.
.
Các
chuyên gia nói về cam kết của Việt Nam ở COP26
BBC
News Tiếng Việt
13 tháng 11 2021, 17:08 +07
Cập nhật 13 tháng 11 2021, 19:28 +07
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59273853
https://ichef.bbci.co.uk/news/768/cpsprodpb/086A/production/_121545120_tv071697696.jpg
Thủ tướng Việt Nam
Phạm Minh Chính phát biểu hôm 1/11 tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26, Glasgow
Việt Nam đã tạo ra nhiều chú ý tại hội nghị về biến
đổi khí hậu (COP26) khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết đạt phát thải
ròng bằng "0" vào năm 2050, tham gia cam kết giảm phát thải metan
toàn cầu và Tuyên bố Glasgow các nhà lãnh đạo về rừng, sử dụng đất.
Khai mạc hội nghị thượng đỉnh
khí hậu COP26
Dự thảo COP26 kêu gọi
các nước nỗ lực hơn
Trong
bài phát biểu tại COP26 ngày 1/11, ông Phạm Minh Chính nói: "Về
phần mình, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp
hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái
tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ
bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế,
nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó
có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng
"0" vào năm 2050".
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần
Hồng Hà được dẫn lời nói COP26 là thời cơ cho Việt Nam "tiếp tục thay đổi
mô hình phát triển kinh tế, chuyển từ phát triển không bền vững dựa vào tài
nguyên sang tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn".
Tại COP26, Thủ tướng Anh, nước chủ nhà đăng
cai hội nghị, Boris Johnson kêu gọi các nước đồng ý duy trì mục tiêu hạn chế mức
tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Bà Claire Stockwell, chuyên gia về chính sách
khí hậu của Climate Analytics, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 13/11 rằng họ
đang trong quá trình đánh giá mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không vào năm
2050 của Việt Nam.
Bà Stockwell chỉ ra rằng Việt Nam đã ký
vào Tuyên
bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch tại COP26.
Theo Tuyên bố này, Việt Nam và một số quốc gia
cam kết nhanh chóng mở rộng quy mô công nghệ và chính sách trong thập niên này
để đạt được quá trình chuyển đổi từ sản xuất điện than vào những năm 2030 (hoặc
càng sớm càng tốt) cho các nền kinh tế lớn và trong những năm 2040 (hoặc càng sớm
càng tốt sau đó) trên toàn cầu.
Thỏa thuận cũng nói các nước sẽ ngừng cấp giấy
phép cho các dự án phát điện chạy bằng than mà chưa có thỏa thuận tài chính, ngừng
các kế hoạch xây dựng mới và chấm dứt hỗ trợ trực tiếp mới của chính phủ.
Bà Claire Stockwell nói: "Để hạn chế mức
tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris, than đá phải được loại
bỏ dần khỏi ngành điện vào năm 2030 trong nhóm OECD và trên toàn cầu vào năm
2040."
"Việc Việt Nam thông qua thỏa thuận loại
bỏ than là một bước phát triển đáng hoan nghênh."
"Tuy nhiên, điều quan trọng là việc chuyển
đổi từ than đá cần chuyển sang năng lượng tái tạo chứ không phải chuyển sang
khí đốt tự nhiên, và việc loại bỏ hoàn toàn cần đạt được vào năm 2040 chứ không
phải 'vào những năm 2040'," bà Claire Stockwell nói.
Tích cực
Nói với BBC News Tiếng Việt, bà Christina
Ameln, cố vấn về phát triển bền vững tại Purple Ivy, Thụy Điển, nhận xét cam kết
của Việt Nam rất tích cực.
"Chúng tôi rất mừng khi Việt Nam đang tiến
tới mục tiêu loại bỏ nhiệt điện than và tham gia nhiều hơn vào Cuộc đua đạt
phát thải ròng bằng 0."
"Đây chính là chứng tỏ sự đi đầu, đặc biệt
là ở Đông Nam Á, nơi than đá đã tăng mạnh trong thập niên qua do nhu cầu năng
lượng tăng lên."
Theo những cam kết đã công bố, đến 2030, bằng
nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà
kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương.
Chính phủ Việt Nam cũng nói sẽ tăng nhanh tỷ lệ
năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045;
mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí mêtan
trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%.
Bà Christina Ameln nói: "Mọi người đặt
câu hỏi về việc cam kết sẽ được thực thi như thế nào."
"Không dễ dàng gì để chuyển sang năng lượng
tái tạo và rút khỏi các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Nó không thể xảy
ra trong một sớm một chiều nhưng phải diễn ra nhanh chóng."
"Mặc dù vậy, theo kinh nghiệm của tôi, Việt
Nam nhận ra điều gì tốt nhất cho đất nước của họ. Đang có cơ hội thực sự để đối
phó với biến đổi khí hậu và chào đón các nhà đầu tư coi năng lượng xanh là
tương lai," bà Christina Ameln bình luận.
'Có thể làm được'
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 13/11, Tiến sĩ
Đỗ Nam Thắng, chuyên gia về môi trường làm việc tại Đại học Quốc gia Australia,
nhận định các cam kết của Việt Nam tại COP26 có thể hoàn thành.
"Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng
tái tạo đáng kể. Nghiên
cứu gần đây của chúng tôi cho thấy rằng Việt Nam có tiềm năng đạt hơn
90% tỷ lệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong cơ cấu nguồn, cùng với việc
tích trữ năng lượng qua thủy điện tích năng. Như vậy, Việt Nam có thể có nhiều
nguồn điện năng với chi phí cạnh tranh."
Ông Đỗ Nam Thắng, đã làm nhiều nghiên cứu về
năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cho biết:
"Năng lượng gió ngoài khơi đặc biệt có tiềm
năng lớn để cung cấp điện và góp phần giảm đáng kể phát thải khí nhà
kính."
"Thúc đẩy việc tiếp nhận năng lượng tái tạo
có thể nhiều hơn nữa, dựa trên thành công gần đây của Việt Nam trong việc phát
triển năng lượng mặt trời và điện gió trên đất liền, giúp Việt Nam trở thành quốc
gia hàng đầu ở Đông Nam Á trong mảng này."
COP26 đã khuyến khích các nước phát triển đưa
ra các cam kết tài chính mới.
Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ 110 triệu bảng
Anh cho vùng Đông Nam Á thông qua Quỹ Tài chính xúc tác xanh ASEAN hợp tác với
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Ngoài ra, Nhóm Phát triển Cơ sở hạ tầng tư
nhân (PIDG) do Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh hỗ trợ sẽ đầu tư thêm 210 triệu
bảng Anh cho các dự án xanh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Vương quốc Anh cũng công bố thêm khoản tài trợ
274 triệu bảng Anh thông qua Chương trình Hành động Khí hậu vì một châu Á bền vững,
nhằm tăng cường khả năng chống chịu của các nền kinh tế và các cộng đồng dễ bị
tổn thương trước biến đổi khí hậu, bao gồm Việt Nam.
Tiến sĩ Đỗ Nam Thắng nhấn mạnh: "Các yếu
tố chính để Việt Nam thực hiện được cam kết sẽ bao gồm mối quan hệ đối tác chặt
chẽ giữa chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng; và hỗ trợ quốc tế."
VIDEO :
COP 26: 'Mong VN tiếp cận nhiều nguồn tài chính khí
hậu'
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59273853
Đồng bằng sông Cửu
Long
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những
vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH).
Khu vực này rất cần sự trợ giúp đặc biệt của
các quốc gia phát triển, đặc biệt là các nguồn tài chính khí hậu để ứng phó với
BĐKH.
"Tôi hy vọng rằng vai trò của một hội nghị
lớn như COP 26 sẽ được thể hiện, và sẽ giúp đỡ nhiều cho các quốc gia chịu ảnh
hưởng của BĐKH như Việt Nam," nhà báo Đình Tuyển, người có nhiều năm đưa
tin từ đồng bằng sông Cửu Long và từng tham dự COP 23 bình luận trong chương
trình "Đa chiều Nhiều ý" của BBC News Tiếng Việt hôm 12/11.
Ông Đình Tuyển nói thêm ông có niềm tin vào
cam kết xóa bỏ phá rừng của Việt Nam vào 2030, mặc dù việc thực hiện cam kết
này sẽ khó.
Cũng trong chương trình, bà Nguyễn Minh Thúy,
Viện phó Viện ứng dụng Phương Đông, người từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc
trong các dự án chống BĐKH ở Việt Nam nói:
"Tôi mong rằng các nhà lãnh đạo có nhiều
cuộc họp, nhiều chính sách khuyến khích thúc đẩy các đơn vị nghiên cứu, các tổ
chức tư vấn được tham gia nhiều hơn khi họ cân nhắc yếu tố khí hậu trong việc
đưa ra các chính sách phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương của mình".
***
TIN LIÊN QUAN
COP26: 'Việt Nam đã có bước
đi đầu tiên' và giải pháp nào cho ĐB sông Cửu Long
13 tháng 11 năm 2021
.
COP 26: 'Có niềm tin
vào cam kết của VN và sẽ tiếp tục theo dõi'
13 tháng 11 năm 2021
.
Dự thảo COP26 kêu gọi
các nước nỗ lực hơn
10 tháng 11 năm 2021
.
COP26: Lãnh đạo thế giới
cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030
2 tháng 11 năm 2021
.
Anh mở nhà máy lọc đất
hiếm làm nam châm cho xe chạy điện để không phụ thuộc TQ
6 tháng 11 năm 2021
No comments:
Post a Comment