Hệ
lụy từ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc siết chặt khu vực tư nhân
Phan Nguyên, biên dịch
23/11/2021
Nhiều người có thể nhầm tưởng rằng đó là một
trong những nhà đầu tư công nghệ thông minh nhất thế giới. Danh mục đầu tư của
Quỹ Đầu tư Internet Trung Quốc (CIIF) là nỗi ghen tị của các nhà đầu tư mạo hiểm
ở khắp mọi nơi. Quỹ này sở hữu một phần chi nhánh của ByteDance, công ty mẹ của
tập đoàn truyền thông xã hội TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, và Weibo, một nền tảng
giống Twitter. Họ cũng có cổ phần trong SenseTime, một trong những tập đoàn về
trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất của Trung Quốc, và Kuaishou, một dịch vụ
video ngắn phổ biến. Danh mục đầu tư của công ty này giống như danh sách của những
công ty nổi tiếng trong ngành.
Đáng kinh ngạc hơn là điều khoản của các khoản
đầu tư này. Chỉ nắm 1% cổ phần trong một công ty con của ByteDance nhưng CIIF
có quyền chỉ định một trong ba thành viên hội đồng quản trị trong một đơn vị nắm
giữ các giấy phép quan trọng để điều hành hoạt động kinh doanh video ngắn trong
nước của công ty này. Một thỏa thuận tương tự cũng xảy ra với Weibo, được niêm
yết ở New York, với việc CIIF chỉ phải trả 10,7 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu
USD) để sở hữu 1% cổ phần. Weibo hầu như không cần thêm vốn. CIIF cũng vậy.
Theo đó các kế hoạch gây quỹ trị giá 100 tỷ nhân dân tệ – đủ lớn để cạnh tranh
với một công ty đầu tư mạo hiểm cỡ lớn ở Thung lũng Silicon – chủ yếu lấy tiền
từ các khoản lợi nhuận khổng lồ mà các khoản đầu tư của Quỹ chắc chắn sẽ mang lại.
Đó là bởi vì quỹ này, được thành lập chỉ năm
năm trước, không phải là nhà đầu tư bình thường. CIIF phần lớn thuộc sở hữu của
Cục Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc (CAC), một cơ quan giám sát internet nhiều
quyền lực. Thỏa thuận này giống như việc Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ
nhận cổ phần giá rẻ trong các tập đoàn công nghệ như Facebook và Twitter, bổ
nhiệm các thành viên hội đồng quản trị, sau đó điều khiển họ theo hướng mà ủy
ban thấy phù hợp.
Các khoản đầu tư của CIIF là biểu hiện của một
hình thức mới của chủ nghĩa tư bản nhà nước đang hình thành ở Trung Quốc. Dưới
sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, các cơ quan quản lý trong những năm gần
đây đã mở các cuộc tấn công liên tục vào lĩnh vực công nghệ, cho rằng lĩnh vực
này đã có quá nhiều ảnh hưởng và đi quá xa các giá trị cốt lõi của Đảng Cộng sản.
Những ông trùm công nghệ như Jack Ma, nhà đồng sáng lập của tập đoàn thương mại
điện tử khổng lồ Alibaba, đã bị khuất phục. Toàn bộ mô hình kinh doanh đã được
viết lại từ trên xuống — và kết quả là mức tăng trưởng cao của nền kinh tế
Trung Quốc đã bị ảnh hưởng.
Kiểm soát tuyệt đối nền kinh tế hiện đại là điều
có thể được mong đợi từ một chế độ mà suy cho cùng là theo chủ nghĩa cộng sản.
Đầu tư của nhà nước vào các công ty tư nhân cũng không phải là điều gì mới mẻ:
“quỹ định hướng”, các quỹ đầu tư nhà nước khổng lồ đổ tiền vào ngành bán dẫn và
các lĩnh vực được ưu tiên khác, đã trở thành một yếu tố quan trọng trong ngành
đầu tư của Trung Quốc. Nhưng mức độ hoạt động của các quỹ như vậy trong hai thập
niên qua đã tăng mạnh.
Theo một nghiên cứu của Chong-En Bai thuộc Đại
học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và Chang-Tai Hsieh thuộc Trường Kinh doanh Booth ở
Chicago cùng hai học giả khác, các công ty tư nhân có các nhà đầu tư liên quan
với nhà nước đã chiếm 33,5% tổng vốn đăng ký ở Trung Quốc trong năm 2019, so với
mức 14,1% vào năm 2000. Dù số lượng các nhà đầu tư do nhà nước kiểm soát không
thay đổi nhiều, mỗi quỹ như vậy đã đầu tư nhiều hơn vào các công ty tư nhân
(xem biểu đồ 1). Do đó, bối cảnh doanh nghiệp Trung Quốc ngày nay tốt nhất có
thể được mô tả như một phức hợp thương mại nhà nước – tư nhân rộng lớn. Tới năm
2019, hơn 130.000 công ty tư nhân đã thành lập liên doanh với các công ty nhà
nước, tăng từ mức 45.000 công ty vào đầu thế kỷ này.
The Economist
Sự tăng vọt các công ty tư nhân có vốn đầu tư
của nhà nước kể từ đó đã chiếm gần như tất cả mức tăng vốn đăng ký mới của
Trung Quốc. Đầu tư công vào các công ty thuộc khu vực tư nhân đã tăng từ 9,4 tỷ
USD vào năm 2016 lên 125 tỷ USD vào năm 2020, mặc dù có vẻ sẽ giảm trong năm
nay, theo dữ liệu từ Dealogic, một công ty nghiên cứu (xem biểu đồ 2).
The Economist
Điều này có nghĩa là sự tăng trưởng của doanh
nghiệp Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với nhà nước. Ngành công nghiệp công nghệ là
một trọng tâm đáng chú ý. Quy định đã từ lâu bao trùm trong lĩnh vực này, cũng
như việc thỉnh thoảng xảy ra việc một ông trùm công nghệ nào đó bị hạ bệ một
cách nhanh chóng. Nhưng điều này hiện được coi là không đủ để đảm bảo các doanh
nhân sẽ tuân thủ các định hướng của đảng.
Do đó, việc mở rộng phạm vi tiếp cận trực tiếp
của chính phủ đối với nhiều công ty tư nhân hơn thông qua đầu tư tài chính đang
nổi lên như một cơ chế để kiểm soát chúng. “Cổ phiếu vàng” của chính phủ, tức
những khoản đầu tư nhỏ nhưng mang lại quyền kiểm soát cao đối với các công ty,
đã được đồn đại trong nhiều năm; nhưng chỉ gần đây chúng mới được tiết lộ bởi
các công ty như Weibo và ByteDance. Theo Nana Li thuộc Hiệp hội Quản trị Doanh
nghiệp Châu Á, một nhóm lợi ích của các nhà đầu tư, thì có khả năng dạng đầu tư
nhà nước này sẽ tiếp tục mở rộng thời gian tới.
Trước đó, các nhà đầu tư toàn cầu đã từng chi
tiêu rất nhiều để có được một chỗ đứng trong thị trường Trung Quốc đang bùng nổ.
Các nhà đầu tư Mỹ và các nước khác dường như sẽ không cảm thấy thoải mái với những
thỏa thuận mới. Nhiều nhà đầu tư có thể bị dính bẫy: CAC, cơ quan quản lý tối
cao đằng sau các khoản đầu tư của nhà nước vào các công ty khởi nghiệp, gần đây
đã được trao quyền kiểm tra việc niêm yết ở nước ngoài của các tập đoàn công
nghệ lớn của Trung Quốc.
Tình hình này có thể có tác động như thế nào tới
các công ty liên quan? Chủ tịch của CIIF, Wu Hai, đã tuyên bố quỹ này là một phần
quan trọng trong “đội tuyển quốc gia” của Trung Quốc, một từ để chỉ các doanh
nghiệp nhà nước quan trọng nhất của nước này. Sun Xin của đại học King’s
College London cho biết Đảng Cộng sản đã cung cấp hỗ trợ tài chính và chính
sách hào phóng cho các công ty được CIIF đầu tư. Tuy nhiên, ông cho biết thêm,
những khoản đầu tư này cũng đi kèm với việc thắt chặt giám sát và dẫn tới áp đặt
sự kiểm soát trực tiếp hơn của Đảng đối với ban điều hành các công ty này.
Tuy nhiên, các mục tiêu của CIIF sẽ khó ăn nhập
vào các tài liệu quảng bá của một công ty đầu tư mạo hiểm. Quỹ này cam kết
không theo đuổi “lợi nhuận quá mức” trong các khoản đầu tư của mình. Điều này gợi
nhớ tới các thông điệp gần đây của các quan chức hàng đầu liên quan đến “sự
tăng trưởng man rợ” và “sự mở rộng tư bản một cách vô trật tự” tại các tập đoàn
công nghệ của Trung Quốc. Các lĩnh vực trọng tâm của quỹ này — như chip AI, robot,
điện toán lượng tử và blockchain — phù hợp với các lĩnh vực mà chính phủ ưu
tiên trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, một trong những tài liệu chính sách quan
trọng nhất của Trung Quốc. Các công ty này chắc chắn đã phải lưu ý tới điều đó.
ByteDance đã tuyên bố khoản đầu tư của CIIF có
rất ít ảnh hưởng đến hoạt động của mình. Nếu điều đó là đúng thì bằng cách nào
đó, hãng tự thấy rằng sẽ là khôn ngoan nếu tự mình tuân theo các chính sách mới
của nhà nước. Chủ sở hữu của TikTok đã chính thức giới hạn giờ làm việc từ 10
giờ sáng đến 7 giờ tối các ngày trong tuần; một sự thay đổi diễn ra sau khi nhà
nước “ghè đầu” Jack Ma và Alibaba vì đã lên tiếng ủng hộ lịch trình làm việc
“996”, tức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối sáu ngày một tuần. Công ty này
nằm trong số những công ty mà các thành viên sáng lập đã phải rời đi trong cuộc
đàn áp.
Khi mô hình của ông Tập về việc áp đặt kiểm
soát nhà nước đối với những công ty công nghệ lớn trở nên rõ ràng hơn, thì những
nhược điểm tiềm ẩn cũng ngày càng lộ rõ. Một trong số đó là những tréo nghoe gắn
liền với một số cách làm ngày càng mang tính giáo điều của Đảng. Trong hai thập
niên qua, mối liên kết giữa các công ty và chính quyền địa phương đóng một vai
trò trung tâm trong mô hình kinh tế Trung Quốc. Nhưng những mối quan hệ đối tác
này trong lịch sử thường tập trung vào việc kinh doanh, chứ không phải hệ tư tưởng
của Đảng.
Nhưng gần đây, ông Hsieh cho rằng đã có những
dấu hiệu cho thấy các chính quyền địa phương đang bận tâm nhiều hơn đến các
khía cạnh tư tưởng. Chúng bao gồm các “buổi học tập” thường xuyên, nơi các quan
chức Đảng tập hợp để đọc và thảo luận về giá trị của Tư tưởng Tập Cận Bình. Việc
tạo dựng mối quan hệ giữa các công ty nhà nước và tư nhân đã trở nên khó khăn
hơn và đòi hỏi các mối quan hệ không chính thức với nhiều lãnh đạo cấp cao hơn.
Một vấn đề khác là tình trạng không thích rủi
ro của các cổ đông mới liên quan tới chính phủ. Mô hình của Trung Quốc gần đây
đã được Arthur Kroeber, một nhà kinh tế học, gọi là mô hình “nhà nước đầu tư mạo
hiểm”. Mô hình này bắt chước mô hình nhà đầu tư doanh nghiệp lớn, nhận cổ phần
nhỏ trong các công ty khởi nghiệp khác nhau ở giai đoạn đầu; bản thân CIIF cũng
có nhân sự là các giám đốc điều hành có kinh nghiệm đầu tư công nghệ và khởi
nghiệp. Tuy nhiên, mức độ chấp nhận rủi ro của nhà nước thì giống như một quan
chức nhút nhát. Các giám đốc điều hành khu vực tư nhân làm việc với các công ty
liên quan tới chính phủ đã nói về nỗi sợ mắc sai lầm ngày càng tăng của các
quan chức. Nis Grünberg thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một viện
nghiên cứu chính sách ở Berlin, cho biết làm mất tiền của nhà nước khi đầu tư
dường như không phải là nỗi lo lớn nhất. Thay vào đó, mối lo thực sự lớn nhất sẽ
là không kiểm soát được các công ty, khiến chúng hoạt động trái với hệ tư tưởng
của Đảng.
Do đó, một viễn cảnh khó chịu cho kỷ nguyên đảng
kiểm soát nền kinh tế mới của ông Tập chính là nỗi sợ của các nhà “tư bản nhà
nước” về việc phạm lỗi ý thức hệ, qua đó làm giảm lợi nhuận đầu tư và kìm hãm sự
năng động của các công ty. Đại diện của CIIF được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị
của ByteDance không có kinh nghiệm kinh doanh rõ ràng trong sơ yếu lý lịch của
mình, mà lại xuất thân từ ngành tuyên giáo của đảng cộng sản. Đối với hoạt động
kinh doanh ở Trung Quốc ngày nay, việc có chỉ dẫn của một người trong cuộc về
cách làm sao không vi phạm quy định của Đảng có thể là một điều vô giá.
-------------------
Nguồn: “China’s
communist authorities are tightening their grip on the private sector”,
The Economist, 18/11/2021.
No comments:
Post a Comment