Friday 4 January 2019

BẢN TIN NGÀY 4-1-2019 (Báo Tiếng Dân)




04/01/2019

Tin Biển Đông

RFI có bài: Biển Đông: Một trong những hồ sơ nóng tại Châu Á năm 2019. Theo đó, tình hình Biển Đông năm 2019 “vẫn được South China Morning Post lồng vào trong bối cảnh cuộc đối đầu có thể gay gắt thêm giữa Mỹ và Trung Quốc”. Washington nhiều khả năng sẽ tiếp tục chỉ trích chuyện Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và một số nước ASEAN.

Theo báo South China Morning Post, “các hoạt động quân sự của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Trong năm 2019, Nhật Bản và Đài Loan sẽ chứng kiến cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động dọc vùng nhận dạng phòng không của họ”.

Báo Giáo Dục Việt Nam bàn về quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – ẩn số cục diện Biển Đông năm Kỷ Hợi. Mark J. Valencia, giáo sư thỉnh giảng Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam nhận định: “Căng thẳng Trung – Mỹ trên Biển Đông nói một cách đơn giản, là trong khi Mỹ muốn duy trì sức mạnh chiến lược hàng đầu ở châu Á thì Trung Quốc muốn thay thế Mỹ”.

Bài viết lưu ý: Trong vụ tàu chiến Trung Quốc tạt đầu khu trục hạm USS Decatur ngày 30/9/2018, “tướng James Mattis đã quyết định không phản ứng để tránh căng thẳng leo thang. Nếu xảy ra một tình huống tương tự, Patrick Shanahan có lựa chọn cách tiếp cận như người tiền nhiệm hay không, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ”.


Quân đội “cải tổ”, công an vâng lời

Ngày 2/1, Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Việt Nam thông báo, Bộ Quốc phòng sắp xếp lại hàng loạt đơn vị, theo VnExpress. Tướng Căn cho biết, “Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo sắp xếp 88 doanh nghiệp quân đội còn 17, giảm 71 doanh nghiệp. Số lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng phải giải quyết chế độ là 16.000 người”.

Đợt “cải tổ” này có thể là đòn đánh rất mạnh nhắm vào hệ thống “doanh nghiệp quân đội”, lực lượng có tiếng là bảo vệ biên cương, lãnh thổ, lãnh hải thì ít, mà “làm kinh tế”, chiếm đất của dân, làm dự án thì nhiều. Vụ bê bối sân golf Tân Sơn Nhất loay hoay bao nhiêu năm không xong, phần lớn cũng vì “vướng” nhiều doanh nghiệp quân đội.

TBT Trọng chỉ đạo Bộ Công An phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, theo VOA. Ngày 3/1, phát biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74, Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhắc nhở Bộ Công an phải đấu tranh với các “thế lực thù địch”, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.


40 năm sau cuộc chiến Campuchia

Gần đến ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng Khmer Đỏ, các báo “lề đảng” đồng loạt viết về chiến tranh biên giới Tây Nam. Báo Tiền Phong có bài: Bộ trưởng Quốc phòng nói về chiến thắng Chiến tranh biên giới Tây Nam. Ông Ngô Xuân Lịch cho biết: “Trong thời gian Pol Pot cầm quyền, chúng đã giết hại hàng triệu người vô tội, đặt dân tộc Campuchia bên bờ diệt vong và đe dọa nghiêm trọng an ninh của các nước trên bán đảo Đông Dương. Đất nước Campuchia xinh đẹp trở thành đống đổ nát, hoang tàn”.

Hầu hết các báo bỏ qua chuyện Khmer Đỏ từng là đồng minh thân cận của CSVN trong cuộc chiến chống Mỹ và quân đội VNCH. Hà Nội đã từng tiếp tay dựng lên chế độ “Khmer Đỏ”, tức lực lượng Cộng sản Campuchia. Báo chí cũng không hề nói tới chuyện chính ông Hồ Chí Minh đã từng gặp gỡ thân mật với Polpot, lãnh tụ Khmer Đỏ, là nhân vật đã thực hiện cuộc diệt chủng dân Campuchia và tàn sát cả người Việt ở miền Tây Nam Bộ.

Hồ Chí Minh (giữa) chụp ảnh cùng Pol Pot (phải), lãnh đạo lực lượng Khmer đỏ, TBT Đảng Cộng Sản Campuchia và ông Kaysone Phomvihane, chủ tịch đảng Nhân dân cách mạng Lào, lãnh đạo lực lượng Pather Lào. Ảnh chụp tại một hội nghị mừng ngày kỉ niệm quan hệ Việt – Lào. Nguồn: Internet


Tin nhân quyền

Bài thứ nhất trong loạt bài của RFA, tổng kết tình hình nhân quyền Việt Nam 2018: Nhà tù trong nhà tù. Theo đó, “xu thế đàn áp mạnh tay được Hà Nội gia tăng” kể từ sau phong trào tổng biểu tình diễn ra ở nhiều tỉnh, thành nhằm phản đối dự luật đặc khu và An ninh mạng. “Hàng trăm người bị bắt giữ và hàng chục người bị đem ra xét xử. Trong đó, có không ít cư dân mạng bị tuyên án tù do bày tỏ chính kiến của họ qua mạng xã hội”.

Bà Sonia Tancic, đại diện của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền LHQ chia sẻ với RFA: “Với những gì chúng ta chứng kiến, và những gì chúng ta trao đổi với tổ chức thành viên thì tình hình nhân quyền Việt Nam không được cải thiện. Trái lại tình hình còn xấu đi, và chúng ta có những chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội phần”.

BBC đưa tin: Anh – Việt và bình luận quanh chuyến thăm của ông Mark Field. Bài viết lưu ý: Ông Mark Field, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Anh, “nói về tầm quan trọng của tự do truyền thông khi thăm Việt Nam nhưng vẫn bị một tờ báo Anh trích lời giới chỉ trích, nói ông không trực tiếp lên án Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực”.

Báo The Guardian trích lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Vương quốc Anh nên công khai yêu cầu hủy bỏ Luật An ninh mạng và nỗ lực để đảm bảo rằng không có chương trình nào của chính phủ Anh hoặc đầu tư nước ngoài tạo điều kiện cho việc đàn áp”.

RFA có bài: Bao phép thử cho bề nổi ‘ổn định’ của Việt Nam. Một loạt bê bối về nhân quyền vẫn là trở ngại lớn để Hiệp định EVFTA, cứu cánh quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, có thể được thông qua. Bà Maria Arena, thành viên của Nghị Viện Liên Âu từng nhận định: “Từ năm 2012-2018 chúng tôi nhận thấy các tiêu chí về quyền Nghiệp đoàn và nhân Quyền của Việt Nam vẫn chưa tiến bộ một cách đầy đủ”.

VOA có bài phỏng vấn cựu sĩ quan QĐND bị truy nã: ‘kiên định con đường tranh đấu’. Cựu sĩ quan Lê Văn Thương chia sẻ với VOA trong lúc đang ẩn náu bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hồi cuối năm 2018: “Hiện nay tôi đã trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy không an toàn vì có thể gặp nguy hiểm nếu như tôi bị cảnh sát khu vực ở đây bắt và trục xuất về Việt Nam vì Việt Nam đang phát lệnh truy nã tôi”.

Ông Thương nói rằng “đã tự nguyện thoát ly khỏi quân đội vào năm 2016 và đồng thời ngưng sinh hoạt Đảng, bỏ Đảng từ đó để rộng đường tranh đấu cho phong trào dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam”.

Nhà hoạt động Lê Văn Thương và lệnh truy nã của Công an Quảng Ngãi. Nguồn: FB Lê Thương/VOA


Rừng luật và… luật rừng

Trang An Ninh Tiền Tệ đặt câu hỏi: Thua kiện người dân, vì sao chủ tịch thành phố chậm thi hành án? Theo đó, “dù nguyên đơn là một người dân đã được tòa án tuyên thắng kiện nhưng suốt 1 năm qua, bị đơn thua kiện là chủ tịch UBND TP Đông Hà (Quảng Trị) vẫn không thi hành án”. Một người dân TP Đông Hà kiện Chủ tịch UBND TP vì bị thu hồi đất sai quy định, thắng kiện nhưng vẫn chưa đòi lại được đất.

Phó Chánh văn phòng UBND TP Đông Hà trả lời UBND TP “đã tổ chức nhiều phiên họp có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh và các ngành cấp tỉnh nhưng việc thi hành bản án như thế nào còn gặp nhiều lúng túng”. Làm sao người dân có thể thắng kiện dưới chế độ toàn trị độc đảng?

Vụ “Tổ công tác” bị dân giam lỏng ở Đồng Nai: VKSND cấp cao kháng nghị bản án, theo trang Bảo Vệ Pháp Luật. VKSND cấp cao TP HCM vừa ban hành Quyết định kháng nghị bản án ngày 12/3/2018 của TAND tỉnh Đồng Nai, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM giao TAND tỉnh Đồng Nai xét xử lại theo hướng không cho bị cáo Trần Mỹ Lệ được hưởng án treo.

Hồi cuối tháng 4/2017, tổ công tác quản lý trật tự đô thị đến làm việc về nghi vấn bà Lệ lấn chiếm đất của một cơ sở thuộc Bộ Công thương, thì bị bà Lệ “giam lỏng”. Vấn đề ở chỗ, hầu hết người dân không còn tin tưởng chính quyền, nên họ có khuynh hướng dùng luật rừng để giải quyết vấn đề. 


Vũ “nhôm” kháng cáo

Trang Đời Sống và Pháp Luật đặt câu hỏi: Vì sao Vũ “nhôm” kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm? Trong đơn kháng cáo, Vũ “nhôm” cho rằng “cấp sơ thẩm chưa đánh giá toàn diện khách quan các chứng cứ của vụ án. Tại tòa, Trần Phương Bình xác nhận che giấu Vũ tình trạng của DongABank, nếu nói thật thì Vũ không đầu tư vào DongABank. Kết luận của cơ quan điều tra và chứng cứ tại tòa khác nhau”.


Vụ tiền gửi ở ngân hàng bị “bốc hơi”

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Ngân hàng Việt Á nói gì về kêu cứu gửi tiết kiệm 170 tỉ đồng bị “bốc hơi”? Khách hàng bị mất tiền cho biết: “Tôi xin gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc để giải quyết, nhưng các lãnh đạo trên đều tránh mặt, gọi điện không liên lạc được, không hiểu các vị này còn ở trụ sở hay đã bỏ trốn”. Vẫn chưa có tiến triển gì trong chuyện giải quyết, bồi thường cho khổ chủ.

Phía Ngân hàng Việt Á cho rằng, sổ sách liên quan đến các khoản tiền gửi không có trên hệ thống ngân hàng: “Nhóm khách hàng này chỉ đưa ra các hợp đồng tiền gửi, trong khi tính xác thực của các hợp đồng này cũng phải chờ cơ quan điều tra làm rõ”.


Tin thêm về tai nạn thảm khốc ở Long An

Báo Thanh Niên đưa tin: Tài xế container tông 21 xe máy, chết 4 người: Dương tính ma túy, nồng độ cồn cao. Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An cho biết, sau khi thực hiện các xét nghiệm với tài xế Phạm Thành Hiếu, người vừa điều khiển xe container tông 21 xe máy gần cầu Bến Lức, bệnh viện xác định tài xế Hiếu “có kết quả dương tính với ma túy, trong lần xét nghiệm đầu nồng độ cồn trong máu cao”.

Diễn biến mới vụ tai nạn giao thông ở gần cầu Bến Lức: Khởi tố tài xế xe container gây tai nạn chết bốn người, theo BBC. Công an đã “khởi tố hình sự vụ xe container đâm vào hàng loạt người đi xe máy chờ đèn đỏ làm bốn người chết, 18 bị thương ở Bến Lức, Long An hôm 2/1”, còn tài xế Hiếu đã bị tạm giữ hình sự trong vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.


Tận thu thuế, phí giao thông

Ngày 3/1/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tuyên bố: Đã có 23/24 trạm triển khai thu phí tự động không dừng, theo báo Hải Quan. Bên cạnh đó, “để mở rộng phạm vi áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg”. Dựa trên quyết định này, dự án BOO1 của VETC đã bổ sung thêm 18 trạm, nâng tổng số trạm thu phí lên 44 trạm.

Công nghệ thu phí không dừng sử dụng sóng radio để nhận diện phương tiện cơ giới, kết hợp với thẻ định danh E-tag, thu phí bằng cách trừ tiền trong tài khoản điện tử. Đây là chiêu của các quan chức ngành giao thông, đối phó với phương pháp đấu tranh “tiền lẻ” của các tài xế muốn phản đối các trạm BOT. Người dân “chạy trời không khỏi nắng”.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Doanh thu phí BOT có minh bạch? Bài viết lưu ý: ‘Có chuyên gia cho rằng doanh nghiệp dự án hoặc đơn vị thu phí có thể dùng phần mềm để can thiệp, điều chỉnh số lượng xe thực tế qua trạm, từ đó làm sai lệch trong báo cáo doanh thu”. Cho nên, các trạm sử dụng công nghệ thu phí không dừng chủ yếu chỉ để đối phó với tài xế, chứ không thể ngăn cản chủ đầu tư “móc ngoặc” với quan chức để trục lợi.  

Bộ trưởng Thể chém gió: Bộ trưởng GTVT: Xóa điểm đen TNGT là nhiệm vụ nhân văn cao cả. “Chém gió” là chuyện của quan chức, còn các vụ tai nạn giao thông thảm khốc thì vẫn diễn ra mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày, mỗi giờ. Cơ sở hạ tầng giao thông thì ngày càng xuống cấp, trong khi dân phải nộp thuế, phí càng tăng.

Báo Tiền Phong dẫn lời Bộ trưởng Thể: Kiên trì giải quyết bất cập BOT giao thông. Kiên trì giải quyết hay kiên trì móc túi dân? Thu phí mà để đường xá hư hỏng, nên các tài xế mới phản đối hệ thống BOT từ Bắc vào Nam, nhất là các công trình đầu tư ngàn tỉ rồi nhanh chóng hư hỏng, nhưng vẫn thu phí đều đặn.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vụ thu phí tại bến xe Cần Thơ: Sở Giao thông nói gì? Phó GĐ Sở GTVT TP Cần Thơ, ông Lê Tiến Dũng cho rằng: “Vấn đề người dân bức xúc là những ngày đầu khi bến xe này mới dời về. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi vẫn chưa ghi nhận trường hợp phản ánh nào”.

Ông Dũng nói thêm, “có thể là do những người không có làm dịch vụ vận tải nhưng chở người thân đi vào làn dịch vụ” nên mới bị thu phí. Tuy nhiên, “bảng điện tử được lắp đặt tại cổng có ghi rõ chức năng của từng làn xe”, cùng với loa thông báo.

Trước đó, người dân bức xúc vì vào bến xe Cần Thơ phải đóng phí, theo báo Tiền Phong. Một người dân phản ứng trước hành động tận thu: “Việc thu phí là hơi quá, vì người ta chỉ chở khách vô thôi cũng bắt phải trả tiền. Trong khi đó xe khách đậu trong bến đã trả tiền phí rồi. Giờ người dân lại phải trả tiền phí nữa thì nó không có hợp lý lắm”.


Hiệu trưởng ăn xén tiền của học sinh nghèo

Công an huyện Krông Bông, Đắk Lắk đang điều tra vụ hiệu trưởng tự ý chia 135 triệu tiền hỗ trợ học sinh nghèo. Sau khi nhận tiền từ Kho bạc Nhà nước, vốn dùng để chi trả cho các học sinh theo chế độ, bà Vũ Thị Sơn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yang Hăn, “đã tự ý trích 135 triệu đồng chia cho mình và các giáo viên Trường Tiểu học Yang Hăn. Trong số 40 cán bộ, giáo viên của trường có 36 người được nhận tiền, 3 giáo viên và 1 kế toán không nhận số tiền trên”.


***




No comments:

Post a Comment

View My Stats