Thursday, 11 November 2021

KẾ HOẠCH CƠ SỞ HẠ TẦNG 'B3W' : LIỆU NÓ CÓ THỂ SÁNH VỚI 'BRI' CỦA TRUNG HOA KHÔNG? (Felix Thompson  -  Global Trade Review)

 


Kế hoạch cơ sở hạ tầng Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W): Liệu nó có thể sánh với Một Vành đai một Con đường (BRI) của Trung Hoa không?

Felix Thompson  -  Global Trade Review

Trần Giao Thủy, chuyển ngữ

POSTED ON NOVEMBER 9, 2021

https://www.dcvonline.net/2021/11/09/ke-hoach-co-so-ha-tang-xay-dung-lai-the-gioi-tot-dep-hon-b3w-lieu-no-co-the-sanh-voi-mot-vanh-dai-mot-con-duong-bri-cua-trung-hoa-khong/

 

Chính quyền Biden, đã đặt cơ sở hạ tầng vào trọng tâm của chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của họ, đầu năm nay tuyên bố rằng Hoa Kỳ cùng với các thành viên G7 khác sẽ thực hiện một sáng kiến toàn cầu mới.

 

Hình :

https://www.geopolitica.ru/sites/default/files/styles/wide_16_9/public/bbb.jpg?itok=Dg9w1iGW

 

Nhưng liệu Mỹ có thực sự có thể giải quyết được khoảng cách cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ đô la ở các thị trường mới nổi qua các cơ quan như US Exim và cạnh tranh với Sáng kiến  Một Vành đai một Con đường của Trung Hoa hay không?

 

Chưa đầy một năm sau khi vào Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được một bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy một trong những cam kết khi vận động tranh cử cốt lõi của ông và một mục quan trọng trong chương trình nghị sự chính sách — cơ sở hạ tầng của ông.

 

Trong nước, chính quyền Biden đã vào một cuộc tranh đấu chính trị ở Điện Capitol để thông qua một dự luật cơ sở hạ tầng khổng lồ mà tổng thống Mỹ dự tính sẽ tạo ra hàng triệu việc làm trong nước, đồng thời tài trợ cho việc sửa chữa cầu đường và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng.

 

Sau nhiều cuộc tranh luận và thương lượng giữa hai đảng, Thượng viện đã thông qua dự luật về cơ sở hạ tầng lưỡng đảng trị giá 1 nghìn tỷ đô la Mỹ vào tháng 8, lúc bài lên khuôn, đang chờ cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát.

 

Ở nước ngoài, chính quyền Mỹ cũng đã đưa ra kế hoạch thu hẹp khoảng cách tài trợ những dự án cơ sở hạ tầng ước tính trị giá hàng nghìn tỷ đô la ở các nước đang phát triển trên thế giới.

 

Vào tháng 6, Mỹ và các nước G7 khác đã ra  một thông cáo chung rằng họ sẽ làm việc “để phát triển quan hệ đối tác mới nhằm xây dựng trở lại tốt hơn cho thế giới,  qua một bước thay đổi trong cách giải quyết của chúng tôi đối với viêc đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

 

Thông tin chi tiết về đề nghị của G7 còn hạn chế, nhưng bản ghi nhớ đã phác thảo kế hoạch rót vốn vào các dự án ở những thị trường mới nổi với trọng tâm là môi trường, xã hội và quản trị (environmental, social và governance, ESG). Bản ghi nhớ cho biết thêm,

Tiền sẽ được dành cho những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và kỹ thuật ở các thị trường mới nổi, tập trung vào các hệ thống y tế, an ninh, các giải pháp kỹ thuật số và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

 

Tòa Bạch Ốc đã làm rõ hơn nữa trong một tuyên bố được đưa ra cùng thời điểm, trong đó định khung cho sáng kiến mới — gọi là kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) — như một phương tiện để “cạnh tranh chiến lược với Trung Hoa”.

 

Theo Hoa Kỳ, kế hoạch B3W sẽ cung cấp :

 

“quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch, tiêu chuẩn cao và định hướng giá trị do các nền dân chủ lớn dẫn đầu để giúp thu hẹp nhu cầu cơ sở hạ tầng trị giá hơn 40 nghìn tỷ đô la Mỹ ở các nước đang phát triển.” (Tuyên bố của Mỹ tại G7)

 

Bản tuyên bố của Mỹ cho biết thêm, các công cụ tài chính phát triển hiện tại dự định sẽ được dùng cùng với đầu tư của khu vực tư nhân để “xúc tác hàng trăm tỷ đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong những năm tới.

 

Mỗi đối tác G7 sẽ có trọng tâm địa lý riêng, nhưng kế hoạch B3W này có phạm vi toàn cầu, nhắm mục tiêu đến Châu Mỹ Latinh, Caribbean, Châu Phi và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Thách đố BRI?

 

Việc công bố sáng kiến B3W đã được tiết lộ từ nhiều tháng trước, khi Tổng thống Biden được cho là đã nêu ra triển vọng về một chiến lược cơ sở hạ tầng để cạnh tranh với Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường (BRI) trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào tháng Ba.

 

Theo Reuters, Biden nói :

 

“Về cơ bản, tôi đề nghị chúng ta nên có một sáng kiến tương tự, dựa vào các quốc gia dân chủ, giúp đỡ những cộng đồng trên toàn thế giới mà trên thực tế, cần được giúp đỡ.”  (Joe Biden)

 

Trong khi Tòa Bạch Ốc không đề cập trực tiếp đến BRI trong tuyên bố báo chí sau hội nghị thượng đỉnh G7, nhiều người trong giới phân tích cho rằng kế hoạch B3W là một nỗ lực rõ ràng và trực tiếp nhằm giải quyết những lo ngại của G7 về chiến lược cơ sở hạ tầng của Trung Hoa.

 

https://i0.wp.com/www.globalvillagespace.com/wp-content/uploads/2021/05/Kissinger-warns-of-colossal-dangers-in-US-China-tensions.jpg

B3W vs BRI? Nguồn: globalvillagespace

 

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington DC, trong một phúc trình ngiên cứu hồi tháng Sáu, cho biết:

“Những điều này gồm, ví dụ, sự thiếu minh bạch xung quanh việc cho vay của Trung Hoa, tham nhũng, nợ không bền vững, ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội, và các dự án có tiềm năng sử dụng kép.” (CSIS)

 

Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, BRI đã bơm hàng nghìn tỷ đô la vốn đầu tư của Trung Hoa vào các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn cầu và trong tiến trình này, BRI cũng giúp tăng trưởng thương mại song phương với các quốc gia tham gia trong sáng kiến đó.

 

Mặc dù rất khó để ước tính tầm bao phủ của BRI, do thiếu các chỉ số hoạt động chính hoặc các giao thức thành viên chính thức, khối lượng thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và các nước tham gia đã vượt 6 tỷ đô la Mỹ từ năm 2013 đến năm 2018, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 4 %, theo dữ liệu từ tờ nhật báo China Daily của chính quyền Hoa lục.

 

Trong cùng giai đoạn đó, đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Hoa vào các nước tham gia BRI đã vượt 90 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,2%.

 

Nguồn vốn như vậy đã giúp thúc đẩy một loạt các dự án ở các thị trường mới nổi, gồm hải cảng, đường bộ và sân bay.

 

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã kiềm chế sức mạnh tài chính của BRI sau những vấn đề nợ nần ở các nước như Sri Lanka và Pakistan.

 

Theo CSIS, đầu tư của Trung Hoa đã “giảm mạnh” kể từ mức cao nhất năm 2016, khi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đạt 50 tỷ USD. CSIS cho biết thêm rằng vào năm 2019, cả đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu tổng thể lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 tỷ đô la Mỹ kể từ khi BRI ra mắt.

 

“BRI của Trung Hoa đã bị lùi lại đáng kể trong những năm gần đây, nhấn mạnh những thách thức của Bắc Kinh trong việc quản lý nỗ lực và tạo cơ hội cho các nước G7 cung cấp các giải pháp cạnh tranh thay thế.”  (CSIS)

 

Tuy nhiên, giới chức chính phủ ở các khu vực đang phát triển cho thấy không có nhiều khuynh hướng họ sẽ quay lưng lại với việc cho vay từ siêu cường châu Á.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo vào tháng 6, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói rằng “không có đối tác nào trên thế giới” có thể một mình phát triển châu Phi.

 

“Chúng tôi muốn có một loại tiến trình đa đối tác trong việc đầu tư vào lục địa của chúng tôi…. Chúng ta không bao giờ có thể nói rằng có một mối đe dọa đối với Trung Hoa, hoặc đẩy Trung Hoa ra ngoài. Chúng tôi rất hòa nhập, chúng tôi không thấy loại trừ cái này, để cái khác phải trả giá.”  (Cyril Ramaphosa)

 

Một số chuyên gia cũng đã đặt câu hỏi liệu B3W có sẵn sàng thách đố BRI trong tương lai gần hay không.

 

Harry Broadman, giám đốc điều hành và chủ tịch thực hành thị trường mới nổi tại Berkeley Research Group, nói với Tạp chí Thương mại Toàn cầu (Global Trade Review, GTR) rằng các nước G7 cho đến nay phải công bố một số chi tiết về kế hoạch B3W.

 

“Bất chấp một số sai sót cốt lõi của BRI, ít nhất nó có cấu trúc và mục tiêu — ngay cả khi người ta không đồng ý với chúng. Thông thường, khi các chương trình như thế này [B3W] được công bố và đưa vào một thông cáo chung, sẽ có một số đáng kể bài tập đã được thực hiện và các bài nghiên cứu đã phát hành. Nhưng nhiều tháng sau hội nghị thượng đỉnh G7, có rất ít thông tin được công bố.”  (Harry Broadman)

 

Mối quan tâm về vốn tư nhân

 

Chìa khóa của B3W sẽ là việc sử dụng tài chính phát triển để khai thác vốn của khu vực tư nhân, mà Tòa Bạch Ốc cho biết sẽ tạo ra “hàng trăm tỷ đô la” đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong những năm tới.

 

CSIS cho biết trong phân tích của họ rằng khu vực tư nhân không còn nghi ngờ gì sẽ là “nguồn tài chính chưa được khai thác”.

 

CSIS nói rằng giới quản lý tài sản và tiền bạc hiện trông coi khoảng 110 tỷ đô la Mỹ, với các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và quỹ tài sản có chủ quyền đều muốn kiếm lợi nhuận dài hạn đáng tin cậy.

 

“Nhưng chỉ một phần nhỏ trong số tiền khổng lồ này được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, đã tỏ ra quá rủi ro đối với giới đầu tư.” (CSIS)

 

Để có được nguồn vốn như vậy, chính quyền Biden đã ủng hộ vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương, cũng như các tổ chức tài chính phát triển của chính Mỹ.

 

“Với tư cách là đối tác chính trong B3W, Hoa Kỳ sẽ tìm cách huy động toàn bộ tiềm năng của các công cụ tài chính phát triển của chúng tôi, gồm DFC [Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ], USAID, Exim, Millennium Challenge Corporation, Cục Thương mại Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển và các cơ quan khác như Quỹ Tư vấn Giao dịch.”  (Chính phủ Mỹ)

 

Kể từ đó, chính phủ Hoa Kỳ đã cho biết rất ít thông tin về cách các cơ quan chính phủ này sẽ giúp tạo điều kiện cho B3W, trong khi Ngân hàng Xuất Nhập cảng Hoa Kỳ (US Exim) không có bình luận khi được hỏi về vai trò của họ trong sáng kiến B3W về cơ sở hạ tầng.

 

Một báo cáo tháng 3 từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, do cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jacob Lew đồng tác giả, cho thấy US Exim nên mở rộng phạm vi thay đổi  chính sách về sản phẩm trong nước gần đây được thực hiện như một phần của Chương trình về Trung Hoa và Xuất cảng Chuyển đổi.

 

Theo báo cáo của GTR vào tháng 1, hội đồng quản trị của ngân hàng đã đồng ý cắt giảm lượng hàng nội địa tối thiểu bắt buộc từ 85% xuống 51% đối với các giao dịch trong 10 lĩnh vực chính.

 

Phúc trình GTR cũng cho biết:

“Chính sách về sản phẩm nội địa mới này nên được mở rộng để gồm tất cả các khoản vay của US Exim vì 10 lĩnh vực được xác định không gồm hết mọi lĩnh vực mà Hoa Kỳ nên cạnh tranh với Trung Quốc. Ví dụ, trong năng lượng hạch tâm và cơ sở hạ tầng truyền thống, chẳng hạn như hải cảng.” (GTR)

 

Quyết định của G7 dựa nhiều vào tiền tư nhân cho kế hoạch B3W đã khiến một số phân tích gia bối rối.

 

Tiến sĩ Yu Jie, một chuyên viên nghiên cứu  cao cấp đặc biệt về Trung Hoa tại Viện nghiên cứu Chatham House, cho biết vào tháng 6 rằng BRI phải đối phó với những trở ngại trong việc thu hút sự ủng hộ của khu vực tư nhân và cho rằng G7 có thể gặp phải những vấn đề tương tự. Bà nói trong chương trình phát sóng của BBC World Service sau hội nghị thượng đỉnh tháng 6 :

 

“Đối với B3W, tôi chỉ đặt câu hỏi làm thế nào để các chính phủ khối G7 có thể thuyết phục khu vực tư nhân tham gia sáng kiến này, xây dựng mức lợi tức đầu tư bền vững. Khu vực tư nhân sẽ khó thuyết phục được những cổ đông.”   (Yu Jie)

 

Broadman của Tập đoàn Nghiên cứu Berkeley nói rằng không rõ hỗ trợ B3W sẽ khác với những gì đã được cung cấp từ các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Phi hoặc Ngân hàng Phát triển Châu Á. Ông nói với GTR :

 

“G7 đã tài trợ cho các loại chương trình này ở một số quốc gia và chúng đã được thực hiện trong nhiều năm. Mặc dù có thể có vấn đề với những công cụ hiện có này, nhưng tôi không chắc cần phải tạo ra một sáng kiến hoàn toàn mới.” (Harry Broadman)

 

© 2021 DCVOnline 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net” 


 

Nguồn: 

 

B3W infrastructure plan: can it rival China’s BRI? | Felix Thompson | Global Trade Review | 21-10, 2021.




No comments:

Post a Comment

View My Stats