Kiểm
soát hiện tại, Tập Cận Bình kiểm soát luôn quá khứ Trung Quốc
Thụy
My -
RFI
Đăng ngày: 06/11/2021 - 16:24
The
Economist ghi nhận Tập Cận Bình đang viết lại lịch sử để biện
minh cho sự cai trị của mình trong những năm tới, qua bài viết « Ai kiểm
soát hiện tại sẽ kiểm soát quá khứ ». Áp đặt được một nghị quyết về lịch
sử trong Hội nghị trung ương, chứng tỏ Tập đã dập tắt được mọi chống đối về nhiệm
kỳ thứ ba. Một mình ông chiếm 1/4 trong lịch sử 100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc.
https://s.rfi.fr/media/display/7d0a22fa-3f15-11ec-9431-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/100_06.webp
Ông Tập Cận Bình
trong buổi gala ở Bắc Kinh trước ngày kỷ niệm 100 thành lập đảng Cộng Sản Trung
Quốc, 28/06/2021. AP - Ng Han Guan
Courrier International nhận định « Tập Cận Bình muốn khống chế đảng Cộng Sản Trung Quốc ».
Hội nghị Trung ương sẽ khai mạc vào ngày 08/11 tại Bắc Kinh mang tính quyết
định, và tổng bí thư Tập muốn áp đặt quan điểm về lịch sử đương đại, trong đó
ông ta đứng trên tất cả.
Theo các nhà quan sát, Hội nghị Trung ương thứ
6 của Đại hội Đảng lần thứ 19, sẽ đưa ra một « nghị quyết về lịch sử »
ấn định các dấu mốc của thế kỷ, đề cao vai trò của Tập Cận Bình. Trong Đại hội
Đảng thứ 20, tất cả điều kiện đều hội đủ để Tập nắm thêm nhiệm kỳ thứ ba. Các cựu
đảng viên lưu vong cho biết, trước đây đã có hai nghị quyết loại này vào năm
1945 và 1981 nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Mao Trạch Đông rồi Đặng Tiểu
Bình.
Bộ Chính trị chuẩn bị chia 100 năm lịch sử đảng
làm bốn thời kỳ : giành được quyền lực (1921-1949), thời kỳ Mao Trạch Đông
(đến 1978), Đặng Tiểu Bình, rồi đến Tập Cận Bình năm 2012. Nhưng nghị quyết về
lịch sử thứ ba không hề nhắc đến những thảm họa mà chế độ đã gây ra, như Đại nhảy
vọt (1958), Cách mạng Văn hóa (1966-1976), thảm sát Thiên An Môn (1989).
Trần Khuê Đức (Chen Kuide), giám đốc Princeton
China Institute đoán rằng nghị quyết sẽ làm mờ nhạt đi những thành công của các
lãnh đạo trong quá khứ và ca ngợi đường hướng của ông Tập. Nhà nghiên cứu Ngô
Quốc Quang (Wu Guoguang), đại học Victoria ở Canada cho là Tập Cận Bình sẽ dùng
nghị quyết này để « thống nhất tư tưởng của giới lãnh đạo ». Đồng
thời hạn chế sức mạnh của những người làm giàu thời Đặng, biến những nhà tư bản
này thành con ngoan của đảng. Nếu có nhắc đến Thiên An Môn thì chỉ nhằm khẳng định
đàn áp là đúng.
Trung Quốc :
Kiểm soát hiện tại, kiểm soát quá khứ
The Economist
cũng cho rằng Tập Cận Bình đang viết lại lịch sử để biện minh cho sự cai trị của
mình trong những năm tới, qua bài viết « Ai kiểm soát hiện tại sẽ kiểm
soát quá khứ ».
Sự kiện Tập Cận Bình áp đặt được một nghị quyết
thứ ba về lịch sử cho mình, chứng tỏ ông ta đã dập tắt được mọi chống đối việc
tiếp tục tại vị. Trong năm qua, Tập đã bịt được những chỉ trích, đè bẹp các đối
thủ tiềm tàng, thanh trừng bộ máy an ninh, dành ghế cho các đồng minh chính trị,
giương móng vuốt với các tập đoàn tư nhân lớn. Trước Đại hội, có thể ông Tập đã
âm thầm chọn ra thủ tướng và bộ trưởng Công An mới.
Nghị quyết về lịch sử đã được lưu hành trong
giới quan chức cao cấp, nhưng nội dung chỉ được công bố sau khi Hội nghị trung
ương kết thúc ngày 11/11. Các bài phát biểu của Tập Cận Bình và những bình luận
chính thức cho thấy một số chỉ dấu : ca ngợi thành tựu của đảng, giảm thiểu
những thảm họa do Mao gây ra, nói rằng Mao và Đặng có cùng quan điểm.
Thời kỳ trị vì của Mao, Đặng được trình bày
như giai đoạn sơ khởi trước khi khởi đầu « kỷ nguyên mới » của Tập.
Mao đã giúp nhân dân Hoa lục « đứng dậy » sau một thế kỷ bị
ngoại bang hạ nhục, Đặng đưa Trung Quốc vào con đường « làm giàu »,
và ngày nay Tập giúp Trung Quốc trở nên « hùng mạnh ». Nghị
quyết đánh giá cao sự lãnh đạo sáng suốt của Tập Cận Bình, và quốc gia luôn cần
đến sự khôn ngoan của ông.
Những người tiền nhiệm của Tập sử dụng nghị
quyết theo cách khác nhau. Năm 1945, Mao Trạch Đông dùng để biện minh cho thanh
trừng, đổ lỗi cho các kẻ thù về những sai lầm trong quá khứ. Năm 1981, nghị quyết
của Đặng Tiểu Bình khẳng định Mao đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, gây ra đại
loạn ; qua đó quần chúng lại ủng hộ đảng và Đặng được rảnh tay cải cách, tự
do hóa thị trường.
Tập Cận Bình chiếm
1/4 trong lịch sử 100 năm đảng Cộng Sản
Tập Cận Bình đứng trước một thách thức
khác : ở phía tả, phái Tân Mao cáo buộc Đặng đã tạo ra tham nhũng và bất
bình đẳng ; phía hữu thì xầm xì với nhau là Trung Quốc lại rơi vào độc tài
kiểu Mao và mất đi những cam kết cải cách của Đặng. Ông Tập tin rằng Liên Xô sụp
đổ do không bảo vệ được di sản của Lênin và Stalin, nên các chương tố cáo những
tội lỗi khủng khiếp của Mao khó thể được giữ lại. Cách mạng Văn hóa chỉ được
nói sơ qua, không đề cập đến nạn đói làm 36 triệu người chết, cũng như không có
nạn nhân nào bị thương vong trong thảm sát Thiên An Môn.
Tập Cận Bình chiếm hết một phần tư trong lịch
sử 100 năm của đảng, Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) được rất ít chỗ.
Trung Quốc cần đến ông Tập để đạt các mục tiêu dài hạn như biến đất nước thành
một « quốc gia xã hội chủ nghĩa tân tiến » năm 2035, « thịnh
vượng » và « hùng cường » đến năm 2049, kỷ niệm100 năm
thành lập nước. Thất bại trong việc xâm chiếm Đài Loan luôn là điểm nhạy cảm đối
với tất cả các nhà lãnh đạo kể từ thời Mao, và nghị quyết sẽ có lời kêu gọi của
ông Tập về « đại phục hưng Trung Hoa » từ nay đến
2049, có nghĩa là « thống nhất » trước thời điểm
này.
Tiến đến hội nghị trung ương, bộ máy tuyên
truyền đã bắt đầu tung ra những bài báo nịnh hót về sự thông thái của ông Tập.
Nhân dân Nhật báo từ 01/11 khởi đăng loạt bài « Những quyết định
quan trọng trong kỷ nguyên mới », ca ngợi những thành tựu của đảng và
những đóng góp của Tập Cận Bình. Dưới mắt Tập, nghị quyết « không
chỉ nhìn lại quá khứ mà còn phải hướng về tương lai », và theo
ông Joseph Fewsmith của đại học Boston, ông Tập nghĩ « Tương lai
chính là tôi đây ! »
Người chủ trì nhiều
cuộc điều tra chấn động nay bị điều tra
Về nội tình Trung Quốc, Courrier
International tuần nàydịch bài viếtcủa Nikkei Asia mang tựa đề « Trung
Quốc : Người biết quá nhiều ». Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), cựu bộ
trưởng Tư Pháp trước đây chính là người điều tra các chính khách bị cáo buộc
tham nhũng, và giờ đây đến lượt ông là nạn nhân của cuộc thanh trừng không ngơi
nghỉ được Tập Cận Bình tung ra.
Tại Hoa lục, kỳ nghỉ quốc khánh từ 01/10 thường
xảy ra những trận động đất chính trị, và năm nay không ngoại lệ. Ngày 02/10,
nhân vật nắm rõ tất cả những cuộc đấu tranh quyền lực của Tập Cận Bình vừa bị
thất sủng. Ủy ban Thanh tra Kỷ luật thông báo Phó Chính Hoa, ủy viên trung ương
66 tuổi, từng là bộ trưởng Công An rồi Tư Pháp, bị điều tra vì « vi phạm
kỷ luật nghiêm trọng ». Vụ này gây rúng động lớn trong giới quan chức
Trung Quốc.
Phó Chính Hoa từng chủ trì nhiều cuộc điều tra
đã khiến rất nhiều người phải vào tù, và sự kiện giờ đây ông ta nằm trong tầm
ngắm có nguy cơ đặt lại tính chính đáng của những điều tra trước đó. Một nguồn
tin trong đảng nói với Nikkei, nhân vật này có vẻ là một nhà kỹ trị dần
dà được lên chức, nhưng vụ này là do biết quá nhiều.
Trong số các vụ điều tra do Phó Chính Hoa tiến
hành, có vụ Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị.
Nhân vật số 9 trong đảng lãnh đạo tất cả các cơ quan tư pháp và an ninh ở Trung
Quốc cho đến 2012. Có thể ông ta cảm nhận được chiếc thòng lọng tròng quanh cổ,
vì có cả một mạng lưới đệ tử khắp nơi. Chu Vĩnh Khang là ủy viên thường trực đầu
tiên trở thành nạn nhân, bị lãnh án chung thân : Tập đã thay đổi quy luật
bất thành văn xưa nay.
Biết quá nhiều
chuyện đấu đá hậu trường
Chiến dịch chống tham nhũng tạo nên quyền hành
cho Tập Cận Bình, nhất là sau khi Chu Vĩnh Khang phải nằm khám. Phó Chính Hoa
được tưởng thưởng, giao phụ trách an ninh cuộc diễn binh tháng 9/2015. Ông ta
cũng là người thẳng tay đàn áp hàng loạt luật sư và nhà đấu tranh nhân quyền
tháng 7/2015. Vì sao Phó Chính Hoa cúc cung phục vụ nhưng lại bị thất sủng ?
Theo tờ báo, do ông không thuộc đám quần thần
tín cẩn của Tập hoàng đế. Phó Chính Hoa từng can dự sâu vào vụ Lệnh Kế Hoạch
(Ling Jihua), nguyên chánh văn phòng Trung ương Đảng thời Hồ Cẩm Đào (Hu
Jintao), bị án chung thân. Không ai có thể biết nhiều hơn Phó Chính Hoa về những
chuyện đấu đá trong hậu trường những năm gần đây, khiến ông ta trở thành nguy
hiểm đối với Tập Cận Bình.
Tính cả ông, đã có ba thứ trưởng công an bị tống
giam kể từ khi Tập Cận Bình lên ngôi. Hai thứ trưởng trước đó là Mạnh Hoành Vĩ
(Meng Hongwei, cựu chủ tịch Interpol, lãnh án 13 năm tù năm 2020) và Tôn Lực
Quân (Sun Lijun). Giám đốc công an Trùng Khánh và Thượng Hải cũng xộ khám, tóm
lại các lãnh đạo công an nay nếm mùi tù tội khá nhiều.
Những người sống sót là bạn bè, người thân tín
mà Tập Cận Bình biết rõ từ xưa, trước hết là Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong),
thứ trưởng thường trực Bộ Công an, quen ông Tập từ thời trẻ ở Phúc Kiến. Hay Trần
Nhất Tân (Chen Yixin), tổng thư ký Ủy ban Chính Pháp, Đường Nhất Quân (Tang
Yijun), được đưa lên làm bộ trưởng thay Phó Chính Hoa. Người ta cho rằng chiến
dịch đả hổ diệt ruồi của Tập Cận Bình sẽ còn kéo dài.
Bắc Kinh muốn
thành đại cường nguyên tử
Trên lãnh vực quân sự, The Economist cảnh
báo « Trung Quốc tìm cách đứng vào hàng ngũ các đại cường nguyên tử ».
Lầu Năm Góc nhận thấy Bắc Kinh nhanh chóng gia tăng số vũ khí nguyên tử lẫn quy
ước để đối đầu với Mỹ.
Khi Hoa Kỳ và Liên Xô lao vào cuộc đua vũ khí
nguyên tử trong chiến tranh lạnh, Trung Quốc vẫn còn lẹt đẹt phía sau. Đến 1964
Bắc Kinh mới thử hạt nhân lần đầu tiên, và chỉ có vài trăm đầu đạn so với hàng
ngàn của các siêu cường. Giờ đây Trung Quốc tăng tốc để rút ngắn khoảng cách. Mới
đây Lầu Năm Góc cho biết số đầu đạn của Trung Quốc năm ngoái chưa đến 200, có
thể lên đến 700 vào năm 2027 và trên 1.000 năm 2030. Báo cáo lo ngại về việc hiện
đại hóa quân sự nhanh chóng : lâu nay nỗi lo chỉ liên quan đến vũ khí quy
ước để xâm lăng Đài Loan, giờ đây lan sang lãnh vực nguyên tử.
Các đồn đoán đã có từ tháng Sáu, tháng Bảy,
khi các nhà nghiên cứu phát hiện Trung Quốc xây hàng trăm kho chứa hỏa tiễn ở
Cam Túc và Tân Cương. Sau đó các tướng lãnh sửng sốt trước việc Trung Quốc thử
nghiệm vũ khí siêu thanh. Có thể Bắc Kinh đã có khả năng phóng vũ khí nguyên tử
cả từ đất liền, trên biển lẫn trên không, và đang mở rộng hệ thống cảnh báo sớm
với sự giúp đỡ của Nga.
Đảo nhân tạo ở Biển
Đông giúp hỏa tiễn Trung Quốc đe dọa Mỹ
Sự phát triển về nguyên tử càng làm sáng tỏ
thêm việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Các tàu ngầm phóng hỏa
tiễn phải di chuyển thật xa nếu muốn những quả JL-2 bay đến tận bờ đông nước Mỹ,
nhưng những hỏa tiễn JL-3 đang được triển khai có thể bắn đi từ vùng biển gần
Trung Quốc. Thế nên Bắc Kinh mới ra sức xây dựng những căn cứ trên biển ở vùng
Vịnh Bột Hải và Biển Đông, theo mô hình của Liên Xô trên biển Barents và biển
Okhotsk, nơi dày đặc tàu ngầm, chiến hạm, phi cơ.
Tại sao Trung Quốc tăng cường vũ khí nguyên tử
vào lúc Hoa Kỳ và Nga gia hạn hiệp ước New START ? Một trong những lý do
là Bắc Kinh lo sợ kho vũ khí quá nhỏ, khó thể sống sót sau đợt tấn công đầu
tiên của Mỹ. Tập Cận Bình muốn xây dựng quân đội « đẳng cấp thế giới »
năm 2049. Dù số vũ khí nguyên tử Trung Quốc hãy còn tương đối ít so với Mỹ và
Nga, Lầu Năm Góc nghi ngờ việc Bắc Kinh tuân thủ Công ước Vũ khí Hóa học. Đáng
lo nhất là Trung Quốc luốn né tránh các thỏa thuận kiểm soát vũ khí nguyên tử,
ít quan tâm đến đường dây nóng và các cơ chế giảm thiểu rủi ro khác.
Thất bại ở
Virginia, Biden cần giữ khoảng cách với phía tả
L’Obs tuần này tìm cách lý giải
cách thức chính khách cực hữu Pháp Eric Zemmour đã tạo được tên tuổi. L’Express
trăn trở về triết lý « Làm thế nào tìm lại được sự hợp lý ».
Le Point quan tâm đến việc « Google, Amazon…đã mua nước Pháp như thế
nào ». Trên lãnh vực xã hội, Courrier International chạy tựa
« Có con ? Không, cám ơn » : Một số cặp vợ chồng không
muốn sinh con trong thời buổi khủng hoảng.
Về Hoa Kỳ, L’Express nói về
« Cái tát nẩy lửa của cử tri ở Virginia dành cho Joe Biden » ; còn
The Economist đăng ảnh tổng thống Mỹ Joe Biden với dòng tựa « Một
năm sau », cho rằng ông Biden cần giữ một khoảng cách với cánh tả
trong đảng Dân Chủ.
Ứng cử viên Cộng Hòa Glenn Youngkin đã chiến
thắng đối thủ Dân Chủ Terry McAuliffe tại Virginia, bang mà ông Biden đã vượt
ông Trump 10 điểm trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Thất bại càng cay đắng hơn
khi nhiều tên tuổi lớn của đảng Dân Chủ đã đến tận nơi để vận động : cựu tổng
thống Barack Obama, phó tổng thống Kamala Harris và bản thân ông Joe Biden. L’Express
nhận định đây là lời cảnh báo cho cánh tả trong đảng, trước cuộc bầu cử giữa kỳ
sang năm, trong khi Dân Chủ chỉ có được đa số mong manh. Theo The Economist,
đảng Dân Chủ có thể bị mất đa số ở Hạ Viện vào năm 2022 và sau đó càng u ám
hơn.
Giành được sự ủng hộ của các đại cử tri, đa số
ở Quốc Hội lưỡng viện trong điều kiện hiện nay cần phải có một chính khách siêu
phàm, mà đây không phải là trường hợp của Joe Biden. Các cử tri Dân Chủ trong bầu
cử sơ bộ dồn phiếu cho ông chỉ vì muốn chặn đường ứng viên cấp tiến Bernie
Sanders. The Economist cho rằng Biden, một nhân vật cánh trung cần tránh
quá ngả sang tả phái và « văn hóa cancel » nếu không muốn mất đi những
cử tri ôn hòa.
No comments:
Post a Comment