Monday, 14 January 2019

BẢN TIN NGÀY 14/1/2019 (Báo Tiếng Dân)




14/01/2019

Tin Biển Đông

Bộ Quốc phòng Philippines tố hải quân Trung Quốc “đội lốt” ngư dân hoạt động tại Trường Sa, theo báo Người Lao Động. Một quan chức quốc phòng Philippines bàn về tình hình nhóm đảo Kalayaan ở Trường Sa: “Chúng tôi biết một sự thật rằng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đã gửi đi và tài trợ cho lực lượng dân quân hàng hải đang cải trang thành ngư dân trên hàng chục tàu dân sự trong khu vực”.

Một tàu cá Trung Quốc hoạt động tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo trang Philippine Star, Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng Đá Vành Khăn từ đầu thập niên 1990 “bằng cách xây dựng một túp lều bằng tre và khẳng định đây là nơi trú ẩn cho các ngư dân. Giờ đây, khu vực này đã trở thành một căn cứ quân sự phi pháp rất kiên cố”.

Trang Doanh Nghiệp Việt Nam có bài: Dọa nhấn chìm tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc có thể “đánh thức mãnh thú”. Ông John Hemmings, chuyên gia về Trung Quốc tại Hiệp hội Henry Jackson, bình luận: “Những lời đe dọa của Trung Quốc chỉ phản tác dụng. Hải quân Trung Quốc đơn giản là chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến với đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh (Mỹ)”.

RFI đưa tin: Pháp-Nhật lên án “thái độ hung hăng” của Trung Quốc trên biển. Sau phiên họp ngoại giao – quốc phòng ngày 11/1/2019 tại Brest, Pháp và Nhật cùng phản đối “thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”, đồng thời thông báo “nâng cao hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các đơn vị quân đội Pháp đóng tại các đảo ở Nam Thái Bình Dương”.

RFA dẫn tin từ PetroVietnam: căng thẳng Biển Đông tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu khí năm 2019. Theo thông báo của PVN, “công ty dự tính sẽ khai thác 12,37 tấn dầu thô trong năm nay, giảm 11,45% so với năm ngoái… những diễn biến phức tạp ở Biển Đông đã có ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động khai thác và phát triển của công ty”. Hồi tháng 3/2018, áp lực từ Trung Quốc “đã khiến công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng hoạt động khai thác theo hợp đồng đã ký với phía Việt Nam ở mỏ Cá Rồng Đỏ”.


Vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng

UBND phường 6, quận Tân Bình, TP HCM vừa thông báo, người dân vườn rau Lộc Hưng sẽ được hỗ trợ 7 triệu/m2 đất, theo báo Lao Động. UBND TPHCM sẽ “sử dụng nguồn ngân sách để hỗ trợ cho người sử dụng đất tại khu đất  này. Ngoài ra, UBND quận Tân Bình cũng quyết định sử dụng ngân sách quận để xem xét hỗ trợ thêm cho người dân”.

Nhiều ngày sau khi hàng trăm ngôi nhà ở vườn Lộc Hưng bị san bằng, chính quyền bắt đầu tỏ vẻ “nhân đạo”. Tuy nhiên, ngay cả những người ít hiểu biết về bất động sản ở khu vực gần trung tâm TP HCM, cũng hiểu rằng cái giá bồi thường xét về mặt vật chất đã không đủ, về tinh thần là sự xúc phạm người dân Lộc Hưng.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh trích đăng công văn của Ban Tuyên giáo quận Tân Bình về giá đền bù cho dân Lộc Hưng, có nhận xét như sau: “Việc UBND thành Hồ phê duyệt mức giá này (theo công văn) chắc không phải cách đây mấy ngày hay một tuần, mà dự án đã trình lên ít nhất là vài tháng. Vậy thì vụ kéo nhà, phá gia cang cả mấy trăm người dân, quả là một âm mưu được trù tính rất kỹ và kín“.

VOA đưa tin: Bảng quy hoạch mọc lên sau vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, cư dân phẫn nộ. Ông Cao Hà Trực chia sẻ với VOA: “Chúng tôi có kéo nhau ra (khu đất) lúc 1 giờ 30 chiều để phản bác việc nhà nước tự dựng bảng quy hoạch trên đất của chúng tôi khi chưa có quyết định thu hồi…Tôi khẳng định chính quyền cố tình cướp đất của chúng tôi”.

Theo ông Trực, nhà chức trách “chưa bao giờ” chính thức làm việc với ông “về quyết định cưỡng chế”. Khi ông Trực hỏi “ông phó chủ tịch, ông cho tôi coi giấy tờ quyết định cho ông vô nhà tôi dọn đồ mà không xin phép”, thì đại diện chính quyền đáp lại: “Tao không cần giấy tờ gì hết, tao không phải đưa quyết định gì cho mày”.

Facebooker Liên Bảo có clip ghi lại cảnh người dân Lộc Hưng biểu tình phản đối bảng quy hoạch của chính quyền:


Tin nhân quyền

Nhạc sĩ Tuấn Khanh có bài phỏng vấn cô Hồ Thị Thu Thủy, em gái tử tù Hồ Duy Hải: biểu tượng của công lý bị hiến tế. Cô Thủy cho biết: “Anh Hải sức khỏe thì có nhưng tiều tụy. Nhìn mặt thì biết là tinh thần luôn bị áp lực. Anh Hải không dám nói ra nhưng mình nhìn thì mình biết. Khi gia đình hỏi thăm thì anh Hải gật, nói có hết nhưng nhìn vẻ mặt thì mình biết là không phải vậy. Có cán bộ ở đó thì ảnh không dám nói gì hết”.

Cô Thủy nói thêm: “Gần nhất chỉ có một chuyện bất thường – mà em cũng gọi cho luật sư để nói cho ông biết – là có một phái đoàn thi hành án từ Hà Nội vào (29/3/2108) và yêu cầu đóng án phí và kiểm tra xem Hồ Huy Hải có tài sản gì không”. Tuy nhiên, gia đình tử tù Hồ Duy Hải từ chối đóng án phí.  

Báo Người Việt đưa tin: Một ông ở Quảng Ninh nghi bị công an đánh chết sau vườn nhà. Nạn nhân là ông Đỗ Văn Dông, cư ngụ ở phường Hà Phong, TP Hạ Long, “bàng hoàng khi phát hiện thi thể người thân nằm úp mặt chết tại vườn nhà ở phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, sau khi bị chính quyền ập vào nhà kiểm tra hành chính”.

Người Việt “mất tích” khi ra nước ngoài

Một trường hợp chưa có tiền lệ tại trường Đại học quốc gia ở Hàn Quốc: Trong nhóm 300 du học sinh Việt Nam đăng ký học tiếng Hàn tại trường đại học này, có 30 sinh viên Việt Nam mất tích tại Hàn Quốc, theo báo Pháp Luật TP HCM. Lãnh đạo ĐH Quốc gia Gyeongsang, cho biết, 30 học sinh này đã bỏ học một năm nay.

Lãnh đạo trường này cho biết thêm: “Các trường đại học đang hạn chế dần việc hỗ trợ visa do xảy ra trường hợp sinh viên bỏ học, ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ tăng cường các tiêu chuẩn đầu vào năm học tới để kiểm soát chặt chẽ sinh viên nước ngoài”.  

VOA đưa tin: Đài Loan vẫn truy tìm người Việt ‘mất tích’, kêu gọi tự thú. Chiến dịch vận động tự thú này được thực hiện trong bối cảnh nhà chức trách Đài Loan “tiếp tục truy tìm gần 100 du khách người Việt biến mất sau khi tới hòn đảo này du lịch dịp Giáng sinh 2018”. Trong số hơn 50 người đã được tìm thấy trong nhóm 152 người Việt “mất tích”, báo chí Đài Loan nói rằng có hơn 20 người ra đầu thú cảnh sát.

Một số người Việt khai “họ đã phải trả khoảng 650 đôla để đi du lịch ở Đài Loan, và một số cho biết họ bỏ trốn với hy vọng tìm được việc làm”. Bất chấp nỗ lực tuyên truyền của lãnh đạo CSVN, các vụ người Việt “mất tích” khi du lịch, du học liên tiếp diễn ra. Một số người cho biết, rất nhiều sinh viên Việt sang Nhật Bản du học cũng tìm cách ở lại làm việc.

Doanh nghiệp Việt Nam

Trang Chất Lượng Việt Nam đặt câu hỏi: Vì đâu số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng ‘bất thường’? Cùng với hiện tượng nhiều doanh nghiệp tư nhân “chết yểu”, trong nhiều năm qua, quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam cũng “có xu hướng giảm xuống. Có hai giả thuyết cho vấn đề này, một là do người kinh doanh không chịu tham gia vào khu vực kinh doanh chính thức và hai là do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường”.

Nguyên nhân quan trọng nhất: Nền kinh tế thị trường “nửa nạc nửa mỡ” ở Việt Nam, gọi là “kinh tế thị trường” nhưng quá ưu đãi hệ thống doanh nghiệp nhà nước vốn giỏi phá hơn làm, hoặc vừa làm vừa phá, cho phép các doanh nghiệp này và quan chức “hút máu” từ doanh nghiệp tư nhân.

Báo Đất Việt đặt câu hỏi: 3 doanh nghiệp của Vinachem tiếp tục lỗ, xử lý thế nào? Phó Tổng giám đốc Vinachem thừa nhận, “mặc dù số lỗ đã giảm so với năm 2017, nhưng vẫn có 3 đơn vị tiếp tục thua lỗ với hơn 1.500 tỷ đồng”. Đó là Công ty DAP số 2-Vinachem lỗ 246 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc lỗ 340 tỷđồng, Đạm Ninh Bình lỗ 926 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này là con cưng, được ưu đãi đủ thứ nhưng làm ăn chẳng ra hồn, càng làm càng lỗ.

Trang VnEconomy có bài: Ngân hàng quốc doanh và “mô hình chân tường” cổ phần hóa. Trong phiên quý 1/2019 vừa diễn ra, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thừa nhận: “2018 là một năm thất bại” đối với hoạt động cổ phần hóa các ngân hàng nhà nước.

Bài báo cho biết: “Dấu ấn tròn 10 năm sau cổ phần hóa và chuyển đổi mô hình từ ngân hàng quốc doanh tại VietinBank có dáng dấp của một chân tường. VietinBank đã phải cắt giảm mạnh chỉ tiêu lợi nhuận 2018, mức cuối cùng dự kiến còn thấp hơn cả tiến độ đạt được sau 9 tháng đầu năm; tín dụng cũng buộc phải cắt bớt hàng chục nghìn tỷ đồng”.


Môi trường ô nhiễm

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vụ người dân nhiều ngày chặn xe rác ở Hà Nội: Vì sao người dân chặn xe chở rác vào bãi Nam Sơn? Chiều 13/1/2019, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn xác nhận vụ nhiều người dân địa phương chặn xe chở rác vào Khu xử lý rác thải Nam Sơn. “Lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương đã trao đổi với người dân, thuyết phục người dân cho xe chở rác vào Khu xử lý rác thải”.

Trước đó, đã nhiều lần “người dân chặn xe chở rác lên khu vực này. Lý do người dân đưa ra là việc xử lý rác thải tại đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật cho người dân. Hơn thế, mức bồi thường ảnh hưởng môi trường cũng chưa hợp lý, nhiều khi chi trả chậm”.

Bên cạnh đó, chính quyền Hà Nội khẩn trương di dời người dân khỏi vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m khu xử lý chất thải Sóc Sơn, theo trang An Ninh Thủ Đô. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký công văn về chuyện tiến hành “giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m” xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Rác thải, xà bần “bủa vây” phía Tây TP Đà Nẵng, theo báo Thanh Tra. Một công nhân phụ trách dọn dẹp vệ sinh ở khu vực quận Liên Chiểu cho biết, “thời điểm giữa tháng 8 vừa rồi, sau một đêm, nơi đây trở thành bãi tập kết xà bần, phế thải với khối lượng lớn”. Công nhân vệ sinh đã dọn dẹp nhưng hiện tượng này vẫn tái diễn.

Trang Phụ Nữ Việt Nam bàn về đời sống cư dân ở các đô thị lớn: Ra đường ngày càng khó thở. Theo đó, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự Quán Hoa Kỳ tại TPHCM “đã tiến hành đo lường chỉ số bụi siêu mịn. Không khí tại Hà Nội được ghi nhận có nồng độ tập trung của bụi PM 2.5 là 47,9 μg/m3, tại TPHCM là 42 μg/m3”.

Bài báo cho biết: “Tất cả các chỉ số về chất lượng không khí này đều vượt quá mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí từ 4-5 lần, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân”. Tình hình ô nhiễm ở Việt Nam ngày càng trầm trọng.  


***




No comments:

Post a Comment

View My Stats