14:13 05.02.2019
Thành
phố cổ Serpukhov xinh đẹp thuộc tỉnh Moskva, cách thủ đô Moskva hơn 105 cây số.
Mảnh đất này đã từng là thủ đô của một vương quốc vào thế kỷ thứ XIV. Nơi đây
có những gia đình đặc biệt– những gia đình chồng Việt, vợ Nga. Và đặc biệt hơn
nữa, họ chơi thân với nhau. Và Tết cũng là dịp để họ sum vầy bên nhau, cùng
nhau đón Tết Nguyên Đán xa nhà.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ đi từ trung tâm Moskva dưới
trời tuyết lạnh chúng tôi đã tới Serpukhov, thành phố nhỏ nằm bên bờ các con
sông Oka và Nara. Một thành phố rất Nga. Trời lạnh. Tuyết rơi. Nhưng khi bước
vào căn hộ của anh Trung và chị Galia thì cảm giác đầu tiên là sự ấm áp của một
mùa xuân đang tới. Cành đào Việt Nam tươi tắn đang chúm chím nở. Hương vị của
những món ăn Việt bay từ bếp lan tỏa khắp.
Chị Galia đang gói nem, thành thạo như một phụ nữa
Việt.
"Anh Trung thời yêu tôi rất hay nấu cho tôi ăn. Trở thành vợ chồng thì tôi đã học nấu các món Việt Nam. Đón Năm Mới ở Nga hay Tết Việt Nam tôi đều nấu các món như nhau, một nửa là
các món Nga, một nửa là
các món Việt", — chị Galia vừa gói nem vừa tâm sự với phóng viên Sputnik.
Gói nem
xong, bỏ vào chảo rán, chị Galia chuẩn bị bày lên bàn ăn các món dưa muối do
chính chị làm: dưa chuột, cà chua, bầu đĩa bay, và… hành muối, măng muối nữa
(măng được chị muối chung với tỏi và hành). Trên bàn trước đó đã được bày xôi gấc,
bánh chưng, canh măng, các món salat Nga…
"Các
món trên bàn ăn thì Tết Tây cũng như Tết ta, chỉ khác là Tết thì có không khí Tết.
Rồi Tết có bánh trưng, cành đào", — anh Trung nói với Sputnik.
Chị Galia với các món muối tự làm
Anh Trung
tâm sự, xa Việt Nam đã lâu, rồi rất lâu không được ăn Tết ở Việt Nam, vì thế
nhiều phong tục gắn liền với Tết anh cũng không còn nhớ rõ, nhưng mâm cúng Tất
niên thì anh luôn giải thích cho các con biết ý nghĩa của nó. Hơn nữa, hàng
tháng anh vẫn cúng mùng Một và ngày 15.
Anh Trung và chị Galia cùng nấu bữa
cơm Tất niên
"Cháu rất thích không khí Tết.
Thích nhất là món nem!", — Kristina, con gái của anh Trung và chị Galia nói.
Tiếng
chuông cửa reo lên. Những cặp vợ chồng Nga — Việt bạn của hai vợ chồng anh
Trung và chị Galia đã tới. Ở Serpukhov có 5 gia đình chồng Việt — vợ Nga
như thế. Họ hay cùng nhau kỷ niệm những ngày lễ, và dĩ nhiên, đón Tết.
"Chúc mừng Năm Mới!", bé Ksenia 7 tuổi, con gái
của anh Hưng và chị Svetlana nói rất rõ bằng tiếng Việt với mọi người.
Gia đình anh Hưng và chị Svetlana
Bên mâm cỗ Tất niên mọi người chúc nhau sức khỏe,
tình yêu, hạnh phúc, bình an. Bên mâm cỗ Tất niên là cả hai thế hệ, cha mẹ và
con cái của mấy gia đình Nga- Việt. Bên mâm cỗ Tất niên là sự hòa đồng, không
có cách biệt văn hóa.
Bữa cơm Tất niên chung của các gia đình Việt-Nga tại Serpukhov
Dù thế hệ thứ hai ở Serpukhov không ai nói được tiếng
Việt, nhưng các em vẫn biết rõ những truyền thống Việt mà được cha kể.
"Ở bên này, nhà ai cũng có bàn thờ, ai cũng làm
cúng giao thừa. Luôn có bánh chưng, giò, chả, nem. Em luôn giải thích cho các
con mình về lễ cúng Tất niên", — anh Hưng tâm sự với phóng viên Sputnik.
Mâm cỗ Tất niên
"Nhà mình thì Năm Mới này cả ba thế hệ cùng
đón", — anh Nguyễn Hương Giang,
người cách đây nửa năm đã trở thành ông nội, nói với Sputnik.
Cành đào Việt Nam bên cạnh cây thông năm mới Nga.
Trong gia đình Việt — Nga của anh Trung và chị Galia ở Serpukhov cây thông
Năm Mới bao giờ cũng đứng chờ cho tới Tết, để rồi cùng cành đào đón Tết âm của
người Việt.
Những bản nhạc Việt "Mùa xuân ơi", "Tết,
Tết, Tết đến rồi" vang lên. Rồi những bản nhạc trữ tình Nga. Không có cảm
giác tiếng Việt hay tiếng Nga, không có rào cản văn hóa, chỉ là một không gian
vui tươi, ấm áp tình người. Mùa xuân, Tết thực sự đã tới trong tim mọi
người, trong mỗi gia đình Nga —Việt tại thành phố cổ nhỏ xinh xắn
Serpukhov.
Ngoài trời tuyết vẫn rơi, trời vẫn lạnh, nhưng trong
lòng tôi cảm thấy thực sự ấm áp.
No comments:
Post a Comment