Monday, 21 January 2019

BẢN TIN NGÀY 21/1/2019 (Báo Tiếng Dân)



21/01/2019

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên có bài: ASEAN trong thách thức hạt nhân. Bài viết cảnh báo: Nhằm hiện thực hóa tham vọng thu tóm Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục xây dựng và củng cố nhiều căn cứ tiền phương, triển khai nhiều khí tài từ máy bay đến tàu chiến. “Từ đó, Bắc Kinh hình thành sức mạnh quân sự để kiểm soát khu vực này bằng đe dọa vũ lực, thậm chí đe dọa cả các cường quốc khác”.

Cuộc chạy đua vũ trang dẫn đến nguy cơ, “Bắc Kinh có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân đến Biển Đông. Khi đó, an ninh của nhiều khu vực bị đe dọa”.


Tưởng niệm 45 năm hải chiến Hoàng Sa

Báo Người Việt đưa tin: Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền Việt Nam tố giác nhiều vụ bắt bớ đàn áp của CSVN. Tổ chức này cho biết: Hai nhà hoạt động dân sự là ông Trương Văn Dũng, ở Hà Nội và bà Dương Thị Tân, ở Sài Gòn bị lực lượng an ninh hành hung vào ngày 19/1/2019, khi họ “tham gia buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà đã tử trận trong cuộc hải chiến với Trung Quốc để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974”.

Bài báo cho biết: Bà Dương Thị Tân “bị bất tỉnh và những kẻ tấn công đã đưa bà đến bệnh viện để điều trị trong tình trạng nguy cấp. Sau khi tiến hành kiểm tra, bệnh viện cho hay bà bị chấn thương cột sống nghiêm trọng”.


Các vụ “ăn” đất

VietNamNet đưa tin: Báo động hàng trăm khu đất vàng, Long An nóng sai phạm. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước vừa “đề nghị truy thu tiền sử dụng đất, thuế và các xử lý tài chính khác đối với 30 dự án bất động sản tại TP.HCM. 300 mặt bằng, thuộc các dự án bất động sản trên địa bàn cũng bị đề nghị thu hồi”.

Hai trong số rất nhiều trường hợp sai phạm đất đai ở Long An: Chủ tịch huyện Cần Giuộc Nguyễn Tuấn Thanh và Chủ tịch huyện Cần Đước Huỳnh Văn Quang Hùng “đã ký văn bản chấp thuận cho 2 cá nhân, làm chủ đầu tư 2 khu đất có quy mô đầu tư trên 20 tỷ, trái Luật Kinh doanh Bất động sản”.

The Leader đưa tin: TP. HCM sẽ bán đấu giá 5 lô đất ở Thủ Thiêm. Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã “giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất, trình UBND thành phố quyết định giá khởi điểm để làm cơ sở bán đấu giá đối với lô đất Rl, R2, R3, R4 và R5 trong khu 38,4 ha phường Bình Khánh, quận 2”.

Báo Dân Trí có bài: 10 hạn chế của hệ thống pháp luật đất đai làm giảm hiệu quả kinh tế. Bài viết nêu ra nhiều thiếu sót trong luật đất đai hiện hành của Việt Nam, tạo ra bất cập trong chuyện xác định giá đền bù, hoạt động đấu giá đất, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Tuy nhiên, bài viết bỏ qua vấn đề quan trọng nhất: Quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã khiến rất nhiều gia đình trở thành dân du mục trên chính mảnh đất của họ.

Nhiều vụ bất cập thu hồi đất: Đền bù cho dân 18 triệu đồng, bán lại với giá 350 triệu đồng, theo báo Dân Việt. PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý, “giá đất đền bù quá chênh lệch với giá thị trường khiến ngân sách nhà nước thất thu”. Nhiều trường hợp chủ đầu tư sau khi có đất đã bán lại với giá gấp hàng chục lần lúc mua vào.

Bài báo cho biết: “Giá đất được định giá và đền bù thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Đây cũng chính là lỗ hổng trong quản lý khiến cho mỗi lần cổ phần hóa doanh nghiệp, nhiều tài sản liên quan đến đất đai đều bị định giá thấp hơn so với thực tế”.

Trước đó, báo Lao Động dẫn lời GS Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Các đại gia Việt giàu siêu tốc nhờ đất đai là chính”. ĐBQH Hoàng Văn Cường cho biết, “một trong những vấn đề hiện nay vẫn đang gây tranh cãi là việc đền bù đất, định giá đất. Việc này có xung đột về lợi ích của người dân và chủ đầu tư”.


Hậu cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng

Nhà báo Nguyễn Đức đưa tin về buổi đối thoại căng thẳng 13 năm trước, giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với hàng chục người dân, đại diện cho hàng trăm hộ dân vườn rau Lộc Hưng. Clip chất vấn nảy lửa giữa người dân Lộc Hưng với ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, hồi năm 2006: https://www.facebook.com/profile.php?id=100009324176724&sk=videos_by

Người dân Lộc Hưng lúc đó “đề nghị chính quyền công bố xóa bỏ quy hoạch dự án nhà cáo tầng trên đất người dân đã sử dụng ổn định từ 1954. Đề nghị chính quyền TP cho biết vì sao không xác nhận, cấp GCNQSĐ cho các hộ dân sử dụng đất ổn định lâu dài từ trước năm 1993“.

Báo Người Đô Thị bàn về vụ cưỡng chế ‘vườn rau Lộc Hưng’: Người dân gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Trung ương. Có lẽ đây là bài viết duy nhất trên báo “lề đảng” mô tả trung thực, khách quan, tình cảnh của người dân Lộc Hưng từ sau vụ cưỡng chế ngày 4/1/2019 đến nay, đồng thời dẫn lời nhiều người dân khẳng định, phía chính quyền không thông báo trước khi ra tay cưỡng chế.

Bài báo cho biết: “Người dân Lộc Hưng đã cùng nhau mang đơn kêu cứu khẩn cấp đến một số cơ quan Nhà nước tại TP.HCM. Tại trụ sở Ban tiếp công dân thành phố (thuộc Văn phòng UBND TP.HCM), đại diện cơ quan này đã tiếp xúc với 5 người, đại diện cho 172 hộ dân (theo số liệu ghi trong biên bản tiếp công dân)”.

Bà Ngô Thị Nga, một người dân vườn rau Lộc Hưng, chưa biết những ngày Tết tới đây sẽ nương náu chỗ nào. Nguồn: Người Đô Thị

Các báo “lề đảng” khác tiếp tục viết bài theo hướng chính quyền đang “hỗ trợ” người dân Lộc Hưng. Báo Tuổi Trẻ đưa tin vụ vườn rau Lộc Hưng: Đã có 8 hộ dân nhận hỗ trợ hơn 8 tỉ. Ông Nguyễn Thành Danh, Chủ tịch UBND phường 6, quận Tân Bình, TP HCM khẳng định, “UBND quận Tân Bình đã chi trả tiền hỗ trợ đợt đầu tiên cho 8 hộ dân đang canh tác ở khu vườn rau”.

RFA đặt câu hỏi: Người dân Vườn rau Lộc Hưng nói gì về tin 8 hộ đã nhận hỗ trợ 8 tỷ đồng? Ông Cao Hà Chánh, một người thuộc ban đại diện Vườn rau Lộc Hưng thừa nhận thông tin trên là chính xác, nhưng lưu ý rằng, 8 hộ được bồi thường đó đều “có người nhà làm cho chính quyền”.

Ông Chánh cho biết: “Năm 2001-2003, phường có chủ trương dụ những người này ra và hợp thức hóa cho họ những việc lấn chiếm đó. Ngay lập tức là những cuộc họp sau đó đưa họ vào để làm đối lập với bên này, họ ký hợp đồng với bên chính quyền”.


Tin nhân quyền

BBC dẫn tin từ HRW: Nhân quyền Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền Việt Nam bị cáo buộc “bỏ tù nặng hơn những người bất đồng chính kiến, và ban hành luật An ninh mạng hà khắc để bóp nghẹt thêm quyền tự do ngôn luận”, đồng thời “không cho báo chí tư nhân hoạt động, ngoài ra còn cấm thành lập các tổ chức nhân quyền, công đoàn độc lập hay các nhóm chính trị”.

Báo Kiến Thức có bài: Thông tin mới nhất vụ nghi vấn dân phòng đánh người ở Hà Nội. Trước nghi vấn dân phòng đánh người trên phố Tạ Hiện, Trưởng Công an phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, khẳng định: “Hiện, trên mạng có đưa rất nhiều thông tin trái chiều. Tuy nhiên, tôi khẳng định người bị đánh không phải là dân phòng, cũng không phải là người của phường”.

Trước đó, “trên mạng xã hội facebook lan truyền clip ghi lại cảnh một nhóm nhân viên của cửa hàng trên phố Tạ Hiện đang khống chế một người đàn ông được cho là vào quán gây rối”. Sau đó, lực lượng dân phòng xuất hiện và tấn công các nhân viên này để bảo vệ người đàn ông gây rối.

Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc khiếu nại của người dân. Nguồn: Sophie Lưu


Vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình

Trong phiên xử chiều 19/1/2019, luật sư tuyên bố ‘có chứng cứ đầu độc giết người’ trong vụ án Hoàng Công Lương, theo báo Thanh Niên. LS Phạm Quang Hưng sau khi hỏi các bị cáo đã cho biết ông đang có chứng cứ cho thấy đây là vụ án “đầu độc giết người” và “đề nghị hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát”.

Vụ án tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Không dừng xử dù luật sư tuyên bố có chứng cứ mới, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Sau tuyên bố trên của LS Hưng, Chủ tọa phiên tòa lưu ý, “HĐXX cần phải xem xét, không thể nào nói ngừng là ngừng, đồng thời cũng nêu rõ, nếu người nào có hành vi cản trở đến việc xét xử phiên tòa thì có thể truy tố người cản trở”.
Đại diện VKS đã đề nghị LS Hưng “giao nộp chứng cứ cho HĐXX, sau đó giao lại cho kiểm sát viên. HĐXX cũng đề nghị ông Hưng cung cấp vật chứng và hội ý. Tuy nhiên, sau đó, HĐXX tuyên bố sẽ tiếp tục xét xử vụ án vào sáng 21/1”.


“Củi” Đinh La Thăng và sai phạm ở Ethanol Phú Thọ

Cơ quan An ninh điều tra mở rộng điều tra vụ án Ethanol Phú Thọ, khởi tố ông Đinh La Thăng, theo VOV. Cơ quan này đã có quyết định Khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN; quyết định Khởi tố bị can và lệnh khám xét chỗ ở, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trần Thị Bình, cựu  Phó Tổng GĐ PVN. Hai người đều bị khởi tố vì tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố thêm tội. Ảnh: VNE

RFA có bài: Cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng lại bị khởi tố. Bài viết lưu ý: Hiện tại, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, đang phải thụ án tù 30 năm với tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVN, và sai phạm gây thiệt hại 800 tỉ đồng khi góp vốn vào OceanBank.


Sai phạm ở Lọc hóa dầu Bình Sơn

TAND TP Hà Nội triệu tập ông Hà Văn Thắm đến phiên xử 4 sếp Lọc hóa dầu Bình Sơn, theo Zing. Trong ngày 21/1/2019, TAND Hà Nội dự kiến sẽ bắt đầu xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Hoài Giang, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và 3 bị cáo là cựu cán bộ chủ chốt của công ty này về cáo buộc “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” để “chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền lãi ngoài hợp đồng từ Oceanbank”.

Phiên tòa này là diễn biến mới nhất của cuộc điều tra mở rộng “vụ án cố ý làm trái quy định để chi lãi suất ngoài hợp đồng tại Oceanbank khiến nhà băng này ở giai đoạn ông Hà Văn Thắm điều hành thiệt hại gần 1.600 tỷ đồng”.


“Đất nước bao giờ được thế này chăng?”

Trang Thế Giới Tiếp Thị đưa tin: Canada áp thuế 3,0-26,1% cho ống thép xuất khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) vừa có kết luận cuối cùng trong cuộc điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn cacbon, có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

CBSA cho biết thêm, “cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục điều tra về vấn đề thiệt hại của ngành sản xuất trong nước”. Trong trường hợp “kết luận tồn tại thiệt hại”, Canada sẽ ban hành lệnh áp thuế từ ngày 15/2/2019.

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn có bài: Hoang mang bức tranh việc làm. Bài viết cảnh báo: “Số lao động thất nghiệp thanh niên hiện đã chiếm tới 46,5% tổng số lao động thất nghiệp cả nước”. Xét đến tình trạng thất nghiệp theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong quý 2-2018, “có tới hơn 26,7% số lao động thất nghiệp cả nước là lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ ba tháng trở lên”.


Giáo dục VN: Đầy rẫy tiêu cực

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Cô thầy đấu tranh chống tiêu cực sao lại xem là kẻ phá hoại? Một cô giáo chống tiêu cực ở Hà Nội chia sẻ: “Cái sai ở đây là cả hệ thống chứ không chỉ một mình cá nhân mình định tố cáo. Chính vì thế, luôn có một thế lực bao che và trấn áp người tố cáo. Qua sự việc vừa rồi ở trường tôi, nếu chúng tôi không có lập trường, kiến thức, bằng chứng thì đã bị bóp chết”.

Cô giáo trên cho biết thêm: “Trong con mắt của nhiều cán bộ, họ xem những người đấu tranh như cô là phá hoại nên luôn bị chất vấn, bị gây khó dễ. Mỗi lần làm việc đối chất thì cấm ghi âm, ghi hình… Nói thật là cán bộ tiếp dân còn non kém về trình độ”.


***






No comments:

Post a Comment

View My Stats