Thursday, 7 February 2019

KHAI BÚT ĐẦU NĂM KỶ HỢI 2019 : HÀI HƯỚC TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUỐC GIA (Phùng Hoài Ngọc - VNTB)




7/2/2019

VNTB- Những lời đầu tiên chúng tôi cần ghi nhận là tình cảm gia đình, thân tộc nội ngoại, bằng hữu, đồng nghiệp và thầy trò ấm áp hơn bao giờ biểu lộ trong dịp Tết dân tộc. Các vị tuổi càng cao càng cảm nhận sâu sắc điều này.

Những chuyện sau không muốn nhắc đến nhưng...vẫn phải nói. 

Thứ nhất: Cái đài VTV và "nền văn hoá truyền hình" bế tắc ngày càng suy đồi, thô thiển vốn mang tên đầy đủ: Đài Truyền hình Quốc gia nước CHXHCNVN. Màn hình với màu sắc đỏ chói mỗi khi mở ra vào dịp Tết, chủ đạo là màu cờ đỏ, từ đường phố chạy đến màn hình tràn ngập. Có lẽ, đây là màu DOPING cho nền văn hoá tư tưởng đang xuống cấp tới mức bế tắc (doping: thói gian lận của vận động viên trong thi đấu thể thao: lén uống một số thứ thuốc kích thích tăng sức mạnh nhất thời, mặc dù biết là phạm luật).

Thứ hai: Tiết mục "Chiều cuối năm và thư pháp chữ Phúc" dài dằng dặc hết cả buổi chiều, như một chương trình cốt lõi cuối năm. Nhà Đài chọn một diễn giả dốt đặc cán mai về chữ Hán, đó là tay giáo sư sử học Vũ Minh Giang du học Liên Xô về, nổi tiếng cái loa mác- lê, giữ nhiều chức vụ đầu ngành, đi theo cô MC đến Văn Miếu ba hoa chém gió về chữ Phúc. Ông ta đã nhầm lẫn hai chữ Phúc khác nhau mà người học chữ Hán không thể nhầm lẫn.

Bên cạnh giọng lên mặt dạy đời phải hiểu chữ Phúc và nên ăn ở như thế nào, tay Giáo sư  Giang này đọc câu thơ Nguyễn Trãi làm dẫn chứng:

Nguyễn Trãi trong bài Quan hải (Đóng cửa biển): “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ 覆舟始信民猶水” (dịch nghĩa:Thuyền bị lật mới biết rằng dân như Nước), bị ông đọc thành “Phúc chu tín thuỷ dân do thuỷ” (câu vô nghĩa) sau một lúc ngập ngừng ngắc ngứ. 

Là một giáo sư đứng đầu ngành Sử thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, có học hàm và học vị tuyệt đối, phụ trách Hội đồng phong chức danh GS, PGS mà vốn tri thức văn hoá cổ còn bị hụt thiếu, thì hiểu vì sao chất lượng giáo dục đào tạo ở cái xứ này ngày càng bị xuống cấp trầm trọng !

Nhân tiện, xin cùng đọc lại bài Quan hải - một bài thơ trăn trở về thế sự đương thời (đầu thế kỷ XV, lúc nhà Hồ mất, giặc Minh đô hộ) của cụ Ức Trai Nguyễn Trãi.

Nguyên tác: 
  

Phiên âm
QUAN HẢI 
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền 
Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên 
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ 
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên 
Hoạ phúc hữu hồi phi nhất nhật 
Anh hùng di hận kỷ thiên niên 
Càn khôn kim cổ vô cùng ý 
Khước tại Thương Lương viễn thụ yên 
(nguồn: Thivien.net)


Dịch nghĩa
Đóng cửa biển
 Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển, 
 Xích sắt cũng được dìm dưới nước để phong toả như thế. 
 Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước, 
 Cậy vào địa thế hiểm trở cũng khó bằng mệnh trời.
 Họa phúc đều có nguyên do, đâu phải chỉ một ngày,
 Anh hùng để lại mối hận nghìn năm. 
 Xưa nay ý trời đất thì vô cùng tận, 
Lui về chốn cây cỏ mây trời ở đất Thương Lang xa xôi.

(chú thích: Thương Lang: điển cố trong bài ca Ngư Phủ của Khuất Nguyên. Ý Nguyễn Trãi muốn theo gương ẩn mình như nhà thơ Khuất Nguyên thời Chiến quốc)
Ông ta lại đọc câu thơ “Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật 禍福有媒非一日”  mà ông ta hiểu có cùng nghĩa với chữ “Phúc ” trong câu thơ “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ”. Có sự hiểu sai này là do ông không biết chữ Hán, từ Hán Việt và tự dạng chữ Hán.

Thực ra, chữ Phúc 
 có nghĩa “sự tốt lành”, như các từ, cụm từ: Phúc đức; Phúc lộc thọ; Ngũ phúc lâm môn… Còn chữ Phúc  trong câu “Phúc chu…” có nghĩa là “lật, nghiêng đổ”.

Bên cạnh đó, khi tán dóc, chém gió đến thư pháp chữ Việt (chữ Phúc) - cái con chữ ngoằn ngoèo cong queo trông ghê ghê như đám giun sán trú ngụ trong bụng người ăn uống mất vệ sinh, thì tay GS.TSKH họ Vũ nói lướt qua không thể bình phẩm gì sâu sắc về... vẻ đẹp kinh người của "thư pháp ngoằn ngoèo" này. Tôi nghĩ thư pháp chữ Việt đó là "thư pháp hài hước" hơn là một nghệ thuật thư pháp tử tế nghiêm chỉnh. Hình như ai cũng viết được kiểu thư pháp này mà không cần học hỏi ai hết, không cần học mẫu và nguyên tắc nào cả. Một người ngứa tay viết được ngay “thư pháp” trong lần đầu tiên cầm bút lông ... 

Chúng ta đều biết thư pháp chữ Hán là sản phẩm đặc thù của văn tự Hán cổ, là thú chơi của bốn nước đồng văn (TQ, Nhật, Triều tiên, Việt Nam). Thú chơi này đã thuộc về văn hóa dân tộc nghìn năm, mặc dù ngày nay ít người chơi hơn, tùy theo nhận thức và sở thích. Tôi không muốn tán dương cái hay của thư pháp Hán tự cũng như không có lý do gì chỉ trích bài bác thú chơi đó. Đó là quyền tự do dân chủ của mọi người.


Nhân đây tôi xin đề nghị quí vị nên lưu giữ thư pháp chữ La tinh kiểu Tây Âu mà người Việt Nam đã từng có thành tựu trong nhiều thập niên trước đây, do đã tiếp thu từ thời thực dân Pháp, lưu giữ đến khoảng sau 1975 mới nhạt dần, ta thường gọi là chữ có CHÂN (xem ảnh minh họa mẫu chữ). Tôi còn nhớ ngày xưa đám cưới từ thành thị đến nông thôn còn dùng mẫu chữ thư pháp Tây Âu cắt chữ dán phông đám cưới, các cô gái thêu gối, khăn tay các chữ cái theo thư pháp tây âu tặng người yêu.v.v… Điều này hợp lý vì con chữ quốc ngữ của Việt Nam là con chữ Tây Âu, cụ thể là mẫu la tinh, loại ghi âm.

Vậy thiên hạ có thơ rằng:

Đêm nằm nghĩ mãi không ra. 
Vì sao ông ấy lại là giáo sư ?".

Thứ ba: về tiết mục văn nghệ "Táo Quân Cuối Năm": GS Trần Đình Sử viết FB đã tặng cho nó ba từ khóa đích đáng: nhạt, thô bỉ, rác rưởi. Gần như đã đủ rồi.

Tuy nhiên tôi bổ sung thêm: đạo diễn và ê kíp năm nay kiếm ăn trơ trẽn và trâng tráo chưa từng có sau 16 năm diễn "Gặp gỡ cuối năm": đưa quảng cáo hòa vào giữa nội dung vở hài kịch (chưa kể: khi phát sóng thì ngừng chiếu, gián đoạn quá dài và nhiều lần, bắt khán giả phải xem quảng cáo mệt nghỉ). Nên nhớ đây là "chương trình đặc biệt", không phải như các chương trình giải trí khác, như họ đã tuyên bố. VTV năm nay đã coi khinh khán giả như cỏ rác. Những nghệ sĩ “Ưu tú” với “NS.Nhân dân” lộ mặt là những anh hề rẻ tiền vì chạy sô Tết quá nhiều nên nghệ thuật vội vàn quá thô tục.

Thứ tư: ông Nguyễn Phú Trọng chúc Tết với gương mặt quá ít cảm xúc, như khiên cưỡng, bị bắt buộc phải làm một việc ông ấy không muốn. Ông lẩy thơ Xuân thời Chiến tranh của Hồ Chí Minh xưa, ông lấy 2 câu của HCM nối 2 câu của ông thành bài tứ tuyệt. Bài thơ gốc của HCM nói về "niềm vui tết" thời "chiến tranh" ác liệt, hiện còn hậu quả dai dẳng khủng khiếp, nếu quên đi được thì tốt hơn. Thiên hạ còn gọi kiểu thơ đó là đọc "thơ chế", xét về văn chương, làm Văn như thế là không mấy nghiêm túc trong một hoàn cảnh nghiêm chỉnh nhất định.

SƠ KẾT
Dịp tết là dịp quan trọng để một đất nước bộc lộ chỗ yếu và chỗ mạnh của mình. Trong đó cái yếu kém suy đồi về văn hóa bộc lộ khá rõ. Và ghi dấu ấn đậm thật rõ cho VĂN HÓA, ấy là những lời nói, những ngôn bất thuận, những khẩu hiệu và lời quan chức. Những hành vi tặng quà mang tính hình thức, bôi bác qua loa, thực ra là “của người phúc ta”. Chẳng hạn khi giới thiệu ca tụng  một quan chức cấp cao đi tặng quà thì đều nói “quà của ông A, bà B” thực ra lại là… tiền ngân sách.





No comments:

Post a Comment

View My Stats