Monday 14 January 2019

BỊ LÊN ÁN NHƯNG TẠI SAO VIỆN TRỢ & ĐẦU TƯ TRUNG QUỐC VẪN ĐƯỢC CHÀO ĐÓN? (The Interpreter)




VOA Tiếng Việt
15/01/2019

Cộng đồng chiến lược phương Tây và Ấn Độ ngày càng lo ngại về dấu chân ‘bành trướng’ của Trung Quốc ở Nam Á và Châu Phi. Các dự án của Trung Quốc đã làm tăng quan ngại về sự thiếu minh bạch, phát triển bền vững và có động cơ chính trị. Điều này đã dẫn đến sự phản công chống lại Trung Quốc, theo bài phân tích đăng trên tờ The Interpreter ngày 14/1.

Tác giả bài viết cho rằng sự thiếu hiểu biết về tính năng động, những quan ngại, và những ưu tiên của khu vực đã khiến cho các cường quốc kỳ cựu để mất dần phạm vi ảnh hưởng.
Tuy nhiên ở nhiều nước có các đảng phái chính trị thu tóm quyền lực nhờ vào lập trường bài Trung Quốc, tác giả nói, những đảng này sau khi lên cầm quyền lại ký những thỏa thuận mới với Bắc Kinh. Đây là điều đã xảy ra ở Sri Lanka nơi mà sự thay đổi chế độ sau cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2015 không dẫn đến sự chuyển hướng sang bài Trung Quốc và xích lại gần Ấn Độ.

Chính phủ mới của nước này tiếp tục giao tiếp với Trung Quốc, không chỉ trong việc cho thuê các cảng Hambantota và Colombo mà còn ký một loạt những thỏa thuận khác. Hồi tháng Tư năm 2018, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã được giao cho hợp đồng xây dựng 40.000 ngôi nhà ở tỉnh Jaffna. Mặc dù dự án này đã bị đình trệ do các vấn đề cơ sở hạ tầng và do Ấn Độ đã nhảy vào, Sri Lanka có thể xem xét nhờ Trung Quốc xây dựng các dự án nhà ở còn lại.

Bài phân tích cho thấy tình trạng tương tự cũng xảy ra ở châu Phi nơi các quốc gia đã chứng kiến làn sóng bài Trung Quốc nhưng cuối cùng lại ký thỏa thuận mới với Bắc Kinh. Chẳng hạn như trong cuộc bầu cử ở Zambia hồi năm 2011, ứng viên Tổng thống Michael Sata đã vận động tranh cử với những lời cảnh báo về ‘những kẻ trục lợi’ từ Trung Quốc và nhờ đó ông đã đánh bại Tổng thống đương nhiệm Rupiah Banda. Một vài năm sau đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục là nhà cung cấp vốn hàng đầu cho những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như xây đường sá và nhà máy thủy điện ở Zambia.

Có một số lý do khiến cho các chính phủ đi từ chỗ chống Trung Quốc sang tiếp tục nhờ vả Trung Quốc.

Thứ nhất, theo tác giả bài phân tích, các dự án của Trung Quốc quá hấp dẫn nên không thể chối từ. Những dự án lớn của Trung Quốc đem đến cơ hội nhất là cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng. Dự án Jaffna ở Sri Lanka lúc đầu được giao cho công ty Trung Quốc do công ty này hứa sẽ xây dựng công trình này với giá thấp, thời gian ngắn hơn các nhà thầu từ các nước khác. Dự án nhà ở cũng không phải là ngoại lệ. Chính phủ mới đã giao nhiều dự án cho Trung Quốc từ việc xây bệnh viện mới ở Polonnaruwa, nâng cấp khu phức hợp Tòa án Tối cao, cho đến dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp. Không giống như những gì chúng ta nghĩ, tác giả trình bày, phần lớn những dự án này là viện trợ chứ không phải các khoản cho vay có lãi suất cao. Pakistan dưới chính quyền mới của ông Imran Khan, hồi tháng 10 năm 2018 tuyên bố muốn tái đàm phán một số dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Đã có sự ngờ vực rằng liệu sẽ có dự án nào trong số này được tái đàm phán và có dự án nào sẽ bị lấy khỏi tay Trung Quốc để giao cho đối tác khác hay không.

Thứ hai, vẫn theo bài phân tích, Trung Quốc được xem là đối trọng của các cường quốc lớn ở các khu vực ảnh hưởng truyền thống của họ. Sự bá chủ của văn hóa phương Tây ở châu Phi thông qua giáo dục, truyền thông đại chúng, văn hóa và tư tưởng gợi nhớ những ký ức về thời thuộc địa. Hiện giờ đang có sự phản kháng mạnh mẽ đối với sự tiếp tục của chủ nghĩa đế quốc văn hóa phương Tây. Tương tự, tầm ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nam Á thông qua sự bá chủ về văn hóa, thái độ người anh cả và các chính sách can thiệp đã dẫn đến sự bất bình và bất mãn ở những nước láng giềng, tác giả bài viết trên The Interpreter liệt kê.

Sự thiếu hiểu biết về tính năng động, những quan ngại, và ưu tiên của khu vực đã khiến cho các cường quốc kỳ cựu để mất dần phạm vi ảnh hưởng. Các nước này muốn được xem là những nước có chủ quyền. Do đó, Trung Quốc được xem là quốc gia cân bằng lại trước sự bá chủ của phương Tây và Ấn Độ ở châu Phi và Nam Á.

Thứ ba, tác giả nói, bất chấp những tiến bộ đáng kể của Trung Quốc trong sự phát triển ở trong nước, họ vẫn có thể xem mình là cùng hoàn cảnh với các nước đang phát triển. Phương Tây được xem là quá xa cách đối với những vấn đề mà các nước nghèo gánh chịu chẳng hạn như đói nghèo, bất bình đẳng và tham nhũng. Tác giả dẫn lập luận của Jonathan Holslag phân tích rằng Bắc Kinh đã làm việc chặt chẽ với các nước châu Phi để thúc đẩy một hệ thống các giá trị kinh tế-chính trị khác với phương Tây. Điều này đã giúp tiếng nói của họ được lắng nghe trên các diễn đàn đa phương.

Thứ tư, theo bài phân tích, ‘quyền lực mềm, của Trung Quốc đã là công cụ ngoại giao hữu ích. Một số người đã ước tình rằng Trung Quốc đã bỏ ra khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm cho chiến dịch quyền lực mềm của họ. Có trên 30 Viện Khổng Tử chỉ tính riêng ở châu Phi nơi họ tổ chức các lớp học tiếng Quan thoại, thư pháp và nấu ăn Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng có chương trình học bổng cho sinh viên châu Phi muốn đến Trung Quốc học tập. Quyền lực mềm của Bắc Kinh cũng được cảm nhận ở Nam Á. Bắc Kinh mới đây đã bắt đầu cấp visa tại cửa khẩu cho công dân Bangladesh. Trung Quốc cũng có nỗ lực phối hợp để giải quyết xung đột bằng cách tổ chức nhiều vòng đàm phán với phe Taliban ở Afghanistan.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra theo ý muốn của Bắc Kinh. Thái độ bất bình đối với sự can dự của Trung Quốc ở cả Nam Á và châu Phi là rất nhiều. Có sự phàn nàn rằng các nhà thầu Trung Quốc không thuê mướn công nhân sở tại mà đưa vào hàng ngàn công nhân Trung Quốc. Những người dân địa phương được thuê phải làm việc trong nhiều giờ dưới điều kiện làm việc nghèo nàn và nhận đồng lương bèo bọt. Trong những trường hợp khác, Bắc Kinh bị chỉ trích đã bỏ qua những vi phạm nhân quyền, pháp trị và quản trị tốt ở những quốc gia mà họ làm việc cùng như Sudan và Congo.

Vì lẽ đó, bài phân tích cho rằng các cuộc tấn công nhằm vào công nhân Trung Quốc do các nhóm chủ nghĩa dân tộc và khủng bố tiến hành không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, bất chấp sự ngờ vực và bất bình, các chính phủ mới lên cầm quyền ở khu vực sẽ tiếp tục giao tiếp với Trung Quốc, tác giả nêu rõ. Những khu vực này tiếp tục chứng kiến sự ganh đua giữa các cường quốc. Đầu tư và các dự án Trung Quốc có thể đi kèm với điều kiện tiên quyết nhưng ngay cả những người chỉ trích cũng phải thừa nhận rằng một số những dự án này là làm lợi cho quốc gia sở tại.

Bài viết đăng trên tờ The Interpreter kết thúc với nhận định rằng Bắc Kinh ý thức rất rõ họ đang nắm giữ chìa khóa để trở thành đối thủ cân bằng lại ảnh hưởng của các cường quốc truyền thống trong khu vực của họ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats