Tuesday, 22 January 2019

TOÀN CHÉM GIÓ CHO RA VẺ TRĂN TRỞ VỚI GIÁO DỤC (Chu Mộng Long)




Chu Mộng Long
Theo FB Chu Mộng Long
22/01/2019

Giáo dục đang khủng hoảng, hiển nhiên rồi.

Khủng hoảng do triết lý giáo dục ư? Triết lý “con ngoan trò giỏi”, “tiên học lễ hậu học văn” cổ xưa, hay “thực học, thực nghiệp” gì đó ông Nguyễn Minh Thuyết vừa đề xuất thì cũng chỉ là cái vỏ ngôn từ. Mỗi triết lý đó, nếu thực hiện đúng trong nghĩa mới, hiện đại thì cũng chẳng có gì là sai để dẫn đến khủng hoảng. Lẽ nào nghĩa của từ “ngoan” chỉ có phục tùng hay nô lệ, và “giỏi” chỉ mang nghĩa chạy theo thành tích của những điểm số? Lẽ nào chữ “lễ” chỉ còn mang nghĩa là trật tự, phép tắc phong kiến khi thứ trật tự, phép tắc đó đã bị chôn vùi trong quá khứ? Một đứa trẻ cãi lại bố mẹ hay cãi thầy, nhưng nó vẫn là ngoan khi nó không làm điều xấu. Chạy theo thành tích bằng năng lực thật sự thì là sự cạnh tranh tích cực chứ không phải là bệnh.

Triết lý “thực học, thực nghiệp” mà ông Thuyết đề xuất có thể xem là một tư tưởng cải cách, bởi nó có ý nghĩa chống lại những giá trị ảo đang thống trị. Nhưng “học” gắn liền với “nghiệp”. Nghiệp thế nào thì chi phối học thế ấy. Tôi hiểu ông Thuyết và những nhà cải cách đang cố gắng xây dựng một chương trình học tập bám sát với nhu cầu thực tiễn. Và như vậy sẽ loại bỏ những thứ trí thức lỗi thời hoặc viễn vông xa thực tế. Nhưng tôi lại tin chắc các ông chẳng biết thực tế đòi hỏi như thế nào để xây dựng một chương trình thiết thực. Bởi đòi hỏi thực tế rất phức tạp trong bối cảnh xã hội hiện nay. Trước tiên là đời sống kinh tế đa thành phần nhưng dơi không ra dơi chuột không ra chuột. Kinh tế nhà nước vẫn được duy trì để kìm hãm kinh tế tự nhân, trong khi kinh tế tư nhân thì cần tư duy mafia hoặc tìm chỗ chống lưng của quyền lực để “ăn nên làm ra” hơn là cần năng lực. Đó là chưa nói chính trị cũng có đòi hỏi của chính trị như một nhu cầu thực tế. Đố ông nào dám tạo ra một chương trình giáo dục độc lập với chính trị và xã hội để gọi là chống những giá trị ảo?

Nghiệp đã ảo thì không có thực học nào cả. Tất cả rồi sẽ đối phó để có tấm bằng với trình độ ảo, cho dù các ông có thiết kế một chương trình tối ưu nhất.

Tôi là người rất tiên phong đổi mới dạy học, từ cập nhật giáo trình hiện đại đến dạy học khai phóng, nhưng rồi phải ngậm ngùi vì người học không cần điều tôi dạy. Họ cần điểm số cao và lấy bằng nhanh để chạy việc. Đó là sự thực.

Đừng trách thanh niên chạy đua theo cái này cái khác. Chúng có chạy đua theo danh vọng của quyền lực để chui vào các cơ quan nhà nước hay bắt chước các sao để thành người nổi tiếng cũng là chuyện đương nhiên, vì đó đã là “nghiệp”. Khi giá trị ảo đang lên ngôi thì tự nó sao chép ra các thế hệ kế thừa. Cái mà ta gọi là ảo đó lại là thực, bởi nhờ cái ảo đó mà bọn thanh thiếu niên có một sự nghiệp cho chúng. Nếu không, giả dụ chúng có năng lực thật sự, thì đời sống của chúng cũng sẽ chẳng ra gì vì không có chỗ sử dụng, trừ phi chúng “tị nạn” ở nước văn minh.

Các thánh thử thống kê cho tôi xem, trong số hàng triệu người học, có mấy người có năng lực thật sự được xã hội trọng dụng để họ thi thố năng lực?

Triết lý hay chương trình, nội dung, phương pháp rốt cuộc đều chỉ là cái nhãn giả tạo, không giải quyết được điều gì. Ngay cả việc có người đề xuất quay lại triết lý giáo dục “nhân bản, dân tộc, khai phóng” và copy luôn chương trình của Việt Nam cộng hòa cũng vô nghĩa, nếu không nói còn thảm hại hơn khi đó chỉ là bứt râu ông nọ cắm cằm bà kia. Giáo dục Việt Nam cộng hòa là giáo dục tư bản chủ nghĩa với nền chính trị và xã hội khác. Tôi không khẳng định nó đã từng là nền chính trị dân chủ (thậm chí có lúc rất độc tài), nhưng đó là thể chế có một nền tảng dân chủ để từng bước vươn đến tự do, dân chủ cùng với nền kinh tế phát triển trong thị trường lao động tự do. Triết lý “nhân bản, dân tộc, khai phóng” của Việt Nam cộng hòa không phải là sự dán nhãn làm sang mà xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội đó.

Cầu nào thì cung nấy. Giáo dục xét đến cùng là cung ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu xã hội. Các nhà cải cách giáo dục kêu gọi “dạy học phát triển năng lực” như một định hướng tiến bộ. Nhưng mọi nỗ lực cải cách giáo dục đang làm cái việc rất vô nghĩa khi xã hội không cần năng lực mà đang cần thành phần cơ hội, lưu manh nhiều hơn. Khi cái ảo đang ở ngôi thống trị làm lũng đoạn mọi giá trị thì có cải cách giáo dục kiểu gì cũng thất bại thảm hại. Tôi xin phép được nói thẳng. Muốn cải cách giáo dục thành công hãy cải cách xã hội trước. Phải xây dựng một thị trường tự do với sự cạnh tranh lành mạnh cùng với một nền chính trị dân chủ cởi mở thì giáo dục mới thoát khỏi sự khủng hoảng. Bởi khi ấy, sự chạy đua thành tích, chạy đua bằng cấp, kể cả chạy trường, chạy lớp, chạy điểm hoàn toàn vô nghĩa. Sự dối trá và kể cả sự yếu kém của thầy lẫn trò tự nó bị đào thải tự nhiên. Bộ Giáo dục và Đào tạo không cần cải cách, các trường học cho đến các thầy cô đều phải tự thân vận động bằng những cải cách thiết thực để tồn tại nếu không muốn bị đào thải bởi chính thị trường tự do.
Nước Mỹ có những trường đại học mua bán bằng cấp ảo mà luật của họ không cấm, không phạt, nhưng tại sao không bán được cho người Mỹ và cho dân các nước văn minh mà lại toàn bán cho Việt Nam để kiếm sống?

Các thánh không dám nói công khai sự thực như tôi nói thì đừng chém gió cho ra vẻ “trăn trở” nữa. Trong số những người phát ngôn trong bài báo này [*] tôi biết rõ có vài người bất tài, tham như mõ, ăn của sinh viên không chừa thứ gì, đến mức mua bán điểm chác, chứng chỉ tràn lan, nhưng mở mồm ra là vì học sinh thân yêu, vì khai phóng sáng tạo… rồi đổ lỗi khủng hoảng là do điều này điều kia. Toàn nói một đằng làm một nẻo, đổ lỗi bậy bạ để bịa ra các dự án cải cách ngốn không biết bao nhiêu tiền dân, khốn nạn lắm!

[*] Bài báo mà tác giả dẫn chứng ở đây là bài Giáo dục đang khủng hoảng?





No comments:

Post a Comment

View My Stats