Sunday, 6 January 2019

NHÓM 'TỪ KHÓA' 2018 DÀNH CHO VIỆT NAM (Ánh Liên - VNTB)




07/01/2019

Nhân câu chuyện 'Nomophobia' được lựa chọn thành từ của năm của Cambridge (nó có nghĩa là nỗi sợ hãi hoặc lo lắng về việc không có điện thoại di động hoặc không thể sử dụng điện thoại), người viết cũng muốn tìm các các từ khóa liên quan đến Việt Nam, trong các lĩnh vực đời sống - chính trị - kinh tế.


'Nhà tù', là từ khóa dành cho các nhà hoạt động nhân quyền. Theo blogger Nguyễn Tường Thụy, năm 2018 đi qua 'với con số kỷ lục về tù nhân lương tâm bị bắt (Tù nhân lương tâm gấp 3,5 lần năm 2017). Điều này nói lên bức tranh nhân quyền ở Việt nam chưa bao giờ ảm đạm đến thế.' Thực tế cho thấy, chính quyền Việt Nam dù đang trong giai đoạn ký kết hoặc hoàn tất ký kết các điều ước kinh tế (trong đó có các điều khoản gắn với nhân quyền như CPTPP hay EVFTA), tuy nhiên - việc trấn áp những tiếng nói vẫn diễn ra mức độ khốc liệt hơn, đến mức mà trang tin RFA trong một bài viết gần đây đã phải sử dụng tiêu đề 'nhà tù trong nhà tù' để miêu tả. Không chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân quen thuộc; mà cả những cá nhân mới trong thực hành hành vi nhân quyền cũng bị bắt giữ và nhanh chóng đưa ra bản án nặng nề. Các hình thức tấn công, quấy phá, bôi nhọ, trục xuất tiếp tục được tăng cường để áp dụng vào nhóm đấu tranh nhân quyền mới nổi trong nước.

'Chuyên quyền', là từ khóa dành cho Nhà nước Việt Nam. Trong thời kỳ từ năm 2016 đến nay, khi có sự thay đổi bộ máy nhân sự cấp cao, thì chính sách đối nội cũng có sự thay đổi, trong đó hệ thống giá trị lập pháp hướng đến mục tiêu thắt chặt không gian xã hội dân sự Việt Nam, từ quy định cấm bàn về thể chế xã hội dân sự (năm 2017) cho đến những quy tắc ứng xử do các hội nghề nghiệp - chính trị thuộc ĐCSVN đặt ra áp dụng cho các cá nhân nằm trong bộ máy chính quyền - nghiệp nghiệp (năm 2018). Không những vậy, nhà nước còn can thiệp mạnh vào quyền tự do hội họp (hội thảo dân sự) do các tổ chức phi chính phủ tổ chức, hoặc quyền tự do xuất bản các ấn phẩm (Nxb Tri Thức) với ấn phẩm về dân chủ nhân quyền. Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà nước cũng như ĐCSVN (ông Nguyễn Phú Trọng) cũng tuyên bố các sản phẩm lập pháp (Luật) là nhằm bảo vệ cho chế độ, điều này khiến ranh giới giữa Đảng và Nhà nước bị lu mờ. Trong khía cạnh xã hội, những người đấu tranh chống sai phạm BOT trong lĩnh vực giao dịch dân sự bị sách nhiễu (hoặc hình sự hóa qua giấy triệu tập), điều này diễn ra tại BOT Cai Lậy, BOT Tân Đệ. Điều này cho thấy, tính chuyên quyền của nhà nước ngày một lớn, hệ thống lập pháp cũng xuôi chiều trong hỗ trợ tính chuyên quyền này.

'Ngột ngạt', là từ khóa dành cho người dân Việt Nam. Người dân đang ngấm dần các hệ thống thuế phí đè nặng trên đôi vai của họ. Từ BOT, thuế môi trường cho đến các loại thuế gián thu khác (thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt) gắn với cụm từ 'kịch khung'. Sự gia tăng thu thuế phí là nhằm bù đắp nguồn ngân sách đang thiếu hụt do quản lý kém, hoặc tham nhũng trước đây,... của bộ máy nhà nước. Số thuế phí tăng theo hướng bắt buộc với sự bảo trợ của quyền lực nhà nước đã biến người dân trở thành một con vịt bị vặt lông đúng nghĩa. Sự ngột ngạt bao phủ lên cả những người trước đó từng sở hữu một tư tưởng 'an phận mà sống', để từ đó họ bày tỏ sự bức xúc, phản ứng với các loại thuế phí trên mạng xã hội hoặc ngoài đời (BOT) qua hình thức bất tuân dân sự.

'Phản kháng', là cụm từ dành cho những người lưu tâm đến vấn đề chính trị - kinh tế trong nước. Trong năm 2018, các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi với sự tập hợp lượng người lớn nhất kể từ sau năm 1975. Vấn đề đặc khu với yếu tố 99 năm trong dự luật đã tạo sự bất an trong người dân trước láng giềng Trung Quốc. Người dân xuống đường bằng trái tim và lý trí dựa trên chủ nghĩa dân tộc tự tôn, và phản đối dưới nhiều hình thức khác (kiến nghị online), buộc Quốc Hội Việt Nam phải dời việc thảo luận và thông qua luật vào giữa năm 2019. Năm 2018 cũng là năm mà nhiều nhà hoạt động lên tiếng phản kháng trong các phiên tòa, những tiếng nói đến từ lương tâm, sự đau đáu đối với quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, việc xét xử nhóm công nhân tham gia biểu tình phản đối luật đặc khu đã cho thấy xu hướng trẻ hóa trong tiếng nói phản kháng của người dân Việt đối với một thể chế mà áp đặt đang tiếp tục trở thành xu hướng chung, bất chấp nhu cầu cần mở cửa để phát triển quốc gia. Ngoài vấn đề biểu tình, thì các kiến nghị về phản đối Luật an ninh mạng hay yêu cầu Facebook làm rõ việc khóa hoặc xóa bỏ tài khoản vô cớ của các nhà hoạt động đã thu hút hơn 50.000 người.

'Mù mờ', là dành cho chính phủ kiến tạo Việt Nam. Khi mà từ khóa 4.0 trở thành một xu hướng trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế về mặt hình thức. Sự lạm dụng 4.0 dựa trên các phát biểu (thay vì các hành động hoặc cơ chế hỗ trợ có liên quan) khiến nhiều người dân nghĩ về 4.0 hình thức hơn là một hành động thực chất trong thời kỳ hội nhập. Việc đưa ra Luật an ninh mạng được cảnh báo làm suy giảm tốc độ phát triển kinh tế cũng như cản trở những thành tựu về internet Việt Nam nhưng vẫn được Nhà nước Việt Nam thông qua. Điều này đi ngược lại với quan điểm và các tuyên bố tại các hội thảo, tọa đàm hay trên thông cáo báo chí liên quan đến một Chính phủ kiến tạo. Trong khi đó, xu hướng thuế phí được gia tăng, thay vì khoan sức dân. Các con số liên quan đến kiều hối, nợ cũng như tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia 2018 bị đánh giá là mâu thuẫn, mù mờ và hoàn toàn thiếu tính thuyết phục nếu đối chiếu với các dữ kiện liên quan. Chỉ tính riêng con số tăng trưởng 7,08% được cho là 'có vấn đề' vì chưa tính lạm phát vào bên trong, tăng trưởng đa phần nhờ vào khối FDI, động lực tăng trưởng đang giảm dần (qua cơ cấu dân số vàng). Trong một thông tin khác, theo Oxford Economics dự đoán, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 sẽ xuống thấp hơn so với năm 2019.

'Niềm tin', là dành cho thành viên ĐCSVN. Trong năm 2018, đội ngũ lãnh đạo cấp cao ĐCSVN liên tục mở các chiến dịch đốt lò từ trên xuống, ngay cả trong Bộ Công an (một siêu bộ trong hệ thống chính trị Việt Nam). Điều này được miêu tả trên báo đài như một cú sốc lại niềm tin của đảng viên vào chính đảng và của người dân vào ĐCSVN. Tuy nhiên, niềm tin này không bền vững, bởi trong thời kỳ đốt lò (chống tham nhũng) được dựa trên hai yếu tố: cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng và hệ thống các quy định ông đưa ra. Thế nhưng con số 64% Ủy viên TW ủng hộ quyết định kỷ luật cách chức ông Tất Thành Cang tại Hội Nghị TW9 (bị rò rỉ trên mạng xã hội) vừa qua đã cho thấy một nguy cơ trỗi dậy. Bản thân các quy định 'khắt khe' mà ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra chỉ mang tính hình thức 'bảo ban cán bộ' khi đã xảy ra sai phạm hơn là triệt tiêu các nguồn gốc tham nhũng. Trong khi đó, vai trò giám sát của người dân bị triệt tiêu bởi hai yếu tố luật: Luật an ninh mạng, Luật bảo vệ bí mật nhà nước, cùng với các văn bản ứng xử ăn theo. Ngoài ra, việc tiến hành cấm bàn về thể chế xã hội dân sự của khiến cho niềm tin, sự hợp tác và sự minh bạch thu nhỏ lại trong hệ thống Đảng và nhà nước Việt Nam. Tạo ra nguy cơ bùng nổ tham nhũng trong nhiệm kỳ tới, hình thành các mạng lưới lợi ích nhóm mang tính tinh vi và rộng rãi hơn. 

'Chủ quyền', là từ khóa dành cho người dân Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc đã hoàn tất phần lớn hệ thống chuỗi đảo nhân tạo với khí tài quân sự ngoài vùng Biển Đông. Thì Bắc Kinh bắt đầu tính toán xuất khẩu bất ổn ra ngoài. Việc Nhà nước Việt Nam ủng hộ sáng kiến 'một vành đai, một con đường' của Tập Cận Bình, hay một dự luật đặc khu với khả năng mở ra cho Trung Quốc đổ dồn tiền vào mua đất (thuê đất), cũng như hiện tượng bất động sản tại một số thành phố lớn bị nhóm người Trung Quốc thâu tóm thông qua người đại diện người Việt. Tất cả đã tạo thành một nỗi lo lắng về chủ quyền quốc gia và lãnh thổ của người Việt. Chưa bao giờ, người dân cảm nhận rõ rệch hơn ai hết về tính thiêng liêng chủ quyền cũng như nguy cơ mất mát nó một cách 'chính ngạch' như hiện nay. 

* Bài viết là quan điểm riêng của tác giả






No comments:

Post a Comment

View My Stats