)

 


Số phận thăng trầm của Khách sạn nổi Sài Gòn

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ

12 tháng 11, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/so-phan-thang-tram-cua-khach-san-noi-sai-gon/

 

'Khách sạn nổi' bị hoen gỉ ở Bắc Hàn

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/khach-san-noi-sai-gon3-vntour_1505203521.jpg

Nó từng là một khách sạn năm sao độc nhất nổi ngay trên Rạn san hô Great Barrier của Úc. Hình ảnh của nó từng ngự trị trên bờ sông Sài Gòn cạnh bến cảng Bạch Đằng. Ngày nay, nó nằm hoang phế tại một hải cảng của Bắc Hàn, cách khu phi quân sự DMZ – khu vực cấm lai vãng phân chia hai miền Triều Tiên – chỉ 20 phút lái xe, chỉ là một con tàu gỉ sét chờ được phá dỡ, chấm dứt một số phận hẩm hiu.

 

Đêm ở rạn san hô

 

Khách sạn nổi là sản phẩm trí tuệ của Doug Tarca, một thợ lặn chuyên nghiệp và doanh nhân gốc Ý sống ở Townsville, một thành phố nhỏ trên bờ biển Đông Bắc bang Queensland, Úc.

 

Ông Robert de Jong, người phụ trách Bảo tàng Hàng hải Townsville, cho biết: “Ông Tarca dành nhiều tình cảm và sự trân trọng cho Great Barrier Reef. Năm 1983, Tarca thành lập công ty Reef Link chuyên chở những người đi du lịch lặn biển bằng thuyền hai thân catamaran từ Townsville đến một bãi đá ngầm ngoài khơi. Khách đi và về trong ngày.

 

“Nhưng sau đó anh ấy nghĩ, để mọi người qua đêm ở trên rạn san hô thì sao nhỉ?”

 

Ban đầu, Tarca nghĩ đến việc đưa một con tàu du lịch cũ đến neo vĩnh viễn vào rạn san hô, nhưng ông nhận ra rằng việc thiết kế và xây dựng một khách sạn nổi theo ý riêng sẽ rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn. Việc xây dựng khách sạn bắt đầu vào năm 1986 tại nhà máy đóng tàu Bethlehem của Singapore, công ty con của một tập đoàn sản xuất thép lớn của Mỹ hiện không còn tồn tại.

 

Đây được xem là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới có chiều dài 89.2 mét, chiều cao 27.6 mét so với mực nước biển.

 

Khách sạn có giá ước tính khoảng $45 triệu – tính theo giá trị hiện nay là hơn $100 triệu – và được một con tàu kéo hạng nặng vận chuyển đến rạn san hô John Brewer, địa điểm được chọn trong Công viên Biển Great Barrier Reef.

 

“Đó là một rạn san hô hình móng ngựa, có một vùng nước yên tĩnh ở trung tâm, rất phù hợp cho một khách sạn nổi”, ông de Jong nói.

 https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/4-1596214282728513637519.jpg

 

Khách sạn được cố định bằng bảy chiếc neo khổng lồ, được định vị sao cho chúng không làm hỏng rạn san hô. Nước thải không được đổ ra biển, nước được sử dụng tuần hoàn và rác được đưa đến một địa điểm xử lý trên đất liền, hạn chế tác động môi trường của công trình.

 

Khách sạn nổi đầu tiên và duy nhất trên rạn san hô Great Barrier được chính thức mở cửa hoạt động vào ngày 9 Tháng Ba năm 1988, được đặt tên The Four Seasons Barrier Reef Resort.

 

“Đó là một khách sạn năm sao và không hề rẻ,” ông de Jong nói. “Nó có 5 tầng, 176 phòng, phục vụ được 350 khách. Có một câu lạc bộ, hai nhà hàng, một phòng nghiên cứu, một thư viện và một cửa hàng nơi bạn có thể mua dụng cụ lặn biển. Thậm chí nó còn có một sân tennis, mặc dù tôi nghĩ hầu hết các quả bóng tennis có lẽ đã rơi xuống Thái Bình Dương.”

 

Để tới khách sạn, khách phải đi hai tiếng đồng hồ trên một chiếc thuyền hai thân catamaran nhanh, hoặc đi máy bay trực thăng với giá $350 cho một chuyến khứ hồi theo giá hiện nay.

 

Sự mới lạ của khách sạn lúc đầu đã tạo ra tiếng vang khá lớn, ở lại trên rạn san hô là giấc mơ của những người thợ lặn. Ngay cả những người không phải là thợ lặn cũng có thể thưởng ngoạn quang cảnh tuyệt đẹp của rạn san hô, nhờ một chiếc tàu lặn đặc biệt có tên The Yellow Submarine.

 

Những chiếc vỏ chai

 

Tuy nhiên, thời tiết xấu là yếu tố cản trở thành công của khách sạn.

 

Ông de Jong nói: “Nếu thời tiết xấu và bạn phải quay lại thị trấn để lên máy bay đi nơi khác thì bạn sẽ gặp khó. Thời tiết xấu làm cho phi cơ trực thăng không bay được, tàu catamaran cũng không chạy được, điều đó gây ra rất nhiều sự bất tiện cho khách ở khách sạn”.

 

Có câu chuyện nhân viên của khách sạn – được bố trí ở lại trên tầng cao nhất, tầng lắc lư mạnh nhất – phải treo những vỏ chai rượu trên trần nhà để đo độ biển động: Khi các vỏ chai rượu bắt đầu cho đảo mạnh, họ biết rất nhiều khách sẽ say sóng. Ông de Jong nói: “Đó có lẽ là một trong những lý do tại sao khách sạn không bao giờ thực sự thành công về mặt thương mại”.

 

Còn có những vấn đề khác: Một cơn lốc xoáy có tên Cyclone Charlie đã tấn công cấu trúc khách sạn chỉ một tuần trước khi mở cửa, gây ra thiệt hại tổng cộng gần $2.3 triệu. Một bãi chứa đạn trong Thế chiến II được tìm thấy cách khách sạn 3.2 km, khiến một số khách khiếp sợ. Và thực sự ở khách sạn khách không có nhiều chuyện để làm ngoài việc lặn hoặc lặn với ống thở.

 

Chỉ sau một năm, Four Seasons Barrier Reef Resort đã trở nên quá tốn kém, không thể duy trì hoạt động, và khách sạn đóng cửa, với khoản lỗ hơn $8 triệu, mà không bao giờ đạt được công suất đầy đủ. “Nó biến mất thực sự lặng lẽ,” de Jong nói, “Và nó đã được bán cho một công ty của Nhật ở Sài Gòn – nơi đang tìm cách thu hút khách du lịch khi Việt Nam bắt đầu mở cửa”.

 

Một điểm đến ngoài dự tính

 

Năm 1989, khách sạn nổi bắt đầu cuộc hành trình thứ hai, lần này nó đi 3,400 dặm về phía Bắc. Được đổi tên thành Khách sạn Sài Gòn – nhưng được gọi đơn giản hơn là “Khách sạn nổi” (The Floater) – nó đã neo đậu trên sông Sài Gòn trong gần một thập niên.

 

“Nó đã thực sự thành công và tôi nghĩ lý do thành công là nó không đậu giữa hư không mà ở cạnh bờ một con sông lớn,” ông de Jong nói.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/3-1411624808.jpg

Khách sạn nổi trước công trường Mê Linh là điểm hẹn của giới thượng lưu và du khách quốc tế ở Sài Gòn. Người ta đến đó không chỉ để lưu trú trong khách sạn mà chủ yếu để gặp gỡ, giao tiếp, bàn chuyện kinh doanh trong các nhà hàng, quán bar sang trọng của Khách sạn nổi, trong làn gió mát của sông Sài Gòn về đêm.

 

Giá phòng thời điểm đó có khi lên đến $335 một đêm và lúc nào cũng gần như kín khách. Ngoài tiện nghi ăn ở, khách sạn nổi Sài Gòn còn mở thêm hai địa điểm giải trí ban đêm là Downunder Disco và Q Bar cho khách giải trí sau một ngày dài bận rộn.

 

Tuy nhiên vào năm 1998, Khách sạn nổi cạn kiệt tài chính và đóng cửa; một phần vì không cạnh tranh nổi với hàng loạt khách sạn năm sao mới xây dựng trong thành phố như khách sạn The New World và những khách sạn nổi tiếng, lâu đời được tân trang lại như Continental, Caravelle…

 

Nhưng thay vì bị tháo dỡ, khách sạn được bán lại cho Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc với giá 12,7 tỉ won, tương đương khoảng hơn $18 triệu. Hyundai muốn dùng nó để thu hút khách du lịch đến núi Kim Cương (Kumgang), một khu vực danh lam thắng cảnh gần biên giới liên Triều. “Tại thời điểm đó, hai miền Triều Tiên đang cố gắng nói chuyện với nhau. Nhưng nhiều khách sạn ở Bắc Hàn không thực sự thân thiện với khách du lịch”, ông de Jong nói.

 

Sau một hành trình dài 2,800 dặm nữa, khách sạn nổi đã đến Bắc Hàn, neo đậu tại bến cảng Changjon và mang tên mới là Hotel Haegumgang. Nó được khai trương vào Tháng Mười năm 2000 và do Công ty Hyundai Asan thuộc tập đoàn Hyundai quản lý. Công ty này cũng điều hành các cơ sở lưu trú khác trong khu vực và cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch Nam Hàn.

 

Theo ông Park Sung-uk, phát ngôn viên của Hyundai Asan, trước khi bị đóng cửa, khu du lịch núi Kumgang đã thu hút hơn hai triệu du khách. “Ngoài ra, Mount Kumgang Tour đã cải thiện sự hòa giải giữa hai miền và là điểm mấu chốt cho trao đổi liên Triều, là trung tâm đoàn tụ của các gia đình ly tán để hàn gắn nỗi buồn chia rẽ dân tộc”, ông Park nói.

 

Bi kịch liên Triều

 

Năm 2008, một binh sĩ Triều Tiên đã bắn chết một nữ du khách Nam Hàn 53 tuổi, người đã đi lạc ra ngoài ranh giới của khu du lịch Núi Kumgang và lạc vào một khu quân sự. Từ đó, Hyundai Asan đã đình chỉ tất cả các tour du lịch và Hotel Haegumgang, tức khách sạn nổi, phải đóng cửa cùng với mọi cơ sở khác.

 

Không rõ liệu khách sạn có hoạt động kể từ đó hay không, nhưng chắc chắn không phải dành cho khách du lịch từ Nam Hàn.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/khach-san-noi-sai-gon4-vntour_1505204080.jpg

“Thông tin còn sơ sài, nhưng tôi tin rằng khách sạn chỉ phục vụ các thành viên của đảng cầm quyền Triều Tiên. Trên Google Maps, người ta vẫn có thể thấy nó được neo đậu tại một bến tàu ở khu vực Núi Kumgang, đã bị gỉ sét.

 

Năm 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã đến thăm khu du lịch núi Kumgang và chỉ trích nhiều cơ sở du lịch tồi tàn, trong đó có Khách sạn Haegumgang; ông đã ra lệnh phá bỏ nhiều cơ sở trong số đó như một phần của kế hoạch thiết kế lại khu vực theo phong cách phù hợp hơn với văn hóa Bắc Hàn. Nhưng sau đó, đại dịch COVID xảy ra và mọi kế hoạch đều bị đình trệ. Không rõ liệu kế hoạch phá hủy mọi thứ sẽ sớm được thực hiện hay không.

 

Trong khi đó, ý tưởng về khách sạn nổi đã sống lại nhưng không phải là những tòa nhà sang trọng neo đậu cố định một chỗ mà lênh đênh trên khắp các đại dương. Ông de Jong nói: “Đại dương bây giờ đầy những khách sạn nổi. Chúng chỉ được gọi là tàu du lịch (cruiser).”

(Tham khảo CNN)

 

--------------------------------

 

Đọc thêm:

·         Trân Châu Cảng, 80 năm…

·         Đà Lạt “chết” rồi!

·         Nhớ vương quốc ẩm thực Sài Gòn

·         Khi Sài Gòn biến thành nước mắt…





No comments:

Post a Comment

View My Stats