Friday, 11 January 2019

NHÌN LẠI VIỆC VIỆT NAM LẬT ĐỔ KHMER ĐỎ (Nayan Chanda - The Diplomat Magazine)




Nayan Chanda  -  The Diplomat Magazine
Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
Posted on 07/01/2019

Bốn mươi năm sau khi Việt Nam tiến quân lật đổ Khmer Đỏ, rõ ràng Trung Quốc đã nổi lên trở thành người chiến thắng cuối cùng.

Sáng ngày 7 tháng 1 năm 1979, một đơn vị nhỏ của quân đội Việt Nam đã tràn vào Phnom Penh mà không phải nổ một phát súng nào, chấm dứt nền cai trị đẫm máu của Khmer Đỏ. Hành động đó cũng giáng một đòn nặng nề vào Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến thắng của người Việt đã trở nên trống rỗng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Vài giờ trước đó, các nhà lãnh đạo Campuchia Dân chủ đã chạy trốn khỏi những đại lộ rộng lớn với những hàng dừa hai bên của thủ đô. Tiếng xe tăng và xe jeep của Việt Nam vang vọng khắp các tòa nhà bỏ hoang nơi người dân buộc phải sơ tán bốn năm trước khi Khmer Đỏ trỗi dậy nắm quyền. Một số lượng nhỏ cán bộ, binh lính và gia đình Khmer Đỏ cắm chốt trong thành phố ma đã được đưa đến nhà ga để bám vào một chuyến tàu rời đi Battambang.

Đoàn tàu cũng chở Ieng Sary, em rể Pol Pot, và các quan chức cấp cao khác. Những xác chết đang phân hủy trên đường nhưng ngột ngạt hơn cả là mùi thối của cá chết. Người dân không có cơ hội thưởng thức những mẻ cá quý giá đánh được, vốn nằm chất đống và bị bỏ lại sau mùa đánh cá hàng năm trên hồ Tonle Sap.

Một thủ đô hoang tàn, hôi thối vắng bóng người mà quân đội Việt Nam tiếp quản năm 1979 vô cùng khác so với một Sài Gòn nhộn nhịp mà quân đội Hà Nội đã tiến vào bốn năm trước – và thật trớ trêu khi sự kiện đó diễn ra chỉ vài ngày sau khi Khmer Đỏ chiếm được Phnom Penh. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi đã chứng kiến ​​những chiếc xe tăng của Bắc Việt đâm xuyên qua cổng dinh tổng thống và giương cao lá cờ cộng sản. Trớ trêu thay, đại tá Bắc Việt Bùi Tín, người có mặt tại dinh để chấp nhận sự đầu hàng từ vị tổng thống cuối cùng của miền Nam Việt Nam, cũng có mặt ở Phnom Penh bốn năm sau đó. Nhưng lần này ông không tiếp nhận sự đầu hàng nào cả. Ông lượn trên bầu trời thủ đô bị bỏ hoang trong một chiếc trực thăng.

Nỗi thất vọng đầu tiên của người Việt Nam xuất hiện trước đó năm ngày, khi một đơn vị lính tiên phong của Việt Nam đã thất bại trong việc bắt cóc Thái tử Norodom Sihanouk, người bị quản thúc tại gia từ năm 1976. Khmer Đỏ, vốn đã giam giữ vị thái tử trong một góc nhỏ của cung điện, đã hoảng sợ vội vàng đưa ông lên một chiếc ô tô lái về Battambang nằm về phía Bắc. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thời bấy giờ Nguyễn Cơ Thạch nói với tôi rằng Việt Nam đã lên kế hoạch “giải phóng” cho Sihanouk và đưa ông lên làm lãnh đạo mặt trận giải phóng Campuchia. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người cũng đã không thành công trong việc đòi Khmer Đỏ trả tự do cho Sihanouk và xây dựng một chính phủ dân tộc nhiều thành phần, giờ đây đã có cơ hội.

Với việc chính phủ Campuchia Dân chủ không hoàn toàn bị lật đổ (mặc dù phải rút khỏi thủ đô), giờ là lúc để đón Sihanouk ra khỏi Phnom Penh và đưa ông đến Liên Hợp Quốc với tư cách là đại diện của một quốc gia bị bức hại. Vào tối ngày 5 tháng 1, Sihanouk, từ Battambang trở về Phnom Penh, đã được đưa tới cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Pol Pot. “Từ giờ trở đi, nếu Ngài muốn sang Trung Quốc thường xuyên, Ngài có thể làm điều đó”, Pol Pot, tự xưng là “thần”, nói với một Sihanouk đang sững sờ. Như Sihanouk kể lại với tôi sau này, Pol Pot nói với ông rằng, “Ngài được tự do. Nếu Ngài quay trở lại, Ngài sẽ được chào đón nồng nhiệt”. Sihanouk chỉ có thể lẩm bẩm “Thật vậy sao? Cảm ơn rất nhiều.”

Vào chiều ngày 6 tháng 1, khi quân đội Việt Nam đang áp sát Phnom Penh, Sihanouk đã được đưa đến sân bay với hy vọng một chuyến bay sơ tán của Trung Quốc vẫn có thể hạ cánh. Theo chỉ dẫn, Sihanouk và bà hoàng Monique mang theo hai chiếc túi: một túi có bộ vét để mặc ở Manhattan và một chiếc ba lô thứ hai nhét đầy thức ăn đóng hộp, áo kaki, đồ ngủ, kramas (khăn quàng cổ Campuchia) và giày sandal kiểu Hồ Chí Minh. Với tiếng đại bác vang lên ngày càng gần sân bay Pochentong, chiếc máy bay hàng không dân dụng Boeing 707 của Trung Quốc đã hạ cánh. Khi hoàng hôn buông xuống, một Sihanouk đẫm nước mắt và đầy lòng biết ơn cùng khoảng 150 hành khách may mắn đã lên chiếc máy bay Boeing cất cánh sang Bắc Kinh.

Việc Phnom Penh rơi vào tay lực lượng Việt Nam sau chưa đầy hai tuần chiến đấu là một cú sốc, nhưng không phải là một điều hoàn toàn bất ngờ. Việc chuẩn bị cho một trận quyết chiến đã diễn ra trong hơn một năm. Vào ngày 31 tháng 12 năm 1977, chế độ Pol Pot đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Mặc dù vẫn là bí mật vào thời điểm đó, vào tháng 1 năm 1978, Bộ Chính trị Việt Nam đã quyết định bắt đầu chuẩn bị cho việc loại bỏ chế độ Pol Pot. Một chuỗi các vụ tấn công sát hại dân thường vào các làng mạc Việt Nam dọc biên giới, dù bị giấu khỏi công chúng Việt Nam, chỉ làm tăng thêm sự cấp bách của công tác chuẩn bị. Năm 1978, giới lãnh đạo Việt Nam đã quyết định dỡ bỏ bức màn về cuộc chiến tranh biên giới với những người từng là đồng chí của mình, những người lúc bấy giờ đang cướp đi hàng trăm mạng sống của người Việt Nam.

Trong một chuyến đi tới Sài Gòn vào tháng 3 năm 1978, tôi đã bị một cán bộ ngoại giao Việt Nam đi kèm đánh thức từ sớm. Tôi được đưa vội đến sân bay nơi tôi cùng hai phóng viên nước ngoài khác được đưa lên một chiếc trực thăng Chinook đã rỉ sét với những ô cửa sổ trống hoác. Theo lệnh của một nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, chúng tôi đã bay đến Hà Tiên ở cực nam Việt Nam. Khi chúng tôi đi bộ đến làng, một mùi hôi thối nồng nặc cho chúng tôi biết những gì sẽ được chứng kiến. Đó vẫn là một cảnh tượng hãi hùng. Mười lăm đàn ông, phụ nữ và trẻ em, bị Khmer Đỏ đánh đập đến chết, nằm rải rác xung quanh 3 túp lều tranh của họ. Lời giải thích cho cuộc tấn công khủng khiếp nằm trên những bức tường đất của một túp lều, nơi ai đó đã vẽ nguệch ngoạc bằng than củi dòng chữ Khmer “Đây là đất nước chúng tao”.

Đi dọc theo chiều dài biên giới, chúng tôi thấy những cảnh tàn phá tương tự. Trong các trại dành cho người tị nạn Khmer được người Việt Nam đón vào, chúng tôi cũng thấy có dấu hiệu chuẩn bị cho một lực lượng “giải phóng”. Việt Nam rõ ràng đang chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Những chỉ dấu cho thấy cách chiến tranh có thể sẽ diễn ra như thế nào ở phía bên kia biên giới cũng đã bắt đầu xuất hiện.

Vào tháng 11 năm 1978, trong một bữa ăn trưa thường lệ ở Hồng Kông, một nguồn thạo tin người Trung Quốc đã lặng lẽ thả tin. Việt Nam sắp xâm chiếm Campuchia, ông nói, và khi đó Khmer Đỏ sẽ lại rút lui vào rừng để tiến hành chiến tranh du kích. Tôi đã xuất bản một bài báo tóm tắt kế hoạch này, dưới tựa đề “Pol Pot Eyes the Jungle Again” đăng ngày 15 tháng 12 năm 1978 trên Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER). Vào tháng 11, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Đông Hưng (Wang Dongxing) đã đến thăm Campuchia để tư vấn cho Pol Pot về những gì mà nếu nhìn lại thì dường như là một điều tiên tri. Như FEER đã đưa tin, Vương lập luận rằng bằng cách từ bỏ thủ đô khi đối mặt với Việt Nam và lực lượng nổi dậy, người Campuchia sẽ không chỉ làm nổi bật “ý đồ xâm lược” của Hà Nội đối với các nước láng giềng Đông Nam Á đang đầy lo lắng, mà cuối cùng còn giúp đánh bại người Việt Nam bằng cách làm cho Việt Nam lún sâu vào một cuộc chiến tranh du kích đầy tốn kém.

Mặc dù Pol Pot không đồng ý với khuyến nghị này, nhưng ông ta đã bị buộc phải làm theo sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Việt Nam vào cuối tháng 12. Như một nhà ngoại giao Trung Quốc sau đó đã kể lại, một quan chức Khmer Đỏ hoảng loạn đã đến đại sứ quán Trung Quốc vào tối ngày 2 tháng 1 nhằm thúc giục khoảng một nghìn nhân viên tại đây gói ghém tư trang và rời đi Battambang trong vòng một giờ. Đại sứ Sun Hao đã ra lệnh phá hủy tất cả các bức điện và tài liệu, và biển hiệu của đại sứ quán cũng được gỡ xuống.

Một đoàn dài xe tải và xe con chở các nhà ngoại giao và các nhân viên khác lên đường vào ban đêm. Đó là sự khởi đầu một cuộc phiêu lưu trong rừng rậm đối với hàng chục nhà ngoại giao Trung Quốc, đứng đầu là vị đại sứ. Vì các nhà ngoại giao của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa buộc phải đóng ở trung tâm chính phủ của nước sở tại, các nhà ngoại giao này đã phải lang thang qua các khu rừng nhiệt đới phía tây Campuchia trong 61 ngày, ngủ trong những túp lều tranh và ăn đồ hộp. Hành trình lang bạt của các nhà ngoại giao đã kết thúc khi người Việt Nam tập hợp lực lượng để dọn sạch các cánh rừng. Vào chiều ngày 11 tháng 4 năm 1979, một vị đại sứ Trung Quốc thiếu ngủ và tủi nhục cùng bảy đồng nghiệp đã lặng lẽ chuồn vào Thái Lan. Lần đầu tiên, đại diện của Vương quốc Trung tâm đã phải bỏ chạy trong ô nhục khỏi nơi từng là một vương quốc triều cống của mình.

Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của một giai đoạn mới. Việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia khiến toàn thế giới lên án. Bắc Kinh đã có lý do để bêu xấu Hà Nội. Cuộc chơi lâu dài của Trung Quốc là phớt lờ nạn diệt chủng vốn có lẽ đã cướp đi hơn 1 triệu sinh mạng (khi được kể về những cánh đồng chết mà tôi từng chứng kiến ở Campuchia, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hàn Niệm Long (Han Nianlong) nói với tôi rằng Khmer Đỏ đã phạm phải “4 lỗi lầm nghiêm trọng”); giữ ghế tại Liên Hợp Quốc cho một chế độ Khmer Đỏ hỗn loạn trong vai trò một chính phủ hợp pháp; và vận động dư luận quốc tế chống Việt Nam. Mục tiêu là nhằm cô lập Hà Nội về mặt ngoại giao, trừng phạt kinh tế và làm chảy máu lực lượng chiếm đóng bằng cách trang bị vũ khí cho một đội quân du kích chống Việt Nam.

Ieng Sary, người đã trốn sang Thái Lan và đến Bắc Kinh, đã tổ chức một cuộc họp với Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác vào ngày 15 tháng Giêng. Đặng vừa trở về từ một chuyến thăm bí mật tới Thái Lan nhằm bàn với Thủ tướng Thái Lan Kriangsak Chomanan về việc cung cấp hàng hóa tiếp tế của Trung Quốc cho Khmer Đỏ. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cảnh báo cho Ieng Sary rằng nếu Khmer Đỏ muốn có sự giúp đỡ của Trung Quốc thì họ sẽ phải chấp nhận để Sihanouk làm nguyên thủ quốc gia, gây dựng một mặt trận thống nhất và tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống lại người Việt Nam. Bước đầu tiên, Bắc Kinh đã chuyển 5 triệu đô la cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok để thanh toán cho các chi phí của Khmer Đỏ.

Trong hơn chục năm đối đầu với Việt Nam trên chiến trường thông qua những tay súng ủy nhiệm và trong các diễn đàn ngoại giao quốc tế, Trung Quốc đã kiên trì theo đuổi chính sách mà họ đã đặt ra trong các cuộc họp bí mật ở Bắc Kinh và Thái Lan. Chiến lược của Trung Quốc đã có kết quả vào tháng 9 năm 1990 khi các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam bí mật bay tới Thành Đô, Trung Quốc, để đạt được một thỏa hiệp. Quân đội Việt Nam đã được rút khỏi Campuchia vào năm 1989 dưới áp lực ngoại giao mạnh mẽ, bao gồm cả từ Liên Xô, nước mà Trung Quốc đã đạt được một sự hòa hoãn ngoại giao. Các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người đã khăng khăng yêu cầu không bao giờ cho phép Khmer Đỏ trở lại quyền lực – đã đồng ý với việc chia sẻ quyền lực – mở đường cho một dàn xếp hòa bình do Liên Hợp Quốc dẫn dắt vào năm 1991.

Toàn bộ cuộc xung đột đã nảy sinh từ sự kiêu ngạo của Khmer Đỏ sau những gì họ tin là chiến thắng của mình trước chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ. Họ thấy mình đã sẵn sàng để khôi phục đế chế Angkor hùng mạnh năm nào. Nhưng tầm nhìn cực đoan của họ đã gặp phải sự phản đối từ các thành viên truyền thống từng gắn bó với Đảng Cộng sản Việt Nam. Pol Pot và tay chân nghi ngờ kẻ thù lịch sử, Việt Nam, đang cố gắng bóp nghẹt một nước Campuchia mới. Các cuộc thanh trừng nội bộ và các cuộc tấn công biên giới đã được tiến hành bất chấp lời khuyên của Trung Quốc về sự chừng mực và một mặt trận thống nhất với vị quốc vương bị phế truất Norodom Sihanouk. Khi Khmer Đỏ thúc ép Trung Quốc giúp chống lại Việt Nam, một đồng minh của Liên Xô, lời khuyên của Trung Quốc đã lặng lẽ bị bỏ qua.

Tới cuối năm 1977, Việt Nam, vốn luôn nghi ngờ về kẻ thù lịch sử của mình là Trung Quốc, đã kết luận rằng Bắc Kinh đang cố gắng ép Việt Nam vào thế gọng kìm với một cuộc tấn công của Khmer Đỏ từ phía tây nam. Hà Nội coi một cuộc tấn công phủ đầu chống lại Campuchia là chính sách khôn ngoan nhất. Cuộc tấn công lớn đó đã khiến chính phủ Phnom Penh sụp đổ nhanh chóng, nhưng vì chiến lược kiên nhẫn của Trung Quốc mà Việt Nam dù thắng trong trận đánh đó nhưng lại thua cả cuộc chiến.

Bốn thập niên sau khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh bị các nhà ngoại giao bỏ lại phía sau để tìm đường thoát sang Thái Lan, Campuchia giờ lại mang tiếng trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Gareth Evans, một cựu bộ trưởng ngoại giao Australia, người từng tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình về Campuchia, đã gọi nước này là “một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Trung Quốc”. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người từ lâu bị Trung Quốc chế giễu là con rối của Việt Nam, giờ lại là đồng minh trung thành nhất của Trung Quốc. Trước đây, Hun Sen từng gọi Trung Quốc, người ủng hộ chế độ Khmer Đỏ, là “gốc rễ của mọi thứ xấu xa”. Nhưng vào năm 2012, sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với Trung Quốc đã ngăn cản nỗ lực của ASEAN nhằm chỉ trích dù chỉ một cách mơ hồ chính sách hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Từ các hãng hàng không tư nhân đến các sòng bạc, các dự án du lịch bãi biển lớn đến các đồn điền mía, chưa kể tới một cảng nước sâu nằm trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, vận may kinh tế của Campuchia đang ngày càng đan xen với vận may của Trung Quốc. Campuchia đã trở thành nước nhận các khoản vay và viện trợ lớn nhất (hơn 10 tỷ USD) của Trung Quốc ở Đông Nam Á và là một trong những điểm đến quan trọng nhất của đầu tư từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc của đất nước này vào Trung Quốc được nhấn mạnh bởi thực tế là 62% nợ của Campuchia hiện tại là nợ Trung Quốc. Thêm vào đó, doanh nhân có ảnh hưởng nhất của Campuchia là Fu Xianting, một cựu sĩ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, người mà một cuộc điều tra của tờ Financial Times cho thấy đã giúp trang bị cho đơn vị vệ sĩ với quân số 3.000 người của Hun Sen.

Trong khi thế giới kỷ niệm 40 năm lật đổ chế độ Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn, đây là dịp thích hợp để ghi nhận sự thành công từ quyết tâm và sự kiên trì đến mức tàn nhẫn của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Họ đã biến bại thành thắng.

Nayan Chanda là tác giả của cuốn Brother Enemy: The War After the War (1986), phóng viên và biên tập viên của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, đồng thời là biên tập viên sáng lập của trang YaleGlobal Online. Ông hiện là Phó giáo sư về Quan hệ quốc tế tại Đại học Ashoka, Ấn Độ.

*
Hình: Nayan Chanda phỏng vấn Norodom Sihanouk tại New York năm 1986. Nguồn Nayan Chanda.

Nguồn: 
Nayan Chanda, “Vietnam’s Invasion of Cambodia, Revisited”, The Diplomat Magazine, 12/2018.





No comments:

Post a Comment

View My Stats