Thursday, 17 January 2019

BẢN TIN NGÀY 17/1/2019 (Báo Tiếng Dân)




17/01/2019

Tin Biển Đông

Hoa Kỳ và Anh tập trận chung ở Biển Đông, theo RFA. Ngày 16/1/2019, quân đội Mỹ thông báo, “tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ và tàu HMS Argyll của Hải quân Anh đã phối hợp hoạt động tại Biển Đông từ ngày 11/1 đến 16/1”. Hai tàu này “đã diễn tập giao tiếp trên biển, chiến thuật phân chia và trao đổi nhân sự với mục đích là để phát triển quan hệ hải quân hai nước”.

Bài viết lưu ý: Khu trục hạm USS McCampbell chính là chiến hạm “đã đi vào khu vực 12 hải lý của ba đảo Cây, Linh Côn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc”, vào ngày 7/1.

BBC có bài: Quanh việc USS McConell tới Hoàng Sa và phản ứng của VN. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định: Lãnh đạo Việt Nam vẫn ý thức được rằng, họ “sẽ ở vào thế vô cùng bất lợi nếu không có các cường quốc như Hoa Kỳ tham dự vào tranh chấp trên Biển Đông”.

Sáng 16/1/2019, Học viện Ngoại giao, Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đồng tổ chức Đối thoại biển lần IV tại TP Hà Nội, với chủ đề: “Hợp tác quốc tế giải quyết vấn nạn rác thải nhựa ở Biển Đông”, theo Thế Giới và Việt Nam. TS Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết: “Biển Đông là một trong những vùng biển chịu ô nhiễm rác thải nhựa nặng nề trên thế giới”.


Vụ vườn rau Lộc Hưng: Chính quyền chơi bài cùn

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Công an củng cố hồ sơ vi phạm từ vụ vườn rau phường 6, Tân Bình. Một lãnh đạo Công an quận Tân Bình cho biết: “Sau khi tháo dỡ công trình, chúng tôi cũng phát hiện tại đây có phòng cách âm với các thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông và nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu”.

Không chỉ phá nhà dân, khiến nhiều người, trong đó có người già, trẻ em, vô gia cư ngay trước Tết Nguyên Đán, công an quận Tân Bình, thành Hồ còn định xử lý nhóm người chống đối ở khu đất vườn rau Lộc Hưng, theo báo Dân Việt. Bài báo cho biết: “Hiện công an đã xác định các đối tượng cầm đầu và đang củng cố hồ sơ xử lý nghiêm trước pháp luật”.

Đập phá nhà cửa, hủy hoại tài sản của người dân đẩy hàng trăm người dân sống cảnh màn trời, chiếu đất ngay trước thềm năm mới vẫn chưa đủ, nay chính quyền còn muốn đẩy họ đến đường cùng, biến họ thành tội phạm. Dường như tiếng súng Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Đặng Ngọc Viết ở Đắk Nông… vẫn chưa giúp chính quyền này học được bài học nào.



VOA bàn về tình hình hậu cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng: Cuộc đấu không cân sức giữa chính quyền và dân. Bài viết lưu ý: Ngày 16/1/2019, Công an quận Tân Bình thông báo rằng họ đang “củng cố hồ sơ” để “xử lý gần 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng và chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng”. Phía công an cho rằng, vườn rau Lộc Hưng “là nơi có tình hình an ninh trật tự phức tạp, có nhiều thành phần bất hảo, nghiện ma túy, tổ chức đá gà”.

Bất chấp mọi nỗ lực đổi trắng thay đen của chính quyền và công an, vẫn có gần 20 luật sư “nhận lời trợ giúp pháp lý cho người dân ở vườn rau Lộc Hưng”, đồng thời tất cả các thông tin từ phía người dân đều được “minh bạch hóa” thông qua mạng xã hội.

RFA dẫn lời nhóm Luật sư Lộc Hưng: chính quyền tiền trảm hậu tấu. Ngày 16/1/2019, LS Đặng Đình Mạnh cho biết: “Chính quyền nói một đằng nhưng thật ra làm một nẻo. Cách đây hai ngày người dân vào đất đã bị lực lượng giữ gìn trật tự ngăn cản không cho họ vào đất và đến hôm nay người dân vẫn tiếp tục bị ngăn cản vì vậy việc chính quyền khi công báo với báo giới và việc sắp tới họ làm là hoàn toàn không đúng với nhau”.

Hơn 100 hộ dân Lộc Hưng gửi đơn kêu cứu lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, theo RFA. Trong đơn kêu cứu, người dân Lộc Hưng khẳng định “đất vườn rau thuộc Hội truyền giáo việt Nam (Hội thừa sai Paris). Khoảng diện tích 4,8 ha bị cưỡng chế được dành cho bà con giáo dân Sơn Tây di cư vào Nam sử dụng để trồng rau từ những năm 1954 – 1955”.


Sai phạm liên quan đến đất quốc phòng

Hải Phòng vẫn còn tình trạng vi phạm đất quốc phòng, theo VOV. UBND TP Hải Phòng vừa phát hiện, “một số hộ dân đang hoàn thiện các công trình xây dựng trái phép tại khu đất quốc phòng 14,2 ha ở phường Thành Tô và phường Tràng Cát (quận Hải An, Hải Phòng)”.  Đoàn kiểm tra xác nhận “vẫn còn một số hộ dân đang hoàn thiện các công trình xây dựng dở dang với mục đích đưa vào sử dụng”.

Phó Chủ tịch UBND quận Hải An Nguyễn Công Hân cho biết, “toàn bộ khu 9,2 héc ta đã hoàn thiện thủ tục pháp lý. Sau rằm tháng Giêng, thành phố sẽ tăng cường lực lượng để tiến hành giải phóng mặt bằng trên cơ sở yêu cầu của Chủ tịch thành phố”.

Trước đó, Chủ tịch TP Hải Phòng yêu cầu xử nghiêm công trình cố tình vi phạm đối với hàng trăm căn nhà trái phép trên đất quốc phòng, theo VTC. Cơ quan chức năng cho biết, “khu đất quốc phòng chia làm 2 khu trên diện tích 5ha (khu A – Sư đoàn Phòng không 363 và UBND phường Thành Tô lập trích đo, bán cho người dân từ nhiều năm trước và người dân lấn chiếm, xây nhà trái phép) có tổng số 216 công trình, 86 hộ gia đình sinh sống với 304 nhân khẩu”.

Dĩ nhiên, người dân không thể và cũng không dám xây nhà trái phép trên đất quân đội nếu không có sự thông đồng, cho phép của chính các lãnh đạo, sĩ quan có liên quan. Thậm chí Sư đoàn Phòng không 363 chưa chắc là đơn vị quân đội duy nhất để xảy ra sai phạm.

Bê bối xung quanh metro Bến Thành – Suối Tiên

UBND TP HCM yêu cầu xử lý tập thể, cá nhân vi phạm ở tuyến metro số 1, theo báo Người Lao Động. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Nội vụ TP “chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai sót đã nêu tại báo cáo kiểm toán và đề xuất hình thức xử lý đúng quy định”.
Vụ sai phạm ở tuyến metro số 1 thể hiện rõ dấu hiệu lạm quyền của quan chức TP HCM khi tổng mức đầu tư dự án được nâng lên gần 50.000 tỉ đồng. Hành động vượt quyền cả Chính phủ và Quốc hội khi quyết định chi số tiền lớn như vậy, nhưng lãnh đạo TP chỉ yêu cầu “kiểm điểm trách nhiệm”.

Tuy nhiên, Phó ban Quản lý đường sắt TP.HCM đang ở Mỹ nên chưa thể kỷ luật, theo Zing. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Hiếu xác nhận với Zing rằng, “hiện ông Hoàng Như Cương chưa trở về Việt Nam nên chưa thể tiến hành kiểm điểm, xem xét xử lý kỷ luật”. Ông Hiếu cho biết, “nếu ông Cương vẫn tiếp tục vắng mặt, TP sẽ chủ động tìm phương pháp khác”.

Trước đó, ông Hoàng Như Cương đã trốn sang Mỹ từ ngày 9/12/2018. “Một ngày sau ông nhờ người gửi đơn nghỉ đột xuất đến cấp quản lý”. Bất chấp vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, quan chức CSVN vẫn tiếp tục ra đi “tìm đường cứu nước” khi tình hình không còn thuận lợi.

Ngành y đầy sai phạm

Công an vừa khởi tố, bắt cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma, theo báo Tuổi Trẻ. Các bị can Phan Xuân Thiện, cựu Phó Tổng GĐ Công ty CP VN Pharma và Hoàng Trúc Vy, cựu nhân viên Phòng nghiên cứu phát triển thuộc Công ty CP VN Pharma, bị điều tra về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Theo hồ sơ vụ án, ông Thiện “biết rõ xuất xứ lô thuốc và con dấu của Công ty Helix Canada là giả” nhưng vẫn để mặc cho ông Nguyễn Minh Hùng, cựu Tổng GĐ VN Pharma và cấp dưới “thực hiện hành vi hợp thức hóa để tiêu thụ lô thuốc”.

BBC có bài: Làm thuốc ung thư giả, cựu lãnh đạo VN Pharma bị bắt. Bài viết lưu ý: “Sự việc gây bức xúc trong dư luận từ năm 2014, khi Bộ Công an phát hiện lô 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capital 500mg Caplet trị giá hơn 5 tỷ đồng có giấy tờ nhập khẩu giả. Đây là loại thuốc mà VN Pharma vẫn cung cấp cho các bệnh viện tại Việt Nam”.

RFA đưa tin: Hà Nội: 12 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin trong năm 2018. Bài báo cho biết: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xác nhận “có 12 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong đó có 8 trường hợp tai biến nặng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem”. Bên cạnh đó, “12 trường hợp vừa nêu được đánh giá là phản ứng phản vệ sau khi tiêm vắc xin”.


Báo “lề đảng” tiếp tục công kích Facebook

VOA có bài tổng hợp: VN ‘tố’ Facebook ‘quảng cáo chính trị’, ‘mập mờ’ và ‘câu giờ’. Theo đó, các báo “lề đảng” tiếp tục phê phán Facebook, với trọng tâm mới là vấn đề “quảng cáo chính trị”. Quan chức CSVN cho rằng, “quảng cáo chính trị” trên Facebook “là một mối nguy hại rất lớn”.

Trong khi đó, Facebook bị giới hoạt động than phiền là bị khóa hoặc bị đánh sập. Nhà hoạt động Lê Thị Công Nhân lưu ý: “Hàng trăm trang Facebook cá nhân của những người có chút tên tuổi trong phong trào đấu tranh dân chủ liên tục bị khóa hoặc bị đánh sập chỉ vì họ có những bài chia sẻ, hoặc đăng các status nói lên những suy nghĩ của họ về một vấn đề nào đó”.


Việt Nam: Xài xăng phải trả thuế 31,6%

Có lẽ một số người không để ý rằng, khi mua xăng họ đã bị tính thuế VAT trên số tiền thuế bảo vệ môi trường. Nhà báo Hoàng Linh đăng ảnh chụp hóa đơn đổ xăng của một người dân, cho thấy, số tiền xăng phải trả là 341.869 đồng, cộng thêm 112.676 đồng thuế bảo vệ môi trường. Hai số tiền này cộng lại là 454.545 đồng. Rồi người ta dùng con số đó nhân lên 10%  thành 45.455 đồng, đó là số tiền thuế VAT mà người tiêu dùng phải trả.

Nghĩa là người dân phải trả 10% thuế VAT cho số tiền thuế bảo vệ môi trường mà họ đã trả. Đã trả thuế bảo vệ môi trường rồi, lại còn bị đánh thuế VAT trên số tiền thuế bảo vệ môi trường, tức là thuế chồng thuế. Tổng số tiền thuế phải trả khi xài xăng ở VN là: 500.000 – 341.869 = 158.131/ 500.000 đồng = 31,6%.

Ảnh chụp hóa đơn đổ xăng, từ FB nhà báo Hoàng Linh

Mặc dù phải trả thuế cao nhất, nhưng dân Việt Nam luôn sống trong môi trường tồi tệ, giao thông thì đường xá hư hỏng, ổ gà, ổ voi, đã từng gây ra tai nạn chết người. Không chỉ thế, đường sá và cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam rất kém chất lượng, nhiều tuyến đường được đầu tư trăm tỉ, ngàn tỉ nhưng rất nhanh hỏng mà chủ đầu tư vẫn thu phí, khiến lượng tài xế phản đối càng lúc càng tăng.


Vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình

BS Hoàng Công Lương mệt mỏi và xin được giữ quyền im lặng, theo báo Người Đưa Tin. Khi VKS đề nghị bị cáo Hoàng Công Lương làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của bị cáo Trần Văn Sơn, viên chức phòng Vật tư – Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình, bị cáo Lương nói: “Những lời khai liên quan đến bị cáo, bị cáo đã khai rõ tại phiên xét hỏi hôm qua (15/1) và trong phiên sơ thẩm lần 1. Vì vậy, bị cáo chỉ trả lời những câu hỏi thuộc lĩnh vực chuyên môn khám chữa bệnh, những nội dung khác, bị cáo xin được giữ quyền im lặng”.

BS Hoàng Công Lương (trái) và các bị cáo khác tại tòa. Ảnh: NĐT

Quy định “đối đầu” nhau trong vụ chạy thận làm chết 9 người: Mâu thuẫn việc lập Đơn nguyên thận, theo Zing. Cuối phiên xét xử chiều 16/1/2019, bà Bùi Thu Hằng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đến tòa để tham gia phần xét hỏi. Khi HĐXX hỏi về chuyện BVĐK Hòa Bình lập Đơn nguyên thận nhân tạo, bà Hằng trích dẫn quyết định 1816 của Bộ Y tế, cho phép “chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới cho bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại địa phương”.

Tuy nhiên, “công văn số 6466 năm 2018 của Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình lại khẳng định, không có quy định nào cho phép thành lập như vậy”. Cho nên, Sở Nội vụ kết luận BVĐK Hòa Bình tự ý thành lập Đơn nguyên thận “là không đúng với quy định của pháp luật”.

***





No comments:

Post a Comment

View My Stats