Wednesday, 24 November 2021

LIỆU TẬP CẬN BÌNH CÓ ĐƯỢC ĐẢM BẢO ĐỊA VỊ "NHÀ LÃNH ĐẠO SUỐT ĐỜI" tại HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6? (Willy Wo-Lap Lam  -  The Jamestown Foundation)

 


Chim báo bão: Liệu Tập Cận Bình có được đảm bảo địa vị “Nhà lãnh đạo suốt đời” tại Hội nghị Trung ương 6? (Phần 2)

Willy Wo-Lap Lam  -  The Jamestown Foundation

Lê Minh Nguyên, dịch

22/11/2021

https://baotiengdan.com/2021/11/22/chim-bao-bao-lieu-tap-can-binh-co-duoc-dam-bao-dia-vi-nha-lanh-dao-suot-doi-tai-hoi-nghi-trung-uong-6-phan-2/

 

Từ ngữ “lãnh đạo suốt đời” không có xuất hiện trong thông cáo tóm tắt Nghị quyết về Lịch sử đảng được thông qua tại Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Khóa 19 tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 11. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì về việc Chủ tịch Tập Cận Bình đã giành được sự chấp thuận của Ủy ban Trung ương để tại vị thêm một nhiệm kỳ, nếu không muốn nói là hai nhiệm kỳ 5-năm nữa.

 

Nhiệm vụ chính của Hội nghị, gồm 197 Ủy viên Trung ương chính thức và 151 Ủy viên dự khuyết, là thông qua Nghị quyết về “những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong một thế kỷ qua” (gọi tắt là Nghị quyết). Nghị quyết là một sự khẳng định về những thành tựu của ba người khổng lồ của ĐCSTQ: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình.

 

Nghị quyết trùng với các lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ đang diễn ra. Các đoạn trích chính của Nghị quyết được bao gồm trong Thông cáo chung của Hội nghị toàn thể lần thứ 6, được công bố vào ngày 11 tháng 11. Nghị quyết chia lịch sử Trung Quốc Cộng sản thành ba thời kỳ chính.

 

Nghị quyết thứ 3 về lịch sử Đảng

 

Theo Nghị quyết, thời kỳ 1949-1976 dưới thời Mao Trạch Đông đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc sau cuộc nội chiến lâu dài và đau thương để thống nhất đất nước. Thời kỳ thứ hai là kỷ nguyên cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, người được ca ngợi vì đã giải phóng tâm trí với triết lý thực dụng “tìm kiếm chân lý từ sự thật”. Đặng được đặc biệt ghi nhận vì đã chuyển trọng tâm của đảng sang phát triển kinh tế và thị trường hóa nền kinh tế. Tên của hai người tiền nhiệm của ông Tập – các cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – cũng xuất hiện với tư cách là những nhà lãnh đạo đã giúp thực hiện các ý tưởng của ông Đặng.

 

Hơn 1/2 của Nghị quyết được dành để ca ngợi Chủ tịch Tập là người đã có những đóng góp rất quan trọng như Mao và Đặng. Ông Tập được đứng ngang tầm vì là người sáng lập “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc cho Kỷ nguyên mới”. Nghị quyết nhận định: “Đây là chủ nghĩa Mác của Trung Quốc đương đại trong Thế kỷ 21”. Nghị quyết nhận thấy rằng Tư tưởng Tập Cận Bình “thể hiện những nét tốt nhất của văn hóa và đặc điểm Trung Quốc trong thời đại chúng ta, thể hiện một bước đột phá mới trong việc điều chỉnh chủ nghĩa Mác với bối cảnh Trung Quốc”. Do đó, nếu Mao và Đặng là những người chỉ đạo vạch ra đường lối của ĐCSTQ trong thế kỷ trước, thì Tư tưởng Tập và Tập Cận Bình đã mở đường cho “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc” trong thế kỷ hiện nay. Do những đóng góp này, Nghị quyết nêu rõ rằng “Đảng đã thiết lập vị trí cốt lõi của đồng chí Tập Cận Bình trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trong Đảng nói chung”.

 

Không giống như hai văn kiện nghị quyết lịch sử trước đây của đảng – nghị quyết năm 1945 do Mao Trạch Đông và tổng kết lịch sử năm 1981 do Đặng Tiểu Bình chủ trì – Nghị quyết mới được thông qua chủ yếu bao gồm sự tán thành đối với công việc của các nhà lãnh đạo trong quá khứ. Tuy nhiên, vào năm 1945, Mao đã sử dụng “Nghị quyết của ĐCSTQ về một số câu hỏi lịch sử” để bôi nhọ những người sáng lập đảng ban đầu như Trần Độc Tú (Chen Duxiu), Cù Thu Bạch (Qu Qiubai), Trương Quốc Đào (Zhang Guotao) và Vương Minh (Wang Ming), những người bị quy kết cho những sai lầm cực tả hoặc cực hữu. Nghị quyết của Đặng về “Một số câu hỏi trong lịch sử Đảng của chúng ta kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc thành lập” đã chỉ trích về chủ nghĩa cực đoan của Mao, đặc biệt là những thiệt hại mà ông ta đã gây ra cho đảng và đất nước trong Cách mạng Văn hóa. Nghị quyết năm 2021 có đề cập đến những sai lầm của Mao, đặc biệt là Cách mạng Văn hóa (1966-76), nói rằng nó đã dẫn đến “sự thất bại và mất mát nghiêm trọng nhất mà người dân phải gánh chịu” kể từ năm 1949. Tuy nhiên, sự phê bình của Nghị quyết đối với Mao phần lớn là theo nghị quyết năm 1981 của Đặng, và không đề cập đến những khiếm khuyết cơ bản của hệ thống CCP. Nghị quyết cũng đề cập đến biến cố Thiên An Môn, nhưng theo tuyên truyền cố hữu của đảng đối với phong trào sinh viên năm 1989 là “tình trạng hỗn loạn” chống ĐCSTQ, xảy ra do “sự hỗ trợ và xúi giục” của các lực lượng chống Cộng sản và chống chủ nghĩa xã hội của phương Tây.

 

“Chủ tịch của mọi thứ”

 

Nghị quyết ca ngợi ông Tập về “nhiều suy nghĩ sâu sắc và lý thuyết khoa học cũng như việc thực hiện chúng… cùng một loạt về sự khởi xướng, về các khái niệm và chiến lược mới để điều hành đất nước”. Những thành tựu mà ông Tập đạt được bao gồm chiến dịch chống tham nhũng, xóa bỏ đói nghèo cùng cực và đạt được một “xã hội thịnh vượng trung lưu”; “tiến bộ đáng kể [hướng về mục đích] thịnh vượng chung”; sự phát triển hơn nữa chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình; “hiện đại hóa hệ thống [cầm quyền] và năng lực quản trị của Trung Quốc,” cũng như cải thiện vị thế toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều tuyên bố trong số này có vẻ mù mờ. Hội nghị Trung ương 6 rõ là đã đạt được những gì đề ra, đó là xác lập vai trò của ông Tập như là lực lượng hướng dẫn duy nhất cho đảng, chính phủ và quân đội trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, vẫn còn là câu hỏi, liệu mười năm hoặc lâu hơn dưới bàn tay sắt cầm quyền của ông Tập, có cải thiện được tài năng lãnh đạo của đảng cũng như vị thế quốc tế của đảng hay không.

 

Lấy ví dụ, tuyên bố của Nghị quyết nói rằng ông Tập đã cải thiện các hệ thống và định chế quản trị của đất nước. Một hậu quả phát xuất từ quyết định của Hội nghị Trung ương 6 là hiện tượng “văn phòng có tiếng nói duy nhất” – một người đưa ra tất cả các quyết định – sẽ được tiếp tục ở các cơ chế lãnh đạo cao nhất của bộ máy đảng-nhà nước. Điều này bất chấp tuyên bố lặp đi lặp lại của ông Tập rằng “Tôi sẽ là người ‘vị tha’ để không làm nhân dân thất vọng… Tôi sẵn sàng ở trong trạng thái quên mình để hết lòng cống hiến cho sự phát triển của Trung Quốc”. Trong năm qua, việc hoạch định chính sách trung ương cho thấy cách ông Tập, người được mệnh danh là “Chủ tịch của mọi thứ”, đã tự đưa ra những quyết định rõ ràng là nóng vội mà không có sự tham vấn rộng rãi của các đồng chí lãnh đạo trong đảng và chính phủ. Ví dụ như quyết định đột ngột ngăn công ty Ant Corporation của La Mã Vân (Jack Ma) niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vào cuối năm 2020; việc rút lại sự hỗ trợ công ty taxi Didi Chuxing, dù công ty đã niêm yết thành công trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào đầu năm nay; và ra thông báo bất ngờ vào tháng Bảy rằng tất cả các trường dạy thêm của tư nhân phải trở thành phi lợi nhuận. Vì ông Tập là Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương – cơ quan ra quyết định cao nhất của quốc gia về các vấn đề kinh tế và tài chính – nên những quyết định này không thể được thực hiện nếu không có sự giám sát của ông.

 

Hàm ý cho năm 2032 và xa hơn

 

Được sự ủng hộ của Nghị quyết, rất có thể ông Tập (sinh năm 1953) sẽ giữ chức vụ Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Chủ tịch nước cho đến Đại hội Đảng lần thứ 22 vào năm 2032, khi ấy ông 79 tuổi (Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bước sang tuổi 79 vào cuối tháng này). Sau Đại hội Đảng thứ 22, ông Tập có thể bắt chước Đặng giữ chức Chủ tịch QUTƯ – người nắm quyền lực nhiều nhất ở Trung Quốc – trong khi từ bỏ các chức danh Tổng bí thư và/hoặc Chủ tịch nước. Tuy nhiên, kịch bản này sẽ làm thay đổi quy ước của đảng về sự kế thừa thế hệ có trật tự như Đặng đã quy định. Các cán bộ thuộc Thế hệ thứ Sáu (6G) —những người sinh vào những năm 1960s —sẽ ít có cơ hội để kế nhiệm ông Tập – người đại diện cho Thế hệ thứ Năm – vào năm 2032, bởi vì khi đó những người sinh trước năm 1964 sẽ đến tuổi nghỉ hưu, thông thường là 68 cho các thành viên Thường vụ Bộ chính trị (PBSC). Hơn nữa, hầu hết các ứng cử viên 6G sẽ không đủ trẻ để phục vụ cho hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp trong PBSC. Do đó, cơ hội để một cán bộ thuộc Thế hệ thứ Bảy (7G) kế nhiệm ông Tập làm lãnh đạo tối cao là khá lớn.

 

Hiện nay, chỉ có vài chục cán bộ 7G, sinh ở những năm 1970s, đạt được cấp Thứ trưởng. Vì ở các vị trí tương đối thấp của họ, không ai trong số những “ngôi sao đang lên” mới đó chứng tỏ được rằng họ có những gì cần thiết để vào Bộ Chính trị hoặc cao hơn. Các cán bộ lãnh đạo của 7G bao gồm Bí thư của các tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương như Thượng Hải, Giang Tây và Sơn Đông, theo thứ tự là Zhuge Yujie (50 tuổi), Wu Hao (49) và Liu Qiang (50) cũng như lãnh đạo của Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp luật cấp tỉnh ở Giang Tô và Vân Nam, là Fei Gaoyun (50 tuổi) và Liu Hongjian (48 tuổi).

 

Kết luận

 

Về chính sách kinh tế, Nghị quyết tuyên bố rằng “liên quan đến cải cách và mở cửa, Đảng đã nhất quán thúc đẩy cải cách sâu rộng hơn trên phạm vi toàn quốc”. Tuy nhiên, tuyên bố này mâu thuẫn với cuộc đàn áp liên tục của lãnh đạo Tập đối với một loạt các tập đoàn bán tư nhân – bao gồm Alibaba, Tencent và Bytedance cũng như một số tập đoàn bất động sản khổng lồ – điều đó bao gồm việc đặt thêm các chi bộ đảng trong các công ty này và cho các cơ quan đảng có liên quan được nhiều quyền hơn để ra quyết định. Thật vậy, mệnh lệnh nhất quán nhất của ông Tập trong việc điều hành nền kinh tế là “thiết kế từ cấp cao nhất” và đổ nhiều hơn nguồn lực của chính phủ cho các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước khổng lồ gồm hơn 95 tập đoàn. Hơn nữa, xu hướng của ông Tập trong việc thích can thiệp vào việc thiết lập các chính sách công nghiệp, trợ cấp cho các công ty xuất khẩu theo định hướng cũng như buộc các công ty nước ngoài muốn có chỗ đứng ở Trung Quốc phải chia sẻ tài sản trí tuệ của họ với các đối tác địa phương đã trở thành những lĩnh vực gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác. Hơn nữa, trong khi Nghị quyết khẳng định rằng nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng “toàn diện, cân bằng và bền vững” thỏa đáng, thì ông Tập về cơ bản đã thực hiện theo chiến lược của Giang và Hồ là dựa vào việc bơm vốn nhà nước vào các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản để tăng tổng sản lượng GDP. Cách tiếp cận này đã tạo ra các khoản nợ tích lũy chưa từng có ở tất cả các cấp chính quyền, đồng thời cũng góp phần khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng gánh thêm các khoản nợ lớn.

 

Về chính sách đối ngoại, ông Tập được ca ngợi vì đã nâng tầm quốc tế của Trung Quốc thông qua các khẩu hiệu như đạt được “cộng đồng nhân loại với một tương lai chung” và dẫn đầu “ngoại giao của nước lớn” với các cường quốc khác. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng Bắc Kinh đã sử dụng các khoản đầu tư của mình để củng cố mối quan hệ với một loạt các quốc gia khách hàng ở những nước đang phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc trở nên khá cô lập trên toàn cầu, một phần do những nỗ lực tương đối thành công của chính quyền Biden nhằm tập hợp các liên minh như Bộ Tứ Quad và Bộ Tam AUKUS đang tìm cách kiềm chế sức mạnh đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Điều này có thể đã thúc đẩy ông Tập đưa ra lời kêu gọi gần đây đối với các quan chức rằng cần xây dựng hình ảnh Trung Quốc là một quốc gia “đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính trọng”. Nghị quyết không đề cập đến câu châm ngôn nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình là “ẩn mình chờ thời” trong các vấn đề thế giới, mà nhiều người coi là một câu châm ngôn hợp lý hơn để hướng dẫn chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

 

Theo ông Chen Pokong, nhà nghiên cứu Trung học kỳ cựu ở Mỹ, ông Tập đã vấp phải sự phản đối vì quan điểm một mình thao túng của ông trong hội nghị. Điều này giúp giải thích lý do tại sao một đoạn tương đối khá dài trong thông cáo về Nghị quyết được dành cho các chính sách của các cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, những người nổi tiếng là đối thủ chính trị của ông Tập. Việc đưa Giang và Hồ một cách bất ngờ vào Nghị quyết có thể là một sự nhượng bộ của Tập đối với những người theo họ, nhiều người trong số họ vẫn giữ các chức vụ từ cấp bộ trưởng và cao hơn. Hơn nữa, ông Tập đã tiếp tục sử dụng chiến dịch chống tham nhũng như một vũ khí để tiêu diệt những kẻ thù thực sự và tiềm ẩn, đặc biệt là trong bộ máy chính trị-pháp luật nhạy cảm (phe Vương Kỳ Sơn). Sự thiếu đoàn kết của đảng đang nằm dưới bề mặt cho thấy rằng mặc dù ngôn ngữ phong thánh được sử dụng để thổi phồng những thành tích của ông Tập trong Nghị quyết, tương lai lãnh đạo của ông phụ thuộc vào việc liệu ông có thể giải quyết các vấn đề đa đoan mà Trung Quốc đang bị nhức óc hay không.

 

=================================================

.

.

Tập Cận Bình có thật sự hài lòng với Phiên họp Trung ương 6, Khóa 19?  (Phần 1)

Ngụy Kinh Sinh

Lê Minh Nguyên dịch

22/11/2021

https://baotiengdan.com/2021/11/22/tap-can-binh-co-thuc-su-hai-long-voi-phien-hop-trung-uong-6-khoa-19/

 

Sau Phiên họp Trung uơng 6 Khoá 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), truyền thông nước ngoài nhận xét chung rằng, Tập Cận Bình đã giành được thắng lợi lớn và hoàn thành việc kiểm soát toàn diện hơn, do đó không có gì lo ngại về giấc mơ hoàng đế của ông sẽ thành hiện thực tại Đại hội lần thứ 20 vào năm tới v.v… Giống như những dự đoán (của ông Ngụy) trước đây, điều đó chứng tỏ rằng những nhà bình luận này đã liên tục viết nguệch ngoạc các vấn đề của Trung Quốc và chỉ nghiên cứu bề nổi của nó mà không tìm hiểu sâu.

 

Trên thực tế, trước và sau Phiên họp Trung ương 6, Tập Cận Bình – nếu không muốn nói là duy nhất – cho ra một trong những thỏa hiệp lớn của nội bộ ĐCSTQ, đó là đưa ra một tuyên bố chung với Hoa Kỳ tại Hội nghị Khí hậu. Điều này đã làm hạ nhiệt chính sách ngoại giao sói lang đã thất bại trong nhiều năm, nó không chỉ dẫn đến sự thỏa hiệp với dư luận gay gắt trong nội bộ TQ, mà còn tạo thể diện cho chính quyền Biden ở Mỹ. Nó nhận được một phản ứng tử tế từ Nhà Trắng, có thể nói là đạt được một điểm cộng.

 

Liệu nó có thể mang lại sự chung sống hòa bình với cộng đồng quốc tế hay không, đó không phải là một câu hỏi để ĐCSTQ thực hiện như một lời hứa. Người dân thậm chí cũng không quan tâm đến việc ông Tập ca ngợi bản thân mình và coi thường các lãnh đạo trước đây của ĐCSTQ. Dù sao, sự công bằng luôn có ở trong lòng họ. Khi cả Trung Quốc, thậm chí cả ĐCSTQ đều chỉ trích ông Tập, thì vấn đề không thể bị che đậy bằng cách khoe khoang. Mặc dù họ cho ông Tập điểm cộng, nhưng nội dung tranh cãi là về các vấn đề thực chất hơn.

 

Vấn đề thực chất đầu tiên là vấn đề năng lượng. Ngay sau Phiên họp TƯ 6, các phương tiện truyền thông Đại lục đã chỉ trích rằng cần phải tìm kiếm sự thật từ thực tế để đạt được mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon, đồng thời nên ghi nhớ các bài học của các vụ Đại nhảy vọt và Công xã nhân dân. Tạm dịch: Đừng để bị lừa như Mao Trạch Đông khi ông ấy nghe các nhà khoa học tâng bốc. Khi cái đầu của Mao nóng lên, ông ta tin rằng một mẫu đất (một mẫu của TQ bằng khoảng 1/6 mẫu của Hoa Kỳ) có thể sản xuất hàng chục ngàn cân thực phẩm (một cân TQ là ½ kg). Chế độ độc tài của Tập cũng ngu như vậy. Việc đóng cửa các mỏ than ở TQ đã dẫn đến việc cắt điện làm lượng điện bị hạn chế, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế ở TQ và cuộc sống của người dân. Sự chỉ trích này mạnh mẽ đến nỗi ông Tập không nói nên lời.

 

Ngay cả Thượng đế cũng sẽ không hợp tác với sự đánh giá sai lầm của Tập. Mùa đông năm nay đến sớm, tuyết rơi dày đặc ở phía bắc. Việc mở cửa khẩn cấp trở lại các mỏ than đã bị đóng cửa thì không nhanh chóng và các lệnh tạm nhập khẩu cũng không kịp thời. Người dân TQ bình thường và các thành viên của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã cảm nhận rất rõ quyết định được coi là sáng suốt này của ‘Hoàng đế Tập’. Những quan chức chống Tập không nhất thiết phải cười lén phía sau lưng mà có thể tấn công ngay trước mặt ông, để ông Tập thật sự mất mặt. Đây là cái được gọi là hoàn toàn chiến thắng mà các phương tiện truyền thông nước ngoài mô tả, và thậm chí được gọi là nền tảng để đăng quang.

 

Tập Cận Bình có khôn ngoan không? Chiến thắng trong cuộc đấu đá nội bộ cho thấy ông ta không hề ngu ngốc. Nhưng trong lúc trào lưu khi khẩu hiệu của lãnh đạo các cường quốc là khẩu hiệu, bao cấp là bao cấp, ông Tập đã dại dột đóng cửa các mỏ than ở TQ. Điều này cho thấy rằng sự khôn khéo của ông ta không nằm ở những nơi cần thiết. Ông ta xuất sắc trong các cuộc đấu đá nội bộ, nhưng yếu kém trong việc quản lý, đến mức có thể nói là bị thiểu năng trí tuệ.

 

Trong khi những lãnh đạo khác đang hô vang các khẩu hiệu tại hội nghị biến đổi khí hậu, họ cũng kêu gọi thế giới tăng cường sản xuất năng lượng để đảm bảo nền kinh tế của họ. Đây được gọi là vịt lội, vì những chuyển động chỉ diễn ra ở dưới nước. Hay như Thủ tướng Ấn Độ, người chỉ đồng ý giảm lượng khí thải carbon khi được đề nghị viện trợ 1,000 tỷ đôla. Khi ông Tập đóng cửa các mỏ than ở TQ để tự hại mình, không có ai khen ông ta vì sự ngu ngốc đó.

 

Người ta có thể nói mùa thu chỉ cần nhìn từ một chiếc lá. Không nghi ngờ gì nữa, giấc mơ của Hoàng đế Tập đã gặp trở ngại tại Phiên họp TƯ 6 này. Điều này là hiển nhiên, vì thông cáo không hề đề cập đến nhiệm kỳ. Trong quá khứ, ông Tập sửa đổi Hiến pháp TQ cho chức chủ tịch nước, đề thiết lập nhiệm kỳ vô thời hạn. Lần này, ông không thể thiết lập nhiệm kỳ vô thời hạn cho chức Tổng bí thư ĐCSTQ, điều này cho thấy rằng, cuộc đấu tranh sau đó sẽ còn tàn khốc hơn. Tập có thể không giành được chiến thắng trong trò chơi bằng luận điểm, vì vậy ông phải quét sạch các đối thủ của mình trong một cuộc đấu tranh bằng bạo lực.

 

Trong quá khứ, Mao Trạch Đông đã sử dụng bạo lực, cộng với sự đe dọa để quét sạch các đối thủ của ông, và do đó đã hoàn thành chế độ độc tài cá nhân. Mặc dù Tập Cận Bình là bậc thầy về đấu đá nội bộ và lý thuyết hắc đạo, nhưng thời gian sẽ không chờ đợi ông ta, và trận chiến quyết định sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy một năm (tại Đại hội 20 của ĐCSTQ). Sự lựa chọn của ông ta không quá nhiều. Việc thanh toán và tra tấn thể xác, cùng với việc bắt các con tin và các phương pháp khác, chỉ là một sự hồi sinh dữ dội của truyền thống cổ xưa về chế độ chuyên quyền.

 

Và bây giờ vấn nạn lại tái xuất hiện. Liệu ông Tập có đủ uy tín và phương pháp của Mao Trạch Đông và Võ Tắc Thiên (Wu Zetian, người cai trị trên thực tế của triều đại nhà Đường)? Điều này là không chắc chắn. Điều chắc chắn là không có nhiều những kẻ xu nịnh hữu dụng xung quanh ông Tập, ngoài việc họ chỉ biết tâng bốc và nịnh bợ. Có thông tin cho rằng, vợ ông cũng sẵn sàng tham gia chính trị để giúp đỡ người chồng đang thất bại. Bà ta xuất thân từ giới nghệ thuật, vì vậy bà ta có thể không tệ hơn Giang Thanh (vợ của Mao, một diễn viên) phải không?

 

Ngay cả khi bà ta là hóa thân của Giang Thanh, cũng sẽ gặp khó khăn vì chồng bà không phải là một người đàn ông mạnh mẽ (như Mao Trạch Đông). Nếu không có Thượng Quan Kiếm Bang (đại diện cho quyền lực của hoàng đế) trong tay, liệu bà có thể đánh bại những quan chức thâm niên này? Đây là điều không chắc chắn. Điều chắc chắn là hoạt động của nhà tù Qincheng (nơi giam giữ các quan chức cấp cao của ĐCSTQ) sẽ rất tấp nập. Vì vậy, cần nên lên kế hoạch trước và xin tiền để mở rộng nó ra ngay bây giờ.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats