Monday, 14 January 2019

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU & HOA KỲ (Lê Phan)




Lê Phan
January 12, 2019

Hôm Thứ Ba tuần rồi, một viên chức Âu Châu cho báo chí biết là chính phủ Trump đã hạ vị thế ngoại giao của sứ bộ Liên Hiệp Âu Châu ở Hoa Kỳ từ năm ngoái nhưng không loan báo chính thức cũng như thông báo cho Liên Hiệp về thay đổi này.

Sau khi phản đối từ Brussels và thảo luận giữa Liên Hiệp Âu Châu và chính phủ Trump, việc phân loại lại sứ bộ và sự hạ chức theo đó của đại sứ của Liên Hiệp, ông David O’Sullivn, được biết đã được lật ngược, ít nhất là tạm thời.

Tổng Thống Donald Trump đã thường chỉ trích các định chế đa phương, và ông ngoại trưởng của ông, ông Mike Pompeo, đã đọc một bài diễn văn khiêu khích ở Brussels hôm 4 Tháng Mười Hai, 2018, trong đó ông đặt câu hỏi về giá trị của các tổ chức quốc tế và những định chế như Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu. Rồi ông Pompeo hỏi là liệu Liên Hiệp Âu Châu đang “bảo đảm quyền lợi của các quốc gia và công dân của họ được đặt trên những viên chức ở Brussels.”

Ngày hôm sau sự hạ cấp của Liên Hiệp Âu Châu từ một quốc gia hội viên thành một tổ chức quốc tế đã thấy rõ trong tang lễ của cố Tổng Thống George H.W. Bush, khi tên của Đại Sứ O’Sullivan được gọi sau trật tự chờ đợi, ấn định do nghi thức ngoại giao. Một viên chức Âu Châu nói với đài phát thanh quốc tế của Đức Deutsche Welle là tên của các nhà ngoại giao tụ tập ở Washington để nghiêng mình trước linh cữu cố tổng thống, theo tục lệ ngoại giao, đi từ nhà ngoại giao được coi là niên trưởng, tức là phục vụ lâu nhất đến nhà ngoại giao mới đến nhất, nhưng Đại Sứ O’Sullivan, vốn là trong số niên trưởng bị kêu cuối cùng.

Trước khi bị hạ cấp, Đại Sứ O’Sullivan, vốn đã làm đại sứ ở Washington từ năm 2014, sẽ nằm trong số 20 đến 30 đại sứ hàng đầu trong số hơn 150 đại diện ngoại giao ở Washington.

Bà Maja Kocijancic, ngoại trưởng của Liên Hiệp, tuyên bố: “Chúng tôi hiểu là có một sự thay đổi trong danh sách ưu tiên ngoại giao được ban nghi lễ Hoa Kỳ thực hiện, và chúng tôi đang bàn thảo với những dịch vụ liên hệ trong chính phủ về ảnh hưởng có thể cho phái bộ của Liên Hiệp Âu Châu ở Washington. Nhưng tối hậu thì câu hỏi đó phải đặt ra cho chính phủ Hoa Kỳ.”

Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Brussels nói họ sẽ tham khảo ý kiến với Washington trước khi trả lời.

Tổng Thống Trump đã không giữ bí mật gì về sự ác cảm của ông đối với Liên Hiệp Âu Châu, mà ông diễn tả hồi Tháng Bảy, 2018, là một “kẻ thù” của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ khi nói đến mậu dịch. Trong khi Thủ Tướng Theresa May của Anh Quốc đang cố gắng hồi Tháng Mười Một, 2018, để dành ủng hộ cho một thỏa thuận với Liên Hiệp Âu Châu về sự rút lui của nước bà, ông Trump đã mỉa mai nói là thỏa thuận này “thật tốt” cho khối và nói là nó sẽ cản trở cho Hoa Kỳ đến một thỏa thuận mậu dịch tự do với Anh Quốc.

Những câu nói đó đến trong khi chỉ một tháng trước, ông Trump, trong một cuộc phỏng vấn trên “60 Minutes,” nói “Liên Hiệp Âu Châu được thành lập để lợi dụng chúng ta về mậu dịch, và đó là điều họ đã làm.”

Là một người đã từng sống, đi học ở Hoa Kỳ, tôi quả thật sửng sốt trước lập luận đó của tổng thống Hoa Kỳ. Khi 13 tiểu quốc ở Bắc Mỹ kết hợp lại thành United States of America, một cái tên có nghĩa là các quốc gia thống nhất của Mỹ Châu, họ cũng là những quốc gia riêng biệt, và vì sự sống còn đã kết hợp nhau lại để thành một liên bang. Đó cũng chính là lý do tại sao 28 quốc gia Âu Châu kết hợp lại với nhau.

Chính vì sự kết hợp này mà Hoa Kỳ mới là quốc gia dân chủ duy nhất trên thế giới có bầu cử gián tiếp cho tổng thống của mình, cũng như tại sao Thượng Viện Hoa Kỳ là một đại diện thiếu công bằng nhất, bởi vì cả cử tri đoàn lẫn thượng viện đại diện không phải cho cử tri mà là cho các quốc gia kết hợp lại thành liên bang. Để cho các quốc gia này an tâm là những quốc gia nhỏ hơn không bị những quốc gia lớn lấn áp, Thượng Viện được đặt ra với tiêu chuẩn là mỗi quốc gia đều có hai đại diện đồng đều. Hoa Kỳ là một liên hiệp đầu tiên hình thành không để lợi dụng ai cả.

Liên Hiệp Âu Châu, hình thành trong đống đổ nát của Thế Chiến Thứ Hai, là một cố gắng của các quốc gia Âu Châu tím cách nới rộng hợp tác, tạo một hệ thống tiền tệ chung và tạo một khối Âu Châu hòa bình và vững mạnh để có thể sánh vai với các lục địa khác cũng như để làm một rào cản cho sự xâm thực của đế quốc Liên Xô. Liên Hiệp Âu Châu, tuy chưa được là một quốc gia Âu Châu, nhưng đã trở thành một chính phủ bao trùm lên các quốc gia hội viên. Và Liên Hiệp đó được thành lập vì quyền lợi của các quốc gia hội viên chứ không để lợi dụng ai khác cả.

Cung cách mà chính phủ Trump đối xử với đại sứ của Liên Hiệp, xếp ông dưới các quốc gia hội viên, chả khác nào một chính phủ nâng đại sứ của California và New York cao hơn vị thế của đại sứ chính phủ liên bang ở Washington.

Liên Hiệp Âu Châu không bằng Hoa Kỳ về uy thế quân sự và chính trị, một chuyện chắc sẽ còn lâu mới thay đổi. Nhưng ngược lại, Liên Hiệp Âu Châu có nền kinh tế lớn nhất thế giới và một quyền lực mậu dịch tương đương với Hoa Kỳ ở Trung Cộng, nhưng có một cán cân mậu dịch thăng bằng hơn. Âu Châu không có một thâm thủng khổng lồ như Hoa Kỳ hay một thăng dư cũng không kém khổng lồ như Trung Cộng. Việc này cho Liên Hiệp một lợi thế tiềm ẩn trong mọi điều đình mậu dịch, một điều mà những người Brexit ở Anh đang học một cách cay đắng sau nhiều tháng đã tỏ ra quá tự tin không đúng chỗ. Những người Brexit đã không điều đình được một thỏa thuận Brexit họ muốn với Liên Hiệp Âu Châu vì khối lớn hơn rất nhiều và có khả năng hấp thụ những cú shock có tiềm năng xảy ra.

Hồi Tháng Mười Hai năm ngoái, đại sứ Hoa Kỳ cho Liên Hiệp Âu Châu, ông Gordon Sondland, cáo buộc Âu Châu là bất chấp những thiện ý xây dựng từ Kế Họach Marshall và đã làm hại mọi cố gắng của Hoa kỳ để sửa đổi mất thăng bằng mậu dịch. Tức tối, ông Sondland nhắc nhở đến những gì mà Hoa Kỳ đã làm cho Âu Châu, và đòi Âu Châu phải “chuyển một số lợi nhuận qua cho chúng tôi.” Mà nếu Âu Châu không làm, ông dọa là Hoa Kỳ sẽ có “vô số khí cụ sẵn sàng cho tổng thông và cho đại diện thương mại Hoa Kỳ ngoài thuế quan vào xe hơi để làm cho Âu Châu khó bán hàng sang Hoa Kỳ.”

Những lời lẽ này của ông Sondland là tiếp theo bài diễn văn ngày 4 Tháng Mười Hai của Ngoại Trưởng Michael Pompeo ở Brussels khi ông khoe “chúng tôi chiến thắng Chiến Tranh Lạnh. Chúng tôi đoàn kết nước Đức.” Sau khi dạy dỗ các viên chức ở Brussels là phải lo cho các công dân của họ, ông Pompeo khẳng định “Sứ vụ của chúng tôi là tái khẳng định chủ quyền của chúng tôi, cải tổ trật tự tự do quốc tế, và chúng tôi muốn các bạn của chúng tôi giúp chúng tôi và hành xử chủ quyền của họ nữa… Hoa Kỳ có ý định lãnh đạo – nay và luôn luôn.”

Luận điệu này của các viên chức trong chính phủ Trump dĩ nhiên không thuận tai cho Âu Châu, nhất là lại càng chói tai cho điều mà chính phủ Hoa Kỳ vẫn miệt thị là “Đám công chức ở Brussels,” nhưng cũng chả làm gì được họ vì ngoại trừ Ba Lan và có thể Ý, Brexit và sự rối loạn đó đã khiến người dân Âu Châu thích Liên Hiệp hơn trước.

Thái độ của chính phủ và những lời tuyên bố đó không những làm cho các công chức ở Brussels tức giận, nó cũng làm những thế lực nòng cốt của Liên Hiệp không bằng lòng. Đã có những tuyên bố từ Đức đòi Âu Châu phải chống lại chính phủ Trump.

Dĩ nhiên Âu Châu cũng không có bao nhiêu hăng say chống lại Hoa Kỳ. Nhưng Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia hội viên sẵn sàng ngồi yên trong khi thâm thủng mậu dịch với Hoa Kỳ tiếp tục tăng.

Hơn thế, các ông bà công chức Brussels còn có một vũ khí mà phe Brexit ở Anh đã khám phá ra, đó là họ kê ra không biết bao luật lệ mà họ thuộc lòng, trong các cuộc điều đình khiến đối thủ đến nhức đầu. Và họ cũng kiên nhẫn vô cùng. Không phải là Âu Châu không nhớ đến món nợ của Kế Hoạch Marshall nhưng họ không thấy cần phải trả món nợ đó cho chính phủ Trump. Ông Trump đâu có làm tổng thống muôn năm đâu.

Chính phủ Trump đã đe dọa chiến tranh mậu dịch với Brussels và 28 quốc gia hội viên của Liên Hiệp, cả quyết là thâm thủng về hàng hóa khoảng $150 tỷ một năm phải giảm thiểu (nhưng Washington quên tính đến thặng dự mậu dịch về dịch vụ với Âu Châu.) Việc hạ vị trí của sứ vụ Liên Hiệp ở Washington có thể là để gây áp lực cho Brussels nhượng bộ trong các cuộc điều đình về thép, nhôm và xe hơi. Nhưng Liên Hiệp Âu Châu có thể không phản ứng như tổng thống và chính phủ Trump muốn. Họ có thể không nhượng bộ mà ngồi chờ. (Lê Phan)






No comments:

Post a Comment

View My Stats