Friday, 18 January 2019

TRUMP - PUTIN & CHUYỆN GẶP NHAU 5 LẦN (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt ThịnH
January 18, 2019

Lần thứ nhất Tổng Thống Donald Trump gặp Tổng Thống Vladimir V. Putin là tại Đức. Ngay sau cuộc gặp gỡ đó tổng thống Mỹ ra lệnh cho người thông dịch nộp cho ông quyển sổ tay anh ghi chép những câu trao đổi giữa hai người (bằng tiếng Anh và tiếng Nga) để anh dịch lại. Sau khi tịch thu quyển sổ tay, ông Trump còn căn dặn anh tuyệt đối không được lép xép thuật lại nội dung buổi họp với bất kỳ ai; nếu anh không triệt để tuân lệnh ông, thì…

Tổng Thống Donald Trump và Tổng Thống Nga Vladimir V. Putin gặp nhau tại APEC, Đà Nẵng, Việt Nam, hồi Tháng Mười Một, 2018. (Hình: Getty Images)

Lần thứ nhì, hai lãnh tụ gặp nhau là ngay tối hôm đó trong một bữa dạ tiệc. Trump kéo ghế ngồi xuống cạnh Putin; hai người nói với nhau vài câu rất ngắn, có thể rất giản dị, dễ hiểu, nên họ không cần người thông dịch.

Cuộc gặp thứ ba xảy ra tại APEC Đà Nẵng, Việt Nam. Putin bảo Trump là ông ta không hề can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trump tin lời Putin và bảo người Mỹ cũng nên tin là Putin nói thật.

Lần gặp thứ tư rềnh ràng hơn, cả hai người cùng đến Phần Lan, mượn tư thất của thủ tướng Phần Lan tại thành phố Helsinki làm nơi mật đàm, thông dịch viên của Trump là bà Marina Gross, một viên chức làm việc với CIA.

Và lần mới nhất, họ vừa gặp là ngày 30 Tháng Mười Một, 2018, tại Bueno Aires.

Trump quả quyết họ chỉ gặp nhau thôi, chứ không thông đồng gì ráo. Ông không tiết lộ mục đích của cuộc gặp là để làm gì? Cũng chưa ai hỏi Trump câu đó. Dư luận chỉ thì thào thắc mắc về liên hệ công khai mà kín đáo giữa lãnh tụ của hai quốc gia không thân hữu.

Ông Andrew S. Weiss, cố vấn của cựu Tổng Thống Bill Clinton về những vấn đề bang giao với Nga, thắc mắc: “Điều không bình thường là chủ trương bảo mật của ông Trump. Lý do nào Trump không cho bộ ngoại giao Mỹ biết về những liên hệ giữa ông ta và Nga? Nếu gặp Putin vì công vụ, thì có gì mà Trump phải giấu?”

Chính thái độ của Trump đã tạo ra cuộc điều tra của công tố viên đặc nhiệm Robert S. Mueller III; nhưng cho tới cuối năm 2018, cả hai viện quốc hội Cộng Hòa vẫn che chở hữu hiệu cho ông ta. Giờ này Hạ Viện Dân Chủ có thể khởi sự gửi trát đòi những thông dịch viên ra điều trần, và trả lời về những cuộc thảo luận mật của tổng thống.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, chưa vị tổng thống nào hội đàm mật với lãnh tụ các quốc gia thù nghịch mà chỉ có ông ta và người thông dịch; tối thiểu vẫn thường có thêm một thành viên cao cấp của chính phủ, tháp tùng tổng thống.

Thông thường, sau một cuộc mật đàm như vậy, bộ tham mưu Bạch Cung phát hành một bản Memcons (Memorandums of conversation – Bản ghi nhớ về cuộc thảo luận) cho những viên chức cao cấp của chính phủ, để thông báo nội dung cuộc mật đàm.

Trump thích một tình trạng tuyệt đối mật cho những điều ông trao đổi với Putin, lãnh tụ Nga. Từng cộng tác với Phó Tổng Thống Dick Cheney và Ngoại Trưởng Hillary Clinton, nhà ngoại giao Victoria J. Nuland khẳng định: “Qua năm vị tổng thống mà tôi biết, vị nào cũng lưu lại những bản Memcons trung thực đến mức đúng từng chữ; tối thiểu những tài liệu đó cũng giúp chứng minh hành động và lập trường của một vị tổng thống hoặc một chính khách cao cấp Hoa Kỳ.”

Trump cần sự chứng minh đó hơn quý vị tổng thống khác của Mỹ; vì trước và sau ngày đắc cử, Trump vẫn bị chỉ trích là thân Nga, và được Nga giúp mới đắc cử.

Chủ tịch Hội Đồng Ngoại Chính – Richard Hass – cũng chê Tổng Thống Trump là bưng bít ngoại chính. Hass nói, “Nếu có một vị tổng thống bất chấp dư luận, khắc kỵ nhân chứng, thì vị đó phải là ông Trump.” Hass từng là cố vấn ngoại chính cho bốn vị tổng thống, và mới đây ông là giám đốc thiết kế ngoại giao cho Tổng Thống George W. Bush.

Những người bênh Trump nói, Trump không giống vị tiền nhiệm nào hết. Chính sách ngoại giao của ông chưa được một nước nào ca ngợi. Các quốc gia đồng minh chỉ trích ông, thì ông chỉ trích lại họ.

Trump chưa tự bào chữa việc ông ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi chiến trường Syria, nhường chiến thắng lại cho Nga, ông chỉ tuyên bố lý do rút quân vì “nhiệm vụ đã hoàn tất.” Hậu quả đầu tiên của hành động này là bộ trưởng quốc phòng, Đại Tướng James Mattis, từ chức. Trong lá thư từ nhiệm ông Mattis giảng giải về việc chọn lựa quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ, có ý trách Trump chọn Nga làm đồng minh là sai lầm.

Hậu quả thứ nhì của quyết định rút quân là Trump tạo cơ hội cho quân Hồi Giáo ISIS đánh bom nhà hàng Palace of the Princes (Hoàng Cung) tại thị trấn Manbij – phía Bắc Syria – nơi quân nhân Mỹ thường đến ăn, uống; ISIS giết 19 người, trong số đó có bốn quân nhân Mỹ.
Truyền thông tường thuật là lính Mỹ có thói quen ngừng xe tại nhà hàng đó sau khi hoàn tất cuộc tuần tiễu; họ ăn uống, trước khi trở về căn trại.

Cuộc đánh bom xảy ra hôm Thứ Tư, 16 Tháng Giêng, 2019, một tên cảm tử mặc áo bom, bước vào nhà hàng rồi tự kích hỏa, gây ra cuộc thảm sát.

Nhiều chính khách – cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa – quy trách cho Trump về việc bốn quân nhân Mỹ tử trận, họ chỉ trích việc ông quyết định rút quân, và oang oang tuyên bố quyết định này, đáng lẽ phải thận trọng bảo mật.

Câu hỏi người Mỹ đang nêu lên là còn những gì nữa, ngoài việc rút quân Mỹ ra khỏi Syria, được quyết định trong năm cuộc mật đàm giữa Trump và Putin.

Trump không có một hiểu biết quân sự nào cả, ngày còn trẻ ông được cái gót chân tật nguyền, không mang bốt nhà binh được, cho ông miễn dịch, khỏi gia nhập cuộc chiến Việt Nam.

Giờ này ông là tổng tư lệnh quân đội Mỹ – lực lượng quân sự mạnh nhất, tối tân nhất thế giới. (Nguyễn Đạt Thịnh)

---------------------------

Người Việt Online
January 17, 2019

WASHINGTON, D.C. (NV) – Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa, South Carolina), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Mỹ, hôm Thứ Tư, 16 Tháng Giêng, nói rằng ông lo ngại là những phát biểu của Tổng Thống Donald Trump về vấn đề Syria đã khiến thành phần ISIS sừng sỏ hơn, và kêu gọi ông Trump hãy suy nghĩ lại quyết định rút quân Mỹ khỏi quốc gia này, sau khi xảy ra cuộc nổ bom tự sát khiến bốn quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ thiệt mạng tại Manbij.

Ông Graham, người từng mạnh mẽ chỉ trích ý định của Tổng Thống Trump là rút hết quân Mỹ ra khỏi Syria, đã bất ngờ nêu lên vấn đề này trong buổi điều trần của ông William Barr, người được Tổng Thống Trump đề cử vào chức vụ bộ trưởng Tư Pháp.

“Sự lo ngại của tôi, về những phát biểu của Tổng Thống Trump, là ông đã tạo ra sự phấn khởi cho kẻ thù mà chúng ta đang phải chiến đấu chống lại. Ông làm cho những người chúng ta đang tìm cách giúp đỡ phải lo ngại về chúng ta. Và khi kẻ thù của chúng ta trở nên bạo dạn hơn, những người chúng ta đang tìm cách giúp đỡ sẽ thấy tình hình bất định hơn. Tôi đã nhìn thấy tình trạng này ở Iraq. Và nay tôi đang nhìn thấy điều này ở Syria,” ông Graham nói.

“Mọi người dân Mỹ đều muốn các binh sĩ của chúng ta trở về nước, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều mong mỏi rằng khi họ trở về, chúng ta sẽ được an toàn,” Nghị Sĩ Graham nói thêm.

Lời phát biểu của ông Graham được đưa ra sau khi xảy ra cuộc tấn công ở Syria hôm Thứ Tư cho thấy ông lại càng ít lạc quan hơn về chiến lược của Tổng Thống Trump ở Syria.

“Tôi hy vọng Tổng Thống sẽ có sự suy xét kỹ càng về đường hướng ở Syria. Chúng ta sẽ không bao giờ được an toàn trừ khi chúng ta sẵn sàng trợ giúp cho người dân ở nơi đó đứng lên chống lại chủ nghĩa quá khích này,” ông Graham cho hay. (V.Giang)







No comments:

Post a Comment

View My Stats