Ngô Nhân Dụng
September 11, 2018
Quân đội khối NATO đang thao dượt tại vùng Lviv, phía
Tây nước Ukraine. Bốn ngày trước khi cuộc tập dượt chấm dứt, hôm Thứ Ba, 11
Tháng Chín, Nga bắt đầu một cuộc thao diễn quân sự lớn ở Siberia. Quân đội
Trung Quốc và Mongolia cũng tham dự.
Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Thống
Nga Vladimir Putin cùng nâng ly trong một Hội Đàm Kinh Tế Đông Phương ở
Vladivostok, Nga, hôm Thứ Ba, 11 Tháng Chín, 2018. (Hình: Sergei Bobylev/TASS
News Agency Pool Photo via AP)
Cuộc tập trận Rapid Trident 2018 của NATO rất khiêm
tốn, chỉ có 2,200 quân tham dự, mặc dù gồm 14 nước, kể cả Mỹ. Cuộc thao diễn
Vostok 2018 của Nga có thể nói là “vĩ đại,” với 300,000 quân (một phần ba quân
số), 36,000 xe thiết giáp, hàng ngàn phi cơ chiến đấu trên bốn căn cứ không
quân, 80 chiến hạm biểu dương trong ba vùng, biển Nhật Bản, biển Okhotsk và eo
biển Bering.
NATO nói thẳng mục đích của cuộc tập trận là bảo vệ
an ninh và chủ quyền của Ukraine, một nước trước đây thuộc Liên Bang Xô Viết, mới
bị Nga chiếm mất vùng Crimea năm 2014.
Bộ Quốc Phòng Nga thì công bố mục đích của Vostok
2018 hoàn toàn có tính cách “phòng ngự.” Họ muốn quân đội “sẵn sàng chống cự mọi
cuộc xâm lăng.” Bộ Quốc Phòng Nga công nhận đây là cuộc thao diễn lớn nhất, kể
từ cuộc tập trận Zapad 1981 ở vùng biên giới cạnh các Đông Âu nước ở phía Bắc.
Trong tiếng Nga Vostok là hướng Đông, Zapad là Tây.
Trung Cộng gởi hơn 3,000 quân sĩ, sáu phi cơ, 26 trực
thăng trong đó có những chiếc Mi-171, Z-9 và Z-19 mua của Nga; cùng 900 thiết
giáp và thiết vận xa tham dự Vostok 2018. Quân đội Cộng Hòa Mông Cổ cũng có mặt,
để gọi đây là một cuộc thao diễn quốc tế.
Hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình sẽ cùng đến
quan sát một phần cuộc thao diễn. Điều này cho thấy một mục tiêu ông Putin nhắm
tới là: Cho cả thế giới thấy Nga và Trung Cộng đang sáp lại gần nhau.
Trong những cuộc tập trận Vostok trước đây quân đội
Nga cũng được điều động để chống một đạo quân xâm lăng giả tưởng, mà ai cũng
suy diễn quân xâm lăng đến từ Trung Quốc. Nhưng năm nay, hiển nhiên “quân địch”
không phải là quân Tàu nữa! Chắc cũng không phải là Nhật Bản, vì Thủ Tướng Nhật
Shinzo Abe sắp đến họp mặt với Tổng Thống Vladimir Putin và Chủ Tịch Tập Cận
Bình ở Vladivostok trong một Hội Đàm Kinh Tế Đông Phương, trong thời gian cuộc
tập trận diễn ra. Cuối cùng, chỉ có thể đoán “quân địch giả tưởng” trong cuộc tập
trận của Nga là quân Mỹ!
Trung Cộng và Nga đã từng đối nghịch nhau từ thời
Stalin và Mao Trạch Đông; cuộc tranh hùng lên điểm cao nhất vào năm 1969, khi
hai bên bắn nhau bên dòng sông Áp Lục. Nhân cơ hội đó, Tổng Thống Mỹ Richard
Nixon đã mở đường giao thiệp với Chủ Tịch Mao, đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ lịch sử
năm 1972.
Ông Nixon đã “đánh lá bài Trung Quốc” trong chiến lược
cô lập hóa Liên Xô, làm cho khối Cộng Sản tách đôi và không bao giờ ráp lại được
nữa cho đến khi Liên Bang Xô Viết tan hàng.
Bây giờ đến lượt Putin, cũng muốn dùng Trung Cộng
như một quân bài lập mặt trận chống Mỹ. Năm 1989, Mikhail Gorbachev đã nối lại
tình hữu nghị với Trung Cộng trước khi đế quốc Liên Xô sụp đổ, và sau đó Boris
Yeltsin, Vladimir Putin vẫn tiếp tục.
Ông Putin có lý do để thắt chặt bang giao với nước
láng giềng phía Nam; vì Nga đang bị cả khối Tây phương phong tỏa kinh tế sau
khi cưỡng chiếm Crimea. Nga đã ký những hợp đồng cung cấp dầu, khí cho Trung Quốc,
và hoan nghênh tiền vốn của Bắc Kinh đem đầu tư vào công nghiệp năng lượng. Mặc
dù giá dầu lửa đã tăng lên gần đây, nhưng kinh tế Nga còn trì trệ vì vẫn nằm
trong tay những đại gia thân cận với ông Putin. Hành động can thiệp của Nga vào
Syria, kết thân với Iran chống các nước Á Rập theo phái Sun Ni Hồi Giáo khiến
Nga sẽ còn bị tẩy chay. Trước viễn tượng bị cô lập trong hàng chục năm tới,
Putin muốn chứng tỏ cho các nước Tây phương biết rằng ông ta còn có nhiều cơ hội
khác.
Nga đã phát triển lực lượng tàu ngầm, mở đường đi
vào vùng Bắc Cực, đe dọa thế giới với các loại chiến đấu cơ và bom hạch tâm mới.
Trong tuần này, hai chiếc tàu chở dầu lớn của Nga, với dung tích 172,000 mét khối
đã tới Giang Tô trong vòng 19 ngày nhờ đi đường tắt qua Bắc Cực, thay vì thường
đi qua kênh Suez mất 35 ngày. Trung Cộng gọi con đường biển mới này là Đường Tơ
Lụa Bắc Cực.
Màn tập trận “đại bàng” đang bắt đầu cũng nhằm biểu
diễn sức mạnh quân sự của Nga để làm nản lòng các nước đang duy trì cuộc cấm vận
vì vụ Crimea năm 2014 và Nga dùng tay sai âm mưu lật đổ chính quyền Ukraine. Nếu
phong tỏa kinh tế không làm cho Nga yếu đi về quân sự thì tiếp tục để làm gì?
Tiếp tục cấm vận Nga thì sẽ chỉ đẩy nước Nga vào tay Trung Cộng, lợi hơn hay hại
hơn? Đó là những thông điệp ông Putin muốn gửi đi!
Đối nội, Putin muốn dùng sức mạnh quân sự khích động
tinh thần dân tộc tự tôn của dân Nga để củng cố chế độ độc tài phe đảng của
ông. Ông đã cho tái lập các cuộc duyệt binh ở Quảng Trường Đỏ vì mục đích đó.
Trung Cộng đến tham dự cuộc tập trận Vostok 2018
cũng nhằm học tập kỹ thuật điều động quân đội của Nga trong một chiến dịch rộng
lớn. Từ hơn nửa thế kỷ nay, quân đội Trung Cộng chưa thực sự tham dự một cuộc
chiến lớn nào. Họ thiếu “kinh nghiệm chiến trường” trong việc điều phối hàng
trăm ngàn quân, trong kỹ thuật thông tin ngoài mặt trận, sử dụng các khí giới mới,
đối đầu với các vũ khí mới của quân địch.
Trong Vostok 2018, Không Quân Nga thao dượt cả hệ thống
chống loại hỏa tiễn Cruise bay thấp là mặt đất, mà quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều
lần ở Iraq, Lybia và Syria. Quân Trung Cộng đã được trang bị với loại hỏa tiễn
nhắm mục tiêu này nhưng chưa từng được đem thử trên mặt trận.
Hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin cũng chia sẻ
một mối lo chung là luôn luôn phải đề phòng một cuộc nổi dậy của người dân bị
trị trong nước họ. Không một chế độ độc tài nào có thể ngủ yên vì họ biết dân
chúng chỉ chịu đựng nhất thời, chứ không bao giờ bị khuất phục hoàn toàn. Cuộc
tập trận Vostok 2018 sẽ cho thấy khi cần điều động quân đội dẹp tan những cuộc
cách mạng thì phải làm gì.
Để ve vãn ông Tập Cận Bình, ông Putin đã cho bán những
vũ khí tối tân nhất như hỏa tiễn S-400 và phi cơ SU-35 loại mới nhất. Trong
chuyến công du vào Tháng Tư năm nay tới Matskơva, một người thân cận của ông Tập
Cận Bình là Tướng Ngụy Phong Hòa (Wei Fenghe, 魏凤和), nguyên chỉ huy trưởng lực lượng hỏa tiễn của TQCG, đã tuyên bố rõ
ràng: “Trung Quốc muốn cho nước Mỹ thấy mối giao hảo của quân đội mình với quân
đội Nga.”
Nhưng tình hữu hảo giữa hai nước Nga, Hoa có thực sự
chặt chẽ và bền vững hay không?
Về mặt kỹ thuật và kinh tế Trung Quốc không thể học
hỏi (hoặc ăn trộm) được điều gì từ nước Nga để giúp họ phát triển cho bằng Mỹ
và Châu Âu trong vài chục năm tới, như ông Tập Cận Bình đang nuôi tham vọng.
Di sản lịch sử cho thấy hai nước Nga, Trung không
bao giờ tin nhau. Cuộc bang giao hoàn toàn dựa trên những tính toán vụ lợi mà
không chia sẻ những giá trị cao hơn, cũng không được đặt trên những quy tắc bền
vững như luật pháp quốc tế. Khi nào thấy bớt lợi lộc thì hai bên sẵn sàng chia
tay.
Mà nước Nga không thể mang lợi cho nước Tàu, không
có những thị trường tiêu thụ lớn, cũng không có tư bản và kỹ thuật mạnh để trao
đổi. Ông Tập Cận Bình đã lợi dụng thế yếu của ông Putin để ký những hợp đồng về
năng lượng với giá rẻ, nhưng ngay cả vai trỏ của dầu lửa và khí đốt cũng mất tầm
quan trọng trong nền kinh tế hiện đại!
Một điều ai cũng thấy trước mắt, là bọn đầu sỏ cầm đầu
guồng máy nhà nước và các đại gia Nga không gửi tiền hoặc gửi con cái du học
sang Bắc Kinh hay Thượng Hải mà vẫn gửi qua London hay New York!
Nhưng nước Mỹ vẫn nên rút ra một bài học khi chứng
kiến cuộc bắt tay thân thiện giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Thời 1970, Mỹ
đóng vai chủ động trong kế hoạch ly gián Liên Xô và Trung Cộng. Hiện nay Mỹ đã
mất vai trò cầm chịch. Thời 1970, trong ba nước thì Trung Cộng yếu nhất. Ngày
nay, Nga là nước yếu nhất, còn Trung Quốc đang lên. Trung Cộng không những đang
tiến vào Châu Phi, Châu Âu và vùng Trung Đông, mà có thể sẽ bao vây Nga với
vòng đai các nước Trung Á trước đây thuộc Liên Bang Xô Viết.
Đối thủ của Mỹ trong thời gian tới không phải Nga mà
là Trung Cộng. Để đối phó với chế độ độc tài đảng trị và âm mưu bành trướng của
Trung Cộng, nước Mỹ phải thắt chặt thêm quan hệ với những quốc gia tự do dân chủ
dựa trên quyền lợi hỗ tương và chia sẻ các giá trị chung. Mỹ không thể đứng cô
lập mà phải đóng vai tích cực bảo vệ những lý tưởng dân chủ tự do, tôn trọng luật
pháp, củng cố những định chế quốc tế duy trì những giá trị đó. (Ngô
Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment