20/09/2018
Nhà báo độc lập Đỗ Công Đương bị kết án 4 năm tù vì
những ghi nhận của ông về các cuộc cưỡng chế đất của chính quyền địa phương.
Ủy
Ban Bảo vệ Ký giả hôm 19/9 nói họ kịch liện lên án việc Việt Nam kết án nhà báo
Đỗ Công Đương và kêu gọi chính quyền Hà Nội ngay lập tức thả ông một cách vô điều
kiện.
Ông Đương, một người làm truyền thông độc lập, bị
tuyên án 4 năm tù giam vì tội “gây rối trật tự công cộng” hôm 17/9 theo điều
318 của Bộ Luật Hình sự.
“Nếu Việt Nam muốn được nghiêm túc coi là một thành viên quốc tế có trách
nhiệm thì họ phải ngừng bỏ tù các nhà báo,” Shawn
Crispin, đại diện cấp cao về Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói
trong một thông cáo được phát đi từ Bangkok, Thái Lan.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho nhà báo, nói
ông Đương không phạm tội và nhận định rằng chính quyền tuyên án tù đối với ông
Đương là để “răn đe những người dân” mà họ cho là “có ý kiến phản đối các chính
sách của chính quyền địa phương.”
Trang Facebook của nhà báo độc lập Đỗ Công Đương.
Ông Đương, 54 tuổi, bị bắt hôm 24/1 sau khi ghi hình
một cuộc cưỡng chế đất ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, theo thông tin được đưa
ra tại tòa án hôm 17/9. Theo những người dân phản đối vụ án, Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định thu hồi đất “trái thẩm quyền” và “trái
luật.”
CPJ, tổ chức bảo vệ các nhà báo có trụ sở chính ở
New York, nói cưỡng chế thu hồi đất là một vấn đề chính trị vô cùng nhạy cảm ở
Việt Nam, một nước nằm dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản.
“Hành vi của ông (Đương) chỉ là đi chụp ảnh, giám sát việc cơ quan công
quyền thực hiện thu hồi đất thôi. Chứ ông không chống người thi hành công vụ,
không đồng phạm với ai cả để mà gọi là gây rối trật tự công cộng,” LS Sơn cho biết ngay sau khi ông Đương bị kết án hôm 17/9. Luật sư này
nhấn mạnh trước tòa rằng cơ quan điều tra “không có bằng chứng chứng minh hành
vi đó của ông Đương”.
Giới hoạt động chia sẻ thông tin trên mạng xã hội
cho thấy, từ tháng 1/2017 đến nay, ông Đương đã sử dụng Facebook và một số
trang mạng khác để nói về những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, nhất là ở thị
xã Từ Sơn.
Trong khi đó, trang web của những người thân chính
quyền lại cho rằng các bài viết hoặc các đoạn video của ông truyền đi nội dung
“không đúng sự thật”, “đi ngược lại đường lối, chủ trương, chính sách” của đảng
và nhà nước, “kích động quần chúng”.
Ông Đương còn phải đối mặt với một cáo trạng liên
quan tới tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại các lợi ích của Nhà nước”,
theo điều 331 của BLHS sửa đổi 2015. Nếu bị kết tội, ông Đương có thể đối mặt với
án phạt lên tới 7 năm tù giam. Theo 88 Project, một nhóm chuyên theo dõi các tù
nhân chính trị ở Việt Nam, nói phiên tòa sử ông Đương về cáo buộc này được dự
kiến diễn ra vào tháng 10.
Thời gian gần đây, các tòa án bị chi phối bởi chế độ
cầm quyền tại Việt Nam, liên tiếp tuyên những bản án gắt gao đối với nhiều nhà
tranh đấu.
Chỉ từ tháng
7 đến nay, các tòa án ở nhiều địa phương khác nhau đã kết án hoặc tuyên y án
các nhà hoạt động sau đây: ông Lê Đình Lượng 20 năm tù, mục sư Đinh
Diêm 16 năm tù, nhà giáo về hưu Đào Đình Thực 14 năm tù, Nguyễn
Trung Trực 12 năm tù, và ông Nguyễn Văn Túc 13 năm tù.
No comments:
Post a Comment