Sunday, 17 February 2019

MƯỜI 'TIẾT LỘ' VỀ CUỘC CHIẾN VIỆT TRUNG 1979 (Nguyễn Hùng)




18/02/2019

Dịp kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc chứng kiến màn mở miệng của phần lớn báo chí trong nước, vốn dè dặt trong hàng chục năm trở lại đây mỗi khi đề cập tới những ngày đẫm máu tại sáu tỉnh biên giới giáp Trung Quốc từ tháng Hai năm 1979.

Cuộc chiến trên thực tế còn kéo dài tới tận năm 1989 dù với quy mô, không gian và thời gian phần lớn hạn chế hơn. Mặc dù Đài Truyền hình Việt Nam đúng hôm 17/2 bị chỉ trích vì không dám một lần nhắc tới hai chữ ‘Trung Quốc’ khi đưa tin về các hoạt động kỷ niệm 40 năm cuộc chiến, phần đông báo chí Việt Nam đã không ngần ngại nhắc tên nước láng giềng từng bị gọi là “bành trướng, dã man”.

Đây là 10 điểm nhấn hay tiết lộ trên báo chí Việt Nam trong những ngày tháng Hai năm 2019.

1.
Điểm nhấn thứ nhất là tổn thất không nhỏ về nhân mạng của Việt Nam trong cuộc chiến mà giai đoạn chính kéo dài từ ngày 17/2-5/3/1979 với sự tham gia của 600.000 lính Trung Quốc (dù một số học giả nói chỉ có 150.000 quân trực tiếp tham chiến) trên tuyến biên giới hơn 1.000km thuộc sáu tỉnh Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang ngày nay), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái ngày nay), Lạng Sơn, Lai Châu và Quảng Ninh. Báo chí Việt Nam nhắc lại lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại vùng biên giới chỉ có 50.000 quân chống lại lực lượng “biển người” của Trung Quốc gồm cả chín quân đoàn chủ lực, 32 sư đoàn bộ binh độc lập và sáu trung đoàn xe tăng. Thông tấn xã Việt Nam nói về thiệt hại đối với nước cộng sản đàn em khi đó:
“Để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam cũng chịu những tổn thất nặng nề: hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng.”
“Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400.000 gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở sáu tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.”

Trong khi đó thiệt hại đối với Trung Quốc cũng được nêu:
“Quân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân Trung Quốc, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe thiết giáp, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự... buộc đối phương sớm rút quân, qua đó làm thất bại hoàn toàn ý đồ của các nhà cầm quyền Trung Quốc muốn áp đặt lợi ích nước lớn lên bán đảo Đông Dương.”

Các nguồn khác nhau nói thương vong của Trung Quốc ít hơn so với con số Việt Nam công bố tới cả vạn người.

2.
Hiện đang có sự khác biệt lớn giữa toàn cảnh cuộc chiến Việt – Trung có trên truyền thông chính thống trong những ngày qua và những gì đang được ghi trong sách giáo khoa lịch sử.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Tung từ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông viết rằng sách lịch sử lớp 12 chỉ có hai đoạn, bốn câu và 11 dòng dưới đây về cuộc chiến:

“Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng nên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia.
Nghiêm trọng hơn, sáng 17/2/1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tấn công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta”.

Ông Tung cũng nói thêm: “Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến nhận thức lịch sử trở nên tồi tệ hơn. Cần giúp học sinh nắm vững cách thức khám phá sự thật lịch sử về cuộc chiến một cách khoa học. Trên cơ sở đó, giáo viên nói rõ cho người học rằng đó là những sự thật của quá khứ, chúng đã thuộc về quá khứ. Hiểu rõ chúng để ngăn ngừa, không cho chúng tái sinh trong hiện tại và tương lai.”

3.
Có nhiều khả năng sách giáo khoa lịch sử trong những năm tới đây sẽ được sửa đổi để phản ánh đúng và đủ hơn những gì thực sự diễn ra không chỉ trong cuộc chiến biên giới trên bộ mà cả trên biển. Giáo sư Tung khẳng định với VnExpress rằng các thông tin về các hành động của Trung Quốc và sự chống trả của Việt Nam sẽ được trình bày “toàn diện và cẩn trọng”. Trước đó, ông Tung cũng đã viết trong bài gửi trang tin Zing:

“Trước đây, cũng như ngày nay, cách trình bày, nhìn nhận, đánh giá về lịch sử các cuộc chiến tranh nói trên ở Việt Nam và Trung Quốc rất khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau.
“Về cuộc chiến tranh biên giới 1979, trong khi ở Việt Nam, giới trẻ ít được giáo dục, tuyên truyền, cung cấp thông tin một cách khoa học, đầy đủ, thì ở Trung Quốc, thanh niên, học sinh vẫn được tuyên truyền, giáo dục rằng đó là “cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” (phản Việt phòng vệ chiến tranh), nhằm trừng phạt “tiểu bá” Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô…”

4.
Sách giáo khoa sử của Việt Nam không những bỏ hoàn toàn hai trận hải chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) ra khỏi lịch sử giai đoạn 1979-1989 mà còn lờ luôn trận Vị Xuyên đẫm máu. Trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm 15/2/2019 nêu lại:

“Từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, Trung Quốc đã đưa hơn 500.000 quân đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Đến giữa năm 1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều cao điểm của Việt Nam thuộc tỉnh Hà Giang.
“Tháng 7/1984 về sau, Vị Xuyên tiếp tục là mặt trận ác liệt, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các điểm cao. Đỉnh điểm diễn ra vào đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn tới 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên trong khoảng rộng 5km, sâu 3km.”

5.
Con trai của một trong những vị tướng chỉ huy mặt trận Vị Xuyên cũng đưa ra tiết lộ rằng ông đã để mất tới 30.000 lính trong các trận đánh với quân Trung Quốc, Hoa Kỳ và cả quân Pháp thời những năm 1950. Tướng Hoàng Đan không nói rõ bao nhiêu lính đã thiệt mạng trong thời gian ông là tư lệnh ở Vị Xuyên. Con trai Tướng Đan, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, viết trên Soha:

“Năm 1984, Trung Quốc quay trở lại gây chiến ở chiến trường Vị Xuyên, với mục đích gây sức ép cho ta ở mặt trận Campuchia. Lúc này, ba tôi đã được rút về làm Cục Phó Cục Khoa học Quân sự. Chỉ huy mặt trận Vị Xuyên lúc ấy là một vị Tướng khác.
“Ngày 12.7.1984, các đơn vị chủ lực của sư đoàn 312, 316 và 356 được lệnh dàn quân đánh với quy mô lớn. Tổn thất vô cùng kinh khủng. Chỉ trong một đêm, chúng ta mất 600 lính, bị thương vong 1.200 người. Sư đoàn 356 mất sức chiến đấu. Nên ngày 12.7 đến bây giờ vẫn được coi là ngày giỗ trận của lính Vị Xuyên.
“Ngay sau đó, ba tôi được Đại tướng Lê Trọng Tấn ra lệnh quay lại Biên giới phía Bắc, làm Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên. Lên đến Vị Xuyên, chứng kiến thương vong khủng khiếp của những người lính, Ba tôi chỉ nói với những người chỉ huy trận đánh trước một câu duy nhất: "Các anh đánh thế này, thì mẹ Việt Nam anh hùng đẻ không kịp đâu".

Ông Tiến viết thêm:

“Việc đầu tiên ba tôi làm khi lên đến Vị Xuyên là thay đổi toàn bộ cách đánh trước đó. Không cho quân dàn hàng ngang đấu tay đôi với Trung Quốc nữa, ông yêu cầu bộ đội quay trở về chiến thuật thời Điện Biên Phủ.
“Ông lệnh cho bộ đội đào hầm để tránh pháo kích của địch; đào hào sát đến tận công sự địch, sử dụng tất cả các hang hốc để bố trí lực lượng, rồi tổ chức những nhóm nhỏ cấp trung đội, tiểu đội để tấn công bất ngờ.
“Thực tế là những tổn thất về con người từ đó đến năm 1985 cộng lại cũng không nặng nề bằng vài tuần đầu của chiến dịch.”

6.
Về lý do Trung Quốc tiến đánh Việt Nam, Thiếu Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược của Bộ Công an nói với Báo Nghệ An:

“Khi nghiên cứu lịch sử Trung Quốc và chính sách ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi thấy rằng có 2 lý do, mà những người lãnh đạo Trung Quốc đã phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17/2/1979: Nguyên nhân chủ yếu nhất, trực tiếp nhất, đó là Việt Nam đã tiêu diệt Khmer đỏ, cứu dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, mà Khmer đỏ là “con đẻ” của Trung Quốc…
“Nguyên nhân thứ hai, cũng hết sức quan trọng, đó là Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam để tỏ lòng trung thành của Trung Quốc đối với Mỹ. Xin nhắc lại một sự kiện, đầu tháng Giêng năm 1979, trước khi phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, ông Đặng Tiểu Bình với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã sang Mỹ. Trong phòng Bầu dục Nhà Trắng, trước mặt Tổng thống Mỹ Carter, ông Đặng Tiểu Bình đã nói với Tổng thống Mỹ rằng: “Trung Quốc nhận làm trách nhiệm NATO phương Đông, đề nghị Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, để đánh bại đại bá Nga-Xô và tiểu bá Việt Nam”.

Tướng Cương cũng nói việc gọi cuộc chiến do Trung Quốc gây ra là “xung đột biên giới” là “nguỵ biện, lừa dối” vì đó là cuộc chiến tranh xâm lược. Ông cũng nói trong khi Việt Nam nói giảm đi về cuộc chiến này thì phía Trung Quốc lại tuyên truyền mạnh mẽ và sai trái về nó:
“40 năm nay, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 1 triệu bài báo trên báo chí Trung Quốc vu cáo Việt Nam xâm lược Trung Quốc, Trung Quốc chỉ phản ứng tự vệ.
Mãi đến năm 2010 vẫn còn 90% người Trung Quốc tin rằng, ngày 17/2/1979, Quân đội nhân dân Việt Nam xâm lược Trung Quốc. Đấy là một sự lừa dối lố bịch, trắng trợn của Trung Quốc về cuộc chiến tranh này!”

Nhưng Tướng Thước và các vị tướng khác của Việt Nam không nhắc tới vấn đề “nạn kiều” trong những năm cuối thập niên 1970 khi hàng vạn người Trung Quốc bị buộc phải rời khỏi Việt Nam ngay cả những người chưa bao giờ sống ở Trung Quốc và thậm chí cũng không biết luôn tiếng Trung. Họ cũng không nhắc tới việc Trung Quốc cáo buộc Việt Nam “vô ơn” khi nhận viện trợ lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ của Bắc Kinh để tiến hành chiến tranh chống Pháp và sau này là chống Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam Cộng hoà.

7.
Cuộc chiến mà Khmer Đỏ tiến hành chống Việt Nam ở biên giới tây nam và cuộc chiến do Đặng Tiểu Bình phát động ở biên giới phía bắc thực ra chỉ là một theo những gì Trung Tướng Nguyễn Quốc thước viết cho trang Giáo Dục Việt Nam:

“Trực tiếp tham gia chiến đấu chống tập đoàn phản động, diệt chủng Pol Pot -Ieng Sary ngay từ đầu, lúc đó chúng tôi vẫn nghĩ, kẻ gây ra cuộc chiến trên biên giới Tây Nam và nuôi dã tâm đánh thẳng tới thành phố Sài Gòn chỉ là của nhóm Khmer Đỏ cực đoan, nhưng có thế lực bên ngoài tiếp sức,” Tướng Thước viết.

Ông viết tiếp:

“Đánh trả quân Pol Pot, lúc qua Campuchia truy kích Khmer Đỏ theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, chúng tôi mới thấy, không biết Khmer Đỏ lấy đâu ra nhiều vũ khí hạng nặng đến thế.
“Xe tăng của chúng đông, pháo binh của chúng đông, phòng [không] của chúng đông, đạn dược của chúng nhiều, chúng có hàng nghìn xe quân sự. Khmer Đỏ lấy đâu ra
Đánh xong mới thấy pháo của Trung Quốc, xe tăng T-59 của Trung Quốc, pháo cao xạ 2 nòng của Trung Quốc và xe Hồng Hà của Trung Quốc tràn ngập. Lúc ấy, chúng tôi mới càng thấy rằng lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã mượn tay Pol Pot để thực hiện một âm mưu khác với Việt Nam trên hướng biên giới Tây Nam.
“Đến ngày 17 tháng Hai năm 1979, Trung Quốc đã cất quân tiến đánh toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Thời điểm đó, có 4 quân đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì 3 quân đoàn đang phải đối phó với tập đoàn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary; Miền Bắc chỉ còn Quân đoàn 1 chủ yếu là các đơn vị dự bị làm nhiệm vụ phòng thủ, nhưng là đề phòng với Mỹ chứ không phải Trung Quốc.”

8.
“[C]ần gác lại quá khứ nhưng không lãng quên quá khứ” cũng là điều mà Tướng Nguyễn Quốc Thước nêu ra. Ông viết:

“Không thể có hòa bình hữu nghị lâu dài, tin cậy lẫn nhau một khi Trung Quốc vẫn đánh tráo bản chất cuộc chiến tranh tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam thành cái gọi là "phản kích tự vệ" như cách họ tuyên truyền cho người dân nước này.
“Quyết định tiến hành hai cuộc chiến chống Việt Nam trên 2 hướng biên giới là của một nhóm lãnh đạo cực đoan trong Đảng Cộng sản Trung Quốc thời điểm bấy giờ, chứ không phải mong muốn hay ý chí của nhân dân Trung Quốc…

Tướng Thước nhận định:

“Kỷ niệm 40 năm sự kiện này, chúng tôi cho rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều nên nghiêm túc rút ra bài học.. Tổn thất về con người và vật chất cả hai bên đều có, nhưng cuộc chiến tranh phi nghĩa này tổn hại đến chính uy tín và hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc nên nhìn thẳng vào vấn đề này, để tránh lặp lại vết xe đổ mà một nhóm lãnh đạo của họ từng gây ra.
“Ai gây ra chiến tranh, kẻ đó phải biết rút kinh nghiệm, bởi trạng chết, chúa cũng băng hà! Chúng tôi cần nhấn mạnh rằng, bảo vệ hòa bình, hợp tác và hữu nghị là mong muốn, nguyện vọng chung của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, rút bài học để tránh chiến tranh không có nghĩa là cầu hòa.”

9.
Nhìn lại lịch sử để có ngày “sẽ lấy lại Hoàng Sa” và cả một phần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang giữ là điều mà Tướng Thước nói tới trong một bài viết khác cũng cho Giáo Dục Việt Nam.

Ông viết:

“Những tranh chấp do lịch sử để lại, ví dụ Trung Quốc thôn tính nốt quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và gây ra cuộc thảm sát Gạc Ma năm 1988 để thôn tính một phần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, sẽ từng bước phải tìm cách giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Cục diện Biển Đông ngày nay liên quan mật thiết và là diễn biến tiếp theo của Chiến tranh Lạnh, là địa bàn cạnh tranh chiến lược chuyển từ mâu thuẫn ý thức hệ Hoa Kỳ - Liên Xô sang tranh giành vị thế siêu cường số 1 giữa Mỹ và Trung Quốc…
“Nếu như năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa vì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc đang bước vào giai đoạn nước rút, thì cuộc thảm sát, thôn tính Gạc Ma và 5 cấu trúc địa lý ở Trường Sa tháng Ba năm 1988 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây cấm vận, chiến tranh tàn phá, kinh tế kiệt quệ.
“Ngay cả Hoa Kỳ là đồng minh của Việt Nam Cộng hòa cũng nhắm mắt làm ngơ cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Liên Xô là đồng minh của chúng ta, có lực lượng quân sự đóng tại Cam Ranh thời điểm 1988 cũng không thể giúp gì trong sự kiện Trung Quốc chiếm Gạc Ma, vì bản thân họ phải tính đến lợi ích của mình trước.”

Ông Thước còn viết:

 “Trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cha ông ta đã từng đàm phán thành công khiến triều đình nhà Tống ở Trung Quốc trả lại phần đất đai họ xâm chiếm của Đại Việt thời Hoàng đế Lý Nhân Tông.
“Cha ông ta đòi được phần lãnh thổ đã mất là nhờ tài bang giao khéo léo của những người được triều đình phó thác trọng trách. Nhưng nền tảng cho thắng lợi ấy phải là thế và lực của một đất nước hòa bình, thịnh trị, chứ không phải một quốc gia nhược tiểu. Biết rằng Hoàng Sa, một phần Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam đang nằm trong tay Trung Quốc và một số nước khác, con cháu đời đời không quên nghĩa vụ phải lấy lại, nhưng không phải là lúc này, càng không phải bằng vũ lực.”

10.
Những tội ác chiến tranh của quân đội Trung Quốc cũng được nêu lại trong đợt kỷ niệm 40 năm này. Trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam nói “không ai quên được tội ác thảm sát, giết chết 43 phụ nữ và trẻ em tại Tổng Chúp” thuộc tỉnh Cao Bằng. Video được đăng tải nói về cuộc “thảm sát man rợ” trong đó lính Trung Quốc dùng “cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em”.

Ông Nông Thanh Quế, nguyên chủ tịch Hội nhà báo Cao Bằng được dẫn lời nói:

“Tại sao lại toàn nữ và trẻ em? Vì đấy là nhà trẻ của công ty giống, thức ăn gia súc của tỉnh Cao Bằng. Công ty ấy là trẻ con chạy chậm quá và cái ý đồ sơ tán của mình có nhưng chắc là bên công ty chưa chuẩn bị kịp. Phương tiện không có nên đi bộ thôi nên xảy ra chuyện trên đường đi bị quân Trung Quốc vây, dồn vào khu tập thể. Nhiều bà mẹ còn chưa đến đón con kịp.

Đài Tiếng nói Việt Nam cũng dẫn lời bà Nông Thị Kim Chung, người nhà của một trong các nhạn nhân nói:

“Lên nhận xác, mẹ tôi có mái tóc dài… mới nhận dạng được. Còn một đứa em gái, tám tháng tuổi, vẫn địu trên lưng, bị nó đập vào đầu, đầu bị lõm một vệt trên đỉnh đầu.”

Những sự kiện được nhắc lại trong đợt kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến Việt – Trung cũng lại làm một số người nhắc lại diễn biến Mậu Thân 1968 khi lực lượng cộng sản Bắc Việt tiến hành chiến tranh vào dịp Tết và cũng bị cáo buộc gây ra những cuộc “thảm sát” người dân của chính mình.

Mặc dù báo chí Việt Nam được cởi trói trong dịp kỷ niệm hiện nay, người ta chỉ có thể hy vọng sự thật lịch sử sẽ thực sự được tôn trọng khi không còn hệ thống đèn xanh, đèn đỏ trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam. Hơn nữa sự cởi trói cũng không phải là toàn diện và các hoạt động tưởng niệm của người dân trong dịp này đều bị ngăn chặn một cách thô thiển.

Người ta đã cho cẩu đi lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo thuộc thành phố Hồ Chí Minh để người dân không thể thắp hương tưởng nhớ hàng vạn người thiệt mạng. Cách hành xử này cho thấy tư duy của nhiều lãnh đạo Việt Nam còn ở tầm của Thế kỷ 19 chứ không phải ở Thế kỷ 21.

*
Liên quan
.
.
.
.






No comments:

Post a Comment

View My Stats