VOA
Tiếng Việt
18/01/2019
Năm 2018 được cho là một năm tệ hại về nhân quyền ở
Việt Nam khi các nhà bất đồng chính kiến bị kết án tù nặng nề, những nhà hoạt động
nhân quyền bị côn đồ tấn công và chính quyền thông qua các đạo luật hà khắc để
bóp nghẹt tiếng nói bất đồng, theo báo cáo thường niên công bố ngày 17/1 của Tổ
chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) về tình hình nhân quyền thế
giới trong năm qua.
Trong ‘Báo cáo Thế giới 2019’ dày 674 trang đánh giá
việc thực thi nhân quyền trên 100 nước, HRW cũng chỉ trích Mỹ trong năm thứ hai
cầm quyền của Tổng thống Donald Trump ‘đi lùi về thành tích nhân quyền ở trong
nước và nước ngoài’, nhất là qua các chính sách đối với di dân.
Việt
Nam: tiếp tục đàn áp nhân quyền
Ở Việt Nam, trong lĩnh vực tự do ngôn luận, những
người bày tỏ chính kiến trên không gian mạng vẫn tiếp tục thường xuyên bị sách
nhiễu và đe dọa, theo HRW. Trong năm vừa qua, HRW ghi nhận có ít nhất 12 người
đã phải ra tòa về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ với bản án từ 4 cho đến 12
năm tù.
Trong khi đó, công an và những kẻ côn đồ mà HRW cho
là do chính quyền dung dưỡng thường xuyên tấn công các nhà hoạt động và các
blogger mà không bị trừng phạt. HRW dẫn ra các trường hợp như bà Đỗ Thị Minh Hạnh,
nhà hoạt động công đoàn và là cựu tù chính trị, bị ném đá và các thiết bị nổ tự
chế vào nhà riêng ở tỉnh Lâm Đồng; đêm nhạc Nguyễn Tín ở Thành phố Hồ Chí Minh
bị bố ráp và những người tham dự đêm nhạc, trong đó có nhà hoạt động Phạm Đoan
Trang, bị đánh đập tàn bạo; cựu tù nhân chính trị Trương Văn Kim bị những kẻ
không rõ lai lịch tấn công và làm gãy tay cũng ở tỉnh Lâm Đồng…
Ngoài ra, HRW cho biết, chính quyền Việt Nam cũng
tìm cách canh giữ và ngăn trở việc đi lại của các nhà hoạt động không cho họ đi
tham gia các cuộc hội họp, các cuộc biểu tình hay các phiên tòa chính trị. Các
trường hợp được đơn cử như nhà thơ Bùi Minh Quốc và linh mục Đinh Hữu Thoại bị
cấm xuất cảnh sang Mỹ hay Tiến sỹ Nguyễn Quang A bị công an giam giữ trong nhiều
giờ khi ông chuẩn bị lên đường sang Úc.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đặc biệt chỉ trích Luật
An ninh Mạng của Việt Nam mà họ cho là ‘có vấn đề nghiêm trọng’. Tất cả các biện
pháp an ninh được nêu trong luật này, trong đó yêu cầu gỡ thông tin ‘độc hại’
theo yêu cầu của chính quyền, xác nhận thông tin người dùng, tiết lộ thông tin
người dùng… đều đe dọa quyền riêng tư của công dân và có thể tạo điều kiện tăng
cường đàn áp những tiếng nói bất đồng và các hoạt động trên mạng.
Về quyền tự do lập hội, HRW nói, Việt Nam tiếp tục cấm
đoán các tổ chức công đoàn độc lập, các tổ chức nhân quyền và các đảng phái
chính trị trong khi những ai tìm cách lập hội đều bị chính quyền sách nhiễu và
trừng phạt. Một trường hợp mà HRW đưa ra là vụ xét xử năm thành viên của Hội
Anh em Dân chủ gồm Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Thị
Xuân và Phạm Văn Trội với các bản án từ 7 đến 13 năm tù. Trường hợp của nhà hoạt
động Lê Đình Lượng bị 20 năm tù với cáo buộc có liên hệ với Đảng Việt Tân cũng
được HRW nêu lên.
Phúc trình của HRW nói hồi tháng Sáu năm ngoái,
chính quyền Việt Nam đã bắt giữ hàng chục người tham gia các cuộc biểu tình chống
Dự luật Đặc khu Kinh tế, tới tháng 10, có ít nhất 118 người bị kết án ‘gây rối
trật tự công cộng’, nhiều người trong số này bị kết án tù.
Về tự do tôn giáo, HRW chỉ ra rằng Hà Nội tiếp tục hạn
chế thực hành tôn giáo bằng cách ra luật, yêu cầu các nhóm tôn giáo phải đăng
ký và giám sát hoạt động của họ. Các nhóm tôn giáo bị buộc phải có sự phê chuẩn
của chính quyền mới được phép hoạt động. Các nhóm tôn giáo nào hoạt động ngoài
tầm kiểm soát của chính quyền thì bị đàn áp thô bạo, theo HRW, trong đó có những
nhánh chưa được công nhận của Hội thánh Cao đài, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo,
các Giáo hội Công giáo và Tin Lành độc lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất, Giáo hội Phật giáo của người Khmer Krom. Phúc trình của HRW lưu ý rằng tất
cả những tổ chức tôn giáo này đều bị theo dõi, bị quấy rỗi và bị đe dọa liên tục.
Vẫn theo bản báo cáo, những tín đồ của các nhóm tôn
giáo độc lập này bị công khai lên án, bị cưỡng ép bỏ đạo, bị bắt giữ, thẩm vấn,
tra tấn và bỏ tù. HRW nhắc tới trường hợp của ông Bùi Văn Trung và con trai Bùi
Văn Thắm, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, bị tòa tuyên án từ ba đến sáu năm tù về tội
chỉ trích chính quyền và tổ chức biểu tình công khai chống đàn áp tôn giáo. HWR
cũng đề cập tới trường hợp của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, 91 tuổi, Đức
Tăng thống của của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị buộc phải rời khỏi
nơi tá túc ở Thành phố Hồ Chí Minh là Thanh minh Thiền viện để quay về quê nhà ở
Thái Bình.
Trong khi đó, HRW chỉ ra rằng, chính quyền của Tổng
thống Mỹ Donald Trump dường như không quan tâm đến vấn đề nhân quyền Việt Nam
trong các cuộc trao đổi giữa các lãnh đạo hai nước. HRW lưu ý rằng Ngoại trưởng
Mỹ Mike Pompeo đến Việt Nam hồi tháng Bảy để kêu gọi Bắc Triều Tiên theo bước
Việt Nam để đạt được tăng trưởng kinh tế nhưng lại phớt lờ những vi phạm nhân
quyền mang tính hệ thống của chính quyền Hà Nội.
Mỹ: hà
khắc với di dân
Tổng thống Donald Trump bị HRW chỉ trích là tìm cách
huy động sự ủng hộ bằng cách mô tả đoàn di dân bỏ chạy khỏi Trung Mỹ tìm đến Mỹ
tị nạn là ‘cuộc khủng hoảng’ và gọi cách làm này của ông Trump là ‘tuyên truyền
về nỗi sợ’.
Mặc dù ông Trump đã tỏ dấu hiệu ủng hộ các cải cách
tối thiểu, chính quyền của ông đã rút lại những ý tưởng nhằm giảm bớt tình trạng
giam giữ quá mức ở Mỹ, thực thị một loại các chính sách bài di dân và tìm cách
phá hoại chương trình bảo hiểm quốc gia giúp cho người dân Mỹ tiếp cận dịch vụ
y tế giá phải chăng, trong đó có chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, theo Tổ
chức Theo dõi Nhân quyền HRW.
HRW phê phán các chính sách về di dân của Tổng thống
Donald Trump, trong đó có việc cưỡng ép chia cắt 2.500 gia đình di dân ở biên
giới Mỹ và chậm chạp trong việc đoàn tụ các gia đình bị chia cắt; trục xuất
hàng trăm cha mẹ di dân khiến họ chia cắt với con cái; hạn chế quyền xin tị nạn
đối với những người bị ngược đãi bởi các nhân tố phi nhà nước trong đó có nạn
nhân của bạo hành gia đình và bạo lực băng đảng; cấm những ai vào Mỹ không qua
cửa khẩu chính thức được xin tị nạn – một hành vi vi phạm luật quốc tế; xịt hơi
cay vào đám đông có trẻ em trong một cuộc tuần hành ôn hòa của di dân hồi cuối
tháng 11 tại biên giới Mỹ-Mexico hay cấm du hành đến Mỹ đối với một số nước có
đông dân Hồi giáo. HRW nói giới chức di trú Mỹ đang tìm cách bắt giữ nhiều người
hơn, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ có thai, đưa vào các trung tâm giam giữ di
dân. Có 3 trong số 15 trường hợp tử vong của di dân khi đang bị giam giữ là do
‘điều kiện y tế tồi tệ’, theo HRW.
Ngoài ra, HRW cũng lên án việc chính quyền Trump ủng
hộ các chính phủ đàn áp tại các nước về quân sự, tài chính và ngoại giao. Vẫn
theo HRW, chính sách chung của chính quyền Trump là phá hoại các định chế đa
phương và các cơ quan tư pháp quốc tế có chức năng buộc những người có những
hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng phải chịu trách nhiệm về hành động của
mình.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng bị HRW phê phán
là ‘tiếp tục tấn công vào báo chí và truyền thông trong suốt năm 2018’, trong
đó có việc gọi ‘đa số truyền thông’ là ‘kẻ thù của nhân dân’.
Thế giới:
ngày càng phản đối sự chuyên chế
Phúc trình hàng năm lần thứ 29 của Tổ chức Theo dõi
Nhân quyền HRW nhận xét, trong lĩnh vực nhân quyền, xu hướng chung trong năm
qua là ‘sự phản công lại những phong trào dân túy bài nhân quyền’ vốn gieo rắc
sự thù hận và thiếu khoan dung.
Giám đốc điều hành HRW, ông Kenneth Roth, nói bức
tranh chính về nhân quyền trong năm qua ‘không phải là sự tiếp tục của xu thế
chuyên chế mà là sự phản đối ngày càng tăng đối với sự chuyên chế’ trong đó có
những nỗ lực kháng cự lại sự tấn công vào nền dân chủ ở châu Âu, ngăn chặn cuộc
tắm máu ở Syria, đem ra công lý những thủ phạm thanh trừng sắc tộc nhắm vào người
Rohingya ở Miến Điện, đình chỉ chiến dịch đánh bom và phong tỏa người dân Yemen
do Ả Rập Xê-út đứng đầu, bảo vệ lệnh cấm vũ khí hóa học, thuyết phục Tổng thống
Joseph Kabila của Cộng hòa Dân chủ Congo chấp nhận giới hạn về nhiệm kỳ theo Hiến
pháp và yêu cầu điều tra đầy đủ về cái chết của nhà báo Ả Rập Xê-út Jamal
Khashoggi, một tiếng nói chỉ trích bị sát hại hồi tháng 10 năm ngoái.
*
No comments:
Post a Comment