20/11/2021
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/23304-m-ng-o-va-tuong-quan-xa-h-i
Tương quan xã hội bao gồm
nhiều ý nghĩa, từ bạn, bè, người ái mộ (fans), kẻ đi theo (followers)…“Bạn”
theo ý nghĩa thông thường là những người mà ta thân quen sau nhiều lần giao tiếp.
“Bạn” có thể “thân” đủ để có thể chia sẻ những câu chuyện riêng tư (?) mà không
e ngại. Bạn “sơ (giao)” có thể là những người quen mặt quen tên nhưng ta vẫn giữ
“khoảng cách”? Những mối liên hệ qua môi trường làm việc, học hành, buôn bán
thường bao gồm những người “bạn” này? Và trong thế giới liên mạng mênh mông
ngày nay, “bạn…ảo” có thể lên đến cả ngàn người và ta có thể không biết chi về
họ ngoài một vài biệt hiệu/bút danh nào đó; bạn ảo có thể gọi chung chung là
“bè” chăng? Hay “fan” và “follower” cũng gom vào nhóm bạn sơ giao/“bè” này?
Theo chuyên viên tâm lý
Robin Dunbar, con người chỉ có thể tạo ra khoảng 150 mối liên hệ xã hội tương đối
(thực sự) “có ý nghĩa” hay “meaningful relationship”. Ông ấy định nghĩa mối
liên hệ “thành công” này như sau: đây là những người mà ta biết khá rõ, có thể
chào hỏi một cách thân thiện mà không cảm thấy ngượng ngùng nếu bất ngờ gặp gỡ.
Tạm hiểu là ta có thể “quen biết” khá nhiều người nhưng thực sự, cũng theo ông
Dunbar, chỉ có thể thân thiết gần gũi với khoảng 5-15 người. Những người tạm gọi
là “bạn” để chia sẻ những câu chuyện (kể cả thầm kín) trong đời sống hàng ngày.
Những người khác, bên ngoài cái vòng “thân thiết” vô hình nọ, chỉ là những mối
tương quan xã hội hay “bè”, tiếng Anh là “network”. Tất nhiên ta vẫn thấy những
người quảng giao, số bạn bè lên đến cả ngàn người, cuốn “sổ” của họ đầy kín tên
tuổi, địa chỉ, số điện thoại, điện thư (emails),…
Ý kiến của ông Dunbar gặp
nhiều lời chê bai, nhất là về các con số (nhất định) kể trên. Tuy nhiên, ý tưởng
chính về mối tương quan (có) ý nghĩa chỉ có thể xảy ra trong vòng thân mật lại
được chấp nhận rộng rãi. Dễ hiểu là ít (người/việc) thì ta mới có thể tập trung
thời giờ, năng lực để tìm hiểu rồi vun trồng mối tương quan ấy. Một, hai người
bạn thì dễ qua lại thân thiết hơn là chục người bạn. Một, hai việc thì dễ hoàn
tất hơn là mười việc vây quanh. Hiểu như thế nhưng sinh hoạt ngày nay với bè bạn
ảo, social network, thì lập thuyết “phẩm chất” của ông Dunbar xem ra không
thích hợp (hay lỗi thời)? Mối tương quan trên liên mạng nhắm đến số lượng, quen
biết càng nhiều càng tốt, dễ thu góp tin tức về chính trị, thời sự, việc làm,
hàng quán, du lịch…dù chưa hẳn những mẩu tin ấy chính xác, có thật hay chỉ ý
nghĩ/ước muốn của người viết. Nghĩa là trên liên mạng, bá tánh trao đổi chuyện
hằng ngày và tin tức vặt vãnh, chẳng mấy ai cung cấp chi tiết (quan trọng) về
cá nhân cả hoặc thực sự ra tay giúp đỡ bạn ảo.
https://live.staticflickr.com/65535/51692964255_d30266569c.jpg
Việc kết bạn trên các mạng xã hội đang là trào lưu mới trên thế giới.
Những tin tức vặt vãnh ấy
dùng để làm gì thì phe ta chưa biết. Hoặc giả chỉ để nghe cho biết kẻo ta bị bỏ
lại sau lưng và trở thành kẻ không thức thời. Nôm na là ta có nhu cầu “bắt mạch”
được nhịp sống chung quanh?!? Xa hơn và chọn lọc hơn là những người thích đọc,
thích theo dõi tin tức, thượng vàng hạ cám đầy đủ, món nào cũng có theo kiểu
“trivia pursuit” (đuổi bắt những sự kiên tầm thường không mấy giá trị). Theo trị
giá ngày nay thì những hiểu biết về nhiều bộ môn lại trở thành đắt giá khi thi
đua trên các chương trình đố vui của đài truyên hình, người thắng được món tiền
thưởng lên đến bạc triệu và lãnh giải đàng hoàng.
Sự phát triển rộng rãi và
dễ dãi của liên mạng mang theo nhiều hệ lụy nhưng điều hiển nhiên nhất có lẽ là
việc con người “nói chuyện” với nhau suốt ngày đêm. So với thời trước, lúc chưa
có liên mạng hay mạng ảo, chẳng mấy ai “nói” nhiều như thế, ta ít lời và chỉ
nói với một vài người chung quanh. Trung bình, con người có vài ba câu chuyện hằng
ngày trừ khi diễn thuyết trước đám đông, chẳng mấy ai nói chuyện với cả trăm
người. Bài diễn thuyết ấy có thể được thu âm và dù hay đến đâu đi nữa ta cũng
chẳng có cách nào để chuyển đi ý tưởng trình bày đến hàng triệu người thế giới
như ngày nay. Nói giản dị là môi trường liên mạng đem lại cho con người cơ hội
tìm hiểu tin tức, sự kiện xảy ra chung quanh, loại môi trường (quảng bá) trước
đây chỉ dành riêng cho các công ty buôn bán rộng lớn (qua việc quảng cáo).
Liên mạng thế giới, the
world wide web, khởi đầu trong thập niên 1990s của thế kỷ trước, đã tiếp tục mở
mang và cho đến những năm 2010 thì việc kiểm soát, điều hành những cuộc tranh
luận/chửi bới chốn công cộng đã chuyển từ giới truyền thông, nhà cầm quyền và
công ty thương mại lớn qua tay cư dân. Đến hôm nay thì ai cũng có thể trưng bài
viết (như phe ta đây), hình ảnh, phim ảnh…trên liên mạng mà không cần sự ủng hộ,
kiểm nhận của bất cứ tổ chức truyền thông, quảng bá nào. Tạm kết luận là liên mạng
giữ vai trò quan trọng trong xã hội kỹ thuật ngày nay.
Mối tương quan trực tiếp
giữa hai cá nhân được gọi là “disintermediation” vì giữa hai người chẳng có người
thứ ba làm “gạch nối”, “môi giới” hay “intermediary”. Tuy nhiên, liên mạng xã hội
trong khi nối kết trực tiếp người nói/kẻ nghe lại trao mọi chi tiết cá nhân của
cả hai bên cho công ty (cung cấp) liên mạng, cung cấp môi trường giao tiếp như:
Facebook, Google, Twitter, LinkedIn, Instagram, etc…Các công ty này thu góp mọi
chi tiết (tuổi tác, nơi cư ngụ, thói quen, sở thích…) về người dùng khi ta tìm
kiếm (search), đăng bài, bấm vào hình ảnh, bài hát, phim…và sử dụng để quảng
cáo cho chính xác.
https://live.staticflickr.com/65535/51692965240_bedbc71b76.jpg
Dữ liệu cá nhân đang trở thành một “kho báu” để các công ty cung cấp mạng
xã hội khai thác.
Kho chi tiết cá nhân kia
mỗi ngày một nhiều, megascale, và không có vẻ gì là sẽ sút giảm trong tương lai
vì 56% trẻ em trong tuổi niên thiếu cũng đã từng “trò chuyện” với người lạ trên
liên mạng theo bài tường trình của Hiệp Hội Nhi Khoa Huê Kỳ (The American
Academy of Pediatrics). Khách hàng sử dụng và ưa thích liên mạng hôm nay sẽ tiếp
tục là khách hàng trong tương lai - kiểu làm ăn ‘trồng cây, ăn trái’. Không lạ
là các công ty này rủ rê bá tánh sử dụng trang nhà/môi trường liên mạng do họ
cung cấp. Bằng cách này hay cách khác, ta “trả giá” cho việc sử dụng liên mạng
của mình.
Xa hơn, để khuyến khích,
công ty liên mạng trả “lương” cho những người chịu ngày đêm đăng đàn trưng bày
hình ảnh, kể lể chi tiết cá nhân từ nếp sống xa hoa, thân mình khêu gợi, vật dụng
trong nhà đến tài nấu nướng, thưởng thức món ăn thức uống, phong cảnh đường xa
xứ lạ…Khi có nhiều người theo dõi (followers) là người viết bài (blogger) được
trả tiền để tiếp tục giúp vui cho bá tánh, cư dân mạng.
Thu lợi nhiều như thế
nhưng các công ty làm ăn qua liên mạng lại nhanh chóng chối bỏ trách nhiệm, điển
hình là Facebook. Họ biểu rằng ngày ngày tin tức thật/giả lên đến cả triệu thứ
nên kiểm soát, chứng thực không xuể. Môi trường truyền thông của họ là môi trường…tự
do, ai nói bậy bạ chi cũng xong trừ việc chửi tục, đăng hình khiêu dâm! Và họ
chỉ có thể kiểm nhân tin giả, chuyện bậy sau khi mẩu tin/câu chuyện kia đã xuất
hiện nhiều giờ, nhiều ngày trên liên mạng! Lúc ấy thì tin giả đã bay xa nghìn dặm
và đã được cả triệu con người nhìn ngắm và tin là thật!
Trên thực tế, ngày ngày
trên liên mạng, ta có cả kho dữ kiện trưng bày trước mắt; kho dữ kiện ấy có thể
là tin tức thật và cũng là một núi rác khổng lồ. Việc tiếp xúc trên liên mạng
giữa người trưng và kẻ ngó xảy ra trong tích tắc, dễ dàng nhanh chóng nên bạn
(thực sự) trông giống y hệt kẻ sơ giao hoặc người bàng quan ghé ngang nói bâng
quơ vài câu. Ấy là những mẩu chuyện vui, thích thú hoặc vô thưởng vô phạt nên
không tạo ảnh hưởng lâu dài hoặc sâu đậm. Nhưng các bài viết kêu gọi “theo thượng
đế”, thúc dục lòng trắc ẩn trừ gian diệt bạo…xem ra dễ thu hút người đọc. Bài
viết nào “đụng” đến nỗi sợ hãi, lo âu của kẻ đọc và hứa hẹn thiên đàng càng thu
hút hơn, lôi cuốn hơn, lôi cuốn rồi dẫn dụ. Chính liên mạng đã giúp quân khủng
bố mời gọi, rủ rê những người bất an, cần lý tưởng để sống, có “bạn bè” đồng ý
kiến…tin theo. Liên mạng cũng đã giúp kẻ lường gạt lấy tiền bạc, lòng thương
yêu của người cả tin…Người già, trẻ em, kẻ “thường thường bậc trung” đều có thể
bị lôi cuốn lừa gạt như các câu chuyện xảy ra hằng ngày.
Liên mạng đầy đủ hay/dở
như thế thì làm thế nào để gạn đục khơi trong, chọn lựa cho mình và cho con em
trong tuổi vị thành niên những môi trường lành mạnh? Thời giờ đâu để ta tìm kiếm
và kiểm nghiệm sự đúng/sai của từng câu chuyện? Phụ huynh, thân nhân, thầy cô
băn khoăn lo âu lắm mà chưa biết giải quyết sao cho ổn thỏa và đành thúc đẩy
nhà cầm quyền chịu vai trò “kiểm duyệt”.
Hiện nay, khuynh hướng bảo
vệ trẻ em, bảo vệ người tiêu thụ từ nhà cầm quyền nhắm vào các công ty làm ăn
trên liên mạng, bắt họ chịu trách nhiệm về các dữ kiện xuất hiện trên liên mạng
của công ty là điểm khởi đầu. Facebook, Twitter, TikTok…đã phải ra điều trần về
cách làm ăn trước cơ quan lập pháp tại Huê Kỳ cũng như Liên Âu.
Kế tiếp có thể là việc “bẻ”
các công ty lớn thành những công ty nhỏ, mỗi công ty nhỏ “chia” bớt khách hàng,
thay vì kho rác khổng lồ, ta có nhiều kho rác nhỏ nên dễ dọn dẹp hơn? Giải pháp
dường như hữu hiệu nhất là làm thế nào để thuyết phục người tiêu thụ bớt sử dụng
liên mạng? Bớt nói về “cái ta”, bớt trưng bày trước công chúng những chi tiết
riêng tư và nhất là bớt kết bè kết bạn bừa bãi? Nhưng bạn ơi, giải pháp này xem
ra bất khả thi khi con người lò mò lên các trang mạng truyền thông xã hội để giải
sầu, tiêu xài bớt thời giờ thừa thãi hoặc cô đơn quá nên cần người trò chuyện
qua bàn phím.
Không có Facebook,
Twitter, TikTok, Instagrams, LinkedIn…thì các văn phòng của chuyên viên tâm lý
(behavioral therapists) sẽ chật kín thân chủ?!?
Tường Huy
(20/11/2021)
No comments:
Post a Comment