Saturday, 22 September 2018

'CHỦ TỊCH TRẦN ĐẠI QUANG CHỦ ĐÔNG, SÁNG TẠO & HIỆU QUẢ' (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
22 tháng 9 2018

Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang, người vừa qua đời hôm 21/9/2018 tại Hà Nội là người đã hoàn thành các nhiệm vụ hiến định và được giao phó một cách 'chủ động, sáng tạo và hiệu quả', theo một nhà quan sát và phân tích chính trị Việt Nam.

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Phủ Chủ tịch hồi tháng 11/2017. GETTY IMAGES

Bình luận với BBC Tiếng Việt ngay trước Bàn tròn Đặc biệt hôm 21/9 về sự kiện Chủ tịch Quang qua đời, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nói:

"Ông Trần Đại Quang đã thực hiện rất đúng những nhiệm vụ hiến định, có 13 nhóm nhiệm vụ hiến định của Hiến pháp ở Chương gọi là chương về Chủ Tịch Nước, thì ông đã thực hiện khá là tích cực và chủ động.
"Mặc dù Hiến pháp của Việt Nam quy định các nhiệm vụ ấy mang màu sắc tượng trưng là chính, nhưng mà ông đã thực hiện rất là tốt.
"Và hơn thế nữa, ông đã có một số cố gắng mới để các nhiệm vụ ấy được thực hiện theo thẩm quyền của ông có sáng tạo hơn. Nó có hiệu quả hơn so với một số người trước đây, đấy là về nhiệm vụ Chủ tịch Nước mà ông thực hiện.
"Thế còn trước nữa, khi ông làm Bộ Công An thì do trách nhiệm mà Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị phân công từ khóa trước, thì ông thực hiện chức vụ ấy đúng với chức năng, thẩm quyền, quyền lực của ông Bộ trưởng thời đó.
"Sẽ có nhiều đánh giá khác nhau, từ nhiều góc độ khác nhau, từ góc độ thực thi pháp luật, từ góc độ bảo vệ đất nước, tức là bảo vệ trật tự xã hội, quan trọng nhất là bảo vệ pháp luật, rồi từ góc độ phát triển xã hội, góc độ chính quyền, người ta đánh giá nhiều thứ mà trên báo chí có rất nhiều."

AUDIO :
Nhà quan sát chính trị Việt Nam, TS Hà Hoàng Hợp bình luận về cố Chủ tịch Trần Đại Quang

Chữa bệnh ở nước ngoài

Theo nhà quan sát thời sự và chính trị này, vấn đề sức khỏe của Chủ tịch Trần Đại Quang từ lâu đã là một mối quan tâm của công chúng và các giới ở Việt Nam, về vấn đề sức khỏe, điều trị của chính khách này trước khi qua đời, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nhận xét:

"Ông Trần Đại Quang qua đời rất bất ngờ, không ai biết lại bất ngờ như thế và mọi người biết rằng khoảng thời gian vừa qua là ông ấy có bệnh, nhưng mà cũng nhiều người biết là bệnh đó không phải là bệnh có thể gây chết nhanh như thế. Nên buổi sáng nay khi ông qua đời thì rất bất ngờ.
"Chiều nay [21/9] ở trên báo của Việt Nam, người ta đăng nhiều chỗ, ví dụ như là trên VnExpress v.v…, người ta đăng bài của ông Nguyễn Quốc Triệu, ở Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương, có nói rõ là ông Trần Đại Quang mắc một virus rất lạ và không có thuốc nào đặc trị cả.
"Thế thì đi Nhật Bản một số lần, ông nói chính xác là đi 6 lần, thì người ta cũng chỉ làm được việc là hạn chế tác hại… chứ người ta không chữa được khỏi. Đấy là ông Triệu phát biểu chính thức trên một bài báo như vậy.
"Cái điều rất lạ là từ trước đến nay thì bệnh tật của các nhà lãnh đạo Việt Nam người ta liệt vào loại bí mật, nhưng lần này ông Triệu nói ra. Ở trong nước người ta không biết cách, người ta không chữa nổi, thì ông ấy đi Nhật mấy lần. Thì sau đợt đi công tác ở Nga và ở Belarus, thì sau đó ông đi Nhật, hai đợt dài và bốn đợt rất là ngắn, tổng cộng là sáu đợt.
"Nhật có một ngành y tế tiên tiến có thể nói là hàng đầu thế giới và Nhật cũng gần Việt Nam nữa, tôi nghĩ Trung Quốc không phải là một nơi có một ngành y tế thật là tiên tiến. Người ta tin ở Nhật và vì thế những người bác sỹ chữa cho ông đề nghị ông đi Nhật, thế thôi, chứ còn Mỹ xa quá!"

Trả lời câu hỏi nhưng vì sao 'Mỹ ở xa', mà ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Đà Nẵng, cố Ủy viên Trung ương Đảng và Trưởng Ban Nội chính Trung ương lại được điều trị ở đó, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đáp:

"Ông Nguyễn Bá Thanh mắc một bệnh gọi là ung thư tủy, bệnh ấy được trường Hopkins [Bệnh viện Johns Hopkins Medicine] điều trị là tốt nhất, nên ở Đà Nẵng, người ta đưa ông đi là như thế.
"Thế còn ông Trần Đại Quang, theo tuyên bố của ông Triệu, ông ấy mắc một bệnh Virus, không phải ung thư. Mà virus ấy, nghe nói ở Nhật người ta chữa là tốt nhất, như vậy là đưa đi Nhật, nó có hai điều kiện. Một là Trung tâm chữa bệnh ấy là thích hợp nhất, thứ hai là nó gần."

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang (trái) chạm ly với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng tháng 11/2017

Thay thế và hợp nhất?

Theo nhà quan sát và phân tích chính trị này, một quan tâm khác của người dân, công luận và các giới ở Việt Nam là ai sẽ thay thế ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, về khía cạnh này, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận:

"Nhiều người hỏi rằng ông ấy mất đi rồi thì ai sẽ làm Chủ tịch Nước? Thì theo đúng Hiến pháp mà nói, hoặc Phó Chủ tịch Nước là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ trở thành Quyền Chủ tịch Nước tạm thời. Câu này gồm mấy chữ 'Quyền - Chủ tịch Nước - Tạm thời', phù hợp với điều quy định trong Hiến pháp, đọc sẽ thấy ngay.
"Thế nhưng khi nào có Chủ tịch Nước chính thức thì phải là Quốc Hội họ bầu. Mà khả năng Quốc Hội bầu là phải đến kỳ họp sắp tới đây, bắt đầu từ ngày 9/10/2018, thì cuộc ấy người ta sẽ đặt ra vấn đề bầu một người Chủ tịch Nước mới.
"Đấy là một vấn đề. Vấn đề thứ hai người ta suy rộng ra là trường hợp mà ông Quang ông mất như thế này, thì cơ cấu lãnh đạo tứ trụ sắp tới sẽ như thế nào? Rồi các bộ phận khác trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và của nhà nước sẽ thế nào, thành ra người ta cũng đặt ra câu hỏi như thế."

Theo nhà phân tích này, câu trả lời cho vế hỏi thứ hai ở trên như sau:

"Câu trả lời thứ hai là sẽ bầu bổ sung, sẽ bầu một người ra làm Chủ tịch Nước, từ nay cho đến hết Khóa 12 này, tức là đến hết tháng Giêng năm 2021, đấy là câu trả lời. Và khi bầu người ấy lên, vị trí của người ấy [đang giữ] mà khuyết, người ta sẽ đưa người vào chỗ khuyết ấy, đơn giản là như thế."

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang (giữa) và một số nguyên thủ quốc gia ở APEC Đà Nẵng, 11/2017. THÔNG TIN CHÍNH PHỦ

Trước câu hỏi các ứng cử viên 'sáng giá' có thể thay thế Chủ tịch Trần Đại Quang là ai và có thể có hay không phương án nhất thể hóa 'hai trong một' kết hợp hai chức vụ Chủ tịch Nước và Tổng Bí thư, ông Hà Hoàng Hợp đáp:

"Từ lâu tôi thấy các cuộc họp được công bố ra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, hay của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, người ta không đặt vấn đề là nhập hai chức kia làm một, tức là chức Chủ tịch và chức Tổng Bí thư, người ta không bàn.
"Cho nên tôi mới nói khả năng lớn người ta sẽ bầu ra một người sẽ làm Chủ tịch Nước và chức Chủ tịch đó sẽ kéo dài cho đến khi nào hoàn thành Đại hội thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, như thế khó có khả năng mà nhập hai chức làm một."

'Thực chất mới quan trọng'

Cũng về khía cạnh phương án thay thế nhân sự này, đặc biệt về giả thuyết 'hợp nhất hai trong một', hôm thứ Sáu, tại Bàn tròn Đặc biệt của BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam từ Sài Gòn nêu quan điểm:

"Trước khi ông Trần Đại Quang qua đời thì cũng đã có những phương án đưa tin về việc ai sẽ thay thế ông Trần Đại Quang, nếu như ông Quang không còn nữa? Hoặc nếu không phải phương án thay thế Chủ tịch Nước thì có phương án nhất thể hóa hai chức vụ Chủ tịch Nước và Tổng Bí thư Đảng hay không?
"Thì lúc đó đã có thông tin này rồi và thông tin này đã được đưa ra từ tháng 7/2017 khi mà ông Trần Đại Quang có sự 'biến mất' lần đầu tiên, càng ngày thông tin này càng phổ biến hơn, nhưng tôi cho rằng vấn đề cốt tử, quan trọng nhất không phải là cái ghế ngồi.
"Đừng bàn cái ghế ngồi và các vị chóp bu Việt Nam nên rút ra một bài học rằng nhìn những Đinh Thế Huynh, những Trần Đại Quang, những Nguyễn Bá Thanh, tất cả rồi cũng trở về cát bụi mà thôi và nếu vẫn còn 'tham, sân, si' quyền lực, tất cả những cái đó không dẫn tới đâu cả, mà trong khi đó, anh không đóng gì cho dân cho nước.
"Cho nên ghế ngồi của anh chỉ có ý nghĩa khi nào mà thực chất cái đó có lợi cho dân, cho nước, chứ không phải anh kiêm thêm một chức Chủ tịch Nước nữa thì giải quyết vấn đề và trở nên được lưu truyền sử xanh, hay là được trở thành một cái gì đó giống như là 'Hoàng đế' Tập Cận Bình.
"Tôi muốn nói điều đó hoàn toàn vô nghĩa và tôi cho rằng còn quá sớm để một số chuyên gia, hay một số chính khách đặt ra vấn đề là hợp thức hóa và nhất thể hóa hai chức danh Chủ tịch Nước và Tổng Bí thư. Nói cách khác là còn quá sớm để sửa Hiến Pháp để cho ông Nguyễn Phú Trọng ngồi luôn vào cái ghế của người quá cố, vừa qua đời.
"Tôi cho rằng cần phải đặt ra một vấn đề thực chất, một yêu cầu thực chất là như vậy nếu ngồi vào ghế Chủ tịch Nước như vậy, liệu ông Nguyễn Phú Trọng có làm tốt hơn không? Hay là mọi chuyện sẽ tệ đi? Hay mọi chuyện sẽ trở nên một cách độc tài và độc đoán giống như Tập Cận Bình ở Trung Quốc?
"Trong khi đó chúng ta biết rằng rất nhiều thông tin đã phản ngược lại lối tuyên truyền của Ban tuyên giáo Trung ương hay là của ông Nguyễn Phú Trọng về đất nước, rằng thực chất là người dân gần như không còn niềm tin đối với Đảng và nhà nước này nữa và tình hình càng ngày càng bê bối về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại v.v…. Tất cả mọi thứ và nhân quyền bị đàn áp trầm trọng.
"Thế thì đặt ra vấn đề là để ông Nguyễn Phú Trọng ngồi vào ghế Chủ tịch Nước như vậy, theo tôi là để làm gì? Và tôi thực sự trong thâm tâm phản đối chuyện đó.
"Và tôi nghĩ rằng có bàn thì bàn vấn đề nhân sự thay thế chức danh Chủ tịch Nước của ông Trần Đại Quang, ví dụ như là có thể chọn bất cứ một nhân vật nào ở trong Bộ Chính trị cũng có thể ngồi vào ghế đó.
"Tại vì chức Chủ tịch Nước đối với quan niệm của người dân Việt Nam từ lâu thì nó chỉ 'có tiếng mà không có miếng', cho nên tôi nghĩ bây giờ tất cả những nhân vật nào đã có miếng rồi thì không cần tiếng, và thực sự họ muốn ôm những cái miếng đó. Đặc biệt là những nhân vật ở Chính phủ...
"Mà có lẽ vị trí Chủ tịch Nước sẽ được ưu tiên cho một số nhân vật ở khối bên Đảng, tức là khối có tiếng nhưng mà không có miếng. Thì có thể sau nay phương án Nguyễn Thiện Nhân hoặc Trần Quốc Vượng, hay thậm chí có thể là Tòng Thị Phóng hay một số nhân vật nào đó ở Bộ Chính trị, bên khối Đảng, thì có thể được đưa vào chức vụ Chủ tịch Nước.
"Nhưng mà tôi chỉ muốn nói rằng cái chức vụ đó, chức vụ Chủ tịch Nước hay Tổng Bí thư chỉ có ý nghĩa khi nào nó phục vụ cho người dân, phục vụ cho đất nước, chứ không phải nó 'đi ngược lại' quyền lợi của người dân và đất nước như trong suốt nhiều năm vừa qua."

Ông Trần Đại Quang (đầu tiên, trái) và các nhân vật khác trong nhóm 'tứ trụ' lãnh đạo Đảng CSVN, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam.

Trước đó, cũng Luật sư này trên một dòng trạng thái khác cùng trên trang FB cá nhân trên nêu quan điểm: "Nếu Ghế Chủ tịch nước trống. Tôi ủng hộ phương án hợp nhất Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước".

Trên đây là quan điểm riêng của người trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt. Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi phỏng vấn âm thanh với TS. Hà Hoàng Hợp và vào đường dẫn tiếp theo để theo dõi Bàn tròn Đặc biệt nhân dịp này của BBC Tiếng Việt.

----------------------------------

Tin liên quan














No comments:

Post a Comment

View My Stats