Tâm
An/Người Việt
February 5, 2019
WESTMINSTER,
California (NV) – “Thôi
cô đừng chụp hình tui, đừng đưa tui lên báo nha cô. Tui không muốn người ta biết
rằng tui lượm ve chai, nhất là anh em bà con tui ở bên Việt Nam. Nói gì thì
nói, bên ấy người ta tưởng đi Mỹ thì làm kỹ sư bác sĩ mới đáng, chứ làm cái nghề
lượm ve chai như tui, mà lên báo thì chỉ tổ để người ta khi dễ mình thêm.”
Bà Tư Hiền, cư dân ở Midway City, vừa xua tay vừa
thoăn thoắt dẫm chân lên các vỏ lon bia, để làm cho nó bẹp dúm, rồi ném vào những
túi nylon màu đen, trên vỉa hè trước căn nhà single house ở góc đường Madison
và đường Park Ln, cách nhà bà ở chỉ vài block.
“Dẫm bẹp thế này để cho nó gọn. Mình chỉ có cái xe đạp cà tàng, phải làm
sao để chở được nhiều nhất. Nhưng cũng có những loại vỏ chai, tôi phải nâng niu
kẻo nó móp một xíu là mình bán thiệt lắm,” bà giải
thích.
“Có cái thì phải đập bẹp, có cái thì phải nâng niu
cho khỏi móp” tất cả đều có lý do. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Sang Mỹ từ năm 2012 do con gái bảo lãnh, bà Tư ở nhà
trông cháu cho con đi làm. Tranh thủ lúc sáng sớm, khi cháu còn chưa dậy đi học,
bà đạp xe đi lượm ve chai. Bà phân bua: “Tui
sang đây không có xin được trợ cấp gì ngoài MediCal. Tui cũng cần có chút tiền
tiêu vặt, rồi còn gửi về quê nhà lo việc ma chay cúng giỗ tổ tiên, tui đâu nỡ
xin con hoài được. Dù con tôi, nó không muốn tôi làm công việc này, nó kêu tui
cần nhiêu nó sẽ chu cấp. Nhưng nó còn khó khăn, tôi không muốn phiền nó.”
“Thấm thoắt cũng bảy năm rồi. Nhớ lần đầu tiên không biết, tôi đi bới
thùng rác, thấy vỏ chai nào tôi cũng nhặt, đầy một xe mà chỉ bán được có $5. Là
vì có nhiều thứ vỏ chai lọ, người ta không thu mua như ở Việt Nam. Sau này tôi
biết lựa cái gì bán được giá mới lấy. Thấy tôi bới thùng rác hôi hám từ sáng sớm,
nhiều người đồng hương Việt ở đây họ thương, họ tự độngđể riêng ve chai ra một
túi rồi gọi mình tới lượm. Lâu rồi tôi không phải đi bới thùng rác nữa.”
https://i1.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/01/DP-ve-chai-2.jpg?resize=696%2C522&ssl=1
Bên trong chiếc xe hơi thu gom sách báo và ve chai của
bà Hồng Lê. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Mới 6 giờ sáng, trong tiết trời cuối Ðông chỉ vào
khoảng 40 độ F, chiếc xe đạp của bà đã đầy ắp những bịch ve chai màu đen, màu
trắng, buộc chằng chịt từ trước tới sau. Phía trước xe là hai bịch vỏ bia đã đập
dập, được buộc vào ghi đông, phía sau yên xe, bà buộc thêm 2 bịch vỏ chai nước
suối, bà không đập dập, để nguyên, buộc phồng lên như chùm bóng bay.
“Tôi đem về nhà gom lại ở góc sân, cứ Chủ Nhật đem đi bán một lần. Mỗi tuần
chăm chỉ thì tôi cũng kiếm được chừng vài ba trăm đồng, cũng gọi là đủ tiền
trang trải cuộc sống.”
“Bây giờ tôi phải về, còn đưa cháu đi học.” Nói rồi bà tất tả đạp đi, dáng bà nhỏ bé, lọt thỏm trong cái “không
gian” toàn ve chai “di động.”
Muốn lượm
được nhiều ve chai phải để người ta thương mến
Tại một tiệm thu mua ve chai ở góc đường Westminster
và Golden West, chúng tôi gặp được bà Hồng Lê, cư dân Westminster, đang xếp
hàng chờ bán ve chai. Sang Mỹ từ năm 1989 do người chồng hơn 25 tuổi bảo lãnh,
bà đã làm đủ thứ việc chân tay và cả lượm ve chai, để phụ chồng nuôi bốn người
con. Bà chia sẻ: “Các con tôi đều đi làm ở
tiểu bang xa, chúng có cuộc sống của chúng. Vợ chồng già phải nương tựa vào
nhau. Tôi cũng 70 tuổi rồi, tuy có tiền già nhưng ốm đau suốt nên cũng không có
dư giả gì.”
Vừa tâm sự bà vừa rơm rớm nước mắt, bà nói tiếp: “Ông xã tôi đã 95 tuổi rồi, hiện đang nằm
trong nursing home. Bác sĩ nói rằng ông ấy có thể đi bất cứ lúc nào. Tôi vẫn phải
lượm ve chai để kiếm thêm, đặng có tiền lo an táng cho ông ấy nếu ông ấy có qua
đời. Tôi mới đi hỏi ở Nhà Tang Lễ đằng kia, chi phí làm lễ tang hỏa thiêu, thấp
nhất là cũng là $3,000.”
“Những chai có chữ ‘CA CRV’luôn được thu mua theo
quy định của chính phủ tiểu bang California.” (Hình: Tâm An/Người Việt)
Đỡ hơn bà Tư Hiền ở chỗ,
bà Hồng biết lái xe. Chiếc xe Toyota Corolla từ đời 2002 của bà đã lăn bánh
trên 250,000 dặm, máy móc lúc hỏng lúc không. Bà dùng nó để cất trữ đủ thứ từ
sách báo cũ đến chai lọ nhựa, thủy tinh… chờ tới khi số lượng nhiều nhiều mới
bõ công đi bán.
Bà chia sẻ: “Trong nghề
lượm ve chai này, cũng phải biết xử sự, làm sao cho người ta thương mình, tin
mình thì mới sống được. Ai cho gì tôi cũng xin, cho dù thứ đó có không
bán được, như vỏ bình sữa tươi, vỏ đồ hộp… nhưng người ta đã gom nó cho mình,
tôi không muốn mếch lòng họ, tôi lượm hết, về nhà phân loại sau.”
“Đi bới thùng rác, tôi không làm vương vãi dù một
cái rác nhỏ ra ngoài, nên chủ nhà họ không phiền lòng. Trái lại nhiều nhà còn tự
nguyện để ve chai riêng ra rồi họ gọi mình tới lấy,” bà nói tiếp.
Nói về niềm an ủi trong
nghề lượm ve chai, bà hồi tưởng lại những năm tháng còn “thịnh vượng” trước đây,
bà kể: “Vui nhất là nhiều người thương, họ còn gọi vào nhà hỏi chuyện, rồi họ
cho hết những gì họ không cần. Nào là đồ dùng trẻ em, đồ điện gia dụng… cũng có
khi là cả chiếc xe đạp còn mới. Tôi nhặt về đem bán garage sale, kiếm thêm được
đồng nào hay đồng đó.”
“Rồi có người nhờ tôi dọn nhà theo giờ, ẵm cháu dùm
hay giúp họ vài việc vặt khác như tưới cây, cắt cỏ. Tôi làm tất cả, không ngại
việc gì. Mỗi giờ công họ cũng trả tôi chừng $10-$15, có khi còn tip thêm. Mỗi
tháng tôi cũng có thêm được $700 đến $1,000, chưa tính tiền lượm ve chai,” bà kể thêm,
Chợt nhớ ra hiện tại, giọng
bà lại trùng xuống, thở dài: “Nhưng giờ thì ông xã tôi bệnh nặng rồi, tôi
cũng yếu rồi. Tôi chỉ tranh thủ đi được vài giờ rồi lại phải về canh chừng ông ấy.
Nên chỉ có ai cho ve chai, thì họ gọi tôi đến lấy. Chứ tôi không đi làm giúp việc
hay la cà chuyện trò gì được. Vì thế mà chỉ còn kiếm được có vài chục đồng tiền
bán ve chai mỗi tuần.”
Bán ve chai, cũng phải có ‘mánh’
Ông Tám Huỳnh, 73 tuổi,
cư dân ở Westminster cũng đang xếp hàng chờ bán ve chai như bà Hồng. Mái tóc
dài bạc phơ, xơ xác, chẳng thèm chải cắt, chiếc áo lính đã cũ mèm, rách tả tơi,
ông vẫn cười vui vẻ như thể ông thây kệ mọi sự trong đời.
Chỉ cần chai hơi móp méo là chiếc máy đếm chai tự động
có thể từ chối không tính tiền, muốn bán được phải nâng niu, thậm chí thổi lên
cho khỏi móp. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Từng là người lính VNCH,
phải chịu cảnh tù đày dưới ách Cộng Sản suốt 8 năm, tới năm 1993 mới được sang
Mỹ theo diện HO. Ông Tám cười sảng khoái, nói bâng quơ như an ủi tất cả mọi người
đang đứng chờ bán ve chai xung quanh ông, rằng: “Được sống ở Mỹ, được hít thở
bầu trời tự do là tôi vui rồi. Cho dù có phải sống bằng nghề gì cực nhọc đi nữa,
cũng không bằng khổ nhục như thời đi tù Cộng Sản đâu.”
Như hiểu được sự thắc mắc
thường thấy của người đời, ông giãi bày thêm: “Ở Mỹ này thì chẳng đói được
đâu, ở đâu cũng có đồ ăn từ thiện, còn chưa hết hạn, mà có hết hạn cũng chẳng
sao, vẫn còn tốt. Tuổi như tôi lại có tiền già nữa, làm sao mà đói cho được.
Nhưng tôi vẫn phải lượm ve chai là vì tôi lỡ dại vay nợ lãi cao người ta. Lúc đầu
có $1,000 thôi, 5 năm rồi không trả được, lãi mẹ đẻ lãi con, giờ thành nợ
$5,000 nên có bao nhiêu tiền già đành để trả tiền lời hết. Tất cả lỗi tại mình,
thì mình phải trả giá thôi, phải lượm ve chai mà sống.”
Nói rồi ông cười nhạt,
cúi người phân loại những chai lọ dưới chân ông. Chỉ tay vào dòng chữ đỏ in
trên bao bì một cái vỏ chai nhựa, Ông Tám nói: “Gặp những chai có chữ ‘CA
CRV’ như thế này, thì yên tâm là người ta sẽ thu mua. Theo giải thích của anh Kenvin Calderom, nhân
viên tại cơ sở thu mua rác tái chế của hệ thống công ty Replanet, thì chữ ‘CA
CRV’ là chữ viết tắt của cụm từ “California Refund Value” có nghĩa là
“Giá trị hoàn tiền theo luật ở California.” Đây là số tiền quy định của tiểu
bang, được trả lại cho người tiêu dùng khi họ đem tái chế các chai lọ tại các
cơ sở thu mua rác tái chế. Chai lọ nào có chữ này, buộc các công ty phải chấp
nhận, cho dù là chai lọ đó có đựng đồ thực phẩm.
Là một người đầy kinh
nghiệm bán ve chai, ông Tám cho biết: “Cứ chai lọ nào dày, nặng thì bán theo
cân ký sẽ có lợi hơn. Ngược lại những chai mỏng, nhỏ và nhẹ, mà lại dung tích lớn
hơn 24 oz, thì nên bán theo kiểu đếm số lượng, mỗi cái 10 xu, chứ nếu bán
theo kiểu cân ký sẽ rất thiệt.”
Ông làm một phép tính để
chứng minh điều mình vừa nói: “Chỉ 10 vỏ chai như này là cân nặng chừng 1lb rồi,
bán theo cân nặng sẽ được $1.6 trong khi nếu bán theo số lượng thì chỉ được 10
xu/chai x 10 chai = $1 mà thôi.”
“Nhưng hôm nào lượm được toàn vỏ chai nước suối loại
nhỏ xíu chỉ 8 oz (250 ml) thì tôi lại bán theo kiểu đếm, mỗi chai 5 xu, 100
chai được $5, trong khi nếu lỡ để nó móp phải bán theo ký, không biết có nổi $3
không.”
Ở điểm thu mua thường có
máy đếm vỏ chai tự động bằng công nghệ scan theo dung tích chai. Vỏ chai chỉ cần
móp một chút, là máy có thể sẽ đẩy ra không tính tiền, buộc người ta phải bán
theo cân ký.
Đó là lý do vì sao, những
người nhặt ve chai, có khi thì cố đập cho các vỏ chai thật bẹp, có khi thì nâng
niu để “hàng” khỏi bị móp méo.
Một cái Tết nữa sắp đến,
nhưng với những người lượm ve chai như ông Tám, bà Hồng hay bà Tư Hiền, họ đều
vui khấp khởi không phải vì Xuân về, mà vì sẽ có nhiều nhà ăn tiệc, sẽ có “ve
chai” cho họ nhiều hơn. (Tâm An)
*Chú thích: Theo yêu cầu, tên nhân vật đã được thay
đổi.
—
Liên lạc tác giả: pham.taman@nguoi-viet.com
Liên lạc tác giả: pham.taman@nguoi-viet.com
-----------------
VIDEO
:
No comments:
Post a Comment